Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Friday, April 9, 2021

Đôi bờ chiến tuyến (2)


Năm em trai tôi 18 tuổi, mọi chuyện tưởng chừng như đã tuyệt vọng, trước đó vài năm có lúc tưởng cậu ta phải đi trường giáo dưỡng, thậm chí nặng hơn là đi bóc lịch vì vi phạm pháp luật hình sự. Phước còn to bằng cái đình, một ngày nào đó tôi nhận ra mình đã đọc sách Phật được mấy năm, mà vẫn chưa thực sự tu thân, thay đổi chính mình và phát hiện ra một điều: tôi xác định sai vị trí của mình trong câu chuyện nuôi dạy em trai. 

Và tôi thay đổi mình như vậy: không mắng mỏ em nữa (từ trước đó tôi cũng đã không đánh được em như trước vì cậu ta đã to khỏe hơn tôi rồi) và đặt lại mình vào vị trí khác: thực sự nhận ra em có những khó khăn của mình và bây giờ mình và em phải cùng một chiến tuyến, còn đối thủ là những khó khăn em phải đối mặt. Dần dần chính sự thay đổi của tôi, cảm hóa được em và từng bước, từng bước, dù còn rất nhiều trở ngại nhưng cậu ta đã bắt đầu thoát dần khỏi vũng lầy và đi đến chỗ của ngày hôm nay với công ăn việc làm ổn thỏa, còn kiếm được nhiều tiền hơn anh của hắn ta. 

Đó cũng là những điều hiện nay tôi đang gặp ở các bố mẹ đang bị kẹt với con đang tuổi teen, khó khăn có nhà ít, có nhà nhiều: nơi nhẹ thì con buồn chán, không thiết học hành; mà nặng thì phá phách, thậm chí chửi bới bố mẹ… 

Câu “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh” cũng là câu tôi thường nghe từ các bố mẹ, thậm chí đáng ngại hơn từ một số người đang tham gia vào công tác hỗ trợ giáo dục thanh thiếu niên. Đây là một câu đúng, nhưng không được phép lạm dụng, vì nó cần được đặt đúng vị trí. Thực tế khi nghe các câu chuyện đó, tôi nhận thấy họ cũng như hoàn cảnh của tôi ngày xưa, đều có những điểm chung sai về cơ bản: 


Một.
Sai về quy trình áp dụng nguyên tắc giáo dục. Quá trình giáo dục phải là nghiêm khắc từ nhỏ, và càng lớn càng phải giải phóng theo nguyên tắc giải phóng từ từ cho đến 18 tuổi là giải phóng hoàn toàn. Nguyên tắc này được học giả Nguyễn Hiến Lê và cả Sarah Imas khẳng định và tất nhiên, tất cả các nhà nghiên cứu khác cũng khẳng định, coi như một phương châm nhất nhất không được đảo ngược. Chính vì làm ngược quy trình, nên tất cả các nhà đang gặp khó khăn hiện nay bị mắc vào xung đột với tuổi teen, là tuổi muốn được giải phóng một bước khá lớn, muốn tự khẳng định mình, là bước đầu tiên của tiến tới con người tự do, độc lập và tự chủ. Với nhiều vị chưa hẳn là làm ngược, tâm lý chung của các cha mẹ đó trước đó không có nhiều khái niệm về giáo dục và để con phát triển tự nhiên, ít uốn nắn, đặc biệt không rèn được thái độ học tập, khả năng tự gò mình vào kỷ luật “kỷ luật tự giác của bản thân,” khi gặp các cháu vốn dĩ lối sống chưa đủ lành mạnh (không thể thao, thức khuya ngủ dậy muộn, ít động lực xây dựng tương lai) thì đến giai đoạn khó khăn của cuộc đời, ví dụ mốc thi vào lớp 10 thì gặp khó khăn liền: nản chí, mất tinh thần phấn đấu.
 

Hai và Ba. Sai về cách áp dụng phương pháp giải quyết vấn đề hiện tại. Cách của 5 – 6 năm trước chắc chắn không thể áp dụng vào thời điểm hiện tại, ngay cả đứa trẻ của chúng ta nó dừng ở 8 tuổi thì vẫn không thể giữ nguyên nếu thế giới thay đổi, nữa là bây giờ cháu đã 14 – 15 tuổi. Do bị trói vào tư duy đó, bố mẹ vẫn nghĩ là con phải tiếp tục theo ý muốn của mình như mấy năm trước. Xin khẳng định: việc giải phóng con là tất yếu, không thể đảo ngược, không thể cưỡng lại – nghĩa là bây giờ nó muốn được giải phóng thì phải giải phóng cho nó, nếu không thì nó sẽ nổi loạn. Vậy giải pháp cho những cháu hiện nay đang nổi loạn như thế nào? 

Đây, “mỗi cây mỗi hoa” chỗ này đây. Nguyên tắc là bị lạc ở đâu, thì gỡ ra ở đấy; ngã ở đâu, đứng dậy ở đấy; và cha mẹ cùng con, cả hai cùng đang bị lạc, cùng vấp ngã trong câu chuyện giáo dục, chứ không phải mình con bị và mình là người chìa tay ra cho nó. “Mỗi cây mỗi hoa” chỉ đem lại kỹ thuật đứng dậy khác nhau, sa lầy trên đường bùn khác, đường tuyết khác, sụt xuống hố lại khác; chỗ có cái cây để móc tời khác và chỗ thì phải đem gỗ xuống lót bánh xe… Nhà tôi ngày xưa có trở ngại lớn là họ hàng, can thiệp quá nhiều vào quá trình giáo dục, cũng hay có trò làm ảnh hưởng cả đến uy tín của người chịu trách nhiệm chính là tôi, hiệu quả giáo dục giảm thê thảm. Cuối cùng tôi phải điên tiết, quát tất luôn: “Cháu là người chịu trách nhiệm nuôi dạy em, thì để yên cháu làm. Khi nào bác đem nó về nuôi dạy thì hẵng can thiệp!” từ đó mọi chuyện mới yên. Đến bây giờ toàn thể hệ thống họ hàng đều thừa nhận là tôi đã đúng. 

Có rất nhiều cháu tôi gặp bị khó khăn tương tự: lúc còn nhỏ bố mẹ uốn nắn còn bị ông bà mắng: “Nó bé biết cái gì, chiều nó một tí rồi lớn uốn nắn nó sau!” và “cháu hư tại bà” như vậy đấy. “Mỗi nhà mỗi cảnh” chỉ khác nhau tí ti về cái vỏ, còn cái sai về bản chất vẫn nguyên thế. 

Tôi đã “chập” luôn cái “Ba” vào “Hai,” chỉ nói rõ thêm một chút: “Ba” ở đây là phải xác định được vị trí chính xác của mình và con không phải là hai bên bờ chiến tuyến, mà mình và con phải cùng một chiến tuyến để chiến đấu chống lại những điều xấu, những trở ngại, khó khăn và vượt qua chúng. Điều này đương nhiên khó, như tôi nghe một bà mẹ nói: “Đến mức em phải giảm toàn bộ những yêu cầu của mình xuống thấp lè tè như con gián luôn…” – không phải và không đủ, mà phải thủ tiêu toàn bộ các yêu cầu của mình luôn. Bố mẹ chỉ có quyền được đưa yêu cầu khi con còn ở tuổi tiểu học, là tuổi cần được uốn nắn, còn đến khi đã nổi loạn rồi, thì không còn được yêu cầu gì hết, mà yêu cầu phải là của con, cha mẹ cùng con thảo luận xem cái đó có khả thi hay không và cũng xây dựng phương án thực hiện trong thực tế. 

Như tôi với em trai, anh và em cùng khẳng định: em có năng lực đặc biệt trong mỹ thuật và yếu về học chữ nhất là môn toán, lý… em không dốt nhưng không thể nhớ được nhiều kiến thức trong đó, học nhanh quên nhanh… vậy anh cũng không bắt em phải học nữa, học cho biết thôi, được đến đâu hay đến đó và tập trung vào chuẩn bị nghiêm túc cho nghề vẽ. Đồng ý với nhau như vậy, nhưng trong quá trình thực hiện còn quá nhiều trở ngại và thử thách: cứ thỉnh thoảng nhớ nhung, lại đi với lũ bạn vài ngày không về, đặt xe máy ở tiệm cầm đồ, cứu nét thuê nhà nghỉ… Những lúc đó ông anh không nói một câu, lẳng lặng đi chuộc xe về, em về nhà bảo em nghỉ ngơi đi cho lại sức mấy hôm nữa hết nghỉ hè vào trường đại học học tiếp… Khi cậu ta lấy vợ, đến hỏi xin tiền chuẩn bị, anh mới ngồi tính cho em là lần này tốn cho em bao nhiêu, lần kia bao nhiêu… tất cả những cái đó nhẽ ra anh tính cho em là khoản vay nợ, nhưng nay anh cho em làm vốn vào đời. Chính cách cư xử khác hẳn của tôi, trước thì nhẹ chì chiết, nhiếc móc nặng thì đánh đập; nay chỉ bằng hành động, không nói… nhưng cái gốc tôi vẫn yêu thương em vô hạn. Thậm chí bây giờ tôi vẫn phải nhịn em từng câu, vì cái uất hận vì những trận đòn ngày xưa em vẫn chưa quên được hết. 


Cái mà tôi mong muốn ở cha mẹ đang khó khăn hiện nay, là phải trung thực nhìn thẳng vào bản thân mình và hoàn cảnh hiện tại của gia đình, của quan hệ mình với con, và thực sự thay đổi bản thân. Ngày xưa bố mẹ không can thiệp được vào đường đời của mình như thế nào, thì bây giờ mình cũng sẽ không can thiệp được như thế, chỉ làm sao cố gắng đưa con ra con đường sáng, rồi từ đó con chọn các ngã rẽ khác nhau nhưng đều sáng như nhau, chứ không phải ở mãi chỗ vũng lầy rồi chìm hẳn.
 

Đêm qua gia đình phải nghe câu chuyện thằng cháu 16 tuổi ở quê, cũng được giáo dục ngược quy trình và 3 – 4 năm nay đã không nói được. Cuối năm ngoái cậu bị đuổi học vì bán thuốc lá điện tử trong trường, và hiện tại thì bố mẹ lại càng không gò được vào việc gì theo ý mình, như các cụ nói “cả vin thì gãy cành,” cái cành đã quá cứng thì không thể uốn nắn theo kiểu lúc nó còn non được nữa. Rất nhiều cháu rồi sẽ thoát được khó khăn bằng cách này hay cách khác, nhưng sẽ mất vài năm, thậm chí chục năm. Nhưng cũng có rất nhiều cháu sa ngã hẳn vào tệ nạn: nghiện ngập, đi vào con đường phạm pháp. Anh họ của cháu này đã từng có một cháu khác, nếu năm nay còn sống thì đã ngoài 30 tuổi – cháu cũng sa ngã y như thế và cuối cùng giết người để có tiền mua thuốc. 

Hỡi cha mẹ, hãy nghe tôi mà tỉnh lại! 

Bài trên Fanpage tại đây

No comments:

Post a Comment