Tuesday, June 1, 2021

Tẩy chay và cạnh tranh không lành mạnh

Con gái này, hôm nay ba sẽ kể cho con nghe về một người ba chưa bao giờ gặp, chỉ có thời gian làm bạn ảo trên mạng xã hội thôi. Trên đó, cô ấy trưng bày những hình ảnh đẹp long lanh, ngày ngày lên mạng ngắm không thôi cũng đã đủ thích rồi. Được một thời gian, ba không còn làm bạn với cô ấy nữa vì ba bỏ tài khoản mạng xã hội, tập trung vào một số việc ba thấy quan trọng hơn.

 Bẵng đi một thời gian, ba quay lại mạng xã hội và lập tài khoản mới, và cũng quên hẳn là mình đã từng có người bạn mạng như thế. Không ngờ sau vài năm “chơi mạng” cô ấy đã trở nên nối danh như vậy, với bốn cuốn sách được xuất bản, cuốn về nữ công gia chánh cắm hoa hay gì đó, và đáng nói là có cả cuốn về những xu hướng tình dục của bản thân. Cũng chẳng sao, bây giờ chúng ta đã bước vào thời kỳ thế giới phẳng, rất nhiều những chuyện trước đây không được chấp nhận, thì bây giờ lại được khẳng định là cần thiết trong nhu cầu giáo dục thế hệ trẻ… 

Nhưng điều đáng nói, là cô này ngoài hệ thống fan hâm mộ trên mạng xã hội lên tới hàng chục nghìn, thì lượng anti-fan cũng nhiều chẳng kém. Ở đây ba đưa ra một so sánh khập khiễng: lượng fan của cô ấy có khi chỉ là một cú bấm “Thích” hay một hai câu khen không mấy khó khăn, mặt khác với lượng anti-fan ít hơn nhiều nhưng chị nào chị ấy đều là những tay chơi mạng xã hội sừng sỏ cả, thì một người “lính” như thế bằng cả một… sư đoàn. Cô ấy bị tấn công bài bản, bằng những đòn mà đã ra đòn nào là hiểm đòn ấy, chứng cứ đầy đủ, tư duy lập luận logic… Con chắc chắn sẽ thắc mắc là cô ấy làm sao mà bị tấn công dữ vậy? 

Ba không có ý định theo dõi chuyện này, nhưng được một người bạn thân cho biết, vì theo người bạn này thì một trong những người tấn công mạnh nhất, mà ba sẽ tạm đặt tên là “sư đoàn trưởng,” là một người quen cũ của ba. Bác gái này cũng đã ngoài 60 tuổi, người tài giỏi, giàu có, sống độc thân, và đó cũng là lý do đưa đến những dự đoán “phải chăng bác ấy không có gia đình nên ghen ghét đố kỵ với một người đẹp long lanh, thậm chí quá đàn bà, quá sexy, quá gợi dục đến dung tục…” 

Tất cả những đòn phép đưa ra tấn công cô long lanh kia, là về những chuyện đời tư cô ấy – tất nhiên cô ấy đã từng công khai chúng ra cho bàn dân thiên hạ biết: chuyện ngoại tình thế nào, chuyện khỏa thân trong bảo tàng để “cưỡng bức” hiện vật như thế nào, và chuyện thêu dệt xung quanh mình những hào quang về một ông chồng quý tộc Châu Âu… 

Lý do “chính đáng” nhất là cô ấy bán hàng online, có ít xít ra nhiều, quảng cáo sai sự thật. Lý do kín đáo hơn, theo ba nhận thấy là cô ấy thể hiện trên mạng xã hội long lanh, ngôi sao, minh tinh quá. Vì thế, khi một số người thấy bị cô ấy lừa, mua một thứ đồ rất cao cấp với giá rẻ bất ngờ, mà nhẽ ra phải bỏ một số tiền rất lớn mới mua được, và khi nhận được sản phẩm thì có lẽ nó cũng chỉ đúng như… giá trị thật của nó thôi, thì họ bực bội. Ở đây chúng ta có thể nói là có những thứ đồ rất đắt do thương hiệu, hoặc do bí quyết công nghệ, hoặc do yêu cầu về sở hữu trí tuệ… chẳng hạn do thương hiệu, chúng ta có thể mua một thứ đồ rẻ hơn nhiều so với “hàng hãng” mà công năng, giá trị sử dụng không hề thua kém, nó chỉ do một hãng ít tên tuổi hơn nhiều làm ra. 

Ba không nghĩ là cô ấy bán hàng giả, có thể chỉ là sự mạo nhận là hàng của mình không phải do một tay mơ nào đó làm ra, mà do một hãng tiếng tăm. Tiếc là nhiều khi con người, trong đó có cả chúng ta (ý ba là ba con mình chẳng hạn) vội vàng chạy theo mối lợi mà không nghĩ rằng “cái gì cũng có giá của nó.” Hãng danh tiếng có thể bán hàng với giá trên trời, nhưng cũng phải hành xử trách nhiệm xứng đáng với danh tiếng đó, đó là thứ đảm bảo chúng ta sẽ không bị lừa. Người xưa đã tổng kết: “Kẻ lừa đảo không thể lừa được người lương thiện không tham lam.” 

Thật ra tất cả những chuyện thể hiện của cái cô long lanh đó, cứ cho là có thật đi thì chỉ cũng nói lên một điều rằng: chúng là sản phẩm của một đầu óc không bình thường, vậy thôi. Tất nhiên con sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà các quan niệm về nhiều vấn đề chỉ nên giới hạn trong những câu chuyện riêng tư giữa những người thân thiết và ngay cả những người thân thiết, không phải lúc nào cũng chia sẻ được. Chúng ta sẽ không phê phán những thứ gọi là “xu hướng tình dục,” hay “sống ảo, thích làm minh tinh, ngôi sao…” vì đó là việc của người khác. 

Việc của chúng ta là rút kinh nghiệm từ tất cả các bên, các cá nhân trong câu chuyện để tránh không vấp phải những sai lầm tương tự.

 

<<<>>> 

Hè năm ngoái, khi con đi trại hè về thì xuất hiện một câu chuyện: con được một cô phụ huynh trong đoàn phản ánh về việc bắt nạt một bạn gái khác bằng tuổi con, mới tham gia trại lần đầu, rất ngoan và hiền dịu, bạn Abby. Ba chưa trách con vội, mà tìm hiểu thì hóa ra, cô bé 11 tuổi của ba chọn đó là một hình thức phản công, nhưng người tấn công con lại không phải là Abby mà là Thủy Nguyên, một bạn gái khác đang trên con đường trở thành “hot girl:” cao, trắng, xinh đẹp. 

Dần dần từ những giải thích nhát gừng của con, rồi câu chuyện kể lại của anh con sau khi nghe con tâm sự, ba biết là chuyện đã bắt đầu từ trước đó gần một năm, từ đầu năm học. Thủy Nguyên chuyển từ bạn thân nhất của con, thì nay tụ tập một nhóm bạn gái để tấn công, tẩy chay con gọi là “nhóm bóc phốt.” Tiếc là ba mẹ đã quá sai sót, không biết về chuyện đó sớm hơn mà giúp con, để con phải chịu đựng câu chuyện suốt cả một năm học. Con đã chọn phương án phản công lại Thủy Nguyên một cách sai lầm vậy đấy: vươn lên bằng cách bắt nạt bạn khác, ra vẻ ta đây cũng không phải tay vừa. Tất nhiên ba đã không trách mắng con, chỉ phân tích cho con hiểu thôi, nhưng chắc chắn ba sẽ viết lại câu chuyện để ba năm sau, năm năm sau, mười năm sau… con cần đọc lại nhiều lần mà biết rằng, sống ở cuộc đời này hoàn toàn không đơn giản và chúng ta thì cũng hoàn toàn có thể mắc sai lầm. 

Sau này ra đời rồi con sẽ nhận ra, mỗi người có một cuộc sống riêng, một con đường riêng… bạn Thủy Nguyên có những thế mạnh của bạn, như rất giỏi đi chợ, mua sắm và mặc cả rất thạo, tinh tường… với những năng lực đó bạn ấy sẽ là người kinh doanh giỏi; và việc bạn ấy không có kết quả học tập tốt như con thì cũng là bình thường. Thực tế nếu ba là bố mẹ bạn, ba còn đánh giá những khả năng đó của bạn cao hơn là khả năng “cầy chữ” của con kia. Tiếc là bạn đã sai lầm, và con thì đáp trả bạn bằng một sai lầm khác. 

Ngày nay, tất cả những câu chuyện trẻ con đó nó vẫn diễn ra với người lớn, và trên mạng xã hội thì chúng lại càng trở nên đặc sắc. Chẳng hạn như chuyện sẽ có một cô “long lanh” mới cỡ ngang con ở lứa tuổi ba mươi… Ba con mình sẽ nói chuyện với nhau khi ba là ông cụ 70, ba con mình sẽ nói: “Cô nào đó tự sáng tác ra cho mình những chuyện hoang đường thì đó là kết quả của một đầu óc hoang tưởng… và nếu thể hiện một xu hướng tình dục khác lạ nhưng lại bừa bãi không biết tiết chế, thì là bệnh hoạn rồi… Có ai lại đi đố kỵ với người hoang tưởng hoặc bệnh hoạn dở hơi không?” 

Một trong những chuyện dễ biến mình thành mục tiêu của sự đố kỵ, là việc “show hàng” bản thân lên mạng xã hội thật long lanh, khoe ta đây hạnh phúc, vợ đẹp, chồng giỏi giang, con cái thành đạt… Tất cả những điều đó đều là hư ảo, chính lúc này chúng ta càng thấy viên mãn bao nhiêu, thì cũng là thời khắc chúng ta cần đề phòng nhất vì cái gì đã lên đến đỉnh cao thì nó chỉ còn quỹ đạo đi xuống ở trước mắt. Đó mới là những thứ có thật chúng ta show ra, còn chưa nói đến những điều không có thật mà chúng ta lại còn bịa ra nữa thì hết nói. 

Chuyện thị phi không phải là độc quyền của giới nào – đàn ông có thể không sa đà vào chuyện bóc phốt những thứ nhỏ nhặt nhưng họ lại dễ sa vào những chuyện tưởng như lớn hơn. Có nhiều bác say mê với việc phản ánh những khiếm khuyết của xã hội, nhẹ nhàng thì dẫn một bài báo về một chuyện tiêu cực lên mạng xã hội, thêm vài câu bình luận theo hướng chửi bới. Một “dòng trạng thái” như thế thường kéo theo hàng chục, hàng trăm bình luận và “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” thì việc bình luận tiếp nối vào đó là sự theo đuôi và đồng lõa. Kinh khủng hơn nữa, rất nhiều người đàn ông đàn ang hẳn hoi, sẵn sàng đi lục lọi những thông tin khác về đời tư của người đang bị phản ánh là có hành động xấu, tiêu cực cho xã hội kia… Ngay năm ngoái một vị Thẩm phán bị lên án xử án oan, và có những người đưa lên mạng ảnh vị thẩm phán chụp chung với cô con dâu với những bình phẩm như kiểu ông ấy… loạn luân. Như vậy không còn chỉ là “thị phi” nữa mà đã bắt đầu với việc tiểu nhân hóa tâm hồn của bản thân rồi. 

Đấu tranh với cái xấu, không thể dùng một cái xấu để sửa một cái xấu khác. Ở thời của mạng xã hội, việc này càng trở nên khó khăn vì chỉ cần sơ sẩy, chúng ta có thể sai lầm ngay lập tức, như ba vốn hay đùa cười giễu cợt, nhiều khi cũng đi quá giới hạn khi sa đà trên mạng xã hội. Bây giờ ba con mình chỉ có thể nhắc nhau một ý: “Xã hội không thể tốt đẹp nếu mỗi người không tự mình trở nên tốt đẹp. Bóc ra những điều xấu xa của người khác, không làm cho bản thân mình trở nên tốt đẹp; mà việc phản ánh những điều chưa đúng phải từ cái nhìn nhân văn về một sai lầm nhất thời của cá nhân, và ai cũng có cơ hội để sửa chữa.”  

Vậy thôi con ạ… Thời mạng xã hội lên ngôi, điều tử tế có thì điều nhảm nhí còn nhiều gấp bội. Với ba, mạng xã hội giúp ba nhiều trong những bài học về nhân sinh quan và tiếp xúc với độc giả, nhưng ba luôn luôn tự nhắc mình không được sống ảo, thể hiện những gì mà mình không có. Ba cũng không rõ đến thời con trưởng thành, thì mạng xã hội nó còn như bây giờ không, nhưng nếu nó còn, ba không đề nghị con xa lánh nó, nhưng sử dụng nó như thế nào để mình trở nên tốt đẹp hơn, tránh xa những thói hư tật xấu, đặc biệt là đố kỵ, thị phi… thì lúc nào cũng nên tự xem đi xét lại bản thân mình con à… 

Bài trên Fanpage tại đây và Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment