Người ta thường nói “gia đình
là tế bào của xã hội,” báo đài cũng hay nói thế và chúng ta thường nghe thế,
nhưng thực ra chẳng ai ý thức được thế nào là “tế bào của xã hội” và tầm quan
trọng của nó. Phải chăng vì như vậy mà hiện nay tình trạng tan vỡ gia đình đang
lên đến tầm đáng báo động: tìm trên mạng thấy tỷ lệ ly hôn ở thành phố Hồ Chí
Minh là cứ 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn và nguyên nhân chính là “không
hợp nhau.”
Cách nhìn nhận truyền thống của
tình trạng tan vỡ gia đình là sự ảnh hưởng rất lớn đến con cái, từ sự thiếu hụt
về giáo dục đến tâm lý của chúng. Tuy nhiên càng trở lại đây, tình hình càng có
nhiều thay đổi. Theo tôi biết, tình trạng ly hôn nhiều, ly hôn sớm… tăng cao về
tỷ lệ không chỉ diễn ra ở nước ta, mà là tình hình chung của thế giới. Chúng ta
có thể tìm ra được ý kiến của nhiều chuyên gia về chuyện này, như kinh tế phát
triển, sự thay đổi “tiến bộ” về bình đẳng giới mà vai trò phụ thuộc chồng về
kinh tế của người phụ nữ ngày càng giảm đi. Ngoài xã hội họ thành đạt nhiều,
nên cư xử cũng mạnh bạo hơn, và dám chịu trách nhiệm về những hành động của
mình hơn.
Tất nhiên cái gì cũng có hai mặt
của nó. Vậy nếu ở vào địa vị của những người trong cuộc – người vợ, người chồng
và con cái của một gia đình bị tan vỡ, có thực sự tích cực đến như vậy không?
Tôi là một người như thế: bố mẹ chia tay từ nhỏ, chỉ sau mười năm, chuẩn bị bước
vào tuổi thanh niên tôi mới được sống với bố, và tôi thấu hiểu những góc cạnh, xó
xỉnh sâu thẳm nhất của cái cuộc sống đó.
Có một điều đúng đắn ai cũng
biết, rằng nếu đã rơi vào tình trạng này thì nếu muốn vì con, không ai lại đi dạy
con những điều xấu về cha hoặc mẹ của nó, người đã vì sự tan vỡ mà phải rời xa
con của mình. Mẹ tôi là một người như vậy, bà đã không bao giờ nói một nửa lời
xấu về bố tôi, và rất yêu quý bố mẹ chồng, tức ông nội bà nội của tôi. Đồng thời
bà cũng không tỏ ra là khổ sở hay bất cứ tiêu cực nào vì sự tan vỡ gia đình, đồng
thời bù đắp cho tôi hết mức bà có thể làm được. Chính vì vậy tôi cũng không có
nhiều mặc cảm vì không có mặt người bố trong gia đình của mình.
Thực tế thì tôi cũng hết sức tủi
thân khi nhìn thấy bạn bè vẫn có bố, dù ngày xưa sự hiện diện của cha mẹ trong “cuộc
sống công khai” ra bên ngoài của con cái, rất hạn chế. Tôi tự lập – tất cả những
yêu cầu ở nhà trường nếu mẹ không làm được hoặc hỗ trợ cho mình, tôi đều tìm
cách tự làm nhưng khi đến trường chỉ một món đồ chơi, một dụng cụ học tập đẹp đẽ
chắc chắn được khoe cùng với câu “Bố tớ làm cho đấy!” đã đủ làm cho tôi chạnh
lòng. Vì có cuộc sống như thế, tôi cứng cỏi, dám nghĩ dám làm và tự lập, nhưng
sự tự lập đó là thái quá đến mức “khái tính dở hơi.” Rất may tôi thì không,
nhưng hoàn cảnh này cũng dễ dẫn đến tính ích kỷ: không nhờ được ai thì ta làm lấy,
nhưng cũng không muốn dính dáng, bị ai dựa dẫm nhờ vả, không sẵn sàng giúp đỡ
người khác.
Tôi tin là những người làm cha
mẹ cũng vậy – họ có cái chạnh lòng của họ, dù bên ngoài có tỏ ra cứng cỏi đến mấy.
Để tiếp tục đề tài này, tôi cảm
thấy cần thiết phải trình bày sơ sơ về những gì tôi đã viết trong cuốn sách trước:
làm thế nào có được hạnh phúc gia đình. Đầu tiên là quá trình tìm hiểu trước
khi đi đến cuộc sống hôn nhân, đừng vì bị đánh lừa bởi tình cảm bồng bột và lóa
mắt trước những biểu hiện hào nhoáng khi còn son trẻ. Thứ hai là việc suy xét kỹ
những yếu tố liên quan đến nền tảng giáo dục gia đình của đối tác, đặc biệt về
tính cách… Nhưng một khi đã xác định bước chân vào con đường hôn nhân rồi, thì
cũng phải xác định được tiếp là hãy hết lòng với “nó” (cuộc sống hôn nhân gia
đình.) Mà muốn có hạnh phúc trong cuộc sống gia đình thì không thể đòi hỏi sự
thay đổi ở đối tác, mà cả hai người phải biết rằng chỉ có bản thân mình là có
thể thay đổi. Nhưng muốn làm được như thế, chỉ có thể áp dụng cách hạ “cái tôi”
của mình xuống, chứ không phải tìm cách hạ thấp “cái tôi” của đối tác. Chỉ khi
đã làm hết sức mà hôn nhân vẫn tan vỡ, lúc đó hẵng đổ tại “hết duyên.”
Tôi có cô em kết nghĩa đã kể về
quyết định chia tay của mình, có một câu “Em hy sinh thế là đủ rồi, bây giờ phải
biết sống cho bản thân” – câu này nghe quen lắm, bây giờ ai chẳng nói thế. Càng
ngẫm kỹ, tôi càng thấy câu đó nguy hiểm. Thật ra khi chúng ta nói như vậy mặc dù
nó rất đúng, nhưng nó thể hiện rằng “cái tôi” của chúng ta vẫn còn quá lớn,
chúng ta chưa thực sự chưa vì bản thân, vì hạnh phúc gia đình và vì con cái.
Tại sao tôi lại viết vậy? – vì
việc sửa mình mới là nền tảng của hạnh phúc, chứ không phải là việc so đo hi
sinh nhiều ít hay ý thức của đối tác quá tệ. Tôi không chủ trương ủng hộ việc cố
gắng nhịn nhục quá mức – nếu mình đã hết lòng thay đổi nhưng đối tác vẫn tiếp tục
tệ bạc và vô trách nhiệm, thì chắc là việc chia tay vẫn nên làm; vì cố duy trì
mới là cưỡng bức cái chữ “duyên.” Cái sự “hạ cái tôi” xuống mà người đời vẫn nhầm
lẫn với sự nhịn nhục quá đáng, trước hết là vì mình, vì cái sự cao thượng và đạo
đức trong mình không thể bị phá bỏ, sau đó là sự làm gương giáo dục cho con cái
và cuối cùng là làm gương để cảm hóa đối tác.
Còn nếu không sửa được mình,
không biết hạ “cái tôi” của mình xuống thì kiểu gì: quay lại với nhau, “rổ rá cạp
lại” thì bi kịch vẫn có thể xảy ra. Có những cặp quay lại với nhau và phát hiện
chứng vẫn nào, tật vẫn ấy; và có những cặp mới tái xây dựng lại tan tiếp…
Lối sống đơn thân bây giờ cũng
đang được cổ súy nhiệt tình vì càng ngày người ta càng độc lập tự chủ về kinh tế,
và càng tỏ ra mình có một “cái tôi” thật là lớn. Nếu như giữ được cuộc sống
thăng bằng thì tốt, nhưng gần như tất cả đều mất thăng bằng, kể cả về sức khỏe
tình dục. Chúng ta cần hiểu, có những người thiên về mong muốn một cuộc sống
tâm linh, sẽ tự động giảm nhu cầu xác thịt. Ngược lại thì nhu cầu đó là một nhu
cầu tự nhiên, con người không vì thiếu cuộc sống theo mô hình “gia đình cặp” mà
bỏ nó đi. Trường hợp này, buộc phải áp dụng lối sống và cách nhìn tự do về tình
dục, nghĩa là chấp nhận những quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân, có thể có hoặc
không có tình yêu. Tôi không cho điều này là xấu, nhưng thực sự là nó có nhiều
hệ lụy. Chẳng hạn nếu hai người nam nữ cùng tự do, gắn kết với nhau ở một giai
đoạn nào đó của cuộc đời, có yếu tố tình cảm, có yếu tố tình dục, không phụ thuộc
nhau về kinh tế… câu chuyện đang rất ô-kê. Nhưng các hệ lụy kiểu như xu hướng “chăn
rau sạch” “chăn gái chổng bò” (bỏ chồng) thậm chí mục đích “lừa đảo các chị” của
các em thanh niên trai tráng vừa thèm tiền vừa thèm tình càng ngày càng nhiều.
Tôi là đàn ông, nên chị em tin
tôi đi, khi đã qua rồi những mối quan hệ kiểu như thế, người nhung nhớ lại như
một giai đoạn êm đềm đẹp đẽ của cuộc đời, âm thầm giữ kín cho riêng mình vẫn
có, nhưng hiếm lắm, chuẩn bị đưa vào sách đỏ đến nơi rồi. Còn lại toàn những
ông ăn tục nói phét, đem chuyện những người đàn bà đã nằm ngửa dưới thân mình
ra khoe khoang như những chiến công thì rất sẵn. Không phải người ta đang nói,
thời nay đạo đức suy đồi nhiều, không nhẽ một mình đàn ông là cái giới tiến bộ
đi lên về nhân cách? Bản năng của con đực luôn luôn được thả lỏng thú tính, cái
gì rơi vào răng nó nó nhai rau ráu rồi ha hả cười với nhau, vì bầy thú vẫn có
nhu cầu tìm đến nhau mà.
Quay lại với tình trạng tan vỡ,
đúng là đáng báo động. Lớp con tôi học, tỷ lệ một phần ba các cháu có bố mẹ chia
tay hoặc đang ly thân, chắc chắn sẽ giải tán. Lớp con của bạn tôi, thậm chí tỷ
lệ lên tới hai phần ba – đúng là rất đặc biệt. Điều đáng nói là tâm lý chung của
các cháu có hoàn cảnh như vậy đúng là có nhiều thay đổi theo sự phát triển của
xã hội. Hiện tượng các cháu tụ tập vào thành hội, chia sẻ với nhau như sự bù đắp
thiếu thốn tình cảm, tôi cho là tốt và tích cực. Nhưng mặt tiêu cực của nó là
các cháu ủng hộ một thái độ thách thức cuộc sống, thách thức xã hội.
Nếu như ở cha mẹ các cháu,
thái độ thách thức đó là chê bai những người đang cố gắng nhịn nhục để cứu vãn
gia đình là hèn, không biết sống vì mình… thì nó đang lây nhiễm sang con cái: “Ờ,
chúng tớ có gia đình tan vỡ đấy, có sao đâu? Vẫn sống khỏe!” Tự tin thái quá
theo hướng tiêu cực, lại bồi dưỡng một cái tôi quá lớn, chẳng có gì đảm bảo rằng
sau này khi có gia đình riêng, các cháu lại tránh khỏi được “vết xe đổ” của cha
mẹ mình.
Tôi là người may mắn – khi vào
hoàn cảnh đó tôi phải cố gắng vượt qua được mặc cảm tự ti, nhưng cũng đồng thời
phải chống chọi với tính độc lập thái quá đến mức tự kiêu và ích kỷ. Ước mơ lớn
nhất của tôi khi xây dựng gia đình là có được hạnh phúc, và trải qua những bài học
đắt giá, tôi đã có được chìa khóa cho quá trình đó và nguyện đem hết sức để thực
hiện nó. Nhìn lại, có thể chưa làm được gì nhiều nhưng chính tôi nhiều khi cũng
không nhận ra chính mình – sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Như vậy, cái nhìn của tôi về vấn
đề này là: chúng ta cần phải thực hiện theo nhiều nấc, nhiều cấp độ. Suy xét kỹ
về đối tác sẽ xây dựng gia đình, cố gắng hết sức để xây dựng và giữ gìn hạnh
phúc gia đình, nếu buộc phải tan vỡ thì cần nỗ lực hết sức để xây dựng cuộc sống
mới hạnh phúc và cân bằng; tạo dựng cho con cái cuộc sống và cái nhìn cân bằng,
tích cực.
Tất cả những điều đó muốn làm
được, cần phải nắm được cái “chìa khóa” hay mấu chốt tôi đã viết. Nếu không có,
chẳng thể làm gì được. “Gia đình là tế bào của xã hội” nhưng tế bào đã tan vỡ
hàng loạt mà những thành tố để xây dựng, bảo vệ và tái tạo các tế bào lại không
đảm bảo, thì xã hội không thể mạnh khỏe. Mà xã hội đã không mạnh khỏe thì chẳng
có lý do gì mỗi cá nhân trong nó có cuộc sống “mạnh khỏe” cả.
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment