Saturday, May 29, 2021

Cô chuột góa


Khoảnh sân phía sau, từ khi nhà được xây lại dần biến thành cái xưởng nhỏ của ba Zic. Như một ông cụ già lẩm cẩm, cứ có thời gian rỗi là ba Zic lại ngồi tịt ở đó, lúc thì vặn vẹo, lúc thì gõ đập… Có lần lão ta loay hoay cả ngày, đóng xong một cái bàn công tác[1] để thao tác đủ thứ việc trên đó: mài, giũa, cưa… Bình thường cái bàn được đẩy sát vào phía trong sát tường rào với nhà hàng xóm.
 

Một ngày ngồi sửa xe máy ở cái “xưởng” bé tí đó, ba Zic bắt gặp hai con chuột cũng phải cỡ bằng quả dưa leo to, thấy có người chúng trèo phắt lên tường, chạy biến mất dạng về phía nhà hàng xóm. Lại một ngày khác, thấy con mèo “hoang” nhà bà Ước tít đầu ngõ, ngó ngó nghiêng nghiêng ở phía đó. Ả mèo này là tam thể, nhưng mặt quắt dài như cái bơm, là mèo nuôi nhưng bà Ước thì chẳng ở đó, thỉnh thoảng mới về cho ăn nên nó và lũ con biến thành mèo hoang. Cùng với mấy con mèo con còi cọc cũng tam thể và mặt cũng choắt choeo, đàn mèo lang thang kiếm ăn. Riêng ả này thì say mê ngồi trên đỉnh tường ngó vào nhà, thỉnh thoảng kêu la thảm thiết làm cho anh Chai “hot boy” ở trong nhà cũng quýnh quáng cả lên. Đó là hồi Chai chưa “tịnh thân[2]” thôi, chứ bây giờ thì Chai bình chân như vại rồi – cho ả kia gọi thoải mái, mặt cứ lạnh như tiền đi thôi ấy. 

Vài hôm sau cái hôm ả tam thể ngó nghiêng rồi lùng sục, ngồi trong nhà ngửi thấy một mùi hôi thối không chịu nổi, và hai ba con, mình và ông anh bạn Zic quyết định lục lọi xem cái mùi kinh khủng đó nó ở đâu ra. Sau một hồi lục lọi, thở phì phò trong hai cái mặt nạ phòng độc, mồ hôi mồ kê đầm đìa vì mặc quần áo bảo hộ lao động, bò lổm ngổm nhòm xuống gầm bàn và cái tủ dụng cụ, hai ba con tìm thấy một trong hai con chuột nằm còng queo chết ngỏm trong cái ngăn kéo đựng những mảnh sắt vụn linh tinh dưới tủ dụng cụ. Chắc đây là anh chồng, vì trông nó khá to, đã bắt đầu phân hủy. Hai ba con đào một cái hố nhỏ, chôn nó xuống gốc cây trầu không bà trồng ở góc sân. Thôi thì đằng nào cũng là một số phận sinh vật đã từ giã trần gian, nó cũng nên để cái thân xác của mình làm chút việc có ích cho sự sống vẫn đang tiếp tục.  

Đúng là cuộc sống vẫn tiếp tục thật, nó vẫn diễn ra với những ngày ngồi tháo tháo lắp lắp của ba Zic. Để đỡ buồn, ba Zic rủ cả anh bạn Chai ra chơi cùng, nhưng hắn ta cứ lang thang đi ngó nghiêng, ngửi hít các xó xỉnh, và đặc biệt là quan tâm đến cái bàn công tác. Cậu chàng cứ sục sạo, ngó nghiêng và hậm hực nhìn vào tít phía trong, dường như trong đó có cái gì mà cậu ta không thể tiếp cận được. Đến một hôm khác không có Chai, từ gầm bàn phi ra rõ nhanh một bạn chuột khác, à thì ra là vậy. 

Thật ra thì cái gầm bàn này không phải là tổ chính thức của bạn chuột, mà ở chỗ khác. Sở dĩ tại sao mình phát hiện ra điều đó, là từ khi bên hàng xóm không còn mấy bạn sinh viên thuê trọ nữa thay bằng các bác thợ xây đang xây công trình ngay cạnh, thì bạn chuột hoạt động mạnh hẳn lên. Có hôm ngồi trong nhà xem đến cả tiếng đồng hồ bạn chuột chạy từ nhà hàng xóm trên đỉnh tường rào nhà mình, sang nhà hàng xóm bên kia rồi mất hút đâu đó, nó tha theo trong miệng một miếng thức ăn. Lúc sau, nó tay không quay lại, rồi lại tha một miếng thức ăn. 

Cá biệt có miếng thức ăn to quá, nó ngậm trong miệng nhưng vẫn phải đỡ bằng hai chân trước, chạy bằng hai chân sau với cái đuôi dài lê thê hỗ trợ, thỉnh thoảng mỏi quá hắn ta hạ món đồ xuống, nghỉ một tí rồi lại lặc lè bê tiếp. Mình nhìn thấy ngộ quá, phì cười, thấy nó như một con vật trong rạp xiếc rất khéo léo, và quả là cũng dễ thương ra phết. Đúng lúc đó bà ngoại bạn Zic mở cửa, Chai phóng vọt ra. Bạn chuột giật mình, chạy biến, bỏ rơi miếng thức ăn xuống chân tường. 

Sáng hôm sau ngồi ăn sáng và uống cà phê với mẹ Zic, chợt thấy cổ nhìn ra cửa sổ và cười. Hóa ra bạn chuột lại tiếp tục công cuộc vận tải của mình một cách chăm chỉ đáng phục. Lần này rút kinh nghiệm, hắn ta chỉ tha những miếng thức ăn nhỏ ngậm được trong miệng thôi, và chạy khá nhanh. Cặp mắt đen lanh lẹ, ranh mãnh, bộ lông nâu nhạt hơi ngả vàng, chân chạy thoăn thoắt, như một con thoi nó lại cần mẫn làm nhiệm vụ tích trữ của nả. 

- “Hay nó phải chăm sóc ai nhỉ?” Mẹ Zic hỏi. 

- “Chắc là đang nuôi con rồi” – Bà ngoại nghe thấy đoán – “Bên này có mấy bác thợ xây chắc ăn uống xong không dọn hết, có nhiều thức ăn cho nó.” 

Kéo Zic xuống, lôi ra sân cho xem miếng cơm cháy rơi dưới chân tường. 

- “Con xem này, đây là miếng cơm cháy hôm qua bị thằng Chai đuổi, con chuột nó để rơi. Đây chắc là vợ góa của con chuột hôm trước ba và anh Zic tìm thấy xác và chôn dưới gốc cây.” 

- “Sao ba biết là vợ góa?” 

- “Thì bà ngoại con giải thích chắc là nó đang nuôi con, không phải vợ góa thì là gì? Cái anh chàng xấu số hôm nọ ba chôn ấy, nó to hơn nên chắc là anh chồng. Anh ấy ra đi sớm để lại vợ góa con côi là thế.” 

Zic phì cười, nhìn miếng cơm cháy bảo: 

- “Miếng cơm cháy to nhỉ ba nhỉ.” 

- “Ừ, công nhận to. Ai lại tham lam thế bao giờ con nhỉ, ba thấy cô ta tha lặc lè rồi bị mèo đuổi, không tham được đành bỏ lại. Bây giờ nhìn thấy có tiếc cũng không làm gì được, mò xuống mà gặp anh Chai nhà ta thì có mà toi đời. Đời là vậy đấy con ạ, nó rất cần mẫn chạy đi chạy lại bao nhiêu chuyến, cứ tha những miếng vừa phải, thấy động thì nấp, thấy yên thì đi làm tiếp… Gặp miếng to thì ngay lập tức phát sinh khó khăn, còn con mèo thì là nguy hiểm tiềm tàng, khó khăn mà gặp nguy hiểm thì chỉ có bỏ của chạy lấy người chứ sao nghĩ đến mối lợi được nữa?” 

Zic cười ngặt nghẽo ra chừng rất thú vị. 

- “Ba quyết định rồi cô gái của ba ạ. Hôm qua thấy nó khéo léo chạy hai chân bưng miếng cơm cháy khéo mà dễ thương quá, nên từ bây giờ mỗi lần ra ngồi sửa đồ, ba vẫn rủ Chai ra chơi cùng cho vui, nhưng sẽ không xui: “đi tìm chuột đi!” nữa. Cứ để mọi chuyện nó tự nhiên thôi, nếu nó bị mèo túm được thì cũng là số phận của nó…” 

Tục ngữ có câu: “Tham thì thâm – ông vải bảo thầm rằng chớ có tham…” nhưng trong tất cả những cái tham, tham công tiếc việc mà ít có yếu tố tiền bạc, dễ được tha thứ, thậm chí có cái tham được coi là tốt, như đam mê làm việc thiện. Bây giờ nhiều thời gian hơn, chú tâm vào con cái nhiều hơn thì mình cũng được tiếp xúc với nhiều bà mẹ hơn… Và cũng quan sát được họ nhiều hơn và không hiếm khi trong lòng thấy trào lên lòng thương cảm. Phóng như bay ngoài đường, họ đang phải ôm một đống việc từ chợ búa đến học thêm học nếm của con… Như cô chuột góa đang ôm miếng cơm cháy to đùng, các mẹ chạy từ chỗ này đến chỗ kia của thành phố, vượt qua bao điểm ùn tắc… Nhìn họ mình chỉ lo một ngày không chỉ rơi mất miếng cơm cháy, mà còn cả gặp một “con mèo” nào đó như cái xe bus, xe tải… nó rình một cách bài bản ở một góc phố…

Bài trên Fanpage tại đây, Facebook tại đây



[1] Workbench

[2] Triệt sản, nôm na là thiến, hoạn.

No comments:

Post a Comment