Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, April 3, 2018

“Đẳng cấp tinh hoa”


Đâu như mấy tháng trước, trên mạng rộ lên về chuyện sẽ có một khu đô thị cao cấp mới sẽ được xây dựng, gần như giữa trung tâm thủ đô của chúng ta. Bàn ra tán vào, chủ yếu là về vấn đề… tắc đường. Thêm một khu đông dân cư ở giữa cái chỗ hiện nay đã tắc đường liên miên, thì đó là nguy cơ khó tránh khỏi…

Nhưng thôi, việc tắc đường là chuyện chúng ta sẽ không bàn tới bây giờ. Một lần đi qua, hướng cặp mắt tò mò nhìn vào những tấm pa-nô quảng cáo cho khu dân cư mới dựng xung quanh khuôn viên “miếng đất,” đọc câu khẩu hiệu mà bỗng dưng băn khoăn. “Cộng đồng tinh hoa, xứng tầm đẳng cấp” – nghe thật sướng tai. Những hình ảnh về một cuộc sống, có lẽ là xa hoa cũng được vẽ nên, để hấp dẫn khách mua nhà.

Cũng không phải bây giờ mới thế, từ cách đây đến hai chục năm với sự mở cửa, cải cách của đất nước, nền kinh tế có nhiều khởi sắc mà đã manh nha tái xuất hiện khái niệm “tinh hoa” mà nó được dùng để chỉ một cộng đồng, thậm chí một giai tầng trong xã hội. Đi tìm lại định nghĩa “tinh hoa” nghĩa là gì, thì trong từ điển viết: “phần tốt đẹp nhất” (Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977, trang 772, cột 3, mục từ 8 từ dưới lên.)

Ồ, nếu theo định nghĩa này thì “tinh hoa” rõ ràng mang một ý nghĩa tốt đẹp – “phần tốt đẹp nhất” của xã hội kia mà. Nhưng thế nào là phần tốt đẹp nhất của xã hội thì lại có nhiều điều cần phải bàn. Thông thường, từ “tinh hoa” này trong tiếng Anh từ sẽ được dùng là “elite,” và nó có nhiều nghĩa, ngoài “tinh hoa” còn có nghĩa là “ưu tú, tinh tú, cao cấp” và cũng thường được giải thích thêm là “một nhóm người hay một tầng lớp có được địa vị kinh tế, xã hội, hay có học thức cao trong xã hội.” Bản thân nghe từ “tinh hoa” đã thấy sự tốt đẹp của nó, đó là sự chắt lọc từ những khả năng, những tiêu chuẩn… thật đẹp đẽ, thơm tho và có lẽ có chút gì đó cao quý.

Nhưng ở Việt Nam thì có lẽ chẳng xa vời đến thế, nó gần gũi ngay với cái định nghĩa trong từ điển Anh Việt kia, nghĩa là bước đầu tiên để trở thành “tinh hoa” cứ phải là có địa vị kinh tế cái đã. Nói dông nói dài suốt từ nãy, trong thời gian đó tôi cứ ngồi cười thầm về một câu chuyện trong quá khứ, xin kể hầu bạn đọc cho đỡ nặng đầu...

Có lần vì việc gấp, không mua được vé máy bay hạng phổ thông, buộc tôi phải mua hạng thương gia của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Ngồi vào cái ghế to, lún xuống người cứ như rơi tõm vào trong, rõ là êm ái, thích đáo để. Các em gái tiếp viên hình như hỏi han cũng nhẹ nhàng hơn, quan tâm hơn, và tần suất quan tâm đến anh hành khách xoàng xĩnh này cũng có vẻ liên tục hơn. Ngọ ngoạy được một lúc, thì tới bên tôi, ngồi xuống bên cạnh một doanh nhân trẻ, phục sức chải chuốt, đúng kiểu tỏ ra rất thành đạt. Doanh nhân chắc quen bay hạng thương gia rồi, nên chẳng ngọ ngoạy mà ngồi yên vị, nghiêm túc. Chẳng được bao lâu, ý chừng không thoải mái vì anh hàng xóm hiếu động, doanh nhân nhìn từ đầu đến chân vẻ dò xét: - “Anh có hay đi hạng thương gia?” rồi nói gì đó về vàng, bạc bạch kim, mà tôi nghe không hiểu. Máu thích đùa nổi lên, tôi trả lời: “Đâu có đi bao giờ, đây là lần đầu tiên tớ đi hạng thương gia đấy!” Doanh nhân thở phào, ý chừng nhận ra à, đây là anh nhà quê học làm sang, cố mua cái vé hạng thương gia, lần đầu tiên trèo lên máy bay chắc, nên hỏi tiếp: - “Thế anh có hay đi máy bay không?” “Tôi chẳng đi mấy đâu, ở nhà chỉ đạo tập đoàn là chính. Còn công tác vớ vẩn thì để cho anh em họ đi, mình đi làm gì!”

Nhìn bộ mặt chưng hửng của doanh nhân rõ là buồn cười – anh ta thất vọng trông thấy. Hóa ra bên trong bộ dạng của một tay đánh bả gà, ẩn giấu một vị đại gia như kiểu… “đại gia điếu cày.” Cố giấu nụ cười, tôi quay đi nghĩ thầm: chú bị lỡm rồi chú em ơi!

Thật ra, “doanh nhân” không phải bị lỡm vì “anh hàng xóm đểu,” mà cậu ta bị lỡm bởi chính thành kiến bên trong mình. Tôi sẽ quay lại với chuyện này sau, bây giờ tôi sẽ lôi bạn đọc sang chuyện khác. Có lần ngồi nói chuyện với một cô bạn, nhà cô ấy trong khu đô thị C. có thể nói là sang nhất, đáng được mơ ước nhất của Hà Nội hiện nay. Ai đã đi vào đó sẽ thấy bảo vệ vòng trong vòng ngoài, qua thăm người quen sống bên trong cũng đến ngại. Đôi lần đi vào đó, tôi cũng thấy trong đó là một cuộc sống đáng mơ ước. An ninh đảm bảo. Hoa trồng khắp nơi mà một năm mấy lần thay, mùa nào trồng thức ấy. Chúng ta sẽ không còn cảm thấy cuộc sống xô bồ, chợ búa bên ngoài, mà nó sẽ bị bỏ lại bên kia bức tường rào, cùng với những ngôi mộ của cái nghĩa trang của làng, cái làng đã phải nhường đất để thực hiện dự án khu đô thị.

Cô bạn kể, mang tiếng sống trong đó mà có nhiều điều em thấy không hợp, đặc biệt là về lối sống phân biệt của nhiều cư dân. Tự cho mình là ở một đẳng cấp khác, thì sự đối xử với những người còn lại của xã hội cũng phải khác. Thậm chí, họ còn soi xét xem cháu bé này là con nhà ai, gia đình như thế nào… nếu không cùng đẳng cấp, thì không cho con chơi cùng. Mà trẻ con thì nào có tâm phân biệt đâu, cứ bạn nào thích thì chúng nó chơi thôi, cũng chẳng cần biết bố mẹ bạn là ông nọ bà kia hay không cơ mà.

Xã hội đã có nhiều thay đổi, đặc biệt về những quan niệm và tiêu chuẩn – thể thao quần vợt đã thành “Hai Lúa,” mà quý tộc phải là “góp-phờ” (golf,) và đương nhiên không còn “một vợ hai con, ba tầng bốn bánh” nữa, người ta cũng chẳng thèm đếm bao nhiêu cái ô tô. Ở Hà Nội, “chuyển lên khu C. ở” là một bước lên một đẳng cấp mới. Và những đẳng cấp cao hơn sẽ là thẻ xanh định cư ở bán cầu bên kia…

Nếu xây dựng trong mình một bức tường phân biệt, giống như Khu đô thị cố xây một bức tường thật cao che khuất những ngôi mộ còn lại của làng kia thì đúng là chúng ta sẽ không nhìn thấy nhiều cái, hoặc nhìn thấy cái này mà lại chẳng nhìn thấy cái khác. Chúng ta sẽ không còn nghe thấy những tiếng rao bán hàng rong, những người đồng nát nay đã dùng loa pin chứ không còn ra bằng mồm nữa… Cũng không thấy những tấm lưng tần tảo nay đã bỏ đôi quang gánh, mà dùng xe máy thồ không biết bao rau quả, thịt thà từ ven đô, vào cung cấp cho bà con thành phố. Chúng ta cố quên đi những bàn tay sần sùi chai sạn của bố mẹ chúng ta, ngày hôm qua còn ngồi vá cho chúng ta những miếng đắp ở đũng quần và đầu gối.

Đương nhiên, xã hội là phải tiến lên nhưng những mảnh đời muôn màu muôn vẻ, vẫn còn nguyên đó. Khi xa rời không thèm nhìn những mảnh đời đó, chúng ta không thấy được rằng, rất nhiều người trong số họ không cần có những tiêu chuẩn như chúng ta, nhưng cái họ có, chúng ta không có được. Giống như câu đùa “ông xích lô mấy khi đau dạ dày” hay các cụ nói “ăn cơm mắm cáy thì ngáy o o, căn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy,” cái họ có là an lạc, thanh thản chắc gì chúng ta đã có.

Anh bạn “doanh nhân đi hạng thương gia” trên đây cũng vậy, tự xây dựng trong mình một bức tường thành kiến, rằng kẻ ăn mặc xoàng xĩnh bên cạnh mình đây, chắc chỉ là tay hú họa nhờ mua được cái vé đắt thêm chút mà “lên hạng.” Do bức tường thành kiến, cậu ta sẽ không phát hiện ra rằng cái “thằng cha đánh bả gà đó,” thực ra lại là tay chém gió có hạng ở trên mạng chẳng hạn (hì hì…) – ý tôi là ai cũng có những giá trị nào đó chứ, chẳng qua mình cứ nhìn bằng tiêu chuẩn riêng của mình thì không nhìn ra được mà thôi.

Như thế, “tinh hoa” với đúng nghĩa của nó phải là những điều tốt đẹp nhất bên trong con người, chứ không phải là đẳng cấp, địa vị xã hội và kinh tế mà anh ta đang có. Nhân loại nhớ đến những người đạo đức, phẩm hạnh tốt đẹp và mãi mãi ca ngợi họ, và cũng mãi mãi chê bai những người phá hoại xã hội. Dựng lên bên trong mình một cái “tâm phân biệt” thì không làm cho những “tinh hoa” bên trong mình nảy nở và phát triển được nữa, rồi ngày lại ngày, những mầm sống nhỏ nhoi đó sẽ tàn lụi để nhường chỗ cho sự ghen ghét, khó chịu với chính những gì đang diễn ra xung quanh – vì có ở đâu là trong sạch tuyệt đối được.

Bức tường không thể ngăn được ô nhiễm không khí và nguồn nước, cũng như những thảm họa chung khác có thể đến trên bình diện rộng lớn, như một thiên tai. Rồi một ngày nhận thấy bức tường không ngăn được những điều xấu xảy đến, chúng ta sẽ cố đi tìm những bức tường khác, ở nước khác. Ơ thế nhỡ đi sang một chân trời mới đáng mơ ước, con người ở đó lại xây sẵn những bức tường chờ chúng ta, mà chúng ta bị coi là công dân hạng hai, hạng ba… thì sao nhỉ?

Đưa ra khẩu hiệu “đẳng cấp tinh hoa” cũng rất tốt, vì ngay trong nhiều khu đô thị của thành phố tôi chứng kiến những phong trào rất hay, như cùng giáo dục con cái, cùng làm từ thiện, chung tay làm sạch môi trường… đó chính là “tinh hoa,” là xây dựng cái tốt đẹp bên trong tâm hồn chứ không phải là ở những cái màng màng hư ảo ở bên ngoài…

Bài trên An ninh thế giới số giữa tháng Ba 2018, bản online tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment