Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, July 9, 2018

Thi tuyển vào đầu cấp “thí trường” hay “chiến trường?”


Bắt đầu từ câu chuyện “con giáp vàng”

Năm tôi sinh con đầu lòng, ở nhà nói vui cháu sinh năm “Ất Dậu chết đói năm bốn nhăm” nhưng nhiều người thì cho rằng sinh năm đó, các cháu là “gà vàng” vì đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam độc lập cùng thiên can địa chi. Bốn năm sau, em gái của cháu ra đời thì cũng lại nhiều người xuýt xoa, sinh con năm nay là “trâu vàng” đấy, năm Kỷ Sửu mà! Chuyện này làm tôi băn khoăn lắm, chả là cháu gái “đội tuổi bà nội,” bà cháu cũng tuổi Kỷ Sửu mà chẳng thấy “trâu vàng trâu bạc” gì sất, chỉ thấy một đời vất vả.

Năm nay 2018 nóng ran lên chuyện những con “dê vàng” Quý Mùi húc nhau sứt đầu mẻ trán để vào trung học phổ thông đồng thời là trường chuyên lớp chọn. Lại cũng năm nay Sở (GDĐT) Hà Nội áp dụng thi tuyển đầu vào lớp Sáu cho những con “lợn vàng” Đinh Hợi 2007, mùa hè dường như nóng càng thêm nóng. Nhưng cái chuyện “con giáp vàng” này nó rộ lên khoảng mười mấy năm trở lại đây, mà gần như đầu năm nào trên các báo mạng và đặc biệt trên mạng xã hội người ta cứ chia sẻ “cơ hội sinh con vàng” mà tròn một vòng 12 con giáp, con nào cũng “vàng” cả.

Tôi không mấy nghi ngờ khi ai đó cho rằng, những câu chuyện trên gắn khá chặt chẽ với quá trình mở cửa bung ra làm ăn, mà cách đây mười mấy năm khi kinh tế nước nhà có nhiều khởi sắc, cuộc sống trở nên khấm khá hơn, ảnh hưởng nhiều cả đến tâm lý xây dựng gia đình và sinh con đẻ cái của nhân dân. Và cũng hoàn toàn không loại trừ cả một trào lưu chung nữa cũng xuất hiện trong giai đoạn này, là trào lưu sinh thêm con thứ ba, thậm chí thứ tư… Tất nhiên, không phải gia đình nào sau mười mấy năm cũng bị ảnh hưởng bởi chuyện này vì nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kinh tế riêng của mỗi nhà: “nhà có điều kiện” thì cũng chẳng có gì phải quá lo lắng, nhưng phần lớn các thành viên khác của xã hội thì không được dễ dàng như vậy.

Đến chuyện chạy đua vào trung học phổ thông

Với các gia đình “nhà có điều kiện” thì chẳng thành vấn đề, vì nếu cần có thể cho con chọn luôn một trường dân lập, thậm chí trường quốc tế với chi phí cao, nhưng theo đánh giá chung về chất lượng thì là “đắt xắt ra miếng.” Tất nhiên tiêu chí chất lượng của những trường nhóm này cần phải được nhìn nhận dưới một góc độ khác, nghĩa là vị trí của “học chữ” so với đào tạo các kỹ năng khác cần thiết cho cuộc sống, đặc biệt là ngoại ngữ, chắc chắn sẽ phải khác và do cách tiếp cận khác, đương nhiên khi cho con đi theo con đường đó thì khi hết phổ thông, các cháu gần như chắc chắn bước chân vào con đường du học. Bởi công thức chung kéo dài suốt từ mẫu giáo đến vào đại học, chẳng hạn như kỳ thi THPT “tích hợp” với đại học vừa qua, dường như đóng kín cửa với các cháu học sinh các trường quốc tế và dân lập đắt tiền ở Việt Nam.  

Từ lâu đã thịnh hành công thức chung đó, ít nhất điều đó đúng với các thành phố lớn và cực kỳ đúng với Hà Nội, là phải cố gắng bằng được để con đỗ vào một trường THPT công lập danh tiếng trong nội thành thành phố, còn dân lập chỉ có các cháu học dốt, thi hỏng… mới vào đó học, mà đã học dốt và học các trường đó thì chỉ có… hư. Điều này vừa không đúng, lại vừa đúng. Không đúng ở chỗ, không phải cứ học giỏi là ngoan và đã ngoan thì học giỏi; nhưng nó lại đúng ở chỗ, rõ ràng là ham chơi, ít học, giao du ba lăng nhăng thì hư, mà đã như thế thì đương nhiên là… học kém. Như vậy là đang tồn tại nhóm trường dân lập thứ hai, là “dân lập chứa các cháu thi hỏng” và đây chính là nỗi ám ảnh của các phụ huynh mà “nhà không có điều kiện” cho con theo học ở các trường nhóm dân lập ở phân khúc cao hơn hay trường quốc tế. Tôi nằm trong nhóm các phụ huynh này.

Cháu lớn của tôi bắt đầu cuộc đua đầu năm lớp Bảy, vì ai cũng nói đây là năm bản lề để chuẩn bị cho “vào Mười” và “cái gì cũng khó, cả văn lẫn toán.” Cuộc đua của con nhưng cũng là của bố mẹ, vì đó là mấy năm làm “xe ôm” vật vờ chờ con trước cửa lớp học thêm, đón con ở lớp này, giúi vào tay con cái bánh mì và “phi” đến lớp khác. Hơn thế nữa, trùng năm phải thi vào đầu cấp với anh, là cô em gái cũng sẽ vào lớp Sáu, gia đình xác định một trong hai bố mẹ phải chọn một công việc có tính tự do, tự chủ thời gian cao để phục vụ hai con. Đó là tôi còn được coi là một “phụ huynh tiến bộ” nghĩa là cố gắng giảm thiểu vụ “chạy đua học thêm” của con xuống mức tối thiểu, chứ cuộc đua đó còn khốc liệt hơn nhiều đối với hầu hết các gia đình cùng cảnh ngộ.

Chuyện chạy đua học thêm, nhồi nhét cho con mới là một mặt của vấn đề (năm nay may mắn còn bỏ được những món như thi bơi, đấu vật, cờ vua, hát hò… kiếm điểm cộng) mà sau khi có điểm thi rồi, là đến cuộc chạy đua rút hồ sơ ở trường này nộp vào trường khác, còn kinh khủng hơn thi đại học. Mà đúng là “kinh khủng” thật, vì nếu con chúng ta không đỗ vào trung học phổ thông thì đúng là thảm họa, mà trượt đại học còn không sánh bằng. Có lẽ chưa có ngành nào gây ra cho tâm lý con người nhiều nỗi thống khổ bằng ngành giáo dục, chỉ vì những chính sách đối với tuyển sinh đầu cấp như hiện nay.

Đã đến lúc cần nhìn nhận lại cách tiếp cận của ngành giáo dục với các lớp đầu cấp

Không thể phủ nhận rằng tình trạng hiện nay có “vai trò to lớn” của nền kinh tế thị trường, khi mà người ta dồn về các thành phố lớn để định cư nhằm hưởng các phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục… và quan trọng hơn cả là cơ hội kiếm sống và làm giàu. Con tôi hiện nay đang học thêm ở một “trung tâm bồi dưỡng kiến thức” thuộc một trường ĐH ở Hà Nội, thì 2/3 số cháu là ở ngoại tỉnh, trong đó một nửa là mới chuyển lên Hà Nội được vài năm nay và nửa còn lại là lên Hà Nội học thêm vào cuối tuần, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp Mười vào các trường THPT công lập ở Hà Nội và các trường chuyên. Trong khi đó, người bạn kể quê anh ta, chỉ cách Hà Nội có 70km thì các trường THPT không có đủ học sinh nhập học.

Vấn đề tăng dân số cơ học là câu chuyện chung của nhiều thành phố trên khắp thế giới, không chỉ riêng Việt Nam ta [1], nhưng với một nước như nước ta khi mà ngành giáo dục vừa thiếu, vừa yếu lại vừa lệch lạc trong tư duy hoạch định chính sách, thì tình trạng trở nên trầm trọng gấp bội. Cuộc đua của các bố mẹ bắt đầu thậm chí ngay từ thời con học mẫu giáo, chưa có nơi nào kỳ lạ như xứ ta khi mà các cháu nhẽ ra, hoàn toàn bình đẳng về “đánh giá học thức và năng lực” khi bước chân vào lớp Một, thế mà lại phải thi tuyển. Con tôi học ở trường tiểu học dân lập mà “nhiều người mơ ước,” nhưng chính tôi cũng là người cực kỳ thất vọng với cái “đáng mơ” đó khi mà ngay đầu vào người ta đã loại hết các cháu điểm thi tuyển không đạt chỉ vì quá tải, và sau đó nếu các cháu có vấn đề về học tập và đạo đức, thì cũng có bồi dưỡng và nếu không đạt nữa thì đề nghị cho… chuyển trường. Như thế thì là phản giáo dục chứ! Sự thất vọng của tôi còn ở góc độ, khi người ta nói những trường kiểu đó “được cái giáo dục kỹ năng tốt” nhưng thực tế, hầu hết những nhu cầu này, gia đình vẫn phải tự tổ chức, làm lấy!

Lỗi tại cơ cấu xã hội và tâm lý chung của các bậc cha mẹ – tất nhiên là phần lớn khi dồn gánh nặng lên ngành giáo dục ở một số địa phương trọng điểm, nhưng ngược lại cũng phải đặt vấn đề cho ngành giáo dục, rằng nhu cầu tìm ra một cách tiếp cận mới cho tuyển sinh các lớp đầu cấp đã cấp thiết lắm rồi, vì hệ lụy lâu dài của nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của thế hệ trẻ. Không thể nói cách cạnh tranh mà ngành giáo dục đặt ra cho các cháu là lành mạnh được, mà nó chỉ phần lớn làm tổn thương tâm lý của chúng mà thôi – nếu nhìn ra nhiều nước, tại sao họ không áp dụng cách “làm giáo dục” như chúng ta, học sinh học một mạch từ nhỏ đến hết phổ thông, mà tại sao học sinh của họ giỏi hơn học sinh của chúng ta ở hầu hết các phương diện?

Đã đến lúc phải thực sự bỏ cách giáo dục nặng về đánh giá kiến thức của chúng ta hiện nay, và thay bằng những cách tiếp cận khác, thiết thực hơn cho học sinh khi bước vào cuộc sống.   

[1] Một người bạn ở Nga kể, vừa rồi Mátxcơva cho nghỉ học một loạt các cháu người Việt Nam do bố mẹ không đủ điều kiện cư trú lâu dài. Đây là điều lần đầu xảy ra, do chính nước Nga cũng bắt đầu thiếu chỗ học, chứ trước đây thì bất kể bố mẹ ở địa vị pháp lý nào thì quyền học hành của trẻ em không phân biệt quốc tịch, vẫn được đảm bảo ở Nga.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment