Tuesday, December 28, 2021

“Chung cư” hay “chúng cư?”


Trong bữa cơm bàn luận về một số vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức Nhà nước vì ông con lớn chuẩn bị thi môn đó, chuyện thế nào nói đến Nhà nước Liên bang, có các Nhà nước liên bang như CHLB Đức, Liên bang Nga và… Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Hoa kỳ…

Ông con tôi cười nói: “Ba cứ đùa, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ chứ đâu mà Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa…” cả nhà cười ồ. Thế là câu chuyện lại rẽ sang một ngả mới hoàn toàn bất ngờ, câu chuyện của từ ngữ Hán Việt. Nếu như chúng ta lên mạng mà tìm cụm từ khóa “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ hay Hợp chúng quốc Hoa Kỳ” thì sẽ gặp một số bài giải thích rất hay, ở đây tôi sẽ xin không giải thích lại nữa. Tuy nhiên tôi nhận thấy trong cách giải thích đó có chỗ không rõ, nên xin nói lại và đồng thời làm “mồi” cho một câu chuyện khác. 

Trong lúc trò chuyện, mẹ của lũ trẻ cũng giải thích… y như nhiều người và ngay cả trong một bài báo tác giả cũng viết rất dí dỏm: “Nhiều người giải thích một cách… rất trí tuệ “Hợp chủng quốc” nghĩa là tập hợp của nhiều dân tộc (chủng tộc.) Chính xác thì “Hợp chúng quốc” là việc dịch nghĩa rất sát của cụm từ “United States” là “Liên minh của nhiều nước” hay có thể hiểu là “Liên bang”.” 

Tên nước Mỹ trong tiếng Trung Quốc là “美利堅合眾國” (Mỹ lợi kiên Hợp chúng quốc) trong đó cái chữ “chúng” mà chúng ta quan tâm, có nghĩa là “nhiều.” Ở đây cả cụm “Hợp chúng quốc” có nghĩa là “liên hợp của nhiều nước.” Như vậy bản chất của chữ “chúng” ở đây có thể nói rằng nó… không bao hàm ý nghĩa nếu xét về tính tương đương ngôn ngữ từ gốc tiếng Anh, nôm na nó chỉ là… số nhiều của “nước” hay “Nhà nước.” Điều này đối với những ai học tiếng Trung sẽ không băn khoăn vì chữ “chúng” đi theo chữ “quốc” thành “nước (số nhiều).” Đến đây tôi cảm thấy hơi tiếc vì chúng ta đã bỏ cách viết có gạch nối giữa các âm tiết của từ Hán Việt nhiều âm tiết “Việt-nam Dân-chủ Cộng-hòa.” Nếu giữ cách viết này, thì quốc hiệu nước Mỹ sẽ là “Hợp chúng-Quốc Hoa-kỳ” hay “Mỹ-lợi-kiên Hợp chúng-Quốc.” Khi có gạch nối như vậy, người Việt sẽ chú ý đến cụm “chúng-Quốc” mà không bị nhầm lẫn với “Hợp-chúng” mà nhầm thành “Hợp-chủng.” 

Bàn sâu thêm chút nữa, nếu giải thích theo kiểu “uyên bác” “chủng nghĩa là chủng tộc” thì chữ “Quốc” (nước) ở đâu ra và đứng đó làm gì? Thông thường “Việt Nam” là chỉ nước Việt Nam nói chung, “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” là quốc hiệu – không thấy chữ “nước” ở đâu cả. Các quốc hiệu khác như “Liên bang Nga,” “Cộng hòa Liên bang Đức,” “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên” và “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” đều cũng như vậy. Chữ “nước” chỉ được thêm vào khi người ta cần trợ từ để nhấn mạnh, ví dụ: “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố chủ quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.” Như vậy nếu gọi “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” thì không chỉ sai về nghĩa của hai chữ “chúng” và “chủng” mà còn sai cả ngữ pháp.

*

*     *

 

Bây giờ chúng ta “buôn dưa lê” sang chuyện khác. Cũng trong một bài giải thích tôi gặp đầu tiên, tác giả có đưa ví dụ là “gần đây có người đề nghị gọi cho đúng là “chúng cư” chứ không phải “chung cư”,” tiếc là không có giải thích thêm. Vậy “chung cư” đúng hay “chúng cư” đúng?

Có lần tôi nghe một bác giải thích, “chúng cư” là đúng, vì “chúng” ở đây nghĩa là “đại chúng.” Hồi đó tôi chưa tra cứu, cũng vội vàng tin ngay và gần đây cũng vẫn còn dùng trong vài lần dùng từ. “Chúng cư” nghĩa là cái nhà đại chúng, cho đông người. Câu chuyện “Hợp chúng quốc” làm cho tôi ngờ ngợ, phải chăng cần tra cứu lại “chúng cư” hay “chung cư?” Bản thân khi học tiếng Hán tôi vẫn biết cái khái niệm “nhà tập thể” được gọi là “公寓” Hán Việt “công ngụ” hay đầy đủ “公寓楼” (“công ngụ lầu”) trong đó “công” có nghĩa là “chung” (của chung, công cộng), “ngụ” trong “cư ngụ” còn “lầu” là cái gì ai cũng biết. 

Như vậy cái nhà tập thể thì là nhà chung, công cộng… Sang tiếng Việt sau nhiều biến đổi, người ta lấy chữ “chung” là “của chung” ghép với chữ “cư” (động từ nghĩa là “ở,” danh từ nghĩa là “chỗ ở”) trong “cư ngụ” thì cũng là ổn, chứ không có gì không ổn. Hóa ra, “chung cư” lại đúng hơn “chúng cư.” 

Để cẩn thận, tôi tra trên Google xem người Trung Quốc có dùng các cụm “chúng cư” (“众居”) “chúng ngự” (“众寓”) “chúng cư lầu” (“众居房”) hay “chúng ngự lầu” (“众寓房”) hay không đều không có kết quả. Tôi cung cấp ở đây để bạn đọc có thể cùng tôi kiểm tra lại một lần nữa xem.    

Trong tiếng Hán còn có một từ “Công cư” (“公居”) tả “Công Cư môn” (Cổng Công Cư của thành Vạn Châu) là một trong những bài thơ của nhà thơ Vương Chu đời Tống. Nhà thơ tả phong cảnh ở cổng Công Cư, là một nơi cảnh đẹp nổi tiếng. Tiếng Hán không dùng từ “công cư” với nghĩa là nhà tập thể. 

Thôi gọi là “chúng cư cao cấp,” từ nay em không thế nữa…

Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây

Bài trên Fanpage tại đây

Bài trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment