Sunday, November 22, 2020

Ông đồ làng

Nhanh thế đấy, vậy là con trai đã lên trung học rồi – lớp Mười, “tuổi gầm gừ” mới thoáng đấy mà dường như đã đi qua. Năm nay con vào trường mới, lớp mới, bạn mới và có thể gặp lại cả bạn cũ nữa. Thấy con trai hào hứng được vào môi trường “có vẻ rất văn minh” mà cả nhà cùng vui. Hôm họp phụ huynh, thấy các bác, các chú các cô bố mẹ bạn của con ai cũng bận rộn, thôi thì ba của Nhi Bá nhận “chức” trưởng ban phụ huynh của lớp để đỡ việc cho mọi người. 

Thời gian phi nhanh như chó chạy ngoài đồng, nhoắt cái đã gần ba tháng, lại đến ngày Nhà giáo 20 tháng Mười một, ba Nhi Bá lại phải cùng các cô bác trong Ban đại diện phụ huynh lo quà tặng các cô các thày giáo, và chuyện lo lắng từ trước đã đến. Tất cả các bố mẹ đều mong muốn ngoài quà tặng các thày cô, cần phải có thêm một cái phong bì với khoản tiền nho nhỏ thôi. Ba Nhi Bá thì không thích điều đó. 

“Năm nay con được học ở ngôi trường rất trẻ, mới bốn tuổi, các thày cô cũng rất trẻ, chỉ đáng tuổi con cháu của chúng ta. Tôi nhìn họ, thấy yêu lắm, như thấy tuổi trẻ của mình, trong sáng, đầy hoài bão, ước mơ được cống hiến cho xã hội. Mà bây giờ tôi vẫn mong muốn được cống hiến cho xã hội đấy. Khi nghe cô hiệu trưởng kể: các thày cô có người thổ lộ: cháu còn không biết trong tài khoản có bao nhiêu tiền lương nữa… mà cảm động. Thì đúng thật, các thày cô trẻ măng vừa ra trường, về nhà ăn cơm với mẹ, đi xe bus công cộng đến trường ăn trưa ở trường… cứ thế hết tuần, không biết có bao nhiêu tiền cũng phải.” 

Mình thổ lộ với các bố mẹ: con đến trường ngoài học chữ, còn phải học làm người nữa. Tại sao chúng ta lại làm hỏng đi sự trong sáng như tờ giấy trắng của những người đang tham gia dạy con chúng ta đó? 

Nhưng hóa ra nếu không có phong bì, thì các bố mẹ không tài nào yên tâm được. Mẹ bạn Khánh Giang thì thuyết phục: “Bác ạ, thật ra bây giờ mọi người cũng quen với nếp chung của xã hội quá rồi, nên thật sự không yên tâm khi thấy tất cả các lớp, lớp nào cũng làm như vậy.” 

“Có điều là tôi chưa biết phải nói với con trai như thế nào cô ạ…” Mình băn khoăn. 

“Em thì em sẽ giấu kín để khi nào con trai em lớn nữa, hiểu chuyện thì mới cho biết.” Mẹ Khánh Giang trả lời. Mình nghĩ, kể cũng có lý. 

Thôi thì cũng phải theo số đông, chứ ba Nhi Bá thiểu số, biết làm thế nào? May quá, có cơ hội gặp cô chủ nhiệm của lớp con trước buổi lễ và trong câu chuyện, mình không giấu nỗi băn khoăn của mình. 

“Tôi cứ gặp các thày cô là thấy mình ngày mới bước chân khỏi cổng trường Đại học, trong sáng, đầy nhiệt huyết. Bây giờ phải cùng tập thể phụ huynh làm việc này, thật quá áy náy, xin các thày cô thông cảm.” – đúng, mình nghĩ còn có một góc độ đó nữa – một mặt có thể ai đó sợ rằng không có quà cáp phong bì, các thày cô buồn thì mặt khác, mình lại mong các thày cô thông cảm cho cái “lệ” chung của xã hội đang trở nên quá quen thuộc ấy.

“Đầu tiên em xin cảm ơn ba Nhi Bá đã hiểu được cho chúng em, thật ra em và các thày cô cũng đều rất ngại khi phải nhận quà cáp đấy ạ. Tuy nhiên nếu tất cả các lớp đều làm như thế mà lớp mình không làm thì em cũng không biết tình hình sẽ như thế nào…” Cô giáo chia sẻ. 

“Vâng, thôi thì ta cũng cứ làm, vì một chút quà, không ai nghèo đi hay giàu lên vì chuyện đó cả. Điều quan trọng là các thày cô và các con yêu thương nhau, chúng tôi kính trọng các thày cô như thày giáo cô giáo của chính mình, thế là được rồi cô nhỉ…” 

***

Đúng ngày 20 tháng Mười một, Nhi Bá được nghỉ học, còn em gái Nhi Bôn thì vẫn đi học bù cho mấy hôm tập biểu diễn cho lễ kỷ niệm 15 năm “sinh nhật trường.” Ba và con trai lớn quyết định đem xe ô tô của mẹ đi kiểm tra, Nhi Bá giúp ba đảo vị trí các bánh xe rồi “quá bộ” chạy sang một làng bên Hưng Yên, rất gần thôi, gặp một bác “bạn Facebook” của ba. Mình kể cho Nhi Bá, bác ấy về hưu ở nhà, nhưng rất chịu khó dạy học, kèm cho các bạn trong làng. Nhi Bá cứ tưởng tượng bác như ông đồ làng, dạy cho trẻ con quanh xóm. 

Chính ý nghĩ này làm mình nhớ ra nhiều điều… Con có nhớ câu chuyện ba gặp lại thày giáo cũ của ba đã xa từ cách đây gần bốn mươi năm không? Hồi ấy bà nội con là cô giáo, nghèo như thế nào thì thày của ba cũng nghèo như thế. Đến nhà thày không thấy có gì đáng giá, thày sống thanh bạch như ông đồ làng ngày xưa, đến mức ai nhìn vào cũng ái ngại. Mỗi lần nhìn thấy cái dáng nhỏ bé, hơi gù gù của thày đạp chiếc xe cũ, ba lại thấy rưng rưng thương thày – cảm giác ấy bây giờ vẫn còn nguyên như thế. Học sinh bé nhưng rất tinh, không ai lừa được đâu con ạ. Ba có cô giáo đã từng mắng học sinh đến thăm cô, đi mua tặng những thứ “không thiết thực” như cây dừa làm bằng cuộn phim cũ, phù điêu vũ nữ bằng thạch cao… trong khi có những bạn khác biết mua nón mua cam… Những cô giáo đó đã để lại những vết thương trong tâm hồn con trẻ như thế nào thì những người thày thanh bạch lại để lại những thổn thức cho cả những người đàn ông tóc bạc nhiều hơn tóc đen mỗi khi nhớ lại những ngày thơ bé. 

Hồi đó ba cứ băn khoăn, là có cách nào để thày giáo của mình đỡ khó khăn hơn. Chắc chắn trong số học sinh của bà nội con, cũng sẽ có những bác, những cô chú… rưng rưng như thế, mong cô giáo có cuộc sống dễ chịu hơn. Nhưng những mũi khâu, những bông hoa, con bướm… thêu trên áo len bà nội con làm gia công, đã nuôi ba con khôn lớn, dù nghèo nhưng không ai chết vì đói cả. Bây giờ sau từng ấy năm, gặp lại Thày, ba nhận ra chính Thày đã chọn cuộc sống thanh bạch ấy, chứ không phải ai cũng đặt lên một tiêu chuẩn sống dư thừa về vật chất. 

Tất nhiên, cũng có những thày cô giáo giàu có vì dạy thêm, vì sắp xếp cho nhu cầu “chạy trường…” nhưng không phải là tất cả. 

“Con ạ, ngày xưa ông đồ làng dạy không bao giờ lấy tiền cả, mà cha mẹ của học trò có cái gì lại đem biếu thày, có khi chỉ là rổ khoai lang, cân gạo mới xát của mùa gặt… do đó bà đồ, vợ của thày ấy, là vất vả lắm. Nhưng hồi đó còn có lệ, Tết đến “mừng tuổi” thày một chút, cho vào phong bao đỏ đàng hoàng… Những khoản đó chỉ giúp cho thày đồ đỡ khó khăn hơn thôi con ạ. Bây giờ nếu ba cùng các cô bác trong tập thể phụ huynh có chuẩn bị một chút trong phong bì “gọi là” thì cũng y như vậy. Con để ý mà xem, các thày cô trường con có được phép dạy thêm đâu…” 

Con trai cũng có vẻ hiểu chuyện, gật gật đầu. 

Ba của con bây giờ cũng thế, chủ yếu dạy cho các con, bạn của con nữa, rồi viết sách, viết báo cho các con, cho các bố mẹ đọc… cũng khác gì ông đồ đâu… Mẹ con do đó vất vả hơn nhiều lần vì ba không kiếm được nhiều tiền. Ba cũng không nhận tiền của ai bao giờ cơ mà con, bây giờ nhuận bút sách báo được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu thôi, chẳng đáng kể so với cuộc sống bây giờ. 

Vậy đó con trai ạ, chợt ba nghĩ lại, mình cũng không nên quá cứng nhắc. Biết đâu trong số các bố mẹ bạn của con khi mong muốn chuẩn bị chút gì trong phong bì, cũng chỉ dám mong các thày cô đỡ khó khăn hơn trong cả cái thời đại kim tiền này. Và biết đâu trong số họ, có ai đó cũng rưng rưng nghĩ đến người thày, cô giáo thanh bạch ngày xưa? Ừ nhỉ, biết đâu đấy…

Bài trên Fanpage “Người lang thang cuối cùng” tại đây hoặc trên Facebook tại đây


No comments:

Post a Comment