Chỉ cách đây đến một tháng chứ
mấy, mình có viết trên Facebook một status ngắn về một cái sự – xin lỗi phải gọi
thẳng ra đó là ngu ngốc của cha mẹ, khi đẩy con mình vào tình thế mất mạng như
bỡn: mua xe máy 50cc cho con đi học khi đỗ lớp 10. Vài ngày trước, lại có tin một
cháu học chuyên của một trường trung học danh giá trong thành phố Hà Nội, bị một
tai nạn thảm khốc và tính mạng đến nay vẫn “chỉ mành treo chuông.”
Cháu bị làm sao? Vẫn câu chuyện
đó thôi – xe 50cc. Chúng ta không thể nói rằng từ năm ngoái đến năm nay, cháu từ
15 lên 16 tuổi đã đủ điều kiện đi xe máy có dung tích buồng đốt dưới 50cm3 thì
nguy cơ với các cháu giảm đi – tuyệt đối không. Đúng, có thể cháu đủ điều kiện
theo luật, và nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự với nhóm tội liên quan đến
an toàn giao thông có giảm đi thật, nhưng thực tế thì lưỡi hái tử thần vẫn lơ lửng
treo trên đầu các tay yêng hùng 50 phân khối này, vì câu chuyện không chỉ nằm ở
tờ giấy khai sinh, mà đầu tiên là nằm ở việc gia đình đã đảm bảo con mình được
giáo dục đầy đủ hay chưa về ý thức tham gia giao thông và hiểu biết pháp luật.
Cũng vừa sáng nay chở con đi học gặp ngay một chị chắc tầm lớp 10, lại chiếc
50cc chạy rung lên xòng xọc, đầu trần không đội mũ bảo hiểm và biểu diễn những
đường lượn ghê hồn trước mũi ô tô. Như thế thì cháu an toàn ngày nào, đều là
phép màu ngày ấy cả.
Mình nhớ năm kia, khi ông bạn
Facebook nhắn hỏi: “Thằng con lên lớp 10 có mua xe 50cc không?” – mình cũng giải
thích đầu tiên về luật, sang năm nữa cháu mới được đi và như thế, nếu đi chỉ có
2 năm mà mua cả cái xe thì hơi phí. Lại khía cạnh nữa, nếu mua thì mua của hãng
S gốc Đài Loan mà đi, chứ đừng mua những cái thổ tả hơn chục triệu, đều nguồn gốc
nước bạn phương Bắc cả. Đó là những đống sắt không hơn không kém, dù 50cc nhưng
nó ngốn xăng thì bằng cái 100cc của Nhật Bản, vì hiệu suất rất kém, chất lượng
vật liệu thì cực kỳ tệ hại. Để an toàn, hệ thống phanh và hệ thống treo của xe
phải rất tốt, bằng những vật liệu đảm bảo và không thể có giá đó với hệ thống tốt
được, do đó mua cho con những chiếc xe này coi như cầm chắc sẽ có tai nạn trong
tương lai. Tệ hơn nữa, nhiều cửa hàng còn sẵn sàng dấm dúi thay cho khách những
bộ xi-lanh, pít-xtông có dung tích lớn hơn, thường là… 100cc với giá rất “hợp
lý,” chỉ vài trăm nghìn và nhiều bố mẹ rất hứng thú với chuyện này cùng lý do cửa
hàng đưa ra: “Đi cho nó khỏe!” Đến cỡ này thì là giết con mất rồi.
Đến đây thì chúng ta cần phải
nhìn sâu vào vấn đề một lần nữa. Với lý do rằng lên trung học thì phải đi học
thêm nhiều – vậy thực tế có cần phải đi học thêm nhiều đến thế không? Khó như
thi đại học thời chúng ta, mà cũng chỉ tuần 3 buổi toán lý hóa, sao bây giờ lại
phải tăng số lượng buổi lên nhiều thế? Thế tại sao ở tận quê xa lắc lơ vẫn có
những cháu chỉ học ông giáo làng mà vẫn đỗ đại học rất cao, mà thậm chí như quê
bà mẹ vợ tôi ở Hải Dương thì năm nào cũng… đỗ cả làng, nghĩa là tỷ lệ đỗ gần
như 100% nếu các cháu đi thi đại học cả. Vậy mấu chốt vấn đề nó phải nằm ở chỗ
nào chứ? Là nó nằm ở chỗ, đúng cái kiểu thi đại học của ta không đi học thêm
thì không đỗ được, vì nó là thi kiểu đánh đố, nên phải đi học các mẹo mực và mỗi
trường thì có mẹo mực riêng, còn trường ra đề trong bộ đề của Bộ giáo dục thì lại
có những mẹo khác cơ bản hơn. Như vậy ta đã thấy rằng: rõ ràng việc đi học thêm
là cần thiết, ngay cả thi IELTS hay TOEFL cũng phải đi học thêm mà học mẹo mực,
Tây còn phải học thi sao ta không học. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là học mẹo mực
nó có… mẹo của nó, không phải cứ học lấy nhiều mà được. Thực tế như con tôi hắn
học thêm khá ít và mới bắt đầu cách đây ít lâu, còn thì chủ yếu vẫn phải dựa
vào tự học. Vậy thì đừng bố mẹ nào lên tiếng là “Con bác khác!” không có ai tên
là “khác” ở đây cả, làm bố mẹ trước hết là rèn được con tự học, chứ không phải
là khỏa lấp ngay “mình không biết” và gí luôn con cho lò học thêm. Như vậy là vừa
sai lầm vừa ngụy biện. Có đứa nào đẻ ra cái là tự nó ngoan ngay hay biết tự học
ngay được đâu, đứa nào chẳng phải dạy. Mà ai dạy? Chúng ta, bố mẹ chúng nó, chứ
còn ai vào đây nữa!
Lại có những cháu khác, học
càng nhiều càng không giải quyết được vấn đề. Có cái cậu con học cùng con tôi,
bắt học thêm mửa mật một đống buổi – nhưng tôi khẳng định luôn là chẳng có kết
quả gì đâu, vì cô bé là một bạn học rất nhanh nhưng quên thì tốc độ còn gấp đôi tốc
độ học, không những thế lại còn ẩu. Do đó với cô bé này học thêm không phải là
biện pháp đúng, mà phải giúp rèn trí nhớ dài hạn và rèn tính cẩn thận, cái đó
phải có cách tiếp cận khác.
Khi bố mẹ đã hiểu, câu chuyện
học tập của con không phải là cố học lấy nhiều là tốt, mà điều cần thiết là
tăng chất lượng học mới là quan trọng, tức là học như thế nào. Mà đã nói đến chất
lượng học tập, ta lại quay lại với điều trên đây mình đã viết: rèn con tự học.
Con đã không tự học được cứ phải dựa vào ngoại lai, tức là hỗ trợ bên ngoài,
thì đừng nói chuyện chất lượng, và như thế thì vừa tốn thời gian, vừa tốn công
sức và tiền bạc cho chuyện học.
Bố mẹ hãy ngừng đổ lỗi cho
giáo dục nước nhà. Mình viết câu này không phải để bênh vực vì nền giáo dục này
đã quá chán đời, nhưng đổ lỗi cho nó xong rồi, nhận ra cái sai của nó rồi ta
không thể sửa sai bằng cái sai của chính mình. Thấy giáo dục nước nhà chạy theo
điểm số, chạy theo đánh giá kiến thức… thì bố mẹ cũng bắt con chạy đua. Ơn giời,
bây giờ rất nhiều bố mẹ nhận ra, chẳng hạn kiến thức sách vở nhà trường đang bắt
học không cần bằng kỹ năng… và nghiêng sang hướng thực tế hơn. Tất nhiên, điều
này là chưa đủ nhưng ít ra vẫn còn có được cái nhìn tỉnh táo một chút.
Nhắc đến “đổ lỗi” – mình phải
công nhận rằng người Việt Nam hết sức đáng yêu vì chẳng bao giờ thừa nhận sai lầm
và bao giờ cũng có lý do hết sức chính đáng để biện minh. Chẳng hạn, khi viết
status hôm trước và bênh vực cho xe đạp chạy bằng cơm, có bà mẹ nêu ý kiến rằng
đi xe đạp hay mất, có khóa vẫn mất. Hôm đó mình chán chẳng buồn nói – nhưng bây
giờ sẽ kể thế này. Tính mình hay để ý, và khi vào nhà xe của các trường phổ
thông thì mình chú ý xem tình trạng khóa xe của các cháu như thế nào và phát hiện
ra, hầu như không có chiếc nào khóa xe, có khóa cũng không thực hiện. Vậy vấn đề
ở đây nằm ở việc giáo dục ý thức con các anh các chị, chứ nào có nằm ở cái
khóa. Riêng cái xe của ông con mình mình đề nghị nó còn xài 2 khóa, 1 cái khóa
thường, 1 cái là xích inox mà muốn cắt được phải có cái kìm cộng lực kha khá một
chút. Với tình trạng hiện nay, trộm một khi đã vào nhà xe nó sẽ chọn xe của con
các anh các chị chứ nhìn xe của con tôi, nó chán luôn. Mà nếu trộm đã đem kìm
đi để cắt xích inox thì nó rất xứng đáng được tặng luôn cái xe ấy chứ!
Lại có những ý kiến nhảm nhí
kiểu: giao thông xe máy ô tô nháo nhào hiện nay, xe đạp đi nguy hiểm. Mình đi
xe đạp từ khi Hà Nội còn chưa có phong trào, và đến nay trộm vía chẳng gặp cái
tai nạn nào cả - vậy thì an toàn hay không do kỹ năng và ý thức, nào phải do xe
gì. Có mà đi xe máy là nguy hiểm nhất, điều này thì rõ luôn!
Xin copy lại status ngày hôm
trước ở đây:
Sáng nay đi trên Đường Hoàng
Sa đoạn cắt qua Võ Nguyên Giáp (cầu vượt Vĩnh Ngọc) thấy một cô bé áo đồng phục
trắng, đầu không mũ bảo hiểm, chạy xe máy 50cc nhưng vượt qua ô tô của tôi rất
nhanh, lúc đó tôi đi khoảng 50km/h. Nhìn cái xe máy gốc Trung Quốc rung bần bật
mà khiếp. Chiều nay gặp người quen thấy vừa mua xe máy 50cc cho con đỗ lớp
10. Có thể nói tâm trạng của tôi với gia đình họ rất khó tả: bực bội cũng
không hẳn, giận cũng không hẳn, thương cũng không hẳn… và cuối cùng tôi nói với
họ với một thái độ khá gay gắt.
Bạn tôi là cô giáo, con vừa
đỗ lớp 10 cũng mua ngay xe máy. Tôi nhắc: nó chưa được đi đâu đấy! Thì bạn
tôi rất… mơ hồ: “Công an cho nó đăng ký xe tên nó cơ mà!” – Khổ quá, đây là
lĩnh vực dân sự, tức là đăng ký xe thể hiện nó có quyền sở hữu tài sản, không
đồng nghĩa với việc nó được đi. Pháp luật quy định phải đủ 16 tuổi (tính theo
giấy khai sinh) mới được điều khiển xe gắn máy dưới 50cc, trong khi đó lên lớp
10 mới 15 tuổi – khổ cái tuổi chịu trách nhiệm hình sự là đủ 14 tuổi với những
tội nghiêm trọng do cố ý. Cái xe máy hoàn toàn là phương tiện để thực hiện tội
phạm nghiêm trọng do cố ý được rồi.
Như vậy cho con đi xe máy,
dù trước 1 ngày cũng đã gián tiếp giết con, còn không dạy được thái độ tôn trọng
pháp luật, coi thường mạng sống của bản thân và người khác, thì ngoài giết
con còn có thể giết thêm cả người khác nữa. Nói tiếp chuyện cái người quen
hôm nay vừa mua xe – họ viện đủ lý do để biện minh. Tôi bảo: chẳng có lý do
nào cả - người Việt Nam vốn không muốn thừa nhận sai lầm, không muốn chịu thiệt
thòi để tôn trọng những giá trị lớn lao mà đâm đầu vào những điều tệ hại chỉ
vì những ham muốn ngắn cũn của bản thân.
“Học thêm hả?” – Cần gì học
nhiều thế, nếu biết cách học đâu cần học nhiều. Đấy con tôi lúc HSG, lúc còn
xuất sắc mà chẳng cần phải học thêm gì cả, mãi gần đây mới đi học lấy lệ để
biết dạng bài thi vào lớp 10 như thế nào.
“Đi xa 10km hả?” – Tôi hỏi
luôn thằng con: nếu không có xe bus, con định đi bằng gì? Nó trả lời luôn: xe
đạp ạ. Đi xe đạp 10km với nó là 50 phút, tương đương xe bus. Như vậy họ đã tự
tước đi của con mình một cơ hội rèn luyện thân thể, đồng thời luyện khả năng
tự sắp xếp quỹ thời gian và tăng hiệu quả làm việc. Về nhà thằng con tôi nói
luôn, nếu nó không đỗ trường ở gần mà phải đi xa, nó sẵn sàng chịu trách nhiệm
về chuyện đó, đạp xe 3 năm đi học có sao đâu.
“Đi xe bus phải đi bộ 2km hả?”
– Chuyện nhỏ, nếu nó muốn du học ở nước ngoài thì không phải 2km mà nếu cần
5-6km đến hơn cũng phải đi.
Tôi không rõ những vị cha mẹ
đó định chứng minh cái gì – phần thưởng thi đỗ cho con à? Chắc không phải. Chứng
minh là có tiền với cái xe chục triệu, càng không phải. Nhiều khả năng là thể
hiện sự quan tâm đến giáo dục con cái, nhưng thật ra việc giáo dục không chỉ
có nằm ở chuyện đi học ở trường, nó chính là thái độ của bố mẹ và con với chính
những cái việc như xe máy – xe đạp – xe bus đó vậy. Hăm hở mua xe cho con, là
một sai lầm, nếu như không muốn nói là sai lầm ngu ngốc của người làm cha mẹ.
|
Post trên Facebook ở đây
No comments:
Post a Comment