Sôi nổi các diễn đàn trực tuyến
từ mấy hôm nay về chuyện ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng “đăng đàn,” lên mạng chia sẻ hoàn
cảnh đau khổ cùng những giọt nước mắt vì câu chuyện của anh – thực sự éo le.
Đọc kỹ rất nhiều ý kiến đủ các
chiều, từ của nhà văn đến những “Facebooker nổi tiếng nghìn like” suốt mấy ngày
mà vẫn thấy băn khoăn, và nhận thấy một điều chắc chắn rằng phần lớn “cộng đồng
mạng” không thể trả lời được một câu hỏi. Câu hỏi đó là “Đàm Vĩnh Hưng có hiếu
hay không có hiếu?”
Từ góc độ những người phản đối
Hưng, thì rõ ràng anh ta bất hiếu, đem chuyện riêng của gia đình, của người mẹ
đẻ lên mạng xã hội mà khóc lóc, “câu view.” Từ góc độ của những người ủng hộ,
thì cũng không thể biện minh được cho hành động này, do đó việc tìm câu hỏi đi
vào ngõ cụt, bế tắc.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng
Đàm Vĩnh Hưng là người có hoàn cảnh thiếu thốn từ nhỏ, thiếu đi sự giáo dục và
chăm sóc bình thường của một gia đình đúng nghĩa, nên hành xử của anh ta rất có
vấn đề. Điều này có thể rất đúng nếu xét trên chuẩn mực của một gia đình bình
thường, trong những hoàn cảnh bình thường… nhưng cuộc đời nhiều khi không như vậy,
sẽ có những hoàn cảnh éo le hơn nhiều mà nhiều khi con người không tự chọn được
cho mình.
Ngẫm kỹ, có thể thấy nhiều
“ngôi sao” thuộc giới “sâu bít” còn tệ hơn nhiều, như những cuộc sống thác loạn,
cờ bạc hút sách, hay một số ngôi sao về già còn viết hồi ký về những cuộc “lừa
tình…” Giơ lên cái nhẫn kim cương vẫy vẫy, hay thỉnh thoảng khoe của cải chẳng
qua là sự lệch lạc đôi chút về nhận thức, chưa phải là một cái gì đó đáng sợ và
đáng lên án, có chăng hơi đáng thương một chút thôi.
Tôi sẽ không sa đà vào việc
phân tích đúng sai, vì thực tế không có gì tuyệt đối đúng hoặc tuyệt đối sai,
mà tùy mỗi hoàn cảnh, mỗi người cần tìm ra cách hành xử đúng đắn nhất.
Hãy cho phép tôi trả lời câu hỏi
trên đây, rằng phải cho rằng “Đàm Vĩnh Hưng cư xử như thế là có hiếu!” chứ? Nếu
những gì anh ca sỹ này chia sẻ là đúng với sự thật, thì đó là một quá trình chịu
đựng và cố gắng đáng nể - 10 năm và 20 tỷ. Với câu trả lời này có lẽ tôi đã đi
ngược lại với những ý kiến phản đối Hưng, nhưng với những ý kiến ủng hộ Hưng,
tôi tin rằng tôi vẫn có sự khác biệt.
Tôi muốn đặt câu hỏi cho tất cả
chúng ta, đặc biệt cho những người ủng hộ Hưng, rằng nếu ở hoàn cảnh của anh
ta, liệu chúng ta có chịu đựng được một năm, hoặc trả nợ cho mẹ được vài triệu
đồng? Không cần so sánh giữa 20 tỷ trả nợ với khối tài sản khổng lồ của anh ca
sỹ (nếu có thật,) chỉ cần thấy những gì anh ta đã làm, đã trải qua thì thực sự
đó là một nỗ lực ít người làm được. Xin hãy nhìn nhận cho đúng đắn và khách
quan.
Còn có một luồng ý kiến nữa,
cũng thuộc “hệ” ủng hộ hành động của Hưng, nhưng có “tính giáo dục” cao hơn.
Nhiều viện dẫn đưa ra dựa vào sự phản đối tư tưởng Nho giáo kiểu “quân sư phụ,”
coi thày, cha mẹ là đấng bề trên đã nói là đúng, thủ tiêu khả năng phản biện của
bề tôi, bậc dưới, con cái. Từ lý luận này, nhiều ý kiến đi đến phủ nhận chữ “hiếu,”
cho rằng để duy trì cái đạo lý hiếu đễ này, ngoài việc thủ tiêu khả năng phản
biện, tự do thể hiện cái tôi của cá nhân thì con cái còn phải cung phụng, chu cấp
cho cha mẹ một cách mù quáng bất chấp cha mẹ có sai trái đến mức nào chăng nữa.
Một vài ý kiến thực sự nguy hiểm (cho người đưa nó ra, tất nhiên!) rằng “Con
cái có cần (loại) cha mẹ (như thế) sinh ra đâu!” Cách suy nghĩ này xuất phát từ
“cái tôi” và ích kỷ quá lớn của mỗi chúng ta, chỉ nghĩ về mình, bản thân mình bị
cha mẹ làm ảnh hưởng quá nhiều.
Vì nhắc đến chữ “hiếu,” cho
phép tôi giải thích đôi chút từ khía cạnh Đạo Phật, dù sao thì phần lớn người
Việt theo Phật, nhưng có khi chưa hiểu hết về hệ thống giáo dục hoàn hảo này.
Theo Đạo Phật thì có luân hồi, khi người chết đi thần thức có thể được thác
sanh vào một kiếp người khác, tất cả do nghiệp lực của người, chính xác là “thần
thức” ấy quyết định. Như vậy nếu không sinh ra trong gia đình, cha mẹ này thì
chúng ta có thể sinh ra trong một gia đình với một cha mẹ khác. Không ai quyết
định được chuyện này, do đó không ai trách cứ cha mẹ đã sinh ra chúng ta cả,
ngược lại ơn nghĩa sinh thành là trời bể, báo đáp không biết bao giờ cho xong.
Vấn đề chỉ còn là, trong trường
hợp của Đàm Vĩnh Hưng (và của rất rất nhiều người trong số chúng ta) thì cần
hành xử như thế nào khi cha mẹ có lối sống, cư xử không đúng đắn, thậm chí hư hỏng?
Từ khi có con, tôi nhận ra một
điều chính mình cũng học hỏi từ con của mình, chứ không chỉ có dạy dỗ chúng. Điều
này cũng đúng với quan hệ của tôi với cha của mình. Thực sự quan hệ giữa tôi và
ông cụ, không được tốt như những quan hệ cha con bình thường khác, do đó tình cảm
giữa tôi và cụ cũng không có nhiều. Chính vì vậy giữa tôi và cụ cũng có nhiều
xung khắc, và tôi cũng đi đến nhận thức của ngày hôm nay từ chính những lý luận
trên đây, rằng con cái cần phải có “quyền phản biện” lại cha mẹ.
Cái tôi của tôi nó quá lớn,
nên thay vì “phản biện” thì trở thành “bật” lại cha của mình. Xung khắc ngày
càng sâu sắc, mâu thuẫn càng khó giải quyết, hố sâu không thể san bằng. Một
ngày tôi nhận ra, nếu người khác không thay đổi thì chính mình phải thay đổi,
hay nói cách khác tại sao chính mình không chịu thay đổi mà cứ bắt người khác
phải thay đổi theo mình?
Cha mẹ không chỉ giáo dục con
cái mà chính con cái cũng có vai trò giáo dục lại cha mẹ, để nghe đỡ “chướng
tai” (ai lại con cái đi giáo dục bố mẹ bao giờ) thì trong Đạo Phật quá trình
này thường được gọi là “cảm hóa.” Bổn phận của con cái là phải báo hiếu cha mẹ
thì ai cũng nghe mãi rồi, nhưng báo hiếu như thế nào – khi cha mẹ sai trái phải
làm thế nào để cha mẹ nhận ra mà không sai trái nữa, cũng là báo hiếu, chứ
không phải mù quáng chu cấp để cha mẹ muốn làm gì thì làm, làm như thế mới là bất
hiếu.
Đến đây tôi phủ nhận chính
tôi, do không hiểu biết mà Đàm Vĩnh Hưng 10 năm trả nợ cho mẹ trong khi không
có được một giải pháp để bà cụ ngừng tệ nạn cờ bạc, anh ta đã phạm tôi bất hiếu.
Bất hiếu do thiếu hiểu biết, vậy thôi.
Xin hãy nghĩ sâu sắc hơn, rằng
cha mẹ còn sai trái cũng chính là tạo cơ hội cho chúng ta, vừa nhìn đó làm
gương mà sửa mình, vừa cố gắng cảm hóa được các cụ… Làm được vậy, công đức của
chúng ta không phải là nhỏ; mà như thế thì không phải là công ơn cha mẹ với
chúng ta vẫn như núi Thái Sơn hay sao?
Quay lại câu chuyện của chính
tôi, bỏ lại phía sau những trách móc của quá khứ, mà nếu vin vào đó cũng có thể
thành “câu chuyện cuộc đời,” xác định khi tỉnh ra, mình sẽ cố gắng yêu quý cha
mình hết mực không một lần nói ngang nói ngửa với cụ. Tất cả những gì mình cho
là đúng đắn, theo chuẩn mực của cuộc sống xã hội tôi vẫn thực hiện bình thường
dù khác biệt với cha mình, từ từ những điều đó cha tôi vẫn nhìn thấy và tôi tin
là cụ hiểu, và dần thay đổi theo. Với quan hệ cha con của tôi, như vậy là tốt
hơn. Cách làm này tôi tin là sẽ đúng đắn, đặc biệt với phận làm con, hơn là tìm
cách “phản biện” vì ranh giới giữa nó với “bật lại” theo kiểu cãi cọ mất tình
nghĩa, mong manh lắm.
Khó có thể lạm bàn về cách
hành xử cần có ở vị trí của ca sỹ họ Đàm, như nhiều người bàn nên “nhốt” bà cụ
vào… bệnh viện nay thế này thế khác. Đã hy sinh được 10 năm và sẵn sàng trả nợ
từng khoản trong khối nợ 20 tỷ, tôi tin anh Đàm có thể hy sinh được tiếp.
“Tức nước vỡ bờ,” có thể Đàm
Vĩnh Hưng đã chọn cách công khai, tung hê tất cả lên (tôi không bàn từ khía cạnh
đánh bóng tên tuổi hay gì khác) có thể cũng là mong mẹ mình không còn cơ hội đi
vay nợ lung tung nữa – đáng tiếc nếu đánh giá với chuẩn mực của một gia đình
thông thường thì không ai làm như thế. Chung quy vẫn là sự thiếu hiểu biết mà
thôi.
No comments:
Post a Comment