Thursday, December 3, 2020

Rỗi hơi nói chuyện ông Trump

Hàng xóm nhà mình có truyền thống đặt “ních nêm” cho con cái bằng tên tổng thống Hoa Kỳ: Bin, Ô, và bây giờ mới xuất hiện “thằng Chăm” năm nay gần hai tuổi. Chẳng phải họ thần tượng gì mấy ông tổng thống Mỹ, càng không phải họ theo kiểu hồi còn chiến tranh đặt tên để… chửi cho sướng mồm. Kiểu đó phải đặt tên cho chó, thay vì Vàng, Mực, Vện… thì đặt là Kít, Giôn, Ních…

Thôi ta nói chuyện nghiêm túc tí nhé. Cậu bạn Facebook khen Trump “nhưng ông ấy là tỉ phú!” không rõ ý là thế nào, nhưng mình để ý rất nhiều người đồng hóa giữa việc có nhiều tiền với tài giỏi. Vậy ông Trump có tài giỏi thật không?

Kể ra cũng hơi kỳ quái khi với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” nhưng ông Trump lại áp dụng chính sách co rúm lại ở cái thời người ta đẩy mạnh xuất khẩu tư bản hơn bao giờ hết. Chúng ta hãy nhớ lại nước Mỹ thời đại công nghiệp hóa từ đầu thế kỷ 20 với những bóng đèn của Edison, điện thoại của Bell và ô tô T của Ford… và cũng đã từng trả giá về vấn đề môi trường. Từ đó đến nay nước Mỹ đã thay đổi quá nhiều: quá trình xuất khẩu tư bản được đẩy mạnh cùng với chính sách hỗ trợ cũng quá nhiệt tình từ Chính phủ, gần như ở đâu cũng có mặt người Mỹ, công nghiệp Mỹ, giá trị Mỹ. Các “điểm nóng” trên thế giới đều đánh dấu quá trình nước Mỹ bảo vệ quyền lợi của mình, dù có thể được thể hiện ra bên ngoài bằng những bức pa-nô như chống chủ nghĩa cộng sản hay chống… ba dòng thác Cách mạng (hi hi)…

Đến thế kỷ 21, có thể nói không ngoa rằng người Mỹ đã trở thành một “đẳng cấp người” khác so với người từ các nước khác, và cái vị thế này nó gây thèm khát trên khắp thế giới. Cũng không nói ngoa rằng, người Mỹ như ông chủ của thế giới, và dần dần dường như người các nước khác trở thành người làm thuê cho họ, phục vụ họ. Ông bạn mình xuất khẩu được vài “công” hàng sang Mỹ, rơi nước mắt khóc như cha chết, nhưng là khóc vì sung sướng. Hàng đã xuất được vào Mỹ như một vị thế đặc biệt không gì bằng, nó là thẻ bài đảm bảo thương hiệu cho hàng hóa của anh ghê gớm lắm.

Hãy cùng nhìn lại, cuối những năm 1970 sau cú “ngoại giao bóng bàn” hai bên Mỹ Trung ngầm định với nhau, Trung Quốc sẽ là công xưởng của thế giới, sản xuất phục vụ cho cả nước Mỹ lẫn thế giới; đồng thời với thị trường cả tỉ dân, sẽ là đích xuất khẩu các giá trị Mỹ, đầu tiên là hàng hóa, sau đó là văn hóa… Dần dần hàng hóa Mỹ cũng sẽ được sản xuất ở Trung Quốc, còn Trung Quốc sẽ sản xuất phục vụ nước Mỹ những hàng hóa nước Mỹ sẽ không thèm sản xuất nữa. Chiến lược này sẽ đạt được những kết quả sau:

– Trung Quốc sẽ lớn mạnh – tất nhiên, với từng ấy dân mà nghèo đói, thì là thảm họa cho thế giới và nước Mỹ sẽ không vô can.

– Trung Quốc sẽ là một bộ phận của thế giới, không thể tách rời khỏi thế giới, nhưng là thế giới do nước Mỹ cầm trịch.

Với chiến lược ấy, thì cho dù Trung Quốc có lớn mạnh đến mấy, vẫn nằm trong vòng cương tỏa của nước Mỹ, như về công nghệ, luôn luôn ở thế đi sau và thèm thuồng muốn ăn cắp, về văn hóa luôn muốn khống chế dân chúng không được thèm khát những giá trị văn hóa Mỹ. Nước Mỹ sẽ khống chế Trung Quốc không phải bằng cách đánh cho họ tơi tả, mà bằng cách luôn vượt lên phía trước.

Năm 2015, mình ở Trung Quốc một tháng và khi xem một đoạn quảng cáo ô tô Mỹ, đầu tiên họ quay một con sóc cứ chạy trong rừng ra đoạn đường có đèn đỏ, xe cứ phải đỗ lại và nó đặt vào dưới, phía sau bánh xe sau một hạt hồ đào. Đèn xanh, xe đề-pa chạy thụt lùi một cái mới vù đi, và bánh xe chèn nhẹ một cái, vỡ hạt hồ đào và con sóc nhặt lấy hạt phi lên cây chén ngon lành. Một ngày nó gặp chiếc xe khác, nó đề-pa chạy vụt mất mà không hề lùi lại một xăng-ti-mét nào – quảng cáo cho một loại hộp số tự động mới của xe Mỹ. Con sóc chưng hửng nhìn hạt hồ đào còn nguyên, rồi ngậm ngùi bê hạt về. Mình choáng vàng vì ê-kíp làm phim quảng cáo tại sao ý tưởng của họ lại có thể sáng tạo đến thế, và đến đây, dù chẳng biết nước Mỹ mồm ngang mũi dọc ra sao, mình hiểu thế nào là giá trị Mỹ: đó là sự sáng tạo, tự do phát triển cá nhân được đẩy đến mức tột cùng.

Vì thế mình không nghi ngờ rằng ông Trump ở thời nào đó cũng được sống, phát triển trong một môi trường như thế, ông cũng được khuyến khích phát triển sự sáng tạo và cũng không thể không khuyến khích sự sáng tạo ở người khác. Nhưng mình cũng rất ngạc nhiên rằng tại sao ông ấy lại bắt các nhà tư bản Hoa Kỳ phải rút sản xuất ở nước ngoài về - người Mỹ đang làm ông chủ sao lại bắt họ phải làm thuê như thế? Ở thời nay, khi công nghệ hiện đại, tự động hóa, lập trình hóa… đã ăn nhập sâu sắc vào quá trình sản xuất thì chuyển về Mỹ hỏi giải quyết được bao nhiêu việc làm, trong khi nước Mỹ sẽ lại quay lại với thời “Đại công nghiệp hóa?”

Nước Mỹ còn vĩ đại ở chính sách mở cửa cho tài năng khắp thế giới, nghĩa là việc ủng hộ cho sáng tạo đã đến mức cao độ, thì nay ông Trump lại hạn chế nhập cư – cái gì cũng có hai mặt của nó, có thể những nhiễu nhương do nhập cư mang lại là có, nhưng đó lại là cơ hội thể hiện khả năng hiệu quả của cơ quan công quyền Hoa Kỳ, còn những cái lợi của nhập cư mang lại thì cũng vô cùng to lớn, ông bỏ qua.

Về đối ngoại, chúng ta hãy nhìn lại thời kỳ chiến tranh lạnh: các đời tổng thống Hoa Kỳ mà cuối cùng là Reagan đã cố gắng giật sập hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu, mà trái núi cuối cùng là Liên Xô, nhưng không hình dung rõ được thế giới sẽ ra sao, mà chỉ sau này Putin mới rút ra được: đó là thảm họa cho an ninh khu vực và thế giới. Đúng, nó mở ra những cơ hội phát triển cho một số quốc gia, dân tộc, vùng lãnh thổ… nhưng nó cũng giải phóng luôn những vấn đề như chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố dựa trên tư tưởng dân tộc cực đoan… Tất nhiên, những tai họa này thì các nước trong vùng hứng chịu đầu tiên: Nga, Armenie, Ajerbaizan, Gruzia… nhưng chủ nghĩa khủng bố thì được xuất khẩu đi khắp thế giới. Sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất 1991, các đời tổng thống Hoa Kỳ cùng nước Mỹ dần dần thích ứng với bức tranh mới của thế giới, nghĩa là tình thế an ninh mới sẽ là cuộc chiến với chủ nghĩa khủng bố, các vấn đề của nghèo đói và môi trường sẽ dẫn đến những thảm họa mới: bạo lực, thiên tai… xung đột quân sự sẽ hạn chế ở mức nội chiến giữa các phe phái thông qua các cuộc chiến ủy nhiệm.

Hơn bao giờ hết, trong bức tranh toàn cảnh mới, nước Mỹ phải là người họa sĩ vừa tô vẽ, vừa bôi xóa các vết xước, vừa là người bảo tồn, bảo vệ không cho nó bị hư hại thêm… thông qua các tổ chức như NATO, WTO, hay sự hiện diện của quân sự Mỹ ở các điểm nóng trên thế giới. Mặt khác, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn,” bao đời nay cùng với sự có mặt cả về “giữ chân” lẫn “vốn liếng,” thì vũ khí Mỹ chính là cơ hội làm ăn cho tài phiệt quân sự Mỹ, tiền tài trợ cho WHO là cơ hội cho tài phiệt dược phẩm Mỹ… Ông Trump rút khỏi các thiết chế trên, đồng nghĩa với việc nước Mỹ mất đi biết bao quyền lợi. Khi thấy ông ta hành xử thế, mình đã nghĩ, không hiểu nhiệm kỳ sau ông ta sẽ tranh cử thế nào, khi mà tiền tranh cử, lobby… phần lớn từ túi của tài phiệt, và nếu họ mất đi quyền lợi đến thế, thì liệu họ có muốn Trump làm thêm một nhiệm kỳ nữa không?

Ai mơ Trump ở lại làm thêm nhiệm kỳ nữa thì cứ mơ, nhưng mình nghĩ hơi bị khó. Nhìn chung ông Trump có thể là tỉ phú, nhưng chỉ là anh buôn đất có bản quyền hoa hậu, chấm hết, còn về kinh tế kế hoạch, phải sang học quản lý cao cấp ở Học viện Nguyễn Phong Sắc may ra mới có lý luận được.

Tại sao họ lại mơ, đến mức cuồng ông này đến thế? Vì họ cho rằng ông ta chống Trung Quốc, mà chống Trung Quốc, có nghĩa ông ta là bạn của… Việt Nam. A, há há, vui tính thế! Vậy, câu hỏi một, ông ta có chống Trung Quốc không? Mình không cho là như thế mặc dù có thể về bề nổi, ông ta đang đánh thuế cao vào hàng hóa Trung Quốc, và gây ra cho sản xuất Trung Quốc một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên cũng có thể do ông này không phải là một nhà kinh tế (mặc dù có thể là tỉ phú!) nên cứ nghĩ hạn chế nhập siêu thì sẽ phục hồi được kinh tế trong nước – ơ hay nhỉ, một nền kinh tế có biết bao mặt khác nhau, anh chống chỗ này thì nó phình chỗ khác chứ, thời nào rồi còn ngăn sông cấm chợ? Thuần túy, ông ta chỉ muốn phục hồi kinh tế đất nước bằng phương pháp thô thiển, chứ chẳng có chống Trung Quốc ở chỗ nào cả.

Câu hỏi hai, ông Trump có chống được Trung Quốc hay không? Hãy quay lại với câu chuyện xuất khẩu tư bản ta nói trên đây – nếu như nước Mỹ co lại thì nó sẽ thúc đẩy quá trình xuất khẩu tư bản của Trung Quốc ra thế giới mạnh hơn bao giờ hết. Chúng ta đã chứng kiến làn sóng “khênh nhà máy” từ Trung Quốc sang Việt Nam như thế nào trong thời ông Trump, thì ở các nước khác cũng thế, thậm chí kinh khủng hơn nhiều. Chưa bao giờ có một tổng thống Hoa Kỳ lại giúp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhiều như Trump, theo thuyết âm mưu có thể cho rằng ông Trump là gián điệp Trung Nam Hải.

Về mặt chính trị bên trong Trung Quốc, với truyền thống tuyên truyền của họ, thì trò xử ép hàng hóa Trung Quốc là một cơ hội vàng để nhân dân lao động Trung Quốc nhìn r bộ mặt thật của con hổ giấy Hoa Kỳ, tên đế quốc, kẻ thù của công nhân nghèo bị áp bức trên toàn thế giới. Cũng chưa bao giờ nhân dân lao động Trung Quốc lại đoàn kết xung quanh Đảng cộng sản Trung Quốc như dưới thời “đồng chí Trump,” còn các đồng chí Trung Nam Hải vừa cười thầm một tay cầm loa pin vung khẩu hiệu, tay kia ngấm ngầm ủn đít doanh nhân Trung Quốc đi khắp thế giới.

Như vậy chúng ta có thể khẳng định, Trump không những không chống được Trung Quốc mà còn đưa cho Trung Quốc một cơ hội, tặng cho Trung Quốc một sức đẩy mạnh mẽ vào đít.

Về mặt địa chiến lược, chúng ta đã chứng kiến ông Trump hành xử trẻ con còn không bằng thằng cu Ủn ở Hà Nội “trung tâm hòa giải của thế giới,” cắp đôi dép tổ ong đi biến, báo hại bà chủ nhà phải đi chôn cỗ, thì ở những điểm khác của thế giới ông ta cũng hành xử kỳ quái y như thế: bắn tên lửa lịa ba ở Syria, tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan để… tiết kiệm tiền. Nhìn chung về địa chiến lược, ông Trump hành xử luôn luôn theo kiểu “éo yêu đứng dậy trả dép bố về,” mà là tổng thống Hoa Kỳ, không hành xử như thế được.

Bước sang thế kỷ 21 đã được hai thập kỷ, thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa hơn nữa, như Covid là một ví dụ, gương tày liếp. Nước Mỹ với vị thế của mình, sẽ phải hành động có trách nhiệm hơn với nhân loại, chứ không phải như trẻ con “bố éo thèm bịt mặt, cụ Covid cũng thua.” Nước Mỹ dưới thời ông Trump, rút khỏi Hiệp ước Paris về chống biến đổi môi trường, là một trong những hành động vô trách nhiệm nhất của “tau ba vạ Trump” (bavardeur – tiếng Pháp, tay ba hoa chích chòe).

Đến mức mà bà cụ bảy mấy tuổi nhà mình, còn nhận xét dưới thời ông Trump, nước Mỹ bị cô lập. Còn bên hàng xóm, “thằng Chăm” vẫn còn chưa bỏ được bỉm, dù nó đã gần hai tuổi…

Bài trên Fanpage tại đây hoặc Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment