Friday, December 11, 2020

Bạo lực học đường: vì sao nên nỗi?


Hôm qua lên Facebook gặp một chuyện từ người quen biết: con nuôi cô ấy đi học ở trường dạy nghề bị đánh, có thể nói là nhừ tử. Chuyện bắt đầu từ hôm trước đi đường va chạm với bạn cùng trường, đã có yếu tố “suýt bị đánh từ năm, sáu bạn khác” rồi và đến hôm sau thì bị “quây.” Cô ấy viết lên mạng để xem có ai đi qua mà có camera hành trình quay lại cảnh đánh hội đồng, ngõ hầu có thêm chứng cứ làm việc với cơ quan pháp luật. 

Trong các comment đi theo status của cô ấy, gần như 100% là căm phẫn, phẫn nộ, đòi trừng trị từ các… mẹ bỉm sữa, và đều hiểu là công lý phải được thực thi nghiêm minh… 

Nếu phải tôi của mươi, mười lăm năm trước khi còn làm trong ngành pháp luật, tôi sẽ nhào vào xui thậm chí nhiệt tình giúp đỡ để “ăn thua đủ.” Bản tính tôi do có xuất phát điểm từ học ngành luật, thích thượng tôn pháp luật, ngay cả bây giờ vẫn muốn thượng tôn pháp luật đầu tiên nhưng đến nay thì nhãn quan có nhiều thay đổi. 

Đầu tiên, ngay cả hồi đó tôi có quan hệ cơ quan pháp luật, chính quyền, cả anh em xã hội… cũng như kinh nghiệm va chạm với giới tội phạm hình sự, tôi vẫn thỉnh thoảng thấy ớn lạnh nghĩ đến khi con mình đủ lớn nhưng vẫn chưa đủ lớn, tức là tuổi 12 đến 16, 17… nhiều khi mình không thể bảo vệ được con mình và rộng hơn, gia đình mình mọi nơi mọi lúc, ý này đúng với mọi nơi trên toàn thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam. Do đó nếu tôi xông vào xui nhà người ta như thế, chắc gì người ta đã được như mình, không biết quan hệ chính quyền của họ thế nào, quan hệ với dân xã hội như thế nào… 

Quay lại với vụ đánh nhau kia, nó đã diễn ra như rất rất nhiều vụ học sinh thanh niên đánh nhau ở trường học, hậu quả có thể nghiêm trọng vì 5, 6 ông đánh một ông thì làm sao mà nó nhẹ nhàng cho được. Tuy nhiên, nói gì thì nói nó vẫn là chuyện trẻ con đánh nhau, chứ chưa thể coi là chuyện của dân xã hội xử nhau được. Vì thế, nếu nâng lên thành to, thì nó là to, nếu để nó yên là chuyện trẻ con, thì nó là chuyện trẻ con, mà đối tượng của chuyện trẻ con là nhiệm vụ của giáo dục. Vì thế khi biết được kết quả giám định thương tích của con cô ấy đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, tôi đã phân tích như thế này: dù đủ căn cứ, thì việc khởi tố vụ án hình sự sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề về mặt xã hội, nhưng với mong muốn của các mẹ bỉm sữa là phải trừng trị thích đáng, thì có thể sẽ không thỏa mãn. Có vẻ như hầu hết các cháu thủ phạm, là trẻ thành niên phạm tội, như thế rất rất nhiều khả năng các cháu sẽ không bị thụ án tù, quá lắm là cho đi trường giáo dưỡng và hình phạt bổ sung là một số tiền bồi thường thuốc men, trồng răng… Nhưng cái môi trường giáo dưỡng ấy nó kinh lắm, đứa trẻ chưa hư hẳn vào được cái xã hội con con ấy nó dạy cho thành… bản lĩnh. Nửa năm, một năm hoặc hơn tí nữa cháu nó ra, vẫn sẵn cái thù hằn ấy, cháu nó tìm con nhà mình nó xiên. Hậu quả về mặt xã hội nặng nề là như vậy đó. 

Vì thế nếu đã nghĩ, phải nghĩ cho toàn xã hội, và nghĩ cho cả đời con mình, chứ không chỉ mong muốn hừng hực nhất thời thỏa mãn cái nung nấu trả thù. Xử lý mấy thằng bé về mặt hình sự, xã hội không vì thế tốt đẹp hơn, chỉ có xấu đi. Môi trường nhà tù và trường giáo dưỡng trên toàn thế giới này nó đều là “trường học tuyệt vời” cho 90% “anh em” quay ra làm tội phạm tiếp, chỉ có số ít phước đức ông bà còn to bằng cái đình biết hoàn lương thôi. Tôi gần như nài nỉ, các chị làm ơn hạ hỏa đi một chút, đừng gào lên đòi trừng trị như thế, không hay ho gì đâu. Các chị chắc toàn dân văn phòng, đã va chạm được nhiều đâu, có thấy cái khủng khiếp phải đối mặt thường xuyên với đe dọa bản thân và toàn gia đình như thế nào mà cứ hoắng lên vậy? 

Tôi đã đề nghị cô có con bị đánh kia, kết quả giám định như vậy thì mình đã có thế rồi, cũng không nên làm căng, mà cũng cần làm rõ ý của gia đình mình với cơ quan công an là mong muốn đầu tiên là giáo dục các cháu, dọa xong rồi thì hòa giải, chứ đừng để già néo đứt dây họ đưa sang Viện rồi sang Tòa, thì không quay lại được đâu. Cả cuộc đời con mình sau này, nhỡ có ngày “oan gia ngõ hẹp” gặp thằng nào trong đó, thì làm sao? 

Về góc độ cá nhân mà nói, với kinh nghiệm bản thân tiếp xúc với học sinh thanh niên, tôi biết những vụ va chạm như thế này, chẳng có cháu nào vô can cả, kể cả bị hại. Bị hại chẳng qua là yếu thế không đánh lại được chúng nó mà thôi. Do đó dù có thể đương đầu được hết những chuyện như thế này, nhưng tôi vẫn luôn luôn dạy con: ra đường, đến trường… nhìn người bằng ánh mắt yêu thương, hiền từ, nhỡ va chạm nhanh chóng xin lỗi trước đi, hỏi thăm người ta có đau không, có thiệt hại gì không… Chưa cần biết mình đúng mình sai, cứ như thế đã, để mọi thứ đang căng nó chùng xuống đã, rồi cái cần làm ngay là hậu quả cần xử lý, như ngã xe thì có cần cấp cứu không, bông băng thuốc đỏ thế nào… không phải là lúc quắc mắt lên nhìn nhau, lời qua tiếng lại. 

Cũng trong các comment có mẹ bỉm sữa đòi kiện, uất ức là chẳng nhẽ để bọn đầu gấu không bị trừng trị. Bây giờ mới hiểu là chúng nó cũng bình thường thôi, thì cần phải xử lý thông qua con đường giáo dục mới là tốt cho xã hội. Nhưng nếu chúng nó là đầu gấu thật thì phải đến xin lỗi, mình đúng cũng phải xin lỗi để chuyện nó qua đi. Tôi sinh ra và lớn lên ở khu vực toàn… đầu gấu và chẳng ai dám đụng vào họ cả, kể cả tôi sau khi ra trường đã đi làm trong cơ quan bảo vệ pháp luật cũng chẳng giây dưa vào làm gì. Sau từng ấy năm nhìn lại thì các đầu gấu anh thì dựa cột, anh thì nghiện chết, anh thì bị đâm chết… xanh cỏ hết cả rồi. Vậy trừng trị không phải đến lượt cô gào lên, nếu chúng nó là đầu gấu thật thì bỏ qua cho xã hội dạy mới là cách trừng trị tốt nhất. 

Vì thế tôi rất sợ những ý kiến theo kiểu phải trừng trị xứng đáng thì chúng nó mới sợ: thằng sợ chẳng cần trừng trị nó vẫn sợ, còn thằng liều nó càng liều hơn. Vụ án Lê Văn Luyện, ông luật sư của bên bị hại còn đòi… sửa luật để tử hình bị can chưa đủ 18 tuổi, như thế mới đủ sức răn đe. Tôi cũng tự hỏi là cha này học trường luật nào ra mà hắn quên hết cả bài học trong trường rồi: tính chất quan trọng nhất, được đặt lên hàng đầu của luật hình sự nói chung, của hình phạt nói riêng, là tính nhân đạo, có như thế mới đảm bảo tính yên bình của xã hội. Thế giới người ta thống kê rồi: những nơi bỏ án tử hình thì tỉ lệ phạm tội giảm đi, vì người ta đặt nặng vào giáo dục con người từ trước khi phạm tội. 

Tôi có ông bạn học cùng đại học, bây giờ ngoài là trung tá an ninh còn là nhà văn viết truyện vụ án tên Đ.T.H, (tiểu thuyết dựng thành phim tên Bão Ngầm bão nổi gì đó) có lần phát biểu trên báo trước tình trạng bạo lực gia tăng đe dọa sự an toàn của học sinh, anh ta khuyên phụ huynh nên cho con đi học võ. Điều này sai bét luôn: học võ mà xây dựng được luôn tâm hồn hướng thiện, yêu thương từ cái cây ngọn cỏ thì chỉ có thần tiên dạy được, còn thì 99,99% người dạy và người học phải hướng tới một đối tượng kẻ thù nào đó. Vậy kẻ thù nào? – kẻ thù của con các anh chị là 5 thằng, 6 thằng, mười mấy, cả mấy chục thằng từ lăm lăm tuýp nước với phóng lợn, có khi còn có cả hàng nóng hàng nguội, lúc đấy có mà võ giời. Xui thế quá bằng giết con nhà người ta. Ở bên Mỹ người ta thống kê tỉ lệ thương tật và mất mạng ở những người bị tấn công mà có súng hoặc vũ khí phòng thân, cao hơn rất nhiều so với người không có. Nên thống kê cả những cháu có võ “cào cào bổ cứt” bị tẩn lên bờ xuống ruộng so với các cháu không biết võ để nhà văn công an trắng mắt ra. 

Cũng vì thế tôi cực sợ những biểu hiện quái gở mà có bác bạn Facebook nhận xét: “tệ nạn phát biểu bừa bãi trên mạng xã hội.” Bạo lực học đường, chỉ là một phần của bạo lực xã hội mà tất cả chúng ta là thành viên của cái xã hội đó. Xã hội không thể an yên được, nếu như tâm hồn chúng ta, lời nói của chúng ta, việc làm của chúng ta không khoan hòa. Hôm trước về chuyện cô bé tự tử ở An Giang, tôi đã phản đối chuyện gầm gào “đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi” đòi băm vằm cô giáo và có bác phản đối lại. Ngay cả khi tôi giải thích: nhìn thấy cái sai thì được rồi, nhưng việc trang bị thái độ đúng đắn, quan trọng hơn nhiều. Bây giờ đến chuyện này cũng thế: chúng ta cứ gầm gào lên, đó chính là bạo lực bàn phím, nó chính là bạo lực trong tâm chúng ta, rồi lại đem cái đó dạy con chúng ta… con chúng ta lại muốn hướng bạo lực ra ngoài đến các bạn. Nó đến trường, chưa cần quắc mắt nhìn thằng khác, chỉ cần “nhìn đểu” thôi đã đủ từ nhẹ là đi vài cái răng, nặng thì mất mạng… 

Thế nên hãy dừng thái độ đổ lỗi cho xã hội đi, bạo lực hay không là từ chính chúng ta, không phải từ xã hội đâu. Xin hãy dừng luôn cả việc phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội đi, có như thế thì xã hội dần dần mới tốt đẹp hơn được, và đừng nghĩ là chúng ta bỏ lại quê hương để té đi nước khác sẽ tốt đẹp hơn. Luật nhân quả “chạy trời không khỏi nắng” đó ạ. 

Bài trên Fanpage tại đây và Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment