Wednesday, December 9, 2020

Vụ cô bé tự tử ở An Giang: chúng ta hiểu trẻ con đến trường như thế nào?


Xin báo cáo trước là bài này rất, rất dài, là sự thử thách tính kiên nhẫn của người đọc. Bác nào sốt ruột bỏ qua luôn đi khỏi đọc.
 

Sau khi viết đôi dòng về chuyện cô bé lớp 10 tự tử ở An Giang, rất thú vị có một cậu bạn cũ từ thời trung học vào bình luận làm tôi nhớ ra “case” của chính cậu ta. Câu chuyện bắt đầu từ năm học lớp 10 khi bước chân vào trung học, cậu ta cùng một bạn gái nữa trong lớp được thày giáo dạy Anh văn cực kỳ chú ý, có thể nói là ưu ái… vì hia bạn học tiếng Anh rất giỏi (sau này cả hai cùng theo nghề chuyên ngoại ngữ tiếng Anh). Tôi nhớ năm lớp 10 đó, tôi, cậu ta cùng vài bạn nữa trong lớp còn lên trường Hà Nội – Amsterdam để thi học sinh giỏi, tôi thi toán còn anh chàng thi tiếng Anh. 

Năm chúng tôi học lớp 11, không hiểu sao lại nảy nòi ra một chuyện là anh chàng chĩa mũi dùi vào thày giáo tiếng Anh. Cá nhân tôi không nhận ra ở thày có thái độ gì đặc biệt gì với thày hay không – kiểu như trù dập ấy mà, nhưng chắc là không. Tuy nhiên thái độ của cậu ta thì thật không ổn một chút nào: chơi trò gán ghép, “chế” nhưng không phải giữa hai bạn bình thường mà ghép thày tiếng Anh với cô bạn giỏi tiếng Anh kia. Ngay cả việc thày có cảm tình gì đó đặc biệt cho bạn gái kia hay không chúng tôi cũng không nhận ra, và theo dư luận của anh em trong lớp thì đây chỉ là một trò đùa trẻ con. Đáng tiếc là nó lặp đi lặp lại, với những câu châm chọc ngày càng dày hơn và diễn ra ngay trong tiết học, thu hút được những tiếng cười hỉ hả vô ý thức của lũ học trò trẻ con. Giọt nước tràn ly sau một thời gian bị châm chọc kéo dài hàng tháng – tôi vẫn còn nhớ thời khắc ấy – thầy giáo tiếng Anh mời anh bạn đứng dậy và với giọng rất nhẹ nhàng khiển trách, có thể có đôi chút châm biếm, sau một câu châm chọc như thường lệ của anh bạn. Lúc đó tôi ngồi ở bàn thứ hai từ trên xuống, ở dãy thứ hai, cậu ta ngồi bàn cuối dãy thứ nhất, nên chỉ cần ngoái đầu lại qua vai trái là nhìn thấy cậu ta. Sau khi bị khiển trách, cậu ta đứng đó, cặp mắt đằng đằng sát khí, đầy thù hận, bàn tay nắm chặt nhìn thày, đúng theo kiểu trẻ con chuẩn bị đánh nhau, nhưng ở đây thì cậu bạn đã là một chàng trai cao lớn, lúc đó đã khoảng hơn một mét bảy mươi và rất to khỏe (cậu ta tập võ đã lâu và rất giỏi võ). Tôi không nghi ngờ là thái độ của cậu ta hoàn toàn có tính chất đe dọa và sẵn sàng “ăn thua đủ” với thày giáo. Ngược lại đến lúc đó thì thày giáo tiếng Anh lại rất ngán ngẩm và mời anh bạn ra khỏi lớp, vậy thôi. Sau đó thì câu chuyện đương nhiên lên đến thày chủ nhiệm và Ban giám hiệu, và những gì diễn ra thì chỉ cậu ta mới có thể kể cho chúng ta biết thôi: chỉ thấy bố cậu bạn vài lần đến trường gặp thày chủ nhiệm, thày hiệu trưởng và cả thày giáo tiếng Anh và cuối cùng thấy anh chàng lại quay lại lớp để học, cũng như thày tiếng Anh vẫn tiếp nhận cậu học trò “quý hóa” như chưa có gì xảy ra. 

Chỉ thấy ông bạn thân rất chín chắn của tôi, sau vài năm khi chúng tôi đã học đại học, bình luận về câu chuyện: thày Thanh (tên thày tiếng Anh) đã rất độ lượng với M. Thày cư xử người lớn, không chấp chuyện trẻ con, nhưng tôi tin là ngay trong năm học đó và cả năm lớp 12, có những vết thương trong lòng hai người khó lành ngay được. 

Ngược lại năm học trước, một cậu bạn khác của tôi cũng có một trò nghịch cực kỳ vớ vẩn: cô giáo dạy sinh vật vốn hiền, không giữ được trật tự của lớp và trong cái chợ vỡ đó, anh bạn của tôi thổi cái máy bay giấy bạn nào để trên bàn, bay xuống đất. Ở trong trạng thái căng thẳng tột độ, cô lôi tuột anh bạn về phía bàn giáo viên, trừng trị ngay lập tức vì tội… phi máy bay giấy trong lớp. Chuyện cũng đến chỗ thày chủ nhiệm, và ban giám hiệu, cũng lại thấy bố của bạn đến trường vài lần và cuối cùng không hiểu sao anh bạn chuyển sang một trường khác. Tôi không nghĩ đây là biện pháp xử lý kỷ luật vì trường anh bạn chuyển sang còn “danh giá” hơn trường chúng tôi đang học – chắc đó cũng là cái cớ để gia đình bạn đi đến quyết định. Cũng năm này có một anh bạn khác trong lớp, chỉ nói đùa một câu mà trong đó gọi cô giáo là “bà ấy” cũng bị kỷ luật lên bờ xuống ruộng. 

Còn với tôi thì khỏi nói: tính tình hay phát ngôn bừa bãi, nói lung tung ba vạ, nên hết bản kiểm điểm này đến bản kiểm điểm khác. Điều đáng nói là thái độ của gia đình tôi cũng hết sức khủng khiếp, đặc biệt của bà mẹ tôi. Gần như tất cả những “vấn đề” của tôi bà đều cho rằng đó là hết sức ghê gớm. Ngược lại từ phía các thày cô giáo, không hiểu sao bất cứ những biểu hiện hết sức trẻ con thì bao giờ cũng bị “nâng cao quan điểm” thành những chuẩn mực đạo đức bị vi phạm. Tôi nhớ có lần cô giáo dạy sử giảng về lịch sử thế giới khi hai hạt An-giát và Lo-ren-xơ bị cắt cho nước nào đó, tôi nhe răng ra cười và nhắc lại, đúng lúc bị “bà sử” nhìn thấy mình “cười đểu” và xích cổ ngay lập tức. Tội lỗi được quy cho tôi là những suy nghĩ đầy đen tối trong đầu về những điều tục tĩu (mà thú thật mãi đến sau này khi học đại học tôi vẫn còn cực kỳ mù mờ về những khái niệm “tục tĩu” này.) 

Tất cả những chuyện trên, được đặt trong một mối quan hệ với thày chủ nhiệm mà đến bây giờ tôi vẫn cho rằng thày rất không bình thường. Có lần thày nói trước lớp dù không nêu rõ tên: tôi nhận thấy ở lớp có những biểu hiện sao nhãng học tập, có bạn gái trong một tiết học của tôi đưa tay vuốt tóc đến sáu lần. Tất nhiên những biểu hiện như thế này không thoát được khỏi việc thày mời gia đình đến nhắc nhở và gia đình cũng ô tô ma tích hành hạ con một trận to. Những quan niệm đó thực sự ấu trĩ, ấu trĩ kinh khủng chứ không phải vừa. Mãi đến cách đây cỡ gần chục năm, đi hội trường gặp lại thày, tôi cũng nói rằng, nếu bây giờ thày vẫn giữ cách đó để dạy dỗ học sinh trong thời đại mới, thì học sinh sẽ không nghe thày và nổi loạn. 

Chỉ khi đi dạy cho chính bọn trẻ con, tôi mới nhận ra công việc của cô giáo, thày giáo nó khó khăn như thế nào. Một nhóm trẻ biết bao cháu với bao nhiêu tính cách khác nhau, cháu thì cậy răng không nói được một lời, cháu thì mình chưa nói nó đã nói trước, thậm chí nói rất vô ý thức, hoàn toàn có thể hiểu là châm chọc hoặc đùa láo toét được. Rất may, tôi chỉ là “người qua đường” dạy cho vui, dạy những cái ở ngoài chương trình học của nhà trường và cách tiếp cận cũng vui vẻ để luôn cuốn chúng nó, nên coi tất cả những chuyện đó là cơ hội để có một không khí hào hứng trong nhóm làm việc. Đến đây chúng ta có thể nói rằng, dần dần cách tiếp cận của giáo viên sẽ phải khác đi: không phải lúc nào cũng cần duy trì một bầu không khí chăm chú đến mức căng thẳng trong lớp khi mấy chục học sinh là mấy chục trạng thái tâm lý khác nhau. 

Trong bản thảo cuốn “Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu” sắp xuất bản, tôi có viết: không có trẻ em hư, mà nó hư khi những hành vi của nó vi phạm những chuẩn mực của cá nhân chúng ta. Chúng ta có thể coi đó là những câu đùa vô ý thức, nhắc nhẹ một câu cũng xong, mà nâng cao quan điểm cho rằng đó là những biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, thì nó thành to chuyện. 

Năm con tôi học lớp 7, cháu gặp một cô chủ nhiệm và cô kể về một trường hợp cô dạy đã lâu, và tôi nghĩ cháu này đúng y như mình. Cô kể rằng cháu rất hoạt ngôn, thậm chí nhanh quá, thể hiện đầu óc rất sắc bén và khả năng phát triển ngôn ngữ cao đâu đó trong… não bộ, hi hi. Bất kỳ một vấn đề gì, một câu nói của giáo viên cậu ta đều có thể có ý kiến và bình luận ngay lập tức, thậm chí chưa nói hết cậu ta cũng đã nói xong. Cô biết với trường hợp như thế này thì không thể làm gì được vì đầu óc cậu ta quá linh hoạt, chỉ có cách cố gắng thu hút vào hoạt động thực sự mới ăn thua, ngược lại cô lại khuyến khích chính những khả năng đó của cậu ta và hướng chúng tới những hoạt động có ích: làm MC cho các sự kiện của trường, và cậu bé ngày càng tỏ ra có năng lực. Câu chuyện kết thúc có hậu: sau này chú bé vào làm nghề truyền thông hay quan hệ công chúng gì đó và rất thành công. Tiếc rằng những cô giáo thực sự là nhà sư phạm như thế này, không nhiều, thậm chí trên toàn thế giới chứ không hẳn chỉ ở Việt Nam. 

Quay lại câu chuyện của cô bé tự tử ở An Giang, tôi thấy có hai luồng thông tin trái chiều: báo Tuổi Trẻ thì thông tin nào là “mặc áo mỏng lộ nội y” “dùng điện thoại ghi âm cô giáo…” còn có những thông tin từ mạng xã hội “nhà trường yêu cầu học thêm 5 môn nhưng chỉ học tiếng Anh nên bị trù dập…” Tiếc là ảnh của cô giáo cũng bị bêu lên mạng xã hội và bị bình luận theo hướng rất tệ là “mặt con này thế nọ thế kia…” Chúng ta hãy tạm dừng ở đây đã nhé. 

Hãy nhìn lại những hành xử của chúng ta từ thời trẻ con xem: hoàn toàn không hiếm những trường hợp trẻ con tìm cách gây lo lắng cho người lớn để khỏa lấp, làm giảm nhẹ… những lỗi lầm của mình, mà phần nhiều những lỗi lầm đó có tính chất lặp đi lặp lại không chỉ diễn ra một lần, cuối cùng thì một hành động tiêu cực được thực hiện để giải quyết vấn đề. Tất nhiên – lỗi lầm chủ yếu thuộc về người lớn, chứ không phải nằm ở trẻ con: thày cô giáo một phần lớn trong phạm vi nhà trường và gia đình một phần cực lớn trên bình diện quan hệ của đứa con với toàn xã hội. 

Chúng ta thử tưởng tượng, một cô gái đến tuổi mới lớn, đương nhiên là có nhu cầu làm đẹp – nhưng lại cứ lên giọng là vuốt tóc ít thôi, thì nó có nghe được không? Chắc chắn là không. Nhưng làm thế nào để cháu nó thực sự bớt số lần vuốt tóc để tập trung vào học tập lại là cả một nghệ thuật. Con tôi thì còn phải dạy nó mỗi lần gội đầu xong, đằng nào cũng sấy khô tóc thì sấy như thế này, sẽ đẹp hơn… nhưng sẽ có những cháu mất nhiều thời gian vào chuyện chăm sóc bề ngoài. Tất cả những điều đó là bình thường, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi muốn thu hút sự chú ý của những người xung quanh, trong đó bạn khác phái rất quan trọng. Có mà đầu tóc bù xù, ăn mặc bẩn thỉu mới là vấn đề thì có. 

Vậy con chúng ta đến trường để làm gì? Để học chứ để làm gì, hỏi dốt. Đúng, nếu bố mẹ nào cũng có thể dạy con, hoặc con nào cũng có thể tự học, thì không cần trường học trên toàn thế giới. Tuy nhiên đến trường không chỉ để học chữ, đây là một hiểu sai tai hại của rất nhiều bố mẹ, đáng tiếc là ở bố mẹ Việt Nam, số người hiểu sai này chiếm gần như tuyệt đối đa số. Ngay từ khi con ở cuối mẫu giáo đã học chữ, rồi nung nấu trường này trường khác, chạy trường như ma ra tông… đã thể hiện rõ họ sai lầm rồi. Sai lầm tiếp theo, là họ tưởng tượng ra con đến trường là nhà trường ô tô ma tích dạy con họ thành ngoan, còn ở nhà thì họ muốn làm gì thì làm. Xảy ra tình trạng phổ biến: vứt con cho nhà trường, con có chuyện gì ở trường mang về nhà: đóng tiền này tiền khác, lớp học thêm, quan hệ với thày cô bạn bè… sẵn bực dọc công việc đời thường xã hội, họ xả thêm một trận trước mặt con cái… và cứ thế: bức tranh trước mắt con cái họ về môi trường chính cái lớp trường mình đang học, xám xịt, chỉ muốn chuyển đi chỗ khác để học. Đó không phải là cách thể hiện thái độ đúng đắn và tôi không nghi ngờ rằng nó là một trong những nguyên nhân khiến người ta cho con chuyển trường. Trường nào lớp nào, thì quan trọng là thái độ của bản thân mình và con mình chứ không phải của thày cô giáo hay nhà trường. 

Thằng con tôi hiện nay đi học cũng đầy khuyết điểm, như… nói lung tung, tất nhiên so với “sư phụ” tức ông thân sinh ra nó, còn xách dép, nhưng tôi cũng không nghi ngờ là nó cũng thuộc loại rất khá… Mỗi lần tôi đi họp phụ huynh là nó lo, rằng thày cô giáo sẽ mách tội nó, và nó rất ngạc nhiên: nếu thày cô giáo có nói thì cũng với thái độ tích cực và bản thân tôi cũng nhìn nhận những đặc điểm đó của con là ưu điểm. Hoạt ngôn à, tốt chứ sao… tất nhiên con nên chú ý khi thày cô cần lớp trật tự thì đừng có nói luyên thuyên là được. Tôi cũng chẳng có ý định ép con phải sửa chữa kỳ cùng làm gì, gớm, chính mình cũng có sửa được quái đâu mà ép nó. 

Từ cái hiểu sai là “đến trường để học chữ” mà người ta hiểu sai: kiến thức là mục đích của giáo dục. Đây không chỉ là hiểu sai mà còn là sai lầm nghiêm trọng, nó dẫn đến tệ nạn (đúng là tệ nạn) học thêm tràn lan, liên miên trên bình diện toàn xã hội. Cái sai lầm này có ở không chỉ phụ huynh mà ở chính các thày cô, kể cả gần hết các thày cô đang dạy con tôi hiện nay – mà suy cho cùng thì các thày cô cũng là phụ huynh kia mà? Vì hiểu “kiến thức là tất cả” trong quá trình giáo dục nhà trường, nên chúng ta sa vào cái bẫy học thêm không biết bao giờ thoát được ra. Một lớp có mấy chục học sinh, tôi thấy phụ huynh nói không với học thêm, đếm trên đầu ngón tay, còn thì phần lớn cứ thấy cô giáo ca thán: con học yếu môn này, môn kia… là cuống lên tìm đến giải pháp học thêm, sai cực kỳ sai luôn. 

Thứ nhất, chuyện con học yếu môn này môn khác… là hết sức bình thường. Chúng nó cũng như chúng ta, có phải là thánh đâu mà học cái gì cũng giỏi. Thứ hai, cứ thấy học yếu là đi học thêm, thủ tiêu ngay lập tức khả năng tự tìm chỗ yếu và khắc phục điểm yếu, khắc phục khó khăn của con. Và quan trọng hơn cả, tôi sẽ giải thích tại sao kiến thức không phải là mục đích của giáo dục: học tập là quá trình diễn ra cả đời, cho đến lúc chết, do đó thời gian đến trường là thời gian rèn luyện thói quen và phương pháp học tập, không phải nhồi thật nhiều kiến thức. Đồng thời, kiến thức là cái liên tục bị lỗi thời, nên việc trang bị thái độ “mở” sẵn sàng nhìn nhận cái cũ để loại bỏ và giữ lại, tiếp nhận cái mới là rất cân thiết. Do đó tốt hơn cả là trang bị phương pháp và thái độ tiếp nhận, không phải là “Cách mạng tư sản Pháp diễn ra năm 1789.” Cái đó lên mạng hỏi Gu-gờ phát ra ngay. 

Khổ cái cả bố mẹ và thày cô đều hiểu kiến thức là mục đích chủ yếu của giáo dục, và đặt học thêm là phương thuốc màu nhiệm, nên học thêm mới “lên ngôi” như hiện nay. Chỉ cần bố mẹ nói không với học thêm câu chuyện đã khác đi rất nhiều rồi. Sau đó là quan niệm về mục đích của giáo dục, kiến thức ở đâu trong số những chuyện đó, thì quá tốt. 

Năm nay con gái tôi lên lớp Sáu, các cô ở trường vẫn nhắn là có tham gia lớp học thêm hay không – tôi đã lịch sự trả lời, cảm ơn vì gia đình đã có những định hướng khác cho con nên xin không tham gia học thêm. Đến đây chắc chắn sẽ có những ý kiến cho rằng, ở trường công chẳng hạn nếu không học thêm sẽ bị gây sức ép, trù dập… Và tôi cũng đã từng tưởng tượng nếu con tôi ở vào hoàn cảnh ấy thì ra sao. Thậm chí, tôi tính rằng nếu có bị ép học thêm, tôi cũng sẽ đến… đút lót cô để con không phải đi học thêm với lý do cháu bị… thấp khớp chạy tim hoặc động kinh, cô mà ép nó học căng quá nó lăn ra sùi bọt mép là cô đền ốm. Tôi cũng không loại trừ những trường hợp diễn ra trên thực tế: thày cô cố tình “ra đề đểu” để hạ gục một số “phần tử bất hảo” trong lớp, buộc chúng phải đi học thêm. Năm lớp 10, tôi gặp một thày dạy toán như thế: thày mở lớp học thêm ở nhà, và nhóm các bạn trung bình về toán ở lớp đến học, còn “bọn ê-lít” đi học thêm luyện thi đại học ở các lò luyện, không chịu đến. Liên tục 3, 4 bài kiểm tra thày cho đề chỗ thì giấu dữ kiện này, chỗ thì bẫy với những bẫy hết sức thô… làm đo ván hết tất cả các “hảo thủ lò luyện.” Chuyện đó diễn ra vài lần và chúng tôi, lũ đi luyện lò đã biết thóp ông thày, càng ngày càng “quái” hơn và né qua được hết những chiêu trò của cụ, không những thế tôi còn đề nghị thày công khai việc tại sao lại đánh bẫy một cách phản khoa học như thế, nếu không làm rõ được tôi sẽ xin gặp hiệu trưởng. Câu chuyện kết thúc ở đó, ông thày không bắt đi học thêm nữa và cũng không tiếp tục đánh bẫy. Về phần tôi, chấp nhận không thèm kiện cáo đòi cho kiểm tra lại, xoay xở tìm cách gỡ mấy điểm kém thậm chí cuối năm tôi còn đạt điểm cao có hạng của khối về môn toán. 

Vì thế, nếu con tôi có gặp hoàn cảnh tương tự, tôi tin bản thân và các con đều có thể xử lý được vấn đề. Quay lại với câu chuyện con gái tôi – không học thêm đương nhiên là “gãy cầu” với mấy điểm kém và đó chính là cơ hội để cháu vượt lên, như bố cháu đã từng vượt lên ngày xưa. Hiện nay cháu vẫn đang phải chiến đấu để gỡ mấy điểm kém rơi vào bài kiểm tra trong hai tháng đầu năm học. Mẹ cháu thì bảo: cái gì chưa biết thì khó, biết rồi thì dễ, nên trước tiên mình phải tự khắc phục cái đã. Con xem lại bài cô chữa, chỗ sai thuộc vấn đề gì, dựa vào lời giải của cô trước, chưa hiểu hỏi tiếp bạn bè, chưa rõ nữa lên mạng internet… cuối cùng mới là sự tham gia của bố mẹ, kiên quyết không học thêm. Từ hôm đó nhìn cô bé nỗ lực phi thường mà thương, nhưng cuộc đời là như thế - học tập cũng là một phần của cuộc sống. Điểm số, kiến thức không quan trọng, mà quan trọng là sự rèn luyện, trui rèn cho những thử thách trong tương lai. 

Do đó, chúng tôi không sợ chuyện trù dập. Vì một số lý do, tôi kiên quyết không dùng Zalo, trong khi hầu hết toàn xã hội này dùng và cô giáo chủ nhiệm của con cũng dùng để thông tin cho phụ huynh. Ngay những ngày đầu tiên, cô gọi điện và hỏi “tại sao anh không dùng Zalo?” tôi cũng rất lịch sự giải thích vì lý do bảo mật, khách hàng yêu cầu không được dùng mà dùng thêm thiết bị khác thì tôi không muốn. Cô hỏi tiếp: “Vậy thì làm thế nào thông tin đến gia đình kịp thời những yêu cầu học tập của trường và lớp?” Tôi đành trả lời: xin cô cứ sử dụng những phương tiện theo quy định của nhà trường: email, tin nhắn điện thoại, nếu có gì thắc mắc tôi sẽ gọi lai nói chuyện trực tiếp. Còn về “kịp thời” thì xin phép cô, nếu hôm nay gia đình chưa kịp biết thì mai sẽ biết… Cũng không thành vấn đề đâu ạ. Tất cả những thiết yếu nhất là chuẩn bị bài vở cho ngày mai thì nhà trường đã nhắn tin trên hệ thống đại trà toàn trường rồi, như thế là quá đủ. Thái độ này của tôi rất dễ dẫn tới sự mất cảm tình của cô giáo với con – nhưng chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tâm lý và cách hành xử cho trường hợp này. (1) Không có ai trù dập con cả, nếu như tâm trạng và thái độ của con luôn luôn mở và bồi bổ cái gốc yêu thương. (2) Nếu cô giáo có khắt khe với mình, thì là cô mong điều tốt cho mình. (3) Nếu cô có lỡ lời nói gì nặng, thì đó là vấn đề của cô, cô cũng có những lúc bực bội “nóng trong người” và xem lại điều (1), không được để mất trong tâm mình lòng yêu thương dành cho người khác, kể cả người “hình như, tưởng chừng như” đang thù ghét mình. 

Vì thế khi con gái tôi chuẩn bị bước chân khỏi trường tiểu học, gia đình đã sẵn sàng mọi tâm lý và cách ứng xử nếu phải chọn cho con một trường công – thì ngày xưa bố mẹ nó cũng đã từng học chán ra ở trường công kia mà, có phải rơi xuống từ trên trời đâu? Nếu ai đó nói là còn áp lực điểm số, nhỡ hỏng mất năm học đó của nó với cái học bạ xấu – thì xin nói rằng cuộc đời này hoàn toàn không biết thế nào mà tính trước cả. Cái anh bạn học cùng tôi kết thúc lớp 12 với cái học bạ điểm số xấu không thể tả, ra trường đi học lái xe nhưng cặm cụi mua được xe tải, rồi hai, ba xe tải, rồi mua thêm xe khách và bây giờ là cả giàn xe cả tải lẫn 45 chỗ đời mới nhất có đến 7 tỉ đồng một cái… Quan trọng là chúng ta trang bị hành trang gì cho con trước khi bước vào cuộc đời, mà điều đầu tiên là thái độ với cuộc sống, chứ không phải cuốn học bạ. Các con ạ, cùng lắm là các con đi học nghề, nơi người ta đánh giá khả năng của các con không phải ở bảng điểm đẹp, mà sự chăm chỉ, thái độ trách nhiệm, khả năng xử lý vấn đề và tay nghề khéo léo. 

Vì thế một trong những biện pháp tiêu cực nhất của bố mẹ và cả con cái, là chuyển trường cho con. Tôi thì theo “chủ nghĩa cân tuốt” – điều gì cũng có thể là cơ hội, sợ gì mà không “đương đầu” mà xử lý cơ chứ. Chữ “đương đầu” tôi viết trong ngoặc kép, vì không nó không phải là gây xung đột ra xung quanh, mà trước hết là tìm những vấn đề với chính bản thân để giải quyết, còn với môi trường xã hội xung quanh, quan trọng là học được một chữ “hòa,” không ai thắng ai mãi được, đại tôn sư cũng đến lúc già yếu thằng bé con dẩy cái là ngã, tốt hơn cả là học cách hòa hợp với mọi thứ, sống thuận với mọi thứ. Chúng ta cần hình dung, cả cuộc đời này, cái huỵch một phát hợp ý ta ngay, cực kỳ hiếm, còn hầu hết là không thuận lòng vừa ý, và cũng hầu hết là chúng rất khó cải tạo hoặc cải tạo thì giá phải trả cực kỳ lớn. Thậm chí ngay cả các thành công chúng ta có được hiện nay như nhà cửa, tiền của, địa vị… nó cũng là kết quả của những sự hòa hợp rất lớn, cái chúng ta tưởng chúng ta cải tạo được, thực chất là những nỗ lực để hòa hợp với nghịch cảnh. Chẳng qua chúng ta chưa biết về chữ “hòa” và tầm quan trọng của việc đặt nó lên vị trí xứng đáng trong tâm mình mà thôi. 

Vậy con chúng ta đến trường để nhà trường dạy chúng thành người như thế nào? Mặc định là những người thày cô như cô giáo của con tôi cực hiếm, hầu hết là những người thày người cô đang phải vật lộn với trên ép xuống, dưới ép lên… đủ các áp lực: nguồn thu từ học thêm đâu, thu bảo hiểm y tế đâu, xây dựng vật chất đầu năm đâu… mỗi cô thày có đến mấy chục đứa, đến chúng ta có hai ba đứa lắm lúc đã lộn dzuột bỏ mẹ nữa là các thày cô. Con chúng ta đến trường, thày cô chú ý được những biểu hiện hay đẹp khó lắm, nhưng những cái biểu hiện “bị coi là” hư, hỗ, quậy phá… nó nổi luôn lên trên. Khi con chúng ta có những hành vi như thế thì thày cô, nhà trường túm cổ lại, xử lý, thế thôi, chứ mong gì họ ngày nào cũng ngọt ngào nói với con chúng ta trong suốt mấy năm? 

Hôm trước thằng con tôi nó hỏi: các bạn đi xe máy ngoài đường dù chưa đến tuổi, rồi vi phạm pháp luật giao thông… thì là ở ngoài trường chứ, sao nhà trường xử lý được? Đúng, đó là những điều nằm ngoài phạm vi của nhà trường, dù cũng đã có lúc ở đâu đó chính quyền yêu cầu nhà trường phải có biện pháp tác động mạnh vào vấn nạn này, và đã có thày hiệu trưởng ra đứng ở cổng trường để “soi” xem bạn nào đi xe máy, bạn nào đã đến tuổi đi xe máy nhưng lại không đội mũ… đó là những biện pháp hết sức cơ học và không có tác dụng, cho chính quyền ép chứ thày cũng biết thừa tính vô tích sự của nó. 

Vậy thì nhà trường chỉ làm được mỗi việc, là bảo rằng “con ơi, đi ra đường thì đừng vi phạm pháp luật giao thông” chứ chẳng làm gì hơn được. Con nào ăn mặc trong trường không đúng quy định, thì xử lý. Con nào hút thuốc, xử lý… Ơ, thế ở đâu ra xe máy, thậm chí trên 50cc để chúng nó đi? Là chúng ta, bố mẹ chúng, đưa cho chúng nó đấy. Mỗi buổi sáng đứng ở cổng một trường trung học gần nhà, mà thấy lòng rất buồn: hầu như đi xe máy, và cũng hầu như vi phạm pháp luật: đi xe trên 50cc, không bạn nào đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều… tất cả những điều đó, diễn ra ngoài nhà trường, và tnh thuộc về ai? Lại có những ý kiến bảo rằng, mỗi tuần chỉ có một tiết đạo đức, thì chẳng bao giờ đủ. Giờ đó thật ra là giờ sinh hoạt, là lúc chia sẻ tâm tư của thày cô với học sinh, chứ không phải giờ lên lớp về chuẩn mực đạo đức. Chuẩn mực đạo đức nó nằm ở cách hành xử của người lớn chúng ta, tất cả chúng ta, không phải là trách nhiệm của riêng ai: bố mẹ đầu tiên, sau đó là những người xung quanh, và thày cô… Xin nhớ chính chúng ta ở nhà là bố mẹ, ra đường với bố mẹ bạn khác là “những người xung quanh” và hành xử của chúng ta cũng chính là biện pháp giáo dục với con mình và các cháu khác nữa. Chúng ta hành xử vớ vẩn: đi đường thì tranh cướp, không tôn trọng pháp luật, vứt rác xả rác, xây nhà xả bụi, gây tiếng ồn, công việc thì sểnh ra cái tìm cách trốn thuế, đút lót, hối lộ, về nhà ăn hối lộ, chửi đối tác, đồng nghiệp, chửi sếp trước mặt con cái… tất cả những cái đó, là giáo dục. 

Bây giờ là lúc nói đến mục đích của giáo dục: nếu không phải là kiến thức, thì là cái gì? Mục đích của giáo dục là phải cho ra những sản phẩm tốt, những con người hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây không phải là tiền của, vợ đẹp con khôn, nhà lầu xe hơi… không phải ai cũng sẽ thành công về những góc độ đó, mà hạnh phúc là ở từng phút giây con người phải tìm thấy sự thanh thản. Cô giáo ở An Giang sai hả? Đúng rồi, hành xử thế là không đúng, như những trường hợp ở rất nhiều nơi trên cái đất nước này, vậy trước hết ta nhìn thấy sai như thế, ta phải tránh cái sai cho ta, bằng cách tự xây dựng cho mình những suy nghĩ và hành xử đúng đắn và quan trọng hơn cả, là khoan hòa. Đòi băm vằm cô giáo và toàn ngành giáo dục, không giải quyết được vấn đề, đặc biệt không hay ho gì cho bản thân cái tâm chúng ta và cả con cái chúng ta: với tâm thức đó, không dạy con trở thành người khoan hòa được. Mà đã không khoan hòa được, thì con chúng ta cả đời không yên ổn hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây phải là thứ hạnh phúc nội tại, từ tận từng tế bào thần kinh của mỗi người. 

Xin nhớ rằng, nhìn thấy cái sai mới là hạt cát, hành xử như thế nào trước cái sai, là trái núi, và khó như trèo lên núi. Còn tự trang bị cho mình cái phẫn nộ, vứt cái khoan hòa đi, thì là từ chối trèo lên núi mà nhảy một phát xuống vực. Đó là sai lầm khoác cái vỏ “giáo dục.” Chắc chắn sẽ có những người phẫn uất mà hét lên: đừng đem thái độ ru ngủ đó thuyết phục bọn tao! Bọn tao là phải đấu tranh đến cùng, đập vào mặt cho chúng nó biết! 

Bây giờ ở vào cái thời của mạng xã hội, nhiều người thích “đấu tranh” bằng cách “thể hiện thái độ” kiểu đó lắm. Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt – mặt tích cực: không có mạng xã hội sao chúng ta biết được rất nhiều chuyện ngóc ngách, mặt trái… nhưng cùng nhau trang bị những thái độ đúng đắn lại là một chuyện rất khác. Quan sát thái độ của cộng đồng mạng nói chung, tôi thấy một điều thú vị là mỗi khi có chuyện là ầm ào hết cả lên, rồi nhiều khi là vụ việc vì ầm ĩ quá nên được coi là án điểm, xử nghiêm… đó cũng là một tác dụng tích cực. Thực chất, sự việc nó được xử lý như thế là do tốc độ lan truyền của thời công nghệ thông tin thế giới phẳng đét “nhiều người biết,” chứ không phụ thuộc vào thái độ phải phẫn nộ hay đòi chém giết của mỗi chúng ta. Do đó, nếu thích thì cứ bàn luận thoải mái, nhưng nếu tin là thái độ nóng nảy bực bội của chúng ta cực kỳ có hại, với ta hại một, lên mạng nhiều người biết hại nghìn hại vạn… thì chúng ta sẽ biết cách ứng xử ôn hòa hơn mà kết quả tác động vẫn thế. 

Vì vậy người ta có câu, người thông minh thì nhiều, nhưng người có trí tuệ được bao nhiêu? 

Bài trên Fanpage tại đây và Facebook tại đây

    

No comments:

Post a Comment