Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, May 13, 2019

Khủng hoảng tuổi trung niên: duy thể thao có phải là giải pháp?



Rất tình cờ, tôi “gặp” bài viết của tác giả Đào Trung Thành trên báo Tuổi trẻ “Khủng hoảng tuổi trung niên: Những người đeo đuổi “Chủ nghĩa duy thể thao cực đoan”,” với tôi đây là một vấn đề thú vị vì đã ngẫm nghĩ về nó từ lâu. Thời gian gần đây, do cũng có đôi chút kinh nghiệm về rèn luyện thân thể nên “bị” đưa và các hội nhóm thể thao trên các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội, tôi càng có điều kiện quan sát và phát hiện ra nhiều điều… không hề mới.

Trước hết tôi muốn bàn về giai đoạn được gọi là “khủng hoảng tuổi trung niên” – có hay không? Nếu suy từ bản thân mình ra thì tôi cho rằng nó “chưa kịp có,” không biết có phải do mình may mắn không. Gần 40 tuổi, tôi chợt nhận thấy các khớp của mình bắt đầu thoái hóa, cơ thể bắt đầu đau nhức và khi mệt thì thời gian phục hồi lâu hơn so với trước đây, nhưng đây không phải là lý do chủ yếu. Cũng thời gian này tôi các bác sĩ chẩn đoán tôi có một khối u, tỷ lệ lành dữ là 50/50 nên cứ xác định là hoàn toàn có thể chết được và cũng đã rất bình tĩnh chuẩn bị tinh thần cho chuyện đó. Kết quả là tôi hiểu rất rõ sự hữu hạn của cuộc sống và muốn sống thực sự có ý nghĩa. Trải nghiệm của bản thân đạt ý nghĩa cao nhất là sau khi phẩu thuật nửa năm, tôi bị thêm một tai nạn và thực sự đã có lúc hồn lìa khỏi xác, biết được cái chết như thế nào và đã nhìn thấy mình nằm trên mặt đất còn “tâm hồn đã hòa vào thinh không.” Nhờ những trải nghiệm đó, tôi không thấy chuyện mình già đi, hay chắc chắn sẽ chết là điều gì đó quá nghiêm trọng.

Từ cuối những năm 1980 của thế kỷ trước, cuốn sách gối đầu giường của tôi về lối sống là cuốn “Chúng ta là đàn ông” của Stiv Senkman [1] mà tôi có thể đọc thuộc lòng nhiều đoạn trong đó. Khi mở đầu cuốn sách này, tác giả viết một chương rất hay về “tuổi vàng ngọc” – tức là lứa tuổi trung niên của chúng ta hiện nay, những người đàn ông bước vào tuổi 40 là thời kỳ tuyệt vời nhất của cuộc đời: công việc sự nghiệp đã có những kết quả nhất định, điều kiện kinh tế vững vàng, con cái đã lớn và sức khỏe thì còn sung mãn và đây chính là lúc cho người đàn ông hưởng thụ. Điều này tác giả viết rất đúng, và nó không chỉ đúng cho đàn ông, mà còn chung cho cả hai giới và ở thời đại của thế kỷ 21, “tuổi vàng ngọc” còn kéo dài đến tận 60 tuổi có khi còn hơn nữa. Khi đọc cuốn sách, tôi mới chỉ là học sinh và tưởng tượng ra một phần tư thế kỷ sau, “tuổi vàng ngọc” của mình sẽ như thế nào và nó đến lúc nào không biết. Nhờ có Stiv Senkman, việc chờ đợi và gặp gỡ của tôi với “tuổi vàng ngọc” trở nên thú vị và chủ động, do đó không có khái niệm “khủng hoảng” nào cả.

Tuy nhiên, nếu quan sát những bạn bè và cả những anh em lớn hơn xung quanh, có thể nhận thấy và hình dung dù không rõ ràng, chắc là cũng có những khủng hoảng nào đó, không thể nói là không có. Đặc biệt, thời của mạng xã hội thì điều đó lại càng dễ quan sát nếu hàng ngày ta chịu khó dạo một vòng… Facebook. Rất rất nhiều than vãn về bệnh tật, đau chỗ nọ thoái hóa chỗ kia và những nỗi lo sợ mơ hồ cũng có, thẳng thắn cũng có với cái tuổi già đang sồng sộc đến. Những tấm hình xinh đẹp kèm theo tiêu đề “còn trẻ xinh thì phải khoe nhiệt tình, mai kia già rồi lấy gì mà khoe” đã trở thành một phần của cuộc sống mạng của chúng ta. Đối lập với thái độ đó, là dạng thái độ khác, có thể nói là tích cực hơn nhiều: những người thực sự bước chân vào níu kéo tuổi trẻ bằng luyện tập. Cũng nhờ mạng xã hội mà ta quan sát được rất nhiều sắc thái, như khoe khả năng uốn dẻo của các chị Yoga hay chạy, bơi được bao nhiêu ki-lô-mét. Ngay cả tôi cũng thỉnh thoảng khoe mình đạp xe được cả trăm cây số, nghĩa là không chịu đứng ngoài cuộc chơi và tất nhiên trong số những khoe khoang đó không thể không có những suy nghĩ tự hào, hơi khinh khi… dành cho những người còn duy trì lối sống thiếu lành mạnh.

Đến đây thì chúng ta đã có thể quay lại với câu chuyện thể thao được rồi. Có thể nói tôi là người theo “chủ nghĩa thể thao” đúng nghĩa – chơi từ lúc tuổi trẻ với câu tổng kết thú vị của thời sinh viên: “sáng chạy, chiều bơi, trưa xà, tối tạ.” Thậm chí có thể nói đã có những thời điểm tôi sa vào “chủ nghĩa duy thể thao cực đoan.” Vậy như thế nào là cực đoan? – “Cực đoan” là coi thể thao là tất cả, là phương thuốc số một giải quyết tất cả các vấn đề của cuộc sống. Đầu tiên, thể thao đem lại nền tảng sức khỏe, sau đó nó đem lại sự tự tin và khi chơi thể thao gian khổ, nó rèn ý chí và nhờ ý chí đó ta sẵn sàng đương đầu mọi khó khăn của cuộc sống. Cái lý thuyết này đúng luôn nhưng nó cũng đẩy những thanh niên như chúng tôi khi cơ thể còn tràn đầy sức lực sa vào hết những cuộc đua này đến cuộc đua khác, từ chạy, bơi đến những môn thể thao sức mạnh như thể dục thể hình. Nhưng chính trong thời gian đó tôi cũng gặp một số huấn luyện viên rất tỉnh táo, khi đặt những câu hỏi rằng “các em chạy theo thành tích để làm gì khi cố đẩy những mức tạ đến 130kg hay một ngày phải mười mấy cây số?”

Ừ nhỉ, chạy theo thành tích để làm gì? Đến ngày hôm nay khi ở ngưỡng lứa tuổi 50, tôi mới nhận ra hậu quả của việc chạy theo thành tích thời chơi thể thao “đỉnh cao của mình,” với những thoái hóa và tổn thương không thể phục hồi được. Chính vì vậy khi quan sát những bạn cùng lứa tuổi, nhưng bây giờ mới bước vào theo “chủ nghĩa duy thể thao” tôi không thể không có những lo ngại. Cái sự “chạy theo thành tích” đến thời mạng xã hội lại càng bùng nổ: “hôm nay đã vượt qua 21km…” – “Ôi em ngưỡng mộ chị quá, người chị vừa xinh đẹp lại vừa thể thao của em…” “Người đẹp thể thao không tuổi…” “Người đàn ông thép của công ty đây rồi!” Cùng với những hình ảnh khác như nhà lầu xe hơi, học bổng nước ngoài của mấy đứa con… đã hoàn thiện bức tranh toàn cảnh về những tấm gương đáng ngưỡng mộ.

Viết những điều trên đây không có nghĩa là tôi từ bỏ “chủ nghĩa thể thao” vì ngay khi xây dựng lối sống cho các con của mình, cũng như khi nghiên cứu những vấn đề thuộc về giáo dục, tôi vẫn cho rằng giáo dục thể chất là cực kỳ quan trọng, nó cần xứng đáng đặt ngang hàng với dạy chữ. Nhờ có những “nhận ra” hay phát hiện dù không mới, rằng “chúng ta sinh ra chỉ để già đi và chết” tôi nghiêng về xu hướng cho rằng, xây dựng lối sống tích cực, yêu thể thao cho tất cả mọi người là cần thiết, nhưng hiểu giới hạn của cơ thể, chọn cho mình môn tập phù hợp và luôn luôn lắng nghe được những giới hạn của cơ thể mình, cũng quan trọng không kém.

Vậy thì thể thao có phải là giải pháp cho khủng hoảng tuổi trung niên hay không? – có chứ, rất nên có, ít nhất và trước mắt nó tốt hơn nhiều so với việc “thể thao bàn phím” với việc một ngày tuôn ra đến 4, 5 hay cả chục “dòng trạng thái” tiêu cực về tất cả mọi lĩnh vực cuộc sống trên mạng xã hội. Để duy trì một cuộc sống cân bằng, trước hết lối sống phải đạt được “thân thì phải động, tâm thì phải tĩnh.” Cơ thể không vận động thì thoái hóa rất nhanh, nhưng vận động không đúng cách, quá đà, không hiểu biết thì nó bị tàn phá nhanh chẳng kém. Tệ hơn là sự tham gia theo phong trào, chẳng thấy tĩnh tâm đâu mà còn cãi cọ xem phương pháp của tôi anh cái nào đúng hơn và ngấm ngầm chạy đua về thành tích. Thực ra, cái gọi là “chiến thắng chính mình” dù là tốt, nhưng cũng là một cái bẫy, rất dễ dàng đẩy người ta vào hiếu thắng. Ngay cả hiện nay khi tôi cổ vũ cho việc chuyển hướng tập luyện sang các môn có tính dưỡng sinh nhiều hơn, như Yoga hay những môn thể dục có tính thiền, mà vẫn có những sự chạy đua về thành tích, qua những câu chuyện bạn này bạn khác chấn thương do sai tư thế trong uốn dẻo chẳng hạn…

Theo thiển ý của tôi, điều quan trọng đầu tiên là thái độ tỉnh táo, cân bằng trước cuộc sống với sự vận hành tự nhiên theo Đạo trời đất mà bản thân mỗi cá nhân chúng ta, là một phần trong cái tổng thể vĩ đại đó. Từ đó, chúng ta lắng nghe mỗi rung động của từng tế bào tế vi bên trong cơ thể, để từ đó tìm ra cho mình phương pháp và mức độ luyện tập thuận tự nhiên nhất, như Stiv Senkman viết là luôn luôn phải vừa sức trong tập luyện.

Luyện tập thân thể chỉ là một phần của quá trình rèn luyện, mà không thể thiếu luyện tâm. Nếu H. Murakami viết: “Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn…” thì sự trọn vẹn đó cần phải được hiểu là đạt được sự vui vẻ, hạnh phúc trong từng phút giây của cuộc sống, và lại “nếu” như vậy thì luyện tập cực đoan không cân bằng, đã là một bước làm hỏng quá trình luyện tâm mất ri.
________
[1] Nhà xuất bản thể dục thể thao Hà Nội và Nhà xuất bản Mir – Mátxcơva 1987

Bài trên Tuổi trẻ cuối tuần ở đây

No comments:

Post a Comment