Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, December 12, 2019

Đối phó với bạo lực học đường: hãy dạy con lấy yêu thương làm gốc


Muôn đời và trên toàn thế giới, cứ có trẻ con đi học là có bắt nạt lẫn nhau. Tình hình này không chỉ tồn tại ở riêng lứa tuổi học đường mà còn mở rộng ra ở các lứa tuổi khác, thậm chí ở môi trường làm việc còn có bắt nạt chèn ép nhau, vậy chính việc chúng ta giúp con cái xử lý như thế nào tình trạng bắt nạt lẫn nhau khi đi học là tiền đề để chúng có cuộc sống ổn thỏa êm đẹp, hạnh phúc sau này. Hiện nay nạn bắt nạt cũng không chỉ còn là những gì chúng ta hình dung: đánh bạn hoặc bị bạn đánh, mà còn là việc bạo hành về tinh thần (cô lập, đùa ác…) và sau này là tấn công, xâm hại thân thể liên quan đến tình dục, giới tính.

Nếu như theo dõi trên mạng xã hội, các diễn đàn về giáo dục… thì đây cũng là một trong những đề tài nóng nhất nhưng cũng có vẻ ít bậc phụ huynh tìm ra được giải pháp tốt và lâu dài, mà hầu hết tìm tới những giải pháp tức thời có tính tình thế. Hầu hết, cha mẹ thường cố gắng đi tìm ngay cho con mình lớp học võ sau khi đã xử lý vấn đề ở lớp, ví dụ như đến gặp cô giáo, thày giáo, ban giám hiệu và đề nghị gặp gia đình của cháu đang bắt nạt để nói chuyện. Và cũng hầu hết, tôi nhận thấy cực kỳ hiếm các ý kiến viết trên mạng bày tỏ mối lo ngại về việc con mình đi học thường xuyên bắt nạt các bạn khác. Đồng thời, tôi cũng thấy ít có người khi con mình bị bắt nạt bình tĩnh tìm hiểu xem nguyên nhân sâu xa tại sao con mình thì bị bắt nạt, còn con nhà khác thì không, con nhà khác nữa lại đi bắt nạt bạn khác?

Thông thường, những cháu được coi là “hiền lành” thì cũng dễ bị bắt nạt, nhất là khi những cháu đó lại có thêm một số nổi trội và khổ nỗi, những nổi trội ở xã hội Việt Nam lại nghiêng nhiều về “học chữ.” Điều đó dẫn tới “chăm ngoan học giỏi hiền lành” thì dễ bị ghen ghét, do đó cũng dễ biến thành đối tượng bị bắt nạt. Tính đối xứng ở đây sẽ là vế kia, cứ “nghịch ngợm học dốt” thì sẽ trở thành đối tượng đi bắt nạt bạn khác. Về lý thuyết của khoa học giáo dục cả hai hiện tượng đều đáng được quan tâm giúp đỡ để điều chỉnh, chứ không chỉ hiện tượng đầu, thậm chí theo quan điểm cá nhân tôi còn cho rằng hiện tượng thứ hai còn đáng ngại hơn.Tôi bỏ nhiều công quan sát, trong đó có cả trường hợp của bạn học cùng, đã bị đâm chết sau một thời gian dài bắt nạt bạn, đương nhiên bạn bị bắt nạt cũng vướng vòng lao lý. Ngoài ra, nhiều bạn khác cứ trượt dài trên con đường sử dụng bạo lực với người khác, tất thảy đều có những kết cục hoặc mất mạng, hoặc tù tội.

Gốc rễ của vấn nạn này chính là “bạo lực,” nhưng chúng ta cần hình dung được rõ nó nằm ở chỗ nào và làm cách nào để diệt trừ nó. Chúng ta là những người bình thường, do đó cũng quá quen với việc tìm cách diệt trừ bạo lực bằng chính bạo lực. Điều này cực dễ thấy ở giai đoạn hiện nay, thời của 4.0 hay bùng nổ mạng xã hội… Mỗi lần có một chuyện nhiễu nhương tiêu cực, bạo lực học đường, cô giáo bạo hành… là chúng ta dễ dàng tìm thấy cách hành xử đơn giản và dễ chọn nhất: phẫn nộ. Cách hành xử này “được” hầu hết mọi người lầm tưởng là đúng đắn, nhưng thật ra không hề đúng, và đối với lĩnh vực giáo dục lại hoàn toàn sai lầm và có hại. Cha mẹ phẫn nộ trước cái sai, rất khác với cha mẹ từ từ, bình tĩnh cùng con nhìn nhận vấn đề trước các sự kiện, tức là trước những sai lầm của người khác. Còn suy nghĩ cho rằng dùng bạo lực để giải quyết bạo lực, có thể trừng phạt được phần thân xác của một cá nhân, còn trên bình diện toàn xã hội không hề làm giảm đi bạo lực, mà gia tăng. Đó cũng là lý do mà nhiều nước văn minh loại bỏ án tử hình, vì người ta thống kê thấy bỏ án tử hình thì số lượng vụ phạm pháp hình sự lại giảm đi.

Ở mức độ cao hơn, là khi chính gia đình mình rơi vào hoàn cảnh có con bị bắt nạt, lại càng không nên ngay lập tức trang bị cho mình suy nghĩ và cách hành xử bạo lực: mắng con, đánh con, trách con không biết đánh lại… và đấu tranh bằng được để lập lại công bằng bằng cách đề nghị trừng phạt “thủ phạm.” Vậy có nên cho con đi học võ để tự vệ, chống lại bạo lực học đường, chống xâm hại… hay không? Theo quan điểm của tôi, thì học cũng được mà không học cũng không sao, vì gốc rễ của việc bắt nạt là bạo lực thì muốn chống nó, phải dùng yêu thương. Khi một đứa trẻ bị bắt nạt mà cha mẹ giải thích cho con là “Bạn bắt nạt con, là bạn sai lầm, đó mới là người cần giúp đỡ” thì thực sự người cha người mẹ đó là có trí tuệ. Tất nhiên cách hành xử đó muốn có kết quả đòi hỏi có thời gian, và nhiều khả năng là không tránh khỏi việc bị bắt nạt tiếp – lúc này ta cần có sự hỗ trợ của nhà trường, đặc biệt của các giáo viên trong ngăn ngừa bạo lực tiếp tục được áp dụng. Đối với trẻ bị bắt nạt, không nên dạy con phương án né tránh, mà nên tập đương đầu không bạo lực. Làm được điều này, ích lợi về lâu dài là cực lớn: trẻ tập được tính nhẫn nại, và nuôi dưỡng được cái dũng khí bên trong. Dũng khí của con người không phải là thứ sồn sồn thể hiện ra bên ngoài đòi ăn thua đủ, mà là cái dũng hướng vào trong biết khắc chế cái tôi tham lam dễ nóng giận của bản thân kia.

Như vậy, tập võ là rất tốt để có cơ thể khỏe mạnh, phản xạ nhanh nhẹn vì không phải lúc nào cũng cần võ để tự vệ mà có khi để tránh tai nạn, thiên tai. Nhưng học võ phải đi kèm với dạy lấy yêu thương làm gốc, nếu không thì chỉ đi kèm với tai họa – người có võ mà không có đạo đức thì có hại cho xã hội lắm. Về “kỹ thuật” mà nói thì để học võ được đến mức có thể tự vệ được như trong phim, sau đó bảo vệ được người khác thì con đường rất dài, trong khi phần lớn chưa múa may xong đã bị đánh xong rồi. Do đó quan trọng hơn cả sau việc dạy yêu thương làm gốc, là phải dạy kỹ năng xã hội cho trẻ, làm thế nào hóa giải được bạo lực học đường và sau đó là tránh khả năng bị tấn công xâm hại.

Đầu tiên, về thể chất, trẻ phải khỏe mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát… do đó có thể không phải là võ, nhưng chúng phải được chơi thể thao. Đứa trẻ khỏe mạnh đã có tiền đề rất tốt để những đối tượng thích bắt nạt e ngại. Tiếp theo là chúng cần phải được dạy các kỹ năng xã hội, mà không phải ai khác chính cha mẹ mới là những người thày tốt nhất. Đã có cái gốc là dạy yêu thương, thì đứa trẻ cũng sẽ hồn hậu, biết cách nhìn mọi sự vật hiện tượng bên ngoài bằng con mắt độ lượng, vị tha, biết đúng để làm biết sai để tránh mà không cần phải phẫn nộ… Khi chúng yêu thương mọi người, chúng đã có được sự an toàn rất lớn rồi, sau đó chúng ta trang bị thêm cho chúng cách tránh những tình huống có thể nguy hiểm, là đã tương đối đủ.

Đến đây, chúng ta đã thấy những gì tôi trình bày, đặt lên vai gia đình, cha mẹ một trách nhiệm rất lớn, từ việc chính mình phải tự điều chỉnh cảm xúc, tập cách hành xử đúng đắn, đến đặt con vào một chương trình luyện tập kiên trì và lâu dài, sau đó là học những kỹ năng xã hội và quy tắc an toàn… để dạy cho con. Xuất phát điểm của tôi là người rất thành công với các con mình, từ chỗ bị bắt nạt (con lớn) và có xu hướng bắt nạt bạn (con nhỏ) nhưng các cháu đều có thể hóa giải được sự việc và làm chủ tình hình, và đến nay cả hai cháu tuy còn học phổ thông nhưng đã xây dựng được uy tín cho bản thân mình, đóng vai trò hòa giải rất tốt khi có các sự kiện bạo lực xảy ra. Do vậy, tôi rất vững tin về phương pháp của mình, sự thành công này cho thấy một thành công lớn hơn: các con của tôi đã không bị bắt nạt, không bắt nạt bạn… mà bắt đầu học được cách giáo dục các bạn một cách đúng đắn, mà đây mới chính là tiền đề của một xã hội văn minh khi mỗi thành viên đều biết cách dùng hành xử của mình để giáo dục lẫn nhau. Tôi cũng tin rằng sau này với cách nhìn nhận cuộc sống được trang bị đó, các con của tôi cũng sẽ biết sống hạnh phúc.

Bài được in trong cuốn “Mẹ ơi, ở đâu con mới được an toàn?” của Tủ sách Sống (NXB Thanh Niên, 2019) ở trang 143.

Facebook here

No comments:

Post a Comment