Wednesday, December 22, 2021

Liệu có nổ ra cuộc chiến tranh Nga – Ukraine?

Hội đàm trực tuyến giữa
Putin và Biden có làm hạ nhiệt xung đột Nga - Ukraine?
- Ảnh: aa.com.tr

Liên tiếp những tin tức về việc tập trung lực lượng quân sự Nga ở gần biên giới phía Tây nước này gần biên giới với Ukraine làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến tranh sắp xảy ra. Tình hình chỉ hạ nhiệt sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Tổng thống Hoa Kỳ, ông Joe Biden và Tổng thống Liên bang Nga V.Putin. Có vẻ như ông V.Putin đã đạt được một mục tiêu nào đó và cuộc hội đàm là cái mốc đánh dấu cho kế hoạch đã được vạch sẵn.

Vào thời điểm tình hình căng thẳng, cũng đã có những câu hỏi gửi đến cho tôi, thậm chí những đề nghị viết bài phân tích, nhưng do lý do cá nhân tôi không đáp ứng được. Tôi chỉ trả lời vắn tắt những câu hỏi là “Căng thẳng thì có thể, nhưng đánh nhau thì rất khó xảy ra.” Bây giờ đã đến lúc trà dư tửu hậu, chúng ta cũng vẫn có thể nói lại câu chuyện này nhưng với những cách tiếp cận khác, chẳng hạn xem xét Nga có thể đánh hay không, tại sao lại có những động thái “kéo quân” như thế, và nếu đánh thật thì những kịch bản nào có thể diễn ra…

Câu hỏi đầu tiên – Nga có thể đánh Ukraine hay không? Có thể lắm chứ, về tương quan đường đường Nga mạnh hơn Ukraine nhiều xét về các tiêu chí đánh giá về lý thuyết, chủ yếu về sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Ukraine trước thời Tổng thống Zelenski đã phải đối đầu với những vấn đề tham nhũng và hiệu lực quản lý của bộ máy công quyền thiếu hiệu quả, thì dù ông Zelenski có cố gắng nhiều đến mấy tình hình vẫn chưa cải thiện được nhiều. Với tình thế như vậy thì một cuộc xung đột hạn chế còn khó khăn cho Ukraine, nữa là một cuộc chiến toàn diện. Chúng ta chỉ cần nhìn vào cuộc Chiến tranh Donbass là đủ thấy với Ukraine hoàn toàn không có khả năng khôi phục được tình hình như trước thời điểm giữa năm 2014.

Nga hiện nay vị thế vẫn là một cường quốc quân sự, vì họ có vũ khí hạt nhân. Điều đó xếp nước này vào hàng chiếu trên của bản đồ quân sự thế giới, còn Ukraine thì ở đâu đó… xa lắc. Vì thế với câu hỏi, Nga có thể đánh hay không, câu trả lời là hoàn toàn có thể, và kịch bản trong trường hợp này là gì, tức là nếu đánh thì đánh như thế nào. Thế giới cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, đã quá “nhớ đời” với hai cuộc Đại chiến, lý thuyết quân sự lại được “thử nghiệm” qua các cuộc chiến ủy nhiệm quy mô lớn là Chiến tranh Triều Tiên (đầu thập niên 1950) và cuộc Chiến tranh Việt Nam kéo dài 20 năm; chuyển sang các hình thức khác mà cuộc “thử nghiệm” đầu tiên là Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất đầu thập niên 1990. Cuộc Chiến tranh này là cuộc chiến tranh đầu tiên sau chiến tranh lạnh mà một quốc gia bị tấn công chính thức bởi một liên minh khác, sau đó thế giới còn nhiều điểm xung đột nhưng dần dần các cuộc Chiến tranh chính thức được thay thế dần dần bằng các cuộc xung đột hạn chế, thường quay lại với hình thức “chiến tranh ủy nhiệm” và tính hạn chế của nó thể hiện ở quy mô xung đột cả về lực lượng hai bên lẫn địa bàn diễn ra. Các nước lớn hạn chế can thiệp trực tiếp vào tình hình mà chỉ thao túng một hoặc nhiều bên tham chiến mà thôi, điển hình là nước Mỹ và sau đó là Nga trong cuộc nội chiến Syria. Trung Quốc với học thuyết phát triển trong đó có quân sự của mình được đề ra từ thời Đặng Tiểu Bình, dù có lớn mạnh đến đâu cũng cố gắng không tham gia vào bất cứ xung đột ủy nhiệm nào của thế giới. Tại sao vậy?

+ Thứ nhất, đầu tiên là “tiền đâu?” không ai có thể đua với gã nhà giàu Hoa Kỳ về tiền được, nhất là họ đã có được một bộ máy hoàn hảo trong việc chi tiền cho chiến tranh và kiếm tiền ngược lại từ chính những hoạt động đó. Nếu Trung Quốc và Nga cũng “thò chân” vào những xung đột quanh thế giới kiểu như vậy, thì liệu họ có kiếm được tiền từ đó, hay chỉ có đem tiền đi đốt? Chúng ta cần hiểu cơ chế công nghiệp quốc phòng của Nga và Trung Quốc hiện tại dù có được tư nhân hóa đến đâu, cũng không thể đạt mức sâu sắc như của những nước như Hoa Kỳ được. Thậm chí chúng ta có thể nói là cơ chế mỗi nơi một khác, hoàn toàn trái ngược nhau. Ở một nơi là tư bản tư hữu trong lĩnh vực quốc phòng thao túng chính sách Nhà nước, còn một nơi (Nga và Trung Quốc) thì đang cố gắng tư nhân hóa công nghiệp quốc phòng. Vì thế nếu những nước như Hoa Kỳ nếu dây dưa vào xung đột, tốn kém thì ác liệt nhưng vẫn còn kiếm được tiền từ đó, với Nga và Trung Quốc thì còn phải xét. Vì thế khi thấy Nga cũng tỏ ra mạnh bạo trong cuộc nội chiến Syria, một mặt chúng ta hưng phấn (người Việt Nam mà, tình cảm dành cho nước Nga vẫn dạt dào) nhưng cũng nên tỉnh táo suy xét. Tại sao Nga chỉ dừng lại ở mức chủ yếu dùng không kích, mà không sa đà vào việc (1) Đưa bộ binh thường tham chiến chỉ có một số các hoạt động biệt kích và (2) Đổ tiền chống lưng mạnh hơn nữa cho chính quyền Bassar Al Assad như Thổ Nhĩ Kỳ đang làm? Ở mức các cuộc không kích, với Nga dễ dàng hơn nhiều vì lượng vũ khí của họ còn dồi dào và chi phí so của nó so với việc sử dụng bộ binh thường rẻ hơn rất nhiều, lại an toàn vì các lực lượng đối lập ở Syria hầu như không có thiết bị phòng không chính quy. Rủi ro duy nhất xảy ra chỉ là lần Thổ Nhĩ Kỳ cho F16 bắn hạ cường kích Su-24 của Nga… Còn việc đổ tiền đổ của là điều chắc chắn không thể xảy ra vì bài học Liên Xô trong Chiến tranh Việt Nam và Afghanistan, Putin hẳn thuộc nằm lòng.

+ Thứ hai, nếu dây dưa vào các cuộc xung đột, thì phải đặt câu hỏi “vị thế của anh như thế nào?” – Mỹ tham gia đủ các nơi trên thế giới nhưng luôn luôn trong vai trò cầm đầu cả một “bè lũ tay sai” là các nước thành viên NATO, tức là các đồng minh, dù có thể không phải lúc nào họ cũng tham gia kề vai sát cánh với Mỹ trực tiếp hoặc gián tiếp. Nếu đặt câu hỏi này với Nga và Trung Quốc, thì câu trả lời là một số “không” tròn trĩnh. Nếu Trung Quốc ra tay với Đài Loan, chắc chắn Đài Loan có Mỹ đứng sau nhưng Trung Quốc sẽ đơn độc. Còn Nga cho đến nay hoàn toàn đơn độc trong các vấn đề Syria và cả Ukraine. Belarus chỉ như là một tỉnh của Nga, “không có tuổi gì” để xét ở đây.

+ Thứ ba, ở thời nào rồi mà còn tính gây ra một cuộc chiến tranh ngay sát nách của mình? Chỉ có thằng quá dốt mới làm chuyện đó, còn ở đây chúng ta có tay chơi lão luyện Putin! Khói thuốc súng ở Chesnia có thể đã tan, nhưng bài học thì còn chưa ráo mực, và gần đây nhất là cuộc xung đột Armenia – Azerbaijan. Dù đây là một cuộc xung đột hạn chế và đúng nghĩa là ủy nhiệm với hai bên chống lưng: Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng với Nga thì tính chất nhạy cảm cao hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ, vì nó diễn ra trên vùng đất cũ của Đế quốc Nga và khu vực vốn vẫn được coi là phên dậu của Nga ở hướng chiến lược Nam Nga – Trung Á.  

Quay lại với câu hỏi, nhưng lần này cách hỏi sẽ khác, “Nếu Nga đánh Ukraine, thì đánh thế nào?” Như chúng ta đã xem xét, có hai cách để tham gia hoặc khơi mào cuộc chiến. Cách thứ nhất, là trực tiếp đánh, ta sẽ để lại nói sau. Cách thứ hai, là đứng sau một cuộc xung đột ủy nhiệm với quy mô hạn chế, thì Nga đã làm rồi, đó là cuộc Chiến tranh Donbass bắt đầu giữa năm 2014. Việc gây ra một cuộc xung đột khác ở đâu đó với Nga bây giờ là không thể, vì cuộc chiến Donbass đến giờ phút này đã là cái gân gà trên đĩa của Putin. Như tôi đã viết, với Ukraine đương nhiên cuộc xung đột này là quá khó khăn cho đất nước và chưa thể dứt điểm được. Tuy nhiên, ở mặt khác chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận với nhau là chỉ còn nửa năm nữa, cuộc xung đột này đã được tròn 8 năm mà cái gọi là “Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk” ly khai vốn có Nga đứng sau cả về chi phí lẫn sức người, vẫn chưa thắng lợi hoàn toàn để lập quốc rồi từ đó… chọn cho mình “con đường đúng đắn” hay “về với đất mẹ” Liên bang Nga. Với Nga câu chuyện này càng để lâu, càng nhùng nhằng, thì càng tốn sức người sức của.

Như vậy, Nga chỉ có thể trực tiếp đánh Ukraine. Muốn như vậy phải có cớ, chuyện này dễ, nếu thực sự muốn đánh thì chỉ cần một âm mưu khiêu khích là đủ, không cần phải có cái cớ “nạn kiều” hay “đuổi Hoa kiều” năm 1978 để dẫn đến cuộc Chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979. Vậy “đánh như thế nào” là vấn đề – chúng ta thử hình dung một cuộc chiến tranh quy ước giữa Nga và Ukraine (chiến tranh hạt nhân thì không thể có rồi, bây giờ mở vali ra bấm nút hay không với Putin cũng là câu hỏi đau đầu, vì chắc chắn anh sẽ phải trả lời chất vấn về trách nhiệm quốc tế của mình) thì chắc chắn cuộc chiến tranh đó phải là “tốc chiến tốc thắng” theo các kiểu như thế này:

+ Tập kích đường không một số mục tiêu quân sự của Ukraine trên phần lãnh thổ phía đông nước này. Phương án này dễ xảy ra nhất, nhưng nếu Nga bị bắn hạ vài cái máy bay thôi, thì cũng là câu chuyện chấn động, hoặc nếu tấn công bằng tên lửa đất đối đất, pháo binh… Tất cả đều dẫn đến một tình thế “có (tai) tiếng mà không có miếng.”

+ Đánh chiếm một số điểm dân cư không lớn nằm gần biên giới Nga – Ukraine, với các lý do như bảo vệ người gốc Nga, nói tiếng Nga ở đây… kịch bản Crimea cũ lặp lại và như vậy phải có những biến cố bên trong đất nước Ukraine. Nếu việc tập trung quân vừa qua của Nga đủ gây lo sợ để có các tác động, gây biến động nội bộ Ukraine thì phương án này hoàn toàn có thể xảy ra. Tiếc là “Nước Cộng hòa Nhân dân Kharkiv” đã không được thành lập… Phương án này vẫn có thể xảy ra với cách là chiếm xong rồi rút cùng với lời tuyên bố “đã hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu dạy cho Ukraine một bài học” như Trung Quốc chiếm thị xã Lạng Sơn đầu năm 1979.

+ Dồn thêm quân vào cuộc xung đột Donbass để mở rộng lãnh thổ của vùng chiến sự này theo hướng có lợi cho phe ly khai, nối lãnh thổ này với bán đảo Crimea trên đất liền. Thực tế thì việc bơm thêm quân cho khu vực này, tôi không nghi ngờ rằng Nga đang làm nên chỉ còn có việc mở một mũi tấn công để tạo hành lang nối liền Crimea với Donbass. Cách này với Nga cũng dễ thực hiện vì nó là khả năng sử dụng chiến tranh quy ước mang tính truyền thống cao, thứ mà Nga đã quá quen, chẳng hạn như tổ chức tấn công bằng lực lượng xe tăng, bộ binh có sự tham gia của không quân và pháo binh.

Mọi “cách” hay phương án trên đây đều phải dựa trên tình thế nội bộ của Ukraine, cụ thể là bên trong đất nước phải tồn tại những lực lượng đối lập đủ mạnh để khi “đánh” sẽ tạo rối ren đủ để lực lượng đối lập vùng lên giành chính quyền, còn đánh theo kiểu thọc thẳng và tung thâm đối phương chiếm thủ đô cắm cờ lên nóc nhà Quốc hội, e hơi khó dù không phải là Nga không làm được. Xuất phát từ việc chúng ta không thấy lực lượng đối lập trong chính trường Ukraine ở đâu – hay có thể có nhưng không đủ mạnh đi, đồng nghĩa với việc một chiến dịch quân sự chiếm thủ đô Kyiv sẽ làm nổ ra cuộc chiến tranh quốc gia – quốc gia, kéo dân cả hai nước vào cuộc chiến. Chưa nói đến tính chính danh của Nga hoàn toàn không có trong khả năng này, mà một cuộc chiến như vậy là rất rất quá sức với Nga.

Sao mà quá sức? – Vì GDP của Nga chưa bằng tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc chứ sao. Một cuộc chiến tranh để nuôi nó cần sức mạnh tổng hợp của quốc gia, trong đó nền kinh tế sản xuất phải rất vững mạnh vì khi đó anh cần phải sẵn sàng đối đầu với các loại lệnh cấm vận… Chỉ cần một mặt hàng khan hiếm thôi cũng đã đủ khó khăn rồi, mà lâu nay thì người ta đang lo ngại về hiện trạng nền kinh tế sản xuất hàng tiêu dùng của Nga đang dần dần lọt hết vào tay… người Trung Quốc. Nền kinh tế phụ thuộc khai thác tài nguyên của Nga chỉ cần bóp một cái là khó khăn khi không bán được hàng, trước đây tôi đã viết bài “Châu Âu có chết rét không và Nga thì có chết đói không…” phân tích về chuyện này rồi. Đối thủ của Nga có thể khó khăn 1 nhưng Nga sẽ khó khăn 10 khi sa vào một cuộc chiến cấm vận như vậy.

Bây giờ thì chúng ta đã nghiêng nhiều về hướng nếu đánh, sẽ là một chiến dịch hạn chế về quy mô và chớp nhoáng về thời gian. Vậy chúng ta cũng sẽ cần phân tích thêm từ góc độ quân sự trong tương quan với công nghệ hiện đại. Tính chất của các cuộc chiến tranh hiện đại đã thay đổi quá nhiều khi bước sang thế kỷ XXI, khi vai trò của người lính trong chiến tranh đã thay đổi từ người lính nghĩa vụ có trình độ học vấn sơ cấp, lên người lính công nghệ cao có trình độ đại học. Tôi nhớ năm 2016 tôi có viết bài “Từ chiếc T-90 bị bắn cháy nghĩ về nhãn quan quân sự Nga” xin trích lại một đoạn như sau: “Thực tiễn chiến trường của cuộc chiến Grozny với thiệt hại nặng nề cho xe tăng của quân đội Nga cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tiến hành chiến tranh theo một cách khác. Hai cuộc chiến tranh vùng Vịnh cũng như những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ cùng liên quân ở các chiến trường Trung Đông hay Afghanistan cho thấy có những sự thay đổi lớn trong chiến lược cũng như chiến thuật. Đồng thời tính chất của những cuộc xung đột cũng đã thay đổi, việc chiếm đất đai của đối phương không hẳn là quan trọng, mà là việc giành được thắng lợi quân sự phải đi kèm với thắng lợi về chính trị từ đó mở rộng vòng ảnh hưởng của quốc gia về địa chính trị. Do đó bây giờ họ tiến hành chiến tranh bằng việc tiêu diệt các mục tiêu có chọn lọc bằng các vũ khí thông minh có độ chính xác cực cao như bom thông minh, tên lửa hành trình từ đó các nhóm quân đặc biệt tinh nhuệ, bí mật tập kích chớp nhoáng rồi rút rất nhanh; kết hợp với việc thường xuyên kiểm soát chiến trường bằng vệ tinh, máy bay không người lái… Ưu điểm của chiến thuật “trực thăng vận” cực kỳ cơ động có từ trong Chiến tranh Việt Nam nay được áp dụng phổ biến rất hiệu quả. Một trong những thành công vang dội của nó là chiến dịch tập kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden (2011.)”

Hồi đó tôi phân tích chế độ nghĩa vụ quân sự của Nga đã lỗi thời, cần phải thay đổi sang chế độ hỗn hợp, trong đó phát triển thích đáng những lực lượng chuyên nghiệp và tinh nhuệ. Đồng thời về quan điểm xây dựng học thuyết quốc phòng, do đất đai Nga và một vài nước láng giềng rộng rãi bằng phẳng, nên quan tâm nhiều đến việc xây dựng một lực lượng thiết giáp thích đáng và đây được coi là thế mạnh của quân sự nước này. Nếu xung đột Nga – Ukraine chỉ diễn ra ở mức độ bộ binh – bộ binh có hỗ trợ của pháo binh và không kích, thì Nga không hẳn chiếm ưu thế, còn nếu đưa thêm lực lượng thiết giáp vào tham chiến thì nhiều khi thế mạnh lại trở thành yếu điểm, thậm chí tử huyệt. Nắm được đặc điểm là hiện nay số lượng xe tăng T-90 trong lục quân Nga vẫn chiếm ưu thế, xe tăng T-14 “Armata” còn quá mới để đánh giá và bản thân số lượng của nó có đủ để tạo bước ngoặt của cuộc chiến hay không còn là một dấu hỏi, tiến trình viện trợ tên lửa chống tăng Javelin của Hoa Kỳ cho Ukraine có thể chưa nhiều, nhưng đủ để chơi đôi công với xe tăng Nga trong cuộc xung đột hạn chế. Xe tăng ở thập niên thứ ba của thế kỷ XXI như T-90 của Nga trông thì hoành tráng mà chưa chắc đã chống lại các vũ khí chống tăng cá nhân hiện đại một cách hữu hiệu, thì khi nó bị bắn cháy một số lượng đáng kể chỉ cần tính bằng vài chục chiếc trên chiến trường, thì cuộc chiến chưa biết thắng ở đâu, con số đủ gây chấn động trong nước theo hướng bị đánh giá là thất bại rồi. Điều này cũng sẽ đúng với những nắm đấm chiến thuật đáng sợ khác của Nga, như cường kích Su-24 hay trực thăng Mi-24 Hind vốn còn chiếm số lượng đông đảo trong lực lượng Nga. Các “món” hiện đại hơn như Mi-28 Havoc số lượng còn quá hạn chế để xem xét. Cuộc xung đột Armenia – Azerbaijan năm 2020 đã cho thấy sự tụt hậu thảm hại về công nghệ vũ khí giữa một bên là vũ khí Nga và bên kia là vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ là một minh chứng cho nhận định, rằng Nga đã có những lạc hậu khó chối cãi và nếu tiếp tục đánh nhau bằng sức người, sẽ lại khới lại những vết thương chưa lành từ thời Liên Xô tham chiến ở Afghanistan.

Cá nhân tôi vẫn trung thành với nhận định, là Putin sẽ không xua quân đánh nhau với Ukraine làm gì. Về chiến lược địa chính trị, như trên đây tôi đã viết Putin sẽ không muốn có một cuộc chiến tranh ngay sát nách của mình, đặc biệt là tham chiến trực tiếp. Còn một khía cạnh nữa, là những điểm nóng xung quanh nước Nga vẫn luôn tiềm tàng khả năng…

Vậy tại sao ông ta lại làm cái trò đó – tức là dồn tiền đặt cửa? Nếu để reo rắc sợ hãi bên trong nội bộ Ukraine, thì có vẻ như là chưa thành công cho lắm. Chúng ta chưa thấy những dòng người tản cư lũ lượt từ Kharkiv kéo sang Lviv hay… Ba Lan. Để gây sức ép chính trị, thì cũng chưa thấy có kết quả nào đáng kể: Ukraine chưa tuyên bố từ bỏ “dã tâm” xin gia nhập NATO, và sau cuộc hội đàm online ông Biden cũng nói với Putin việc xin gia nhập này là quyền của Ukraine!

Câu trả lời chúng ta cũng phải cố mà tìm cho ra… một động thái như thế kiểu gì cũng có những mục đích, cả về đối ngoại lẫn đối nội. Nếu đặt câu chuyện vào trong tương quan với câu chuyện đường ống khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” nào đó còn tí ti nữa là xong, nhưng mãi vẫn chưa đưa vào bán hàng được; và tại sao nó lại diễn ra vào tháng Mười một, là thời điểm trước khi thời tiết có những “động thái” rét nhất trong năm?

Đáng tiếc, người tính không bằng trời tính, trước đây tôi đã nhận định Putin cần phải xem xét lại vũ khí khí đốt của mình mỗi khi muốn nói chuyện với phương Tây vì… biến đổi khí hậu. Hiện nay chúng ta đã đi được nửa tháng Mười hai của năm 2021, mà bắc bán cầu vẫn chưa thấy đợt rét nào đáng kể. Biến đổi khí hậu tổng thể sẽ làm nâng nền nhiệt toàn cầu, và xuất hiện những đợt khí hậu cực đoan. Các đợt rét hay cực rét vẫn sẽ diễn ra, nhưng nhanh chứ không lâu và với xu thế phát triển năng lượng xanh giảm phụ thuộc năng lượng hóa thạch mạnh mẽ hiện nay ở Châu Âu, thì thị trường khí đốt của Nga sẽ ngày càng bị thu hẹp. Đó là xu thế tất yếu, do đó nếu có ý tưởng gây sức ép về quân sự để đạt được ưu thế về kinh tế (bán khí đốt) cũng khó mà thành công được.

Về đối nội, song song với các động thái quân sự, giới chức lãnh đạo Nga liên tục có các phát biểu có tính vừa gây căng thẳng, vừa… gây hưng phấn. Tôi không nhớ ông Peskov (Thư ký báo chí Tổng thống Nga) hay bà Zakharova (Người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga) hay ai đó phát biểu cụ thể như thế nào, nhưng tần suất của những phát biểu là khá liên tục, thường xuyên. Có thể tình hình bên trong nước Nga khá lắng dịu nếu xét đến những hoạt động của nhà đối lập nổi bật nhất như Navalny, nhưng tình hình vẫn tiếp nói từ bối cảnh cuộc trưng cầu dân ý năm 2020 đã được tổ chức nhưng việc sửa đổi Hiến pháp (cho phép Putin tại vị thêm một số năm trên cương vị Tổng thống) vẫn chưa chính thức nổi và cũng chính năm này nổ ra một số cuộc biểu tình chống chính quyền độc tài Lukasenko ở Belarus. Với Putin có một điều quan trọng không được quên, là thần dân của ông ta ngoài dân Nga, còn có các sắc dân khác thuộc Liên Xô cũ mà mối quan tâm đầu tiên phải là Belarus và Ukraine, và nó có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình bên trong nước Nga. Cách giải thích phổ biến đối với Putin trước dân chúng, là ít nhất hai nước này phải là “phiên thuộc” của Nga, nếu không thì chẳng còn gì là uy tín nữa cả. Mất Ukraine vào tay phương Tây với Putin là không thể chấp nhận được, nó đánh thẳng vào sĩ diện của một người đang tự cho mình là Hoàng đế quyền năng, và nếu mất thật thì có thể mất nốt cả Belarus như chơi. Vì thế có thể đoán rằng, trò “đèn kéo quân” này có ý nghĩa với dân chúng Nga nhiều hơn là với bên ngoài.

Putin như một cờ thủ nhưng là cờ thủ không thể dừng cuộc chơi dù là tạm thời, ông ta không có được thời gian nghỉ ngơi và bị thôi thúc bởi chính sĩ diện cá nhân của mình, bị trói buộc bởi chính giấc mơ Hoàng đế của mình. Là người Việt Nam hâm mộ Putin chúng ta háo hức đoán xem ông ta sẽ đi nước nước cờ tiếp theo và nhận định “ông là người hay gây bất ngờ” (cũng là khó lường), nhưng cũng cần phải nghĩ chiều ngược lại: cuộc chơi nào cũng có lúc kết thúc, và nếu để nó kéo dài quá thì chính cờ thủ cũng phải mệt mỏi.

Hơn ai hết, Putin hiểu câu “Gây ra một cuộc chiến thì dễ, nhưng kết thúc cuộc chiến ấy như thế nào thì còn khó hơn rất nhiều.”

Bài trên Nhịp cầu Thế giới tại đây

Bài trên Fanpage tại đây

Bài trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment