“Tò te tí…” “Tò te tí…” từ phòng bệnh đằng xa có cái máy monitor nào đó cứ kêu đều đều cỡ hai ba phút một lần… văng vẳng… Nó theo dõi tình hình của một bác nguy kịch còn cái thằng tôi, thì có hẳn một cái khác kêu rõ to theo một “giai điệu” khác: “te te tò…” “te te tò…” Cố ngước mắt ngửa cổ đọc xem các chỉ số của mình ra sao, mà không làm được. Đọc đi đọc lại hai tấm bảng ở đầu hai giường đối diện: “Nguyễn Văn M, 65 tuổi, K gan…” “Lê Văn H. 45 tuổi, Viêm tụy cấp… Chẩn đoán: K, liên hệ chuyển viện…”
Những chiếc máy vẫn đều đều chạy, những con số khó hiểu vẫn thể hiện rất lạnh lùng tình trạng tạm thời của người bệnh. Trong bốn người nằm đây, chỉ có tôi là mắc thứ bệnh chỉ đau đớn cùng cực chứ không thể chết, còn những người nằm kia… nhìn ánh mắt của họ thật đau khổ: lúc hi vọng, lúc tuyệt vọng, nhưng thường trực là sự sợ hãi trước con đường phía trước. Cả tôi lẫn họ, cứ định kỳ bị lôi đi làm thủ thuật gì đó, giống nhưng lại rất khác. Cả tôi với họ, đều phải đi qua những cây cầu sinh tử, vì thế với tôi, cây cầu đó có thể dẫn tới cái chết; còn với họ, là kéo dài sự sống. Với tôi, nếu không ngã khỏi cầu, là một lần chắc chắn sẽ sống tiếp. Nhưng với họ, chỉ là thêm một lần hi vọng.
Nằm thẳng cẳng không cựa quậy trên giường, việc mà tôi làm được là quay đầu từ bên này sang bên kia, nhìn tất cả những thứ có thể nhìn được, nói luyên thuyên khi có bất cứ ai vào phòng và nghĩ ngợi. Hàng cây xanh mướt ngoài kia cứ ánh lên trong nắng thu, cái nắng khô khốc xuyên qua cửa kính làm cái đầu của tôi nó ướt đẫm mồ hôi, nhưng không vì thế mà mùa thu mất đi vẻ quyến rũ của nó.
“Đêm qua chị ngủ ở đâu?” thấy chồng một bệnh nhân nữ nằm cạnh, hỏi vợ bệnh nhân nằm ở dẫy đối diện. “Chị ngủ ở gốc cây. Đêm qua có người ngủ trên hành lang bị mất điện thoại iPhone.” “Đúng rồi, trên đó kín quá dễ bị mất cắp lắm ạ.” Bây giờ mới để ý - ừ trời đẹp thế ngủ bên ngoài còn đỡ. Vừa nghĩ vậy xong, thì trời chuyển gió, mưa tầm tã suốt mấy ngày. Bà con tận đẩu tận đâu về chăm người nhà, sinh hoạt vất vả vô cùng.
Những ngày ICU, tôi được hưởng một niềm vui bất tận là suốt ngày nằm những bàn tay trắng muốt, thon thả và mềm mại của các cô điều dưỡng, thoăn thoắt chăm sóc hết người này đến người khác, cả tôi nữa. Chẳng biết mặt ai, chỉ quen vầng trán, rất nhiều cặp mắt có thể nói là diễm lệ dưới đôi lông mày thanh tú. Hầu hết là các cô gái trẻ và tôi biết đa số họ “vừa đi Sài Gòn ra.” Chắc chắn họ đã chịu tác động nào đó về tâm lý và có thể thay đổi, nhưng hình như tôi chỉ nhận thấy có lần có cô hơi lạnh lùng vô cảm, còn tất cả đều vui tươi và hạnh phúc được quay lại với cuộc sống bình thường.
Lại nhận ra, nếu chúng ta gạt đi những lời hoa mỹ ca ngợi các anh hùng áo trắng trong chống dịch mà quan sát họ làm việc, ta có thể thấy cảm phục họ từ góc độ khác. Chắc chắn họ chứng kiến không ít sự ra đi, nhưng công việc họ làm vẫn lặng lẽ, chính xác; và có lẽ, ai phải đi thì phải đi, vẫn còn những sinh mạng khác còn đang chờ để được giữ lại.
Những ngày ICU, hàng ngày nhìn sự nguy kịch và có thể chính mình cũng trải qua nguy kịch; sự đau đớn tột độ như một kỳ thi dài vô tận chỉ giảm đi sau mỗi trận thủ thuật… Tôi chợt thấy mình hạnh phúc, và những ngày này là những ngày ý nghĩa nhất của cuộc đời mình. Mấy ai có được cơ hội thử thách qua sự đau đớn cỡ đó, để biết rằng trong tương lai khi đến lúc quyết định, chắc chắn mình sẽ không gục ngã? Những ngày này làm cho tôi thấu hiểu, tất cả chúng ta cần sự yêu thương, cần lòng từ bi… Những người đang ngủ ngoài trời hàng đêm kia, mà mỗi lần bị gọi lại tất tả chạy lên phòng bệnh nghe bác sĩ giải thích, ký cọt và hi vọng có một kết quả tốt hơn; họ biết tất cả những nhiễu nhương của xã hội. Họ không cần chúng ta hàng ngày lên Facebook chửi đổng hết quan tham nọ thể chế kia.
Cái mà chúng ta cần nhiều khi chỉ là một ánh mắt ấm áp của người điều dưỡng. Ra Viện, tôi mang theo câu nói cảm động của cậu bác sĩ trẻ: “Mọi người khỏi ra viện là chúng em vui lắm…”
Tưởng chỉ xa cõi mạng không lâu mà lâu không tưởng.
Bài trên Facebook tại đây
Bài trên Fanpage tại đây
No comments:
Post a Comment