Ít người còn nhớ, khoảng những
năm 1970 giấy “Gia đình văn hóa” không phải to như bằng khen mà là một tờ giấy
mỏng, hình chữ nhật nhỏ như tờ lịch, in khuyết hình tam giác ở phía dưới, các
gia đình được “phát” dán lên trên cửa nhà.
Cứ dịp cuối năm, “đến hẹn lại
lên” tổ dân phố lại đi phát một tờ khai, các gia đình tự khai vào đó theo các
tiêu chí đánh giá “Gia đình văn hóa.” Sau khi nộp đi, đâu như chục ngày nửa
tháng nhà nào cũng được cấp một giấy chứng nhận in đẹp như một tấm bằng khen.
Như nhà tôi thì nó được để một xấp trong tủ, chẳng bao giờ treo lên cả, vì…
chán. Năm nào cũng như năm nào, cùng một nội dung lấy thông tin và tất cả các
nhà đều được phát đồng loạt. Một việc làm mang tính hình thức kinh khủng, rất
không thực chất. Chỉ có những nhà gia đình có người phạm pháp thì mới không được
phát tờ khai, còn thì kể cả vợ chồng cãi cọ đánh chửi nhau thường xuyên hay vẫn
vứt rác ra đường, nay vì thành tích của địa phương mà “được” “Gia đình văn hóa”
tất.
Vô hình trung, chủ nghĩa hình
thức mang nặng tính thành tích trong công nhận “Gia đình văn hóa” này đã thủ
tiêu ý nghĩa tốt đẹp của nó, chẳng ai coi trọng, thậm chí coi thường… Trên cả
nước, chỉ có Đà Nẵng là quý trọng “tỷ lệ Gia đình văn hóa thấp nhất nước” và
coi đó là con số thực chất. Ngay ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL
Đà Nẵng cũng thẳng thắn rằng việc dễ dãi trong công nhận Gia đình văn hóa dễ dẫn
đến coi thường danh hiệu.
Năm nào cũng vậy, nhận tờ khai
điền thông tin, trong lòng tôi lại dấy nên những băn khoăn, rằng trên toàn đất
nước chúng ta như thế có rất, rất nhiều “Gia đình văn hóa,” tức là rất nhiều “tế
bào của xã hội” được công nhận là “có văn hóa.” Ngược lại, chỉ cần bước chân ra
đường là có thể gặp những hành vi có thể coi là xấu xí của người Việt, mà nổi
lên là sự ích kỷ và tham lam vô chừng. Bất cứ ai cũng có thể gặp tai nạn vì một
cú “tạt đầu” vô trách nhiệm của một tay lái lụa trên chiếc xe máy cùng đường.
Người ta không thể nghĩ đến an toàn của người khác, vì người ta luôn luôn muốn
tham cho bản thân một vài giây đồng hồ khi vượt đèn đỏ.
Vì lẽ đó, cứ thỉnh thoảng
chúng ta lại gặp một tin nào là đổ xô vào “hôi” bia đổ xuống đường từ chiếc xe
tai nạn, nào là “hôi” của từ chiếc xe tải cháy… và gần đây nhất, xấu xí nhất là
hình ảnh người ta xông vào “tùng xẻo” con trâu chết tai nạn ngay trên mặt đường.
Tôi nhớ cách đây mấy năm, người
bạn công tác trên huyện tỉnh B miền núi phía bắc kể, buổi chiều khi làm đường,
công nhân phát hiện một ghềnh đá trong đá có chứa vàng. Chỉ trong một đêm cái
ghềnh đá rộng sâu mấy chục mét, dài đến 300 mét bị dân địa phương và cả những
vùng lân cận đổ ra đào bay mất, sáng hôm sau để lại một con mương cạn trong sự
bất lực của chính quyền.
Câu chuyện “tùng xẻo” con trâu
y hệt vậy, chỉ có khác thay vì đào vàng thì người ta cướp thịt trâu. Chưa bao
giờ chúng ta có thể hình dung một ngày, người Việt Nam lại có thể hành động xấu
xí đến vậy.
Cũng chỉ vài ngày trước, xem
những đoạn video chia sẻ trên mạng về cảnh “xếp hàng” mua vé trận bán kết lượt
về AFF Cup giữa ĐT Việt Nam và Indonesia ở Mỹ Đình mà nản. Một đám đông hỗn loạn,
đè lên nhau và gây sức ép lên lực lượng cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ, đến mức
mà cảnh sát cũng phải có những hành xử không được đẹp với người mua vé. Chúng
ta tự hỏi tại sao không thể xếp hàng mua vé một cách trật tự được mà cứ hễ đụng
vào các sự kiện “hot” thì người Việt Nam lại trở nên hung hãn và bất trị đến vậy?
Đau nhất là chính những cổ động
viên vừa cuồng nhiệt phất cờ nhưng sẵn sàng vứt ngay cờ Tổ quốc vào sọt rác khi
đội tuyển nhà thua trận, còn đội bạn thì phải cố thủ trong vòng vây cảnh sát bảo
vệ vì ô tô bị ném vỡ kính xe. Có bao nhiêu cổ động viên như thế có giấy chứng
nhận “Gia đình văn hóa” treo ở nhà?
Chỉ cần đi sang đến nước gần gần
như Singapore thôi, cũng có thể thấy đâu đâu cũng một sợi dây xếp vòng vèo để
người đứng xếp hàng – đâu đâu cũng xếp hàng và tất cả mọi người trật tự đứng
trong sợi dây đó. Ở Việt Nam, chúng ta chỉ có thể bắt gặp cảnh đó ở… sân bay.
Dường như người Việt Nam quen choáng ngợp với nơi hoành tráng, tự động cảm thấy
mình hèn kém đi hay sao, mà trở nên tự giác chấp hành trật tự thì phải.
Một trong những tiêu chí “Gia
đình văn hóa” là “Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh
môi trường; nếp sống văn hóa nơi công cộng; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, cảnh
quan của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở
khu dân cư.” [1] Đọc tiêu chí đó, nhưng lại chứng kiến người Việt ngày càng thiếu
đi cách cư xử văn hóa, chỉ cần có mối lợi, lòng tham nổi lên, sợ mất phần là sẵn
sàng… tham chiến bất cứ lúc nào thì sẽ thấy rõ ràng chúng ta thấy có một khoảng
cách quá lớn giữa thành tích được báo cáo với những gì đang diễn ra trong đời sống
hàng ngày.
Nếu như những tiêu chí “Gia
đình văn hóa” được đánh giá đúng, thì từng thành viên của gia đình chắc chắn phải
là những thành viên mẫu mực của xã hội. Sẽ không có những người mẫu mực trong
gia đình nhưng sẵn sàng cư xử thiếu văn hóa, thậm chí xấu xí ngoài xã hội.
Đã đến lúc phải dóng lên hồi
chuông cảnh tỉnh về sự méo mó hành vi văn hóa của người Việt cũng như xem xét lại
cung cách bệnh thành tích và hình thức chủ nghĩa trong hoạt động của các cơ
quan chính quyền hiện nay.
[1] Thông tư số:
12/2011/TT-BVHTTDL
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facbook tại đây
No comments:
Post a Comment