Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, September 7, 2021

“Những sứ giả từ vũ trụ” – sự thật hay huyền thoại? của Andzrej Dominirski

Tôi đọc cuốn sách nhỏ này từ cuối thập niên1980, và ngay lập tức say mê với những giả thuyết được tác giả tập hợp theo một mạch rất logic và có lẽ, cực kỳ thú vị và lôi cuốn. Giữ cuốn sách trong suốt mấy chục năm, vì giấy của nó quá đen (được xuất bản trong giai đoạn đất nước hết sức khó khăn, việc các đơn vị xuất bản “kiếm” được giấy để in sách, không phải chuyện dễ) nên tôi cũng không có ý định đọc lại, tuy luôn có ý tưởng là sẽ số hóa bằng cách gõ lại nó, sau đó in ra trên giấy trắng cho dễ đọc hơn. Đồng thời với sự phát triển của các thiết bị cầm tay dẫn đến nhu cầu sách điện tử ngày càng lớn, việc số hóa cuốn sách trở nên một nhu cầu thiết thực.

Bây giờ đọc lại cuốn sách này, tôi nhận thấy tất cả những giả thuyết được tác giả đặt ra, đều có thể tìm thấy ở trên mạng, thậm chí thông tin còn đầy đủ hơn nhiều. Tuy nhiên như đã viết trên đây, trình bày của tác giả vào một cuốn sách theo một mạch logic và lý luận nhất định, sẽ giúp người đọc hình dung ra một hệ thống thông tin cơ bản dù sơ lược. Đây cũng là cách tiếp cận ban đầu rất tốt cho thế hệ trẻ lứa học cấp trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông, những người đặt những bước chân đầu tiên trên con đường tìm hiểu khoa học.

Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy tiếc vì các môn như Thiên văn học, vật lý thiên văn… ở Việt Nam còn ở mức độ phát triển khá khiêm tốn. Cuộc sống của các nhà khoa học thuộc các môn khoa học cơ bản nói chung cũng còn rất chật vật, do đó ngày càng ít thu hút được thanh niên đi vào như một nghề nghiệp lâu dài. Đây là một điều hết sức đáng tiếc cho khoa học nước nhà, và chúng ta nói một phần lớn là lỗi ở các bậc làm cha mẹ khi trang bị cho mình những nhãn quan hết sức thực dụng. Thực tế thì hiện nay dần dần cuộc sống đã cho trở lại chúng ta câu trả lời: đội ngũ các sinh viên ra trường thất nghiệp đông đảo, phần lớn là lao vào các ngành nghề “hot” như tài chính, kinh tế, quản trị kinh doanh… và cả luật, nghề của tôi. Trong khi đó, hiện lại đang có những câu chuyện như các ngành địa chất, khí tượng thủy văn… đã ít sinh viên vào học thì chớ, cơ hội đi du học bằng học bổng cả của nhà nước Việt Nam lẫn các tổ chức giáo dục nước ngoài, đều rất nhiều thì không có sinh viên đáp ứng được điều kiện ngoại ngữ để đi học.

Tác giả cuốn sách
Andzrej Dominirski 
Chính vì vậy mong ước của tôi là cuốn sách “thô sơ” này được số hóa đến với các bạn trẻ, sẽ gieo vào trong các bạn những ham thích với các môn khoa học như khảo cổ, địa chất, vật lý thiên văn, thiên văn, sử học, ngôn ngữ học lịch sử… Có một điểm hết sức thú vị là cuốn sách được viết bằng tiếng Ba Lan, các tên riêng được một lần phiên âm và được dịch giả dịch ra tiếng Việt, lại một lần phiên âm nữa… Điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ cho người đọc muốn tra cứu và chắc chắn sẽ làm nản lòng các bạn thanh niên nếu như chịu cách giáo dục phổ biến của Việt Nam là hời hợt, không muốn đi tận cùng của nghiên cứu. Do vậy, tôi cố gắng làm một bước đầu rất sơ lược là tra cứu gốc của các danh từ riêng đó, với đôi dòng chú thích lấy trên mạng. Từ cái gốc đó, tôi hi vọng các bạn trẻ sẽ không bị ngại khi tiếp tục tra cứu trên cái biển thông tin vô bờ của internet ngày này.

Vào thời điểm năm 2021 đọc lại cuốn sách, tức là khoảng hơn 45 năm từ lúc nó được xuất bản lần đầu ở Ba Lan, hầu hết những giả thuyết trong đó vẫn chưa được khẳng định là đúng hay sai. Rất nhiều kiến thức mà hiện nay một học sinh phổ thông có thể nắm được, thì thời đó còn chưa biết, ví dụ như tác giả không hề đề cập đến “hố đen…” hay chẳng đả động gì đến việc vũ trụ của chúng ta đang giãn nở cả. Thậm chí những giả thuyết cho rằng không – thời gian có thể bị cong, chập lại ở một chỗ nào đó và người ta có thể tìm ra con đường ngắn nhất để đi đến điểm bên kia của Thiên hà, thậm chí bên kia vũ trụ mà chỉ cần thở khẽ một cái, tác giả hẳn còn cảm thấy khó hình dung.

Ở một chương nào đó, tác giả có kể về một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng mà nhân vật chính lạc sang một hành tinh khác, và gặp một người allien, người này kể cho anh ta nghe về việc “Trên mũi kim có thể có bao nhiêu điểm thì cũng có thể tồn tại bấy nhiêu Vũ Trụ” hay “Có thể tồn tại – nói ví dụ – nhiều Vũ Trụ, trong đó các loài hoa là dạng sự sống chủ yếu, hoặc trong đó không có một dạng sự sống nào có thể phát triển. Trong Hằng hà sa số Vũ Trụ có thể tồn tại những dạng thức mà chúng ta không thể miêu tả cũng như trình bày, bởi thiếu lời, thiếu khái niệm...”

Khoa học hiện đại ngày càng tiến những bước dài vào tầm vóc vũ trụ, cũng như những kích thước tế vi của “tiểu vũ trụ” và ngày càng chứng minh được tính đồng nhất giữa vĩ đại và… bé tí. Tác giả có thể thấy những câu chuyện viễn tưởng là “hoàn toàn phi lý” nhưng nếu bây giờ tác giả tiếp xúc với lý thuyết về hố đen, khi tất cả những vật chất của nhiều hành tinh bị dồn dần vào một điểm, bé dần đến không thể tưởng tượng nổi, thành một điểm kỳ dị hay siêu kỳ dị (không hiểu nổi) thì đúng là “thiếu lời, thiếu khái niệm” thật. Điều này vào khoảng năm 2600 năm có một Người đã nói với đệ tử của Ngài, rằng có rất nhiều (thật ra là tuyệt đại đa số) các sự vật hiện tượng trong vũ trụ, ngôn ngữ của con người không thể mô tả nổi, nên nếu có nói thì con người cũng không hiểu nổi (“bất khả tư nghị.”)

Đến đây chắc hẳn mọi người sẽ băn khoăn, vậy đọc cuốn sách này làm gì? Liệu có các “sứ giả từ vũ trụ” thật hay không? Nếu như bạn hỏi tôi, là nhìn nhận của cá nhân tôi về vấn đề này ra sao, thì tôi sẽ trả lời thật là thế này:

Tác giả Andzrej Dominirski viết cuốn sách trên cơ sở tập hợp các giả thuyết, và thực tế thì tất cả các giả thuyết này đều dựa trên các nghiên cứu khảo cổ, các truyền thuyết lịch sử, tôn giáo… và cuối cùng thì tác giả xem xét, soi chiếu chúng trên nhãn quan của nhà duy vật biện chứng. Chính từ nhãn quan này, việc đi tìm các sứ giả từ vũ trụ bị lạc sang hướng đi tìm sự tồn tại của những sứ giả vũ trụ tồn tại dưới dạng vật chất (là dạng mà giác quan của con người có thể tiếp cận, nhận thức được.) Cũng chính trong cuốn sách này, tác giả dẫn ra một lý thuyết về nhiều “bậc” trong đó nhận thức của con người là một bậc, đâu như bậc thứ ba thì phải, và ở bậc dưới không thể nhận thức được bậc trên, như con bò không thể nhận thức được tư duy của con người. Lý thuyết này sẽ cực kỳ khoa học và hợp lý nếu nhìn nhận nó dưới góc độ… triết học tâm linh – nghĩa là nhận thức, tư duy của con người hiện nay chỉ ở mức khá thấp so với các “bậc” phát triển khác.

Chúng ta nên đặt câu hỏi: vậy tại sao cứ nhất thiết những “sứ giả từ vũ trụ” phải là những người ở đâu đó, chẳng liên quan gì đến chúng ta? Tại sao họ không phải là chính chúng ta, nhưng ở một bậc phát triển khác, nói thẳng thắn ra là cao hơn nhiều?

Sau Andrzej Dominiski khoảng 20 năm, nhà khoa học nhãn khoa, bác sĩ phẫu thuật người Nga là Ernst Mundasev [1] (ảnh bên) đã làm những cuộc du khảo đến Ấn Độ, Nê-pan và Tây Tạng và ông, xuất phát điểm là đi tìm bí ẩn của cặp mắt trên tường các tu viện Tây Tạng mà ông cho là của người Atlantis, đã tìm ra rất nhiều bí mật: bí mật của con mắt thứ ba, của trạng thái Xô-ma-chi, thậm chí những phát hiện động trời hơn nữa: chúng ta vốn là thế hệ thứ tư của loài người nói chung, một thế hệ đã bị thoái hóa… mà những thế hệ trước đó càng về trước, càng không có hình tướng đến mức trong suốt (thế hệ thứ ba trước chúng ta là người Lemuria-Atlan, trước đó là người Lemuri, còn người Atlan thì là sát chúng ta, người Atlantis là trung gian giữa chúng ta là Lemuria-Atlan – Đọc “Chúng ta thoát thai từ đâu”)

Cùng với sự thoái hóa qua các “thế hệ,” con người bị mất đi những khả năng của mình, như khả năng trao đổi phi ngôn ngữ, khả năng đi lại qua các điểm cực xa trong không gian đến mức “phi không gian” và thậm chí xa hơn nữa, khả năng ngao du qua không – thời gian… Nếu đi theo hướng này, chúng ta sẽ chợt nhận ra, hoàn toàn không cần phải có những người thày bằng xương bằng thịt từ vũ trụ, mà những công trình bằng đá ở Stonehenge chỉ là chỗ chơi ngoài trời của một lớp mẫu giáo của người Lemuri hay người Lemuria-Atlan thế hệ sau đó, mà bài tập của cô giáo giao cho các bé là xếp những viên đá theo hướng các thiên thể đã định sẵn, điều mà với những “người lớn” của thế hệ đó việc xác định chúng như đo thử cái cửa ra vào của phòng ngủ rộng bao nhiêu xăngtimét. Điều đó cũng có nghĩa là Kim tự tháp Cheops cũng là một trò chơi trẻ con nốt… Vì người thời đó, nhất là thế hệ đầu tiên, vô hình, vô tướng “không da thịt xương cốt” thì cần gì đến nhà cửa. (Đoạn này là đùa, vì trong cuốn sách của mình, cụ Mundasev cùng Lạt Ma Bongô đã đi đến nhận định là Kim Tự Tháp được xây dựng rất lâu trước Ai Cập Cổ đại và có thể dùng để chứa Quỹ gien nhân loại.)

Để thừa nhận tất cả những điều này, chúng ta cũng sẽ phải thừa nhận rất nhiều những lý thuyết khác mà người theo chủ nghĩa duy vật không thể hiểu nổi, nhưng thật ra là chúng có lý, đặc biệt tỏ ra có lý trong thời nay, khi những kết quả nghiên cứu của vật lý nguyên tử và vũ trụ ngày càng đạt được những thành tựu to lớn. Cái mà tác giả thấy phi lý, như việc dồn biết bao vũ trụ lên một đầu kim, việc di chuyển từ Thiên hà Andromede đến Trái đất chỉ trong cùng một khoảnh khắc… hoàn toàn không khó hiểu nếu thừa nhận có những chiều không gian khác…

Ở chỗ nào đó trong cuốn sách, tác giả chỉ trích dẫn mà không bình luận, về một giả thuyết rằng việc tiến bộ đột biến của văn minh nhân loại có chu kỳ, ví dụ năm nào đó thì Abraham ra đời, năm nào thì Đức Phật Gotama, còn năm nào thì là Chúa Kitô Chris… Thực chất, điều này Đức Phật đã giải quyết xong từ lâu cho chúng ta rồi: đó là những giai đoạn có một chúng sinh siêu việt (thuộc một thế hệ trước) thị hiện bằng xương bằng thịt (như chúng ta gọi là “giáng thế”) để thực hiện một sứ mạng nào đó. Theo quan điểm của Đạo Phật, những người như Đức Kitô Chris được coi là bậc Bồ Tát. Trong cuốn sách.

Vậy liệu có tồn tại một thứ gọi là ”cỗ máy thời gian” hay không? Theo tôi thì không cần thiết, nếu có những trại thái tồn tại khác của chúng sinh. Nếu như vậy, thì chúng ta liệu có thể quay về được quá khứ, đi vào được tương lai, có thể xẩy ra “nghịch lý ông nội” trong thực tế không? Khi chúng ta đã thừa nhận sự hợp lý của khái niệm siêu không – thời gian, thậm chí có thể hiểu là đến một trạng thái nào đó thì chúng ta sẽ tiếp cận khái niệm “phi không – thời gian” thì không còn khái niệm thời gian nữa: chúng ta (ở trạng thái đặc biệt đó) ngoài việc du hành trong không gian (như xô-ma-chi hay “thiền định mức sâu” con người bỏ lại thân xác và đưa hồn, hay thần thức vào một chiều không gian đặc biệt nào đó trong hàng triệu năm trái đất, mà vẫn chỉ có thể là vài ngày, vài tháng vũ trụ mà thôi) thì việc “ngó lại” một giai đoạn nào đó trong lịch sử của nhân loại ở bất cứ điểm không gian nào trên bề mặt trái đất, là điều hoàn toàn bình thường. Dòng sự kiện diễn ra trong lịch sử của thời gian, sẽ như một cuốn phim vô tận vô thủy vô chung, mà những “khán giả đặc biệt” có thể xem lại bất cứ đoạn nào trong bộ phim bất tận đó chỉ bằng một cú bấm trên cái “remote controller” vũ trụ. Tất nhiên, người khán giả đó không thể tác động gì được đến tiến trình đã diễn ra, cũng như những gì sẽ diễn ra trong tương lai, mà tương lai phụ thuộc và chính các diễn viên ở thời điểm hiện tại được xem – điều đó đồng nghĩa với việc không thể có “nghịch lý ông nội,” bạn không thể lượn về thời điểm cách đây một thế kỷ, bắn cho ông nội của bạn một viên đạn súng lục và đặt dấu chấm hết của sự ra đời của cả cha bạn lẫn bạn trong tương lai. Còn làm thế nào để chúng ta tham gia được vào cuốn phim ở một thời điểm xác định trong quá khứ, chỉ có một cách duy nhất, chúng ta là một chúng sinh có khả năng nhất định để chủ động làm điều đó. Ví dụ, cụ Nguyễn Đức Cần là người rất được biết đến về khả năng chữa bệnh cứu người hồi đầu thế kỷ XX, được coi là một vị Bồ Tát thị hiện – nghĩa là đó là một vị chúng sinh có năng lực đặc biệt và đến cõi sống của chúng ta để thực hiện những sứ mệnh cao cả và đẹp đẽ. Chúng ta hãy hình dung nếu chính chúng ta được tham gia vào cuốn phim, thì chúng ta phải “thị hiện” dưới dạng một thân xác bằng xương bằng thịt, muốn gặp được “ông nội” thì phải có “duyên” và nếu như nghiệp quả đã định là lúc này Phúc Lai ở tháng Chín năm 2021 đang ngồi chém gió, chắc chắn tôi sẽ không thể đầu thai thành một tên hung thủ sẽ tiễn ông nội của tôi về quê ngủ với giun trước khi bố tôi ra đời được, nói nhanh cho nó vuông. Không cẩn thận do duyên nợ thế nào mà lại đầu thai thành con chó con mèo trong nhà ông nội thì vừa!

Nôm na là, không thể có máy thời gian để khênh cả thân xác nguyên mặt mũi có cái nốt ruồi trên mũi hay mái đầu bạc hiên ngang này về quá khứ hay vào tương lai – cứ tồn tại dạng vật chất “có hình tướng” thì thuyết tương đối của Einstein lại xuất hiện và tham gia vào câu chuyện. Chúng ta không thể vác cái xác phàm này đi xuyên không – thời gian được.

Nói đi thì cũng phải nói lại, có Phật và Chúa thị hiện, là đại diện của những tập hợp năng lượng tốt, thì cũng phải có tập hợp của những năng lượng xấu – hay sự thị hiện của ma quỷ (thời Đức Phật gọi là Ma Vương, ở đâu đó gọi là Satan…) và nhiều khi hắn cũng thị hiện ra dưới thân xác con người. Đầu thế kỷ XX, có một con quỷ đã biến một học thuyết không tưởng thành một lý thuyết ma quỷ: đề nghị đấu tranh giai cấp mà không cần qua xét xử bằng cái gọi là chuyên chính. Từ đó nhân loại còn chứng kiến nhiều con quỷ tương tự: con quỷ đẩy người Do Thái vào lò thiêu, con quỷ bắn rất nhiều người Nga, Ucraina, Ba Lan chôn khắp đất nước Liên Xô, con quỷ tiến hành Cách mạng văn hóa, con quỷ đập đầu người bằng cuốc…

Con người – như người Atlantis dù với một trình độ văn minh khác, nhưng do tham lam và ngạo mạn bị thoái hóa – như ngày nay chúng ta hay nói do “tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến…” Con người hiện đại ở thế kỷ XXI không những không tránh được những vết xe đổ đó, mà còn làm cho tình hình tệ hơn bao giờ hết. Ma Vương bây giờ không nhất thiết phải thị hiện dưới hình thức có hình tướng, mà có thể không hình tướng… Đó là những con virus Covid-19 đang hoành hành tiễn hàng triệu người trên toàn thế giới về… thế giới bên kia.

Ma Vương xuất hiện, chính là do tập hợp của rất nhiều tham, sân, si, kiêu mạn của tập đoàn người u mê ngày càng đông, vậy thôi. Tiếc là con người không biết bao giờ thì anh ta nhận ra điều đó.


Thôi, bây giờ thì mời bạn đọc tải sách về đọc tại đây:

Bản PDF

Bản EPUB

Bản Mobi

Bài post trên Fanpage tại đây

Bài post trên Facebook tại đây



[1] Ernst Rifgatovich Muldashev (Эрнст Мулдашев sinh năm 1948 tại Verkhne-Sermenevo, Quận Beloretsky, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết tự trị Bashkir, Liên Xô) – Bác sĩ nhãn khoa Liên Xô và Nga, bác sĩ phẫu thuật có bằng cấp cao nhất, nhà phát minh, Tổng Giám đốc của Viện Ngân sách Nhà nước Liên bang "Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình và Nhãn khoa toàn Nga" Bộ Y tế Liên bang Nga tại thành phố Ufa. Ngoài ra, ông còn trở nên nổi tiếng vì là tác giả của một số cuốn sách bí truyền, ấn phẩm báo chí và phim về chủ đề thần bí liên quan đến các cuộc thám hiểm đến đảo Crete, Ai Cập và Tây Tạng nghiên cứu các nền văn minh cổ đại.


No comments:

Post a Comment