Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, May 17, 2019

Lá cờ Tổ Quốc


Sáng sáng, mình thường hay đi bộ ra Hồ Tây để tập thể dục. Năm nay thời tiết thế nào mà ngày nghỉ lễ Thống Nhất (30/4) và Quốc tế Lao động (1/5) lại mưa nhiều thế. Trời còn sớm nhưng sau tiết Lập Hạ, mặt trời đã lên tuy chưa đủ xua những đám mây trĩu nước còn thòm thèm muốn mưa nữa… Cảnh vật đã sáng rõ và mọi người đã đi lại tấp nập, đặc biệt là những người đi tập thể dục sáng.

Gần ra đến hồ, chợt mình thấy trên con đường làng một mảnh vải màu đỏ, hóa ra là một lá cờ còn mới. Cơn giông đêm qua đã giật gãy cán cờ, một đoạn que trúc còn nằm chỏng chơ trên mặt vỉa hè gần đó. Chủ nhà chưa ngủ dậy, cửa vẫn còn đóng nên nào đã có ai phát hiện ra, và lá cờ sũng nước vẫn nằm đó, trên mặt đường. Ông đi qua, bà đi lại, hầu như không ai không phát hiện ra nó, nhưng ai cũng vòng tránh qua nó, mà chẳng có ý kiến gì.

***
“Có một lá cờ rơi trên mặt đường con ạ…” Mình nói lơ lửng với con trai, lúc hai ba con dắt xe máy ra chuẩn bị lên đường vào công việc buổi sáng.

“Nhiều cờ nhỉ ba nhỉ, như ngõ nhà mình cờ treo đỏ rực. Hôm qua con thấy bà mang cờ ra treo rồi.”

“Bây giờ chính quyền Phường đã làm những ống cọc cắm cờ bằng inox cho tất cả các nhà, và đề nghị cứ có lễ lạt là treo đồng loạt vậy con ạ.”

“Làm như thế tốt không hả ba?”

“Tốt chứ con, làm như vậy thuận tiện, việc treo cờ đỡ ngại, chứ trước đây mỗi lần treo cờ là phải chằng chằng buộc buộc khá vất vả.”

“Lá cờ rơi trên mặt đường, không ai nhặt lên ba nhỉ…”

“Chưa ai nhặt chứ không phải là không ai nhặt. Nếu không phải là lá cờ, mà là đồng tiền chỉ cần 50 nghìn thôi, chắc nó không nằm đấy lâu đến vậy. Lá cờ mang về nhà chẳng để làm gì cả, vì nhà ai cũng có rồi và chắc không ai có ý định treo đến hai lá cờ ở cửa nhà mình đâu. Ba đi đến thì ba nhặt, nếu không phải ba, chắc cũng sẽ có người nhặt hoặc chủ nhà mở cửa ra, chắc cũng sẽ nhặt. Vậy câu chuyện ở đây là gì?”

Nhi Bá ngẫm nghĩ, rồi không nói gì.

“Lá cờ tượng trưng cho điều gì con nhỉ?”

“Cho Tổ Quốc.”

“Chính xác, là Tổ Quốc con ạ. Con đã lớn, ba phải nói với con một điều rằng, có rất nhiều người ghét lá cờ đó, chứ không phải ai cũng yêu quý nó. Đất nước ta đau thương lắm, trải qua nhiều cuộc chiến tranh và gần đây nhất là cuộc chiến tranh 20 năm, mãi đến ngày 30 tháng Tư năm 1975, nó mới kết thúc. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh này còn để lại trong lòng người Việt Nam nhiều vết thương, trong đó có vết thương căm ghét màu cờ của nhau.”

“Nếu căm ghét nhau và ghét cả cờ, người ta sẽ làm gì?”

“Thế giới người ta hay đốt cờ để biểu thị phản đối. Nhưng theo ba, chuyện lá cờ nào không quan trọng. Cuộc sống là thay đổi, lịch sử cũng luôn luôn vận động và thay đổi. Thế giới có rất nhiều nước thay đổi lá cờ của mình, thay cả quốc ca luôn – ví dụ các nước thuộc Liên Xô cũ, sau năm 1991 đều thay quốc kỳ, quốc huy và quốc ca. Nhưng lá cờ trong quá khứ nhiều khi vẫn được trân trọng, vì đã có thời nó tượng trưng cho Tổ Quốc. Lá cờ chỉ là vật biểu trưng, không có cờ này thì có cờ khác, Tổ Quốc vẫn còn nguyên đó. Nếu đã yêu Tổ Quốc, thì sẽ biết trân trọng lá cờ dù nó có màu gì.”

“Thế mà con thấy vẫn có cờ bị vứt sọt rác…”

“Đúng rồi, đặc biệt là sau những trận bóng đá. Khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thua, cờ đỏ sao vàng vứt đầy đường, bị người ta dẫm đạp – nhìn không ổn tí nào. Nếu đã không đủ tôn trọng Tổ Quốc và lá cờ, thì cũng không nhất thiết phải cố vác theo cờ để cổ vũ bóng đá, vác nồi niêu, xanh chảo mà gõ đập cũng được rồi. Mà không chỉ ở Việt Nam đâu nhé, có lần ba đọc tin cổ động viên đội tuyển Anh cũng vứt cờ xuống đất. Rồi năm kia năm kìa, có phong trào “Trung đoàn bất tử” ở một nước, người ta mang ảnh của người thân đã hi sinh trong chiến tranh đi rước… phong trào hay quá, nhưng hết ngày lễ thấy có rất nhiều ảnh bị vứt trong sọt rác – hóa ra là ảnh của những người không phải người thân của ai cả, được những người tổ chức in ra phát cho các thành viên tuần hành. Họ chắ là chẳng có gì cần tôn trọng nên hết lễ, đem vứt luôn. Đáng nhẽ ra phải thu gom lại chứ…”

***
Mình nhặt lá cờ lên, nó đã bắt đầu lấm bẩn mấy vết bùn. Giũ sạch, mình gấp lá cờ lại rồi cầm ra hàng bún ngan gần căn nhà, bà chủ đã mở cửa bán hàng cho những người ăn quà sớm đi làm.

“Bác cho em gửi lá cờ, của nhà số… kia, chắc đêm gió quật gãy cán.”

“Phải rồi, chú cho tôi xin, chốc nữa nhà cậu em tôi ngủ dậy mở cửa tôi sẽ gửi lại cho nó.”

Câu chuyện chỉ đơn giản vậy thôi mà để lại nhiều suy nghĩ. Nhiều khi mình chợt ngẫm, tại sao bây giờ các bạn của mình, đi định cư ở nước ngoài nhiều thế? Chắc chắn với họ, Tổ Quốc vẫn là một điều gì đó rất thiêng liêng và yêu quý. Tất nhiên, cả thế giới này là nhà, đâu cũng là Tổ Quốc. Nhưng trên mảnh đất này, có những người nói cùng với chúng ta một thứ tiếng, tiếng nói thân thương mà mẹ đã dạy chúng ta những câu đầu tiên: “Bà… bố… m…”

No comments:

Post a Comment