Friday, March 5, 2021

Chuyện thời Covid (2) – “Chuyến xe bão táp”

Những cơn sóng chỉ dềnh lên trông rất êm ả ngoài xa, chạy dần vào bờ và khi cách bời vài chục mét, chúng mạnh hẳn lên với cái ngọn sủi bọt trắng. Trên những ngọn sóng đó, hôm nay là các “thanh niên” (các bạn tuổi còn là thiếu niên lớn nhưng người to kềnh càng như người trưởng thành) và lại đến hôm sau là các “thiếu niên” chia thành hai nhóm tập lướt sóng – chỉ mất mấy phút làm quen, các bạn rất nhanh chóng thân với thày Gabriel người Bồ Đào Nha và cô trợ giảng người Hàn Quốc.

Nhìn những bạn nhỏ và cả bạn lớn đang say mê uốn mình trên những tấm ván như những vũ công đang diễn trên sóng, đến các bố mẹ cũng thấy mê, còn ba của Nhi Bá, Nhi Bôn vừa cắm cúi chụp ảnh cho các bạn, vừa nhớ đến những ngày chỉ trước đó vài tháng…

… năm nay do dịch bệnh nên đã tưởng đội bơi của anh em nhà Nhi Bá, Nhi Bôn năm nay không được đi “Trại hè bơi” ở Đà Nẵng nữa, vì dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng cả đến chuyện thi cử… Suốt mấy tháng ba hai bạn cùng các bố mẹ trong Câu lạc bộ, lại cả chú Graham bên công ty tổ chức, thấp tha thấp thỏm. Cuối cùng thì những cố gắng cũng được đền đáp: trại vẫn được tổ chức, không những thế trong cái rủi có cái may. Đà Nẵng gần như đóng cửa, không có khác du lịch nước ngoài, chỉ còn lác đác sót lại những người đang chọn Đà Nẵng là nơi sinh sống lâu dài với kế sinh nhai đàng hoàng. Do đó, “Trại hè bơi” thuê được cái nhà rõ là rẻ, mà với điều kiện tương tự chỉ mùa hè năm trước có thể đắt gần gấp đôi.

Cũng trùng với thời gian đội bơi kéo vào, là thời gian chính quyền thành phố Đà Nẵng “mở cửa kích cầu du lịch,” trước mắt là thu hút khách trong nước. Các chuyến bay kìn kìn chở khách đến thành phố, ngay chuyến chở đội bơi đi, cũng đông nghẹt khách làm cho mọi người mất hàng giờ để xếp hàng làm thủ tục.

Những ngày tháng tuyệt vời đã được ghi nhận bằng lời nói của Nhi Bá: “Bây giờ đã thấy yêu thành phố Đà Nẵng lắm rồi!” và các bạn đều hồ hởi đồng ý với câu nói đó. Trại đi được hai phần ba chặng đường, một ngày “vui đỉnh cao” của trại với sinh nhật của ba hai bạn Nhi Bá, Nhi Bôn nhưng cũng đầy biến cố: một bạn trai đau bụng bất thường còn một bạn gái bị tai nạn: tấm kính buồng tắm đổ vỡ tan, cứa khắp người bạn đầy những vết cắt. Rất may cả hai bạn đều có thể được xử lý tại nhà, không phải đến bệnh viện, vì một sự cố… Cũng hôm đó người ta phát hiện ở một bệnh viện khá gần, có ca dương tính với Covid-19. Mặc dù các “tay bơi” không tỏ ra lo lắng, nhưng những người lớn đi theo lo cho trại thì không ai bảo ai, đều cố giấu những nỗi lo lắng của mình, không để hoảng loạn xảy ra.

Duy nhất chỉ có chú phó đoàn, mà thông qua những cú điện thoai liên miên của vợ chú ngoài Hà Nội gọi vào vì quá lo cho hai bố con… nhìn cảnh đó mình đã đoán rằng câu chuyện là như thế nào rồi, nhưng do chú ấy không nói, mình cũng không đả động gì đến vấn đề ai rút, ai ở lại… hay giải pháp cho trại sẽ như thế nào. Sáng sớm hôm sau, các bạn vẫn đi học lướt sóng và bơi như bình thường, chỉ thiếu đi một tay bơi xuất sắc của đội. Hai bố con đã đón taxi ra sân bay từ lúc bình minh và thấy bảo vợ chú đã phải vận dụng nhiều mối quan hệ để mua được cho hai bố con vé với giá rất đắt. Còn mình, trong lúc các bạn nhỏ bơi, mình ngồi nghe… điện thoại. Nghe điện từ Hà Nội gọi vào “hóng” thông tin từ Bộ Y tế, rồi thông tin từ chính quyền thành phố Đà Nẵng và cả của các bạn bè gọi vào nữa. Chỉ đến tối hôm đó, một người quen của một bà mẹ có hai con đang tham gia trong đoàn vẫn ở ngoài Hà Nội, bác người quen ấy công tác ở một đơn vị quân đội đóng ở Thành phố, đi nguyên chiếc xe bus đến, và đề nghị trại sơ tán sớm, thì mình hiểu tình hình đã trở nên nghiêm trọng. Cảm ơn bác ấy xong, tiễn bác ấy về là lúc toàn bộ các thành viên của trại dọn đồ đạc một cách hết sức trật tự và bình tĩnh, và cũng chỉ hết hơn một giờ, một chiếc xe bus khác, lần này nó to bự kềnh chạy đến và chở thẳng cả đoàn ra khỏi thành phố. Gần như “xe đi đến đâu, trạm kiểm soát được lập lên đến đó” – các tỉnh thành đã thiết lập dần các chốt kiểm dịch còn đoàn của trại bơi, như người ta thường nói vui là “thoát hiểm.”

Đến bây giờ khó thành viên trong đoàn nào có thể quên được những kỷ niệm tuyệt vời có, đáng nhớ có của trại, và cả của “chuyến xe bão táp,” khi mà dọc đường rất nhiều hàng quán dè chừng, muốn từ chối chiếc xe bus biển số Đà Nẵng ghé vào… Và mãi về sau, thỉnh thoảng câu chuyện vẫn được nói lúc “trà dư tửu hậu,” rằng trong lúc như thế, hành động như thế nào là đúng, đặc biệt là những câu hỏi về hành động của chú phó đoàn.

“Lúc đó ba có nghĩ gì không?” – Nhi Bá hỏi thay cho cả hai anh em.

“Ba nghĩ gì lúc đó được, ngoài lo cho tất cả mọi người, và bây giờ thì cũng chẳng nghĩ gì cả. Về việc chú ấy đưa con rút khỏi trại sớm, ba chỉ nghĩ đơn giản ai tự lo được thì là tốt nhất rồi, mình nhẹ gánh được phần nào hay phần ấy” Mình trả lời.


“Đúng thế, ai mà tự lo được thì chúng ta đều hoan nghênh cả, chứ lúc đó có bao nhiêu việc khác phải lo.” Mẹ hai bạn ủng hộ.

“Thật ra lúc đó là thế này…” – Nhận thấy Nhi Bá vẫn còn băn khoăn, mình giải thích – “Ba hiểu chính quyền thành phố vẫn muốn chờ đợi thêm thông tin xem liệu ca bệnh đó có dương tính thật hay không, khả năng ngăn chặn đến đâu… vì tháng “tái mở cửa du lịch” vừa mới bắt đầu được mấy ngày, bây giờ đóng lại thì thiệt hại cho kinh tế thành phố vô cùng lớn. Từ góc độ người tổ chức trại bơi ba cũng vậy thôi, nếu phát súng báo động đó là “pháo xịt” thì trại bơi vẫn tiếp tục đi tiếp mấy ngày còn lại, vì đã đi vào đến trong đó phải tận dụng hết chi phí và công sức tổ chức chứ con. Tuy nhiên ba đã có phương án sẵn cho việc phải rút lui khẩn cấp rồi.”

“Con thấy tất cả cùng đi về bằng ô tô vui lắm…” Nhi Bôn cười tít mắt.

“Con thì thấy đi rất mệt ba ạ” – Nhi Bá lầu bầu, có vẻ vẫn chờ những câu giải thích tiếp theo.

“Các con thử nhớ lại xem ở trại có những bạn nào đi một mình không có bố mẹ đi cùng?”

Hai anh em ngồi kể một loạt – thậm chí còn có cả một bạn gái nhỏ cùng tuổi Nhi Bôn, mẹ vừa về Hà Nội hôm trước vì việc gấp với lời hẹn sẽ quay lại vào ngày cuối để đón bạn ra.

“Đấy, các con thử hình dung bây giờ ai cũng rút phựt khỏi trại, mỗi nhà có con trong trại lại tự mua vé máy bay, rồi ai đưa ra sân bay đang cực kỳ đông đúc và hỗn loạn đó… Ba phải có giải pháp cho tất cả mọi người chứ các con. Bây giờ nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy, giải pháp nào cũng có giá của nó, như chú phó trại về trước, thì được việc phần bố con chú ấy, nhưng cũng là sự băn khoăn của người về trước, như con chú ấy để bạn bè lại và “thoát”… Tất nhiên, cái nhỡ nhàng ở đây là chú ấy đã không hỏi ba là đã có phương án cho toàn bộ trại hay chưa – thực ra đã có lần ba nói rồi nhưng chú ấy không để tâm nghe thôi, nếu trong hoàn cảnh căng thẳng đó mà hỏi, ba sẽ trả lời đầy đủ không giấu diếm về kế hoạch, và bố con chú ấy hoàn toàn có thể ở lại để về cùng cả đoàn. Vì chú ấy không nói mà lặng lẽ chuẩn bị cho kế hoạch riêng, chúng ta cũng tộn trọng thôi. Chỉ tiếc một người tháo vát nhanh nhẹn, nếu ở lại sẽ đỡ cho ba được bao nhiêu việc. Chúng ta cần độ lượng, không nên gọi đó là hành động “đào ngũ” như có lần chú ấy nói lại với ba, nhưng người có lương tâm họ sẽ không yên về điều đó. Giá phải trả ở đây là sự tổn thương cho quá trình giáo dục. Ba dạy các con về tinh thần trách nhiệm, về những cố gắng để có xử sự cao quý, quân tử… những điều đó lớn hơn tiền bạc và nhiều khi cả tính mạng nữa.”

Câu chuyện vậy thôi các con ạ, ba là người trưởng đoàn, người tổ chức chính của Trại hè bơi của các con, ba không thể hành động hèn nhát và vô trách nhiệm. Nếu ba con mình rút lui sớm trong hoảng loạn, thì tất cả sẽ hỗn loạn theo và các con cứ thử tưởng tượng, nhà thì í ới gọi điện thoại vào nhờ người quen đưa con ra máy bay, nhà thì cố chạy vào… Một cuộc di tản như vậy thật khó kiểm soát được rủi ro. Chúng ta ở hoàn cảnh rất dễ dàng: các con có ba ở đó, ba có các con, đi lúc nào cũng được, nhưng sau khi yên ấm rồi, liệu các con có thể chịu được sự nhục nhã cả đời với cái tiếng người có trách nhiệm cao nhất, lại là người rút lui đầu tiên?

Lúc này đây, ba vẫn còn rất cảm động khi nghĩ đến những bố mẹ có con “kẹt” lại trong trại, không ai gọi lấy một cú điện thoại, nói một câu kích động lo lắng, như biết rằng ở trong này, ba là người lo nhất và là người cần sự bình tĩnh nhất. Ba cũng rất cảm động khi nghĩ đến những người bạn Đà Nẵng, ở trong hoàn cảnh hầu như không thể, không ai dám điều xe trong lúc đó, vẫn cố gắng thu xếp cho đoàn một chuyến xe. Cuộc đời là như vậy, với tất cả chúng ta khi đi gần hết nó, sẽ đọng lại những câu chuyện vui có, buồn có, ân hận có, và cảm động cũng có… Chúng ta không quên, không giận nhau, chỉ thỉnh thoảng nhớ lại thì tự nhủ mình, tất cả những câu chuyện đều là những bài học, để sau này không phải hối tiếc thì chúng ta sẽ không bao giờ phạm phải những sai lầm như thế nữa.

Còn Nhi Bá này, đã là người đàn ông, phải cư xử vững chãi, bình tĩnh, đàng hoàng, trách nhiệm, xứng đáng là chỗ dựa của người khác con à.

Bài trên Fanpage tại đây

No comments:

Post a Comment