Còn hơn 3 tuần nữa, sẽ là cái ngày mà 8 năm trước, có một vài phút giây nào đó tôi đã chết ngoẻo. Chuyện này, tí nữa tôi sẽ kể sau.
Bây giờ là chuyện dông dài sẽ là thử thách cho bác nào còn dị ứng với Đạo Phật. Khoảng 13,772 tỷ năm trước đây, có một thực thể ra đời từ một trạng thái không thể hiểu nổi, siêu kỳ dị. Sau đó là thời gian hỗn mang, mà cái quả đất của chúng ta còn chưa hình thành cùng rất nhiều hành tinh, thậm chí thiên hà khác. Rất nhiều thứ, còn ở trong thể sóng-hạt, trong đó có cả chúng ta, tồn tại dưới dạng các linh hồn, ta tạm gọi là “chúng sinh.” Như vậy việc ra đời của các thể vật chất vô tri và các “chúng sinh” có tri giác, không phân biệt cái gì có trước, cái gì có sau.
Trải qua hàng bao nhiêu năm dài dằng dặc, các “chúng sinh” ban đầu vốn đẹp đẽ như nhau, với những năng lực siêu hình, siêu không-thời gian, đều là các bậc “giác ngộ tuyệt đối,” mà về sau rất nhiều nhóm dân chúng trên trái đất của chúng ta hiện nay, gọi họ là “Phật.” Phật có trước cả Đạo Phật, vốn là một hệ thống tư tưởng do Thái Tử Tất-đạt-đa đắc đạo mà ngộ và truyền dạy cho các đệ tử của mình, mà dần dần nó được coi là Đạo, và sau này còn gọi là Tôn giáo. Ngay bây giờ vẫn còn có những dòng Đạo Phật “dường như” không liên quan nhiều đến Đạo Phật từ Đức Thích Ca Mầu Ni như dòng của Đức Phật Bôn-gô ở Tây Tạng chẳng hạn… Tất cả những vị Phật đó đều là những bậc “giác ngộ tuyệt đối” mà thị hiện dưới thân người ở trên bề mặt của trái đất để đem đến cho con người những tư tưởng của mình. Theo những tín đồ Đạo Phật dòng Đức Phật Bôn-gô, thì các vị như Abraham, Môi-xe, Thích Ca Mâu Ni, Jesus Chris đều là những vị Phật, Bồ Tát tu học ở Himalaya trong nhiều kiếp trước cách đây hàng triệu năm (Đệ tử của Đấng tối cao) rồi tùy lúc tùy hoàn cảnh, thác sanh dưới thân người xác thịt đến với nhân loại.
Quay lại với nhân loại, hay con người, chúng sinh hoàn hảo ban đầu du hành qua các cõi khác nhau, thấy các hành tinh ở cõi này cõi khác biến đổi tươi đẽ, phát sinh thèm muốn được “hòa nhập” rồi dần dần muốn sở hữu, rồi có yêu đương, có tham lam… Linh hồn từ vô hình vô tướng bị cô đặc dần và dần dần có thân xác như hôm nay, và anh ta nhào lộn trong “cõi luân hồi,” mỗi vòng đời lại quên một lần những gì mình đã trải qua trong kiếp trước…
Các vị Phật dù ở bất cứ Tôn Giáo, Đạo nào đều cố gắng dạy cho con người cách để rèn luyện “thể tâm” hay linh hồn của mình trở nên đẹp đẽ hơn mà dần quay về với trạng thái ban đầu nguyên thủy, là trạng thái “hoàn hảo,” chủ yếu là cách cầu nguyện, tức là dùng não điều khiển hệ thống a-lô, à phát thanh để tạo sóng âm, thậm chí niệm thầm trong đầu (sóng não) để “sửa” cho “thể tâm” hay linh hồn mình dần dần bớt xấu, thêm đẹp. Với hầu hết chúng ta, trong đó có tôi, tâm hồn ô nhiễm nhiều, còn nhiều tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến… nên hiệu lực cầu nguyện gần như không đáng kể; nhưng với những bậc chân tu có công phu mạnh mẽ, công lực sẽ khác hẳn. Tuy nhiên cũng không vì “tài hèn sức mọn” mà chúng ta từ chối việc cầu nguyện, đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo, nếu ai cũng xây dựng một tâm thành thực sự muốn hướng tới đối tượng mình mong muốn mà cầu nguyện, lại có một sự đồng tâm hợp lực của nhiều người, sức cộng hưởng của các sóng đem lại một nguồn năng lượng to lớn.
Từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19, ngoài các Đạo Hữu theo học Phật, tôi còn được kết bạn với nhiều bạn Facebook là tín đồ Công giáo, thậm chí nhiều vị Linh Mục. Được chứng kiến nhiều việc tổ chức các hoạt động cầu nguyện để mong chóng đẩy lùi đại dịch, thật là hoan hỉ. Cơ sở của nó là dùng hiệu lực cầu nguyện của một số đông người tạo ra sóng năng lượng mạnh mẽ, tích cực hướng tới: các thể tâm của những người đang làm nhiệm vụ chống dịch bệnh, có thêm sức mạnh tinh thần; thể tâm của những người bệnh, người chưa đến lịch trả quả thì chóng khỏi, người đến lịch thì ra đi an lành; cuối cùng là cho tất cả những người khác của cộng đồng, trong đó có từng người chúng ta: có sức khỏe để cầm cự qua mùa dịch, đặc biệt là sức khỏe tinh thần để không lơi lỏng một phút giây, vì virus lây nhiễm qua những lúc sơ hở nhất, “một giây ngoáy mũi.”
Vì thế khi thấy một vài bác đem lên mạng xã hội chế giễu các hoạt động cầu nguyện như thế này, tôi thấy trong mình có một niềm thương cảm, vì sự chưa hiểu biết đó, vô tình hay cố ý đây – tạo khẩu nghiệp. Nếu hơi thân thân, thường tôi nhắc: thôi không hiểu thì cũng không nên chế giễu.
Quay lại thời điểm cách đây 8 năm, tôi bị một tai nạn – đột ngột thấy mình không thở được nữa, rồi chỉ một khoảnh khắc rất ngắn sau, tôi thấy từ trên cao một số mét có thằng nào giống như mình thì phải, nằm trên mặt đất, xung quanh có mấy người cộng sự đang rối rít làm gì đó… Cái trạng thái này cũng chỉ trải qua trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bao lâu thì tôi không biết, chỉ sau này người khác nói tôi mới biết vào cỡ 2 – 3 phút, tôi thấy mình đau kinh khủng, và dần dần thở lại được. Cái lúc “đi ra ngoài” đó tôi chỉ có cảm giác mơ hồ là cái thằng trên mặt đất kia bị lay gọi, chắc phải khó chịu kinh khủng và không muốn bị như thế.
Chỉ sau này đọc nhiều về giai đoạn “cận tử nghiệp,” tôi biết nếu trạng thái lơ lửng đó kéo dài lâu hơn nữa, tôi có thể lang thang đi luôn mà không về nữa, nhưng chắc chắn tôi sẽ cực kỳ cơ nhỡ, và bất lực. Sự ra đi như thế là đột ngột và không được chuẩn bị trước, như nhiều người gọi là “bất đắc kỳ tử,” tôi sẽ không tin được mình đã chết và lêu hêu đi tìm lại cuộc sống trước của mình. Tôi sẽ cố tìm người thân, cố nói chuyện với họ và dần dần, thấy bất lực, vì họ đi xuyên qua tôi, những gì tôi nói, họ không nghe thấy, và hàng ngày thì họ thắp hương cho tôi trên bàn thờ. Dần dần thì cả những chuyện đó cũng thưa đi, và may thì một tháng hai lần người nhà thắp chung cho tất cả mấy vị một nén hương. Và một năm thì được tổ chức đám giỗ một lần. Vì không tin là mình đã chết, tôi sẽ rất đau khổ, đi lang thang vô định, biến thành một dạng chúng sinh mà người ta gọi là “vong.” Tôi sẽ không thể đến được những chiều không gian (cõi) cho các thể tâm nghỉ ngơi an lành, như người ta gọi là “siêu thoát.”
Khi trở lại với cuộc sống, tôi hiểu giây phút ra đi, bước sang bên kia “ranh giới”, được chuẩn bị đàng hoàng, rồi ra đi an lành, quan trọng đến như thế nào. Nó đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị từ bây giờ: mỗi giây phút còn được hít thở không khí, đều phải xây dựng bồi bổ “thể tâm” của mình đẹp hơn một chút, để sẵn sàng cho những giây phút tiếp theo mà không ai biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Lúc vừa bước sang bên kia “ranh giới,” cũng hết sức quan trọng. Thực sự nếu mình đã giải quyết xong mọi điều nợ vay ở kiếp sống này, sự ra đi đó nên được an lành, mọi “lay, gọi, khóc lóc” chỉ đem lại cái quyến luyến, không yên tâm, thậm chí khởi thèm muốn muốn ở lại, và rơi vào đau khổ sau đó. Nếu sự khóc lóc đó mang một tầm vóc đông đảo cỡ toàn xã hội, thì sóng năng lượng tạo ra níu giữ thể tâm của người ra đi thực sự là mạnh mẽ. Vì thế nên những bậc vĩ nhân ra đi để lại khóc thương cỡ “đời tuôn nước mắt,” thực sự chỉ tuyệt vời với tiêu chuẩn cuộc sống bình thường (“thế tục”) chứ không tốt từ khía cạnh Đạo.
Nếu tôi là bệnh nhân Covid-19 nằm trên giường, hầu hết thời gian là “mê” và ít thời gian tỉnh, như những bệnh nhân khác. Khi mê, thể tâm của tôi cũng bất lực như khi đã rời bỏ thân xác và chỗ bấu víu duy nhất là những người đang chăm sóc mình – những nhân viên y tế; thậm chí cả những phóng viên đang làm phóng sự về chống dịch kia, nếu anh ấy mà biết về Đạo, Đạo nào cũng được, cầu nguyện một hai câu cho mình, thì chẳng khác gì ân nhân. Họ đang chiến đấu để giữ mình lại với cuộc sống, thật tuyệt vời, công đức không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng nếu thực sự mình phải ra đi, thì mình cũng rất muốn được ra đi an lành, và có người dẫn dắt nữa thì quá tuyệt. Nhưng nếu đến lúc đó mà lại được kéo theo cả một sự khóc lóc đông đảo, lại khó cho tôi rồi!
Vậy nên, mọi việc đều có hai mặt của nó. Sự chia sẻ dù là nỗi đau tận cùng, giúp những người đang sống thêm tỉnh táo và sức mạnh; và tình yêu thương dành cho những người xấu số không cứu được, đó là mầm mống của tâm từ bi. Nhưng từ bi, cũng phải có trí tuệ, không có trí tuệ từ bi sẽ thành bi lụy và chẳng giúp ích gì cho những người ra đi cả…
Bài trên Fanpage tại đây
Bài trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment