Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, April 16, 2021

Đi làm căn cước “chíp”

Đã định chẳng đi làm căn cước công dân “chíp” vì cậu công an trực ban ngoài đồn Phường hôm trước nói: anh có chứng minh thư 12 số rồi thì thôi, chưa cần đâu, cứ dùng cái đó bình thường, khi nào thư thư làm cũng được. 

Mấy ngày liền đi công chuyện qua Công an Quận đúng đợt người ta triển khai cấp cho công dân của Phường, thấy đông cơ man là người. Hỏi ông bảo vệ trông xe ở ngoài: tình hình thế nào bác?

“Thôi bận thì đừng, thấy người ta “chui” vào mãi mà có “chui” ra đâu?”

Đến chiều tối hôm qua, nhân tiện làm xe ôm chở cô bé con đi học ngoại ngữ qua gần đó, lại rẽ qua thấy vắng vẻ, cỡ chỉ hai chục người. Đang ngó ngó thì bị chú cảnh sát khu vực tóm dính. Cậu hỏi thăm đủ thứ: bây giờ ở đâu, nhà ở chỗ mình anh còn không hay bán rồi… đủ thứ và cuối cùng: Anh chưa có tờ khai cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia thì về khai và đợt này chưa làm căn cước được đâu! 

Đang mừng thầm, không làm được thì anh về nhà ngủ, lại ngốc nghếch đến mức: ơ, ở trên phường trên kia anh khai rồi, người đến đề nghị làm từ năm ngoái mà! Thế là anh chàng hì hục kiểm tra, và phát hiện ra đúng mình có cái bản khai đó rồi thật, do mụ vợ mình liều mạng viết, sai sửa dập xóa linh tinh cả. Cậu công an nói: thôi mời anh vào làm, đã đến nơi rồi thì về làm gì! Ừ thì làm. 

Ngồi chờ được chừng mười lăm phút chứ mấy, thấy người ở đâu cứu kéo đến ùn ùn, càng ngày càng đông, phải đến 200 người chứ chẳng có ít hơn. Cậu cảnh sát khu vực vác ra một tập giấy má dầy, gọi rất to nhưng không ăn thua – tối rồi cậu ta không dám dùng cái loa pin nữa sợ ồn ào hàng phố. Đọc tên chừng 30 người, không có tên mình. Giở cuốn sách mang theo ra đọc, cứ căng mắt ra đọc mãi, đọc mãi cho đến khi nhận ra không còn nhìn thấy rõ nữa vì ngồi ngoài sân, đèn đường và đèn sân là không đủ để đọc và trời đã tối từ lâu. Đành phải cất sách đi và ngồi… ngó bà con, thấy nhiều chuyện thú vị. 

Kia, Hoàng Tùng, cậu này trước mình là anh phụ trách của hắn. Bây giờ to béo bệ vệ, râu ria đẹp như Lỗ Trí Thâm. Ngày xưa cậu ngoan, nhiệt tình lắm, sai cái gì cũng được, lúc nào cũng: Anh nhớ cho em vào danh sách kết nạp đội đấy nhé. 

Kia nữa. Dũng. Cha này hơn mình một tuổi, nhưng học cùng, ngày xưa gấu phết. Mấy lần bị hắn dọa đánh. Hồi sinh viên mình tập luyện vào, gặp lại hắn một vài lần, người còi dí dị, bé tí, chẳng dọa đánh nữa. 

Những bà chị ngày xưa xinh đẹp, rất nhiều chị bây giờ già rồi vẫn giữ được nét nào đó năm xưa. Họ chưa bao giờ biết có thằng nhóc con từ hồi đó đã ngưỡng mộ họ, và bây giờ đã là bà nội bà ngoại mà nhiều người vẫn còn duyên dáng lắm, vẫn có thể ngưỡng mộ được. Các cô bạn, anh bạn sàn sàn bây giờ đã đi cùng con trai, con gái lớn tướng hai mấy tuổi đến làm căn cước, hóa ra cả mình cả họ cũng già hết cả rồi. 

Ngồi quan sát tiếp nhóm các cháu sinh viên, có cậu thanh niên ôm điện thoại đánh game bắn súng nhập vai đến giỏi, cắm sạc di động đánh suốt 3 giờ đồng hồ, không dứt. Đến giờ thứ năm nó mới phát hiện anh công an gọi nó bị “bỏ vòng” mấy lần rồi. Có đến 3 cậu ngồi cắm mặt vào game như thế. Còn lại có đến 6 – 7 con bé ngồi chat tanh tách trên Facebook, cứ thỉnh thoảng seo-phi rồi ắp ảnh lên mạng. Con bé bên cạnh ngó ngay vào điện thoại, cười hi hí: viết là “ôi chán thế” mà sao ảnh mày cười tươi thế? Mỗi đứa một cái quần đùi ngắn cũn, ngồi co chân lên ghế, muỗi đốt nên đứa đập đen đét, đứa gãi sồn sột. Con bé ngồi cạnh huých cho mình một cái, bảo con kia: nhìn này, đùi tao trắng mịn mà bây giờ mẩn tịt lên mấy cục muỗi đốt, ngứa quá. Tối nay không về bôi cái gì, mai nó mưng lên rồi lở ra thì tao chết. 

Mùa xuân mùa hoa xoan, muỗi kêu như sáo thổi, may mà có loa di động nhà ai gào thảm thiết “Em ôi iem ôi, thà không gặp gớ thà đừng quien nhau…” phía xa nên phần nào cũng át được tiếng muỗi. 

Lẹp kẹp đôi dép lê, đi vào một con bé, chân dài và bé như hai cái que. Nó mặc một cái áo sơ-mi dài nên chỉ thấy chân, không thấy váy. Tóc nó dài làm như thế nào đó, giống dây thừng nhưng khá đẹp, nhuộm màu gì như màu vôi tường pha với giả vân gỗ, mặt trát cả gánh phấn trắng lốp. Cứ ngắm nó mà ngờ ngợ để nghĩ xem con bé này, xinh hay là đẹp trai nhỉ, vì cái mũi cao, lõ trên một khuôn mặt dài quá nhỏ, vát nhiều ra sau như người Âu… Có lẽ đẹp trai nhiều hơn. 

Ghế trên có một cái đầu hói bóng, lơ thơ mấy cọng được để dài ra ở một bên, rồi chải lật sang bên kia kiểu “khó khăn khắc phục,” ôm điện thoại xem say mê một kênh Youtube tán thán sức mạnh quân sự của Putin. Cứ xem xong được cỡ mươi phút, lại quay sang dọa dẫm ông bên cạnh: kỳ này cho thằng Ucraina chết ông ạ. Ông kia ngáp dài ngán ngẩm: bọn phản động trên mạng chúng nó bảo kỳ này cấp căn cước công dân để bán thông tin cho Tàu. Cái tàu sân bay bên cạnh phản bác nhiệt tình: Nga không thể để cho Tàu nó lộng hành làm gì mình được. Mỹ không làm gì được đâu, chỉ có Nga thôi. Nga không bán vũ khí cho Tàu là Tàu chết. Đánh xong Ucraina thì đến Tàu. 

Ghế dưới Dũng đang nói chuyện với một bộ mặt quen lắm, to phèn phẹt, đen đúa nhưng lại cong như cái lưỡi cày, cũng cỡ gần 60 tuổi rồi chứ chẳng chơi. “Đ.m, mấy thằng công an này có sao có số, bây giờ trẻ nhở.” “Anh nói cho Dũng nghe, bạn anh có mấy thằng, đờ con mẹ ló, bây giờ đại tá xư đoàn chưởng.” “Vâng bạn em cũng có mấy thằng như thế, mà già lắm.” “Đúng dồi, đờ con mẹ ló, ủ mưu nhiều quá nên mặt dà đéo chịu được. Kiểu mặt đi uống bia chỉ tính chuyện: thôi ông ngồi nhớ tôi về chước, chỉ nghĩ đến chuyện ai trả tiền.” “Đờ mẹ, cứ tính tiền là đi đái anh nhở…” “Đờ con mẹ, bố mày sợ đéo, cho ăn lôn (nôn đấy nhé, đừng nghĩ bậy) con mẹ ló da trên bàn luôn chứ tiếc gì, cứ tính tiền là ỉa với đái…” 

Câu chuyện đang vui thì Dũng hét lên: “Ơ ông em, dạo này bán cơm hộp à?” Quay lên thấy Quang, cậu này ngày xưa mình không phụ trách mà thuộc quyền thằng bạn thân. Quang vẫn cao, nhưng mặt đầy nếp nhăn lại đeo kính lão dày cộp, đang xếp mấy hộp nước, bánh trái gì đó chỗ bàn các chú công an. “Ơ anh Dũng, chờ em tí.” Chẳng là Dũng và Quang ngày xưa gần nhà nhau. Xong việc Quang xuống, hỏi “Anh Dũng bây giờ ở đâu?” “Anh ở…” (phường khác, cách khoảng 3km) Cái lưỡi cày hỏi Quang: “Chú bây giờ còn bán loa với am li không?” “Còn anh ạ.” “Đôi loa lấy của chú anh vẫn dùng, không biết còn nhớ anh không?” “Nhiều người trách em lắm, nhưng người ta nhớ em chứ em không nhớ được đâu, chỉ thấy quen là chào thôi.” “Em thân với cậu công an khu vực nên mang cho anh em ít bánh với nước anh Dũng ạ” – Quang nói rồi biến luôn. Mé bên này có bà cô mới chén xong hộp cơm, ngồi xỉa răng tach tách mà cứ quay sang mình, mình cứ phải rúm người lại vì sợ miểng thức ăn bay vào áo. Bà cô thỉnh thoảng chép chép miệng với một nỗ lực phi thường cố gắng đánh bật một mảnh thịt cá nào đó trong kẽ răng ra, rồi lại nhai chóp chép. 

Cứ khoảng một tiếng, cậu công an lại cầm tập giấy, gọi một chập, cứ 30 người thì may ra có 15 người chui vào, và mãi chẳng thấy ai ra. Những cái tên cứ lặp đi lặp lại – nghĩ bụng quái nhỉ, người ta bỏ về rồi sao cứ gọi lại mãi thế. 

Sau 5 giờ rưỡi ngồi thiền, thở, quan sát, bách bộ quanh sân, hai lần đi vệ sinh trong cái nhà vệ sinh bẩn ơi là bẩn của Công an quận, thì người ta cũng gọi đến mình. Trong phòng có một ba anh công an hộ khẩu, một anh trung tá cao to, bộ mặt rất khôi hài với cái mũi khoằm và mái tóc cua, thỉnh thoảng nói đùa và cười hề hề rất thoải mái, cặp mắt một mí híp lại trên cái mũi mỏ quạ thò ra trên cái bịt mặt y tế, trông ngộ nghĩnh không chịu nổi. Ngồi cạnh anh ta một cô thiếu tá cũng cán bộ hộ khẩu, ngồi chỉ có việc gọi người ta vào và ngắm rất kỹ. Đến mình, cô ta ngắm âu yếm quá làm mình ngượng, thấy cái bịt mặt đeo cả ngày đã kịp giãn, trễ xuống và dưới cặp kính là một khuôn mặt trắng trẻo nhan sắc trung bình, không ấn tượng. Hai chú cảnh sát giao thông, một chú ngồi nhập liệu, một chú ngồi phụ chú hộ khẩu thứ ba làm công tác lăn lấy dấu tay. Chú phụ lăn tay chửi um sau khi thấy có một bà cụ lụ khụ được khênh vào: “Tiên sư, cả Quận có mỗi cái Phường này, cứ nhằm nửa đêm thì dựng cả cụ 90 đến bắt làm căn cước!” 

Một bà chị cả buổi tối chỉ làm việc chạy đi, rồi chạy về, rồi lại chạy đi… mỗi lần mang theo một thứ giấy tờ, vào phòng và lần này ơn giời, đã là lần cuối cùng và chị này “được” làm căn cước. 

“Ai là anh Dũng nhở?” Tiếng gọi của chú cảnh sát giao thông nhập liệu dõng dạc. Dũng đang rôm rả ở phía sau với “lưỡi cày” giật bắn người, “Dạ em ạ!” “Anh thiếu bản khai dữ liệu công dân! Ra gọi cảnh sát khu vực vào đây!” Dũng ton ton chạy ra ngoài. 

“Ai là Ngọc Uyên?” – Ngọc Uyên thẽ thọt đằng sau: “Cho em ra!” và cặp chân que đẹp trai có mái tóc dây thừng, trèo ra ngồi trước mặt cho cô cận thị nhan sắc trung bình ngắm. Xong xuôi, Ngọc Uyên quay về, đòi trèo vào trong. Chị sồn sồn trót chiếm chỗ của nó bảo: “Thì ngồi ngoài cũng được!” “Ơ chỗ của em, kệ em!” 

Bây giờ mới phát hiện ra con bé này cả buổi tối bị gọi đến 3 lần mà nó bỏ vòng, bây giờ thì vào cùng mẻ với mình. Cứ 15 phút, cậu phụ lăn tay lại đi ra ngoài hút thuốc một lần, quay vào thông báo rất rùng rợn: trong này bốn mươi, ngoài kia khoảng sáu mươi nữa. Mệt quá rồi. 


Cậu nhập liệu vẫn lóc cóc, mỗi bàn tay nó dùng một ngón giữa để gõ bàn phím, cứ mấy giây lại sờ con chuột bấm lách tách một lần – nhìn biết ngay ông mãnh này chỉ quen đo đường khám nghiệm tai nạn, chứ làm trò này là quá sức. Lúc sau cậu bí cái gì, nhờ chị thiếu tá nhan sắc trung bình sang. Đôi tay mảnh dẻ của chị sử dụng đến 4 ngón cho cả hai bàn tay, nhanh hẳn lên.
 

Lý do tại sao Quận này cấp căn cước công dân lại là ác mộng đã bị phát giác, trong khi chỗ Quận nơi bà vợ và ông con có hộ khẩu, làm nhanh vèo vèo. Trước Tết qua công an phường có việc xác nhận hộ tịch cho ông con, thấy cảnh sát khu vực họ đã lên máy tra cứu dữ liệu công dân quốc gia rồi, tức là đã được nhập lên hệ thống, trong khi Quận này bây giờ mới lóc cóc cấp đến đâu nhập đến đó, lại vớ phải mấy cái anh tay to hơn bàn phím này thì có mà đến Tết Công-gô. Lại vỡ ra là tại sao người ta kể cấp căn cước công dân ở quê còn kinh khủng hơn, đúng là vỡ trận. 

Cặp chân que đẹp trai đang bị hoạnh họe là phải cắt móng tay, để quá dài nên không lăn tay được. Cậu thượng úy hộ khẩu lúng túng với bộ móng tay, cái bịt mặt tụt xuống để lộ khuôn mặt đỏ lựng đầy mụn, công nhận hiền, không nói năng gì, chỉ loay hoay làm thế nào lăn được có kết quả, để cậu giao thông phụ tá mắng cặp chân que xa xả. Lăn tay xong, được chuyển sang chụp ảnh, cặp chân õng ẹo: “Anh bắt em vuốt tóc thế nó xấu lắm!” Cậu hộ khẩu thứ ba chuyên chụp ảnh, gắt lên: “Muốn chụp hay muốn làm đẹp hả?” Cặp chân thôi õng ẹo, ngồi yên. Chụp xong nó xông ngay ra, đòi ngó màn hình: “Cho em xem có xinh không nào?” và cúi xuống, hướng cặp mông gày tong teo về phía cử tọa, hở cả quần chíp. Tất cả đàn ông đang ngồi chờ trong phòng cười ồ lên khoái trá, thậm chí có nhiều phụ nữ cũng cười. Mấy bà lão cỡ ngoài 70 chép miệng chèm chẹp. Chị công an nhan sắc trung bình nghiêm giọng: “Đáng nhẽ ra ngày thường mặc váy ngắn như thế chị không cho làm đâu nhé!” 

Cuối cùng thì tất cả cũng đã xong lúc 0 giờ 35 phút, sau đúng 6 giờ 35 phút thú vị. Đi ra ngoài sân vẫn thấy có đến năm sáu chục bà con ngồi đập muỗi, mệt mỏi. Chưa hết, gần về đến nhà thì bị một tổ 141 túm cổ. “Anh đi đâu về muộn, cho kiểm tra…” “Tôi đi làm căn cước về, cậu muốn gì hả?” “Thôi mời anh đi…” Chưa bao giờ thấy công an run sợ trước công dân như thế. Chỉ có công dân đi làm căn cước về mới đầy sức mạnh như vậy. 

Bài trên Fanpage tại đây 

No comments:

Post a Comment