Thế là Luật An ninh mạng đã được
thông qua. Cùng với cơn lốc chống “Luật đặc khu” thì “Giang cư mận” (cư dân mạng,
từ mình vừa học được hôm qua!) chống luôn cả luật này. Vậy nó có đáng để bị đối
xử như thế không?
Phải nói thẳng, nó bị chống là
đúng, vì nó đã nhầm lẫn về mặt đối tượng và khái niệm. Khái niệm an ninh mạng
phải từ góc độ đảm bảo một hoạt động mạng internet an toàn, chống xâm nhập và tấn
công, làm tổn hại về thông tin, vật chất, thân thể... của các cá nhân và tổ chức. Còn luật An ninh mạng
2018 vừa được thông qua, hướng tới các nội dung được chia sẻ trên mạng mà chủ yếu
là chống việc “nói xấu Đảng và Nhà nước.”
Vô hình trung, Luật an ninh mạng
đã vi phạm vào một quyền cơ bản nhất trong hệ thống các quyền con người, là quyền
được nói lên chính kiến của mình, hay quyền tự do ngôn luận. Trên thực tế, việc
“nói xấu” bất kỳ ai, dù bằng hình thức nào, ở môi trường nào, từ việc thả tờ
rơi truyền thống đến bây giờ là viết “trạng thái” trên mạng xã hội Facebook, đã
có Bộ luật hình sự quy định rõ về tội vu khống người khác. Luật an ninh mạng chỉ
mở đường cho cơ quan chức năng dễ dàng hơn trong điều tra, thu thập chứng cứ: từ
việc yêu cầu các nhà cung cấp các dịch vụ mạng xã hội, email… phải sẵn sàng
cung cấp thông tin bất cứ lúc nào về một “tài khoản” nào đó đang sử dụng dịch vụ
của mình; cũng như bắt buộc phải đặt máy chủ ở Việt Nam.
Vậy chúng ta sẽ phải đặt giả
thiết, nếu các công ty đó như Facebook và Google không muốn đặt máy chủ ở Việt
Nam, thì sẽ ra sao? Về lý thuyết, để đảm bảo tính hiệu lực của luật, nhà chức
trách Việt Nam sẽ phải chặn kỳ cùng dịch vụ của các nhà cung cấp đó, điều đó có
nghĩa người dùng Việt Nam sẽ không còn được dùng Facebook và Google nữa. Và điều
đó cũng đồng nghĩa với việc nồi cơm của các doanh nghiệp như Viettel, VNPT và
FPT là ba nhà cung cấp dịch vụ đường truyền internet ở Việt Nam, bị vẹt đi một
góc khá to, thậm chí đến mức gần hết. Chết đói thì chưa, nhưng ngắc ngoải là có
thể.
Và khi đó chúng ta hãy hình
dung, là một đất nước ở điều kiện kinh tế khó khăn như Việt Nam hiện nay, một “cú”
như thế thì khác nào tự bóp dạ dày của mình. Chúng ta đang bước vào thời kỳ mạng
xã hội len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, đến bà hàng rau muống lẫn cô bán
trứng vịt cuối chợ, đều xài smartphone và lướt Phây nhoay nhoáy. Không cho dùng
mạng xã hội nữa, thì họ cũng bỏ luôn cả vào mạng nói chung, chứ mấy chị đó ai
dùng email và đó, nhà mạng thất thu.
Luật còn đưa ra yêu cầu các
nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook phải xóa những nội dung không tốt,
và chắc chắn những nội dung “nói xấu” trên đây sẽ nằm trong tầm ngắm. Cái gì
cũng có hai mặt, như những nội dung đồi trụy, hay những trò lừa đảo trên mạng
xã hội mà được xử lý rốt ráo, thì quá tốt. Mặt khác, những cái mà công chúng muốn
biết và chưa được biết, nếu cần cũng bị xóa luôn - ảnh hưởng đến quyền tiếp cận
thông tin của con người.
Chuyện này đã từng xảy ra rồi:
vụ cái anh chàng MC nào đó tên là MT bị cho rằng đã có hành vi đánh cô em gái vợ
- những chia sẻ liên quan đã biến mất trên tường một số bạn Facebook của tôi.
Người ta nghi ngờ Quản trị Facebook Việt Nam đã có tác động nào đó để có được sự
“biến mất” này.
Con người ngoài các nhu cầu về
ăn, ở, mặc, học hành, đi lại… nhưng còn có một nhu cầu không thể thiếu, là nhu
cầu giao tiếp xã hội. Thiếu nó, con người sẽ quay trở lại gần hơn với đời sống
của con thú, mà giao tiếp bằng thân người, bằng xúc chạm cọ xát, bằng những tiếng
ú ớ… Nếu chỉ xét về nhu cầu giao tiếp thuần túy, thì Luật an ninh mạng chưa có ảnh
hưởng gì nhiều: nếu cứ anh anh em em, dùng mạng xã hội làm nơi đong đưa ong bướm
thì vô tư đê, chẳng ai quan tâm. Nhưng những chuyện liên quan đến chính trị, những
tiêu cực xã hội… thì hãy dè chừng. Ranh giới giữa nói xấu và nói… bình thường rất
mong manh.
Vậy định nghĩa “nói xấu” là
gì? Là nói không tốt về người khác nhằm hạ uy tín của họ - tra từ điển thấy thế.
Vậy “nói xấu trên mạng xã hội” thực sự là cần hay không cần, tốt hay không tốt?
Việc hạn chế này có ảnh hưởng đến quyền được phản biện hay cấm phản biện xã hội?
Ví dụ, nếu một quyết sách của
Đảng và Nhà nước được đưa ra, như Luật Đặc khu, thì đương nhiên cần được phản
biện – nhưng phản biện phải ra phản biện, có phân tích, có căn cứ đàng hoàng.
Như hồi “chủ trương đúng đắn của Đảng ủy và chính quyền thành phố Hà Nội” là chặt
cây thay cây mới, do áp lực của mạng xã hội mà phải dừng bất chấp tính… đúng đắn
của nó, việc phản biện một chủ trương như vậy là hoàn toàn cần thiết và cần được
ủng hộ. Người đưa ra quyết sách có quyền đánh giá nó là đúng đắn, nhưng khi được
phản biện khoa học thì đúng đắn đó trở thành đánh giá chủ quan và việc dừng nó
lại cũng là bình thường.
Thế nhưng, văn hóa phản biện của
người Việt Nam thì thực sự rất sơ khai và chẳng bao giờ hình dung ra được, chưa
nói là dừng lại được trước những ranh giới giữa phản biện đàng hoàng và sa vào
công kích cá nhân. Thực sự, những gì mà người ta dành cho nhau thôi trên mạng
xã hội đã đủ để kiện nhau chết thôi rồi, nếu như chúng ta sống trong một xã hội
văn minh hơn, có nền tố tụng tranh tụng đúng nghĩa; chưa nói đến việc… nói xấu
lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chúng ta có quyền phân tích ưu nhược điểm của một
quyết sách, có quyền chỉ ra những tiêu cực trong hành xử của cơ quan công quyền
và từng cá nhân trong đó, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được xỉ vả họ
là người thế này thế khác, hoặc nói ra những điều mà bản thân chúng ta chỉ nghe
hơi nồi chõ, như ông X bà Y có từng này tiền, ăn chặn của cấp dưới thế này, sân
sau thế kia… tất cả những điều đó có thể có, nhưng một khi pháp luật chưa đụng
đến, chưa xác minh nó là sự thật, chưa bị lôi ra tòa, mà ta ông ổng nói trên mạng
xã hội, thì ta đã phạm luật rồi đó. Nguyên tắc này áp dụng trên toàn thế giới,
không chỉ Việt Nam ta thôi đâu.
Do đó, nhìn đi cũng phải nhìn
lại – nếu như chúng ta quen hành xử văn minh hơn, thì chắc chẳng đến nỗi có
ngày người ta phải ra cái Luật rất đáng… phản biện này.
Bây giờ chúng ta bàn đến khía
cạnh – nó có đáng sợ như vậy không?
Xin nói rằng, chẳng có gì đáng
sợ cả, nếu như chúng ta nói đúng những gì mà pháp luật cho phép: tôi viết một
bài phản biện Luật Đặc khu – tại sao không? Sau này 1/1/2019 tôi vẫn sẽ viết,
nào, nhà chức trách nào đến mời tôi đi làm việc thử xem, đi chứ sợ cái gì không
đi! Tôi viết phản biện trên trách nhiệm công dân của nước Việt Nam, tại sao tôi
phải sợ? Các anh các chị có tìm ra được chỗ nào tôi nói xấu Đảng, Nhà nước thì
cứ tìm, đó là nghĩa vụ của các anh các chị. Nếu chứng minh là tôi vi phạm pháp
luật hãy xử lý, tôi vui lòng vì nó đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, và
tôi tôn trọng điều đó.
Luật an ninh mạng chỉ đáng sợ
khi chúng ta vượt ranh giới, “nói” hay chính xác là viết những điều không nên
viết trên mạng xã hội, như trên đây mình đã viết là vượt qua ranh giới, chuyển
sang công kích cá nhân; hay viết những điều chưa được khẳng định.
Xã hội vẫn rất cần thông tin,
nhưng khi có Luật đòi hỏi mỗi người đưa tin phải có nghiệp vụ như một nhà báo
thực thụ, đưa những gì đã được kiểm chứng, hoặc đưa tin mang tính chân thực
không được lồng đánh giá chủ quan của mình vào, mà hãy để người đọc tự đánh
giá. Từ góc độ chủ quan, mình cho rằng nếu đã đưa tin dạng thông tấn, không bình
luận, đúng thời gian, không gian, đối tượng, không bị cắt xén, bóp méo, xuyên tạc…
tức là đúng sự thật, thì không có gì phải sợ cả. Chỉ sợ chúng ta không làm được
như vậy. Đồng thời, tình hình mới đòi hỏi mỗi thành viên “Giang cư mận” chúng
ta phải có trách nhiệm với những người “bạn” của mình trên mạng xã hội, không để
các bình luận đi quá xa, hoặc sa vào bôi nhọ, nói xấu những cá nhân và tổ chức
liên quan. Quyền được thông tin của họ đã được đảm bảo, quyền được nói của họ vẫn
được đảm bảo nếu như chúng ta giữ được nguyên tắc mà mình đã viết trên đây.
Thực tế, Luật an ninh mạng
2018 vừa được thông qua đó, như truyền thống luật Việt Nam có rất nhiều luật ra
được mà chẳng thi hành được. Nói là truyền thống không ngoa, vì nó có nguồn gốc
từ… đặc điểm dân tộc. Dân tộc ta có truyền thống rất đáng yêu là “lẳng lặng
không tuân thủ pháp luật” – anh ra luật cứ ra, thi hành thì tôi chẳng thi hành
và cuối cùng thì luật đó coi như quăng sọt rác. Nếu cái ông “Giang cư mận” chỉ
cần viết thành dạng trào phúng thôi, đặt cho mỗi nhân vật trong đó một biệt
danh thì chịu chết, coi như luật vô tách dụng. Vô vàn cách lách luật mà chỉ có hòa
vào cuộc sống mạng thì mới chứng kiến tận mắt. Từ góc độ đó, thì rõ ràng tính
khả thi của Luật này rất thấp và chắc hẳn, thằng “Giang cư mận” sôi lên mấy hôm
rồi lại cười khẩy, tìm cách thích ứng. Vụ này thì người Việt ta là bậc thầy.
Thực tế cuối cùng, Luật này ra
đời cho thấy sự sợ hãi từ chính quyền trước những làn sóng mạnh mẽ được dẫn
truyền bằng mạng xã hội, và có lẽ bây giờ ra Luật cũng là khá muộn. Người ta đã
quen dùng mạng xã hội, thì như trên đã viết, người ta cũng dễ tìm cách thích ứng,
thì Luật vốn là cái hàng rào thưa, chẳng thể nào kín bưng được, và do đó chẳng
xích chân được ai cả.
Status Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment