Năm nay lần đầu tiên con tôi
được đi dự giải bơi thành phố Hà Nội, và cũng là năm đầu tiên ngành GDĐT bỏ cộng
điểm khuyến khích vào lớp Mười. Bất ngờ đầu tiên, thật ra không lấy gì làm bất
ngờ cho lắm, là Giải bơi thành phố năm nay vắng hẳn các vận động viên học sinh
tham dự. Theo ước lượng của tôi số lượng các cháu tham gia chắc chỉ còn già nửa
so với năm ngoái.
Nhớ cách đây hai năm, tôi đã
phản ánh chuyện “chạy giải bơi” để con có thành tích kiếm điểm cộng khuyến
khích (bài báo “Đưa con đi bơi, khám phá chuyện bất ngờ...”) thì năm nay vắng
bóng một số nhân vật nổi cộm đến mức nối tiếng trong việc “chạy giải.” Những tưởng
việc bỏ cộng điểm này sẽ làm cho giải bơi phong trào sẽ dịch chuyển về hướng có
tinh thần thể thao đúng nghĩa hơn, nhưng thực tế nhiều khi không phải như vậy.
Tất nhiên, cùng với giảm số lượng
thì cũng kèm theo sự thay đổi hẳn về thái độ của những người có liên quan, đặc
biệt là bố mẹ của các “vận động viên” và của chính các cháu. Không chỉ có số lượng
đăng ký tham dự ban đầu giảm, mà ngay trong các nội dung thi đấu, cũng xảy ra
tình trạng các vận động viên bỏ cuộc rất nhiều. Người ta giải thích rằng vì Giải
được tổ chức trong điều kiện quá nắng nóng (đúng vào đợt nóng kỷ lục ở miền Bắc
vừa qua) và thể thức có đấu loại vào chung kết, cuộc thi đấu bị kéo dài (thậm
chí nhiều nội dung đến hôm sau mới thi đấu chung kết) nên mới có chuyện này. Thực
tế thì nắng nóng ít ai lường trước được khi kế hoạch đã được lên từ cách đây
hàng tháng, và bản thân thể thức đấu loại vào chung kết thay vì tính thành tích
từ trên xuống dưới (concour) sẽ mang lại tính công bằng và minh bạch cao hơn.
Nhưng rõ ràng việc bỏ cuộc của các vận động viên của năm nay diễn ra phổ biến,
trở nên đáng báo động về tinh thần thể thao trong lứa tuổi học sinh của chúng
ta.
Ở cả hai ngày thi, nghĩa là ở
tất cả các nhóm tuổi đều diễn ra tình trạng bỏ cuộc như vậy. Nhiều “trận” chung
kết chỉ diễn ra giữa hai, ba tay bơi, thậm chí cá biệt có trận chỉ có một mình
một cháu gái lớp 11 “tự thi đấu.” Khi đó Ban tổ chức sẽ phải giảm số giải sẽ
trao: ba cháu, thì trao hai giải nhất nhì; hai cháu, thì chỉ trao một giải nhất.
Trường hợp cá biệt có một cháu bơi thì cháu chỉ cần bơi rất… thư giãn cũng đã
có giải.
Có thể khẳng định, đây là tình
trạng “mất động lực” của các vận động viên. Từ việc giảm số lượng các vận động
viên tham gia đã cho thấy rất nhiều cháu đã bỏ cuộc chơi ngay từ đầu và chắc chắn
tình trạng này sẽ diễn ra ở nhiều môn văn hóa, thể thao khác chứ không riêng gì
bơi… Nhưng tình trạng bỏ cuộc giữa chừng, không tiếp tục thi đấu đến cùng thì
thực sự đặt ra cho chúng ta nhiều điều rất đáng suy nghĩ – đó là thái độ phi thể
thao của hành động bỏ cuộc. Chúng ta có thể bỏ cuộc khi bị chấn thương hoặc
không đảm bảo sức khỏe hay một lý do nào khác, nhưng đó là cá biệt; còn thực tế
bỏ cuộc hàng loạt như ở Giải bơi vừa qua lại là một chuyện hoàn toàn khác. Hóa
ra là cho đến nay, chúng ta đang đặt ra cho con cái một động lực rất thiếu
trong sáng, là thể thao và các môn năng khiếu nhằm kiếm điểm khuyến khích.
Câu chuyện không dừng lại ở
đây, vì tình trạng “mất động lực” xảy ra nhiều còn ở lứa tuổi trung học phổ
thông. Quan sát cuộc thi, các nội dung ở lứa tuổi này diễn ra với thành tích
không hơn nhiều so với lứa tuổi nhỏ hơn, và bỏ cuộc cũng nhiều đến mức đáng kể,
thì chúng ta sẽ rút ra được điều gì?
Đầu tiên, cần đặt câu hỏi về kết
quả của “Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt” và thất bại của đường hướng
phát triển thể thao học đường. Đến nay tôi đã có nhiều lần nhận xét rằng người
lao động của Việt Nam ngoài hạn chế về kỹ năng, còn kém nhiều các nước xung
quanh, chứ chưa nói so với các nước Âu Mỹ về thể chất trong lao động – tôi thường
nói đùa “người lao động Việt khỏe bằng nửa người Châu Á nói chung và bằng một
phần ba người Âu Mỹ” hơi ngoa nhưng không sai nhiều. Việc Nhà nước đưa ra chính
sách khuyến khích phát triển thể thao học đường và nâng cao sức khỏe, vóc dáng
của người Việt là hết sức đúng đắn, nhưng thực hiện như thế nào thì chắc chắn
còn có nhiều khó khăn vướng mắc. Học sinh của chúng ta chưa hiểu được tầm quan
trọng của thể chất, sức khỏe đối với quá trình học tập và suốt cuộc đời sau
này; mà trước nay đang đặt ra một động lực thiếu đúng đắn là kiếm điểm cộng. Một
trong những tác dụng của thể thao, là rèn đạo đức, tính hào hiệp và tinh thần
thượng võ, nhưng chúng ta làm ngược lại, khuyến khích thể thao phát triển theo
hướng láu cá.
Chưa nói đến thế giới, chỉ cần
xem phong trào thể thao ở trường quốc tế U. Hà Nội đã thấy cái nhìn của quốc tế
khác hẳn chúng ta. Học hành tốn rất ít thời gian, nhưng đòi hỏi học sinh phải tự
chủ, độc lập trong nghiên cứu vì bài tự luận rất nhiều – và điều đáng nói là thời
gian chơi thể thao hàng ngày rất nhiều, từ 15h chiều trở đi các cháu chỉ dành
cho thể thao; đồng thời phong trào chơi thể thao theo hướng “tiệm cận chuyên
nghiệp” cũng rất mạnh. Các giải thi đấu dù của trường nhưng được tổ chức chuyên
nghiệp, công bằng, văn minh; mời các vận động viên năng lực tham gia… nên chất
lượng giải rất cao. Do đó học sinh trường quốc tế cũng có thái độ đối với thể
thao khác với học sinh Việt Nam, các cháu tập vì tinh thần thể thao cao đẹp và
tập vì tương lai.
Vậy thì thế giới người ta có
khuyến khích thể thao kiểu “cộng điểm” hay không? Có chứ - các trường đại học
Hoa Kỳ hoặc Australia chẳng hạn, hàng năm dành ra rất nhiều suất học bổng thể
thao cho sinh viên khắp thế giới, chẳng qua người Việt Nam thể chất quá kém nên
không “mơ” được theo con đường đó mà thôi. Nhưng cũng chẳng chỉ vì thể chất
kém, mà nếu như con chúng ta có thành tích cao trong một giải bơi như ở thành
phố vừa qua, làm hồ sơ xin học bổng ở nước ngoài thì khi trường bên đó hỏi lại
cơ quan hữu quan Việt Nam thì tôi có thể khẳng định việc đó khó như lên hỏi ông
Trời! Điều đó do hệ thống cơ sở dữ liệu
của chúng ta kém là một, và vì trình độ hạn chế của các cán bộ của chúng ta nữa,
khi mà rất nhiều nhân viên, cán bộ trong cơ quan Nhà nước ta còn… chưa biết và
chưa dùng thư điện tử. So sánh với trường U. trên đây, con tôi dự thi đấu các
giải bơi từ mấy năm nay đều có lưu thành tích trong cơ sở dữ liệu và có thể được
tra cứu bất cứ lúc nào.
Cái gì cũng có hai mặt của nó,
việc bỏ cộng điểm khuyến khích tưởng chừng như giảm được tình trạng chạy đua với
rất nhiều môn năng khiếu và giảm sự quan tâm của phụ huynh cũng như học sinh với
việc học chính (hay “học chữ”) nhưng ngược lại, có khi nó thủ tiêu luôn cả
phong trào luyện tập thể thao của các cháu. Nếu phong trào đi xuống, thì hóa ra
việc bỏ cộng điểm là lợi bất cập hại và chúng ta sẽ lại quay lại với tình trạng
học sinh èo uột về thể chất.
Vấn đề đang được đặt ra không
nằm ngoài câu chuyện quá khổ sở của các cháu hiện nay, là cái mốc “thi vào lớp
Mười” mà như tôi đã viết, nó tạo ra nỗi thống khổ chưa từng có của xã hội. Nó
yêu cầu toàn xã hội, mà ngành giáo dục đào tạo là chủ yếu, phải thực sự đặt lại
cách nhìn nhận: thay đổi tư duy, dẫn đến thay đổi nhãn quan với việc học hành của
con cái chúng ta. “Học chữ” là quan trọng, nhưng nó phải được đặt trên nền tảng
đạo đức và thể chất. Giáo dục không chỉ là dạy chữ, mà phải đào tạo ra những
con người có đầy đủ sức khỏe về thân thể và tâm hồn, được trang bị tốt những kỹ
năng sống, kỹ năng làm việc. Cần bỏ ngay cách tổ chức giáo dục nặng về khoa cử
và khoa cử thì nặng về đánh giá kiến thức. Việc khuyến khích các môn năng khiếu
cần được dy trì đúng cách, đúng mức… thì mọi thứ mới về đúng vị trí của nó và
chúng ta mới có được những thế hệ người Việt Nam khỏe mạnh, có đạo đức, có tri
thức và năng lực xử lý công việc.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment