Hôm qua tôi có viết một câu status ngắn về cái cảm giác hình như mọi người đang có nhận thức sai lầm về chủ trương “bình thường mới” để tái mở cửa cho nền kinh tế phục hồi. “Bình thường mới” nhưng khắp nơi vẫn thấy “bừa bãi cũ” chẳng hề có một chút thay đổi gì so với trước khi có dịch. Hiện nay tôi và gia đình vẫn chưa bị, và cũng không cần hô hoán “sẵn sàng tâm thế F0 bất cứ lúc nào.” Chuyện gì đến thì sẽ đến, nhưng chưa đến thì cứ làm hết sức để nó không đến.
Điều đáng nói là bây giờ cả ngoài đời lẫn trên mạng xã hội câu “Ôi giời bây giờ đâu chẳng có F0, rồi cũng đến lượt, mà tiêm rồi thì nhẹ thôi. Cũng không cần giữ gìn nữa đâu.” Đương nhiên theo dõi chuyện này thì cũng nhiều ý kiến trái chiều, nhưng những người có con đi học thì người phản đối, người dù im lặng cũng không giấu được nỗi lo. Còn rất nhiều ý kiến cho rằng “cũng phải mở cửa ra để làm ăn trở lại chứ không thì chết đói hết.” Cái gì cũng có hai mặt và bất cứ ý kiến hay tư tưởng nào cũng có cái đúng và chưa đúng.
Nhà tôi thì có hai bạn cùng thời điểm quay lại trường học và so sánh với các bạn khác bên nhóm trường công, thì ở dân lập và bán công, hóa ra lại có những khó khăn khác mà trước đó gia đình chưa lường trước được. Đầu tiên là việc trường con gái vẫn cho ăn nhẹ giữa bữa, sau đó là trường con trai cho bán trú, đồng nghĩa với việc chúng nó sẽ ăn trưa và ngủ lại ở trường.
Mà đã ăn với nhau, thì việc ngăn dịch bệnh lây lan gần như không thể. Ngay hôm đầu tiên, ông con trai ngồi ăn cùng một bạn và chiều hôm đó, y tế trường phát hiện bạn F0, cho về nhà luôn. Trong lúc nhà trường chưa có quyết định gì mới mặc dù các gia đình thông qua các Ban đại diện phụ huynh đã đề đạt ý kiến đến xin thôi bán trú, thì gia đình tôi đã phải trải qua những bàn soạn để giải bài toán nan giải này.
Đầu tiên gia đình phải xác định rõ với nhau là mặc dù từ trước đến nay, tôi vẫn ủng hộ việc quay lại trường của các con, nhưng việc quay lại trường lần này đúng là “chơi quá khó cho nhau.” Việc các con đến trường đồng loạt với bố mẹ đi làm đúng thời điểm sau kỳ nghỉ Tết, là sự đã rồi mà đã có rất nhiều nhận xét rằng đó là một việc làm càng gây nên sự hỗn loạn của xã hội. Nếu như thư thư việc đi học lại cỡ hai đến ba tuần, để việc bố mẹ đi làm nó ổn định thì cũng sẽ đỡ rối hơn. Ngược lại cũng có ý kiến cho rằng thôi thì đồng loạt như vậy thì nhanh đạt đỉnh dịch và dịch cũng sẽ qua nhanh – chẳng ai đoán được điều gì, thôi có thế nào, tính thế ấy.
Với hoàn cảnh cụ thể của gia đình, là nhà có cả người già lẫn bệnh nền mà ngay việc tiêm vaccine bác sĩ cũng đắn đo còn chán, do đó nếu các con tiếp tục ăn ở trường thậm chí ngủ trưa ở trường, việc “tha” Covid về nhà là không tránh khỏi. Vì thế, nếu như nhà trường chưa có thay đổi thì tạm thời các con cứ nghỉ học và học theo chế độ của các bạn phải nghỉ và học online. Bây giờ không phải là lúc tham gì vài con chữ để đặt gia đình vào tình thế có thể nguy hiểm. “Quyết định của gia đình” còn chưa ráo mực thì có thông báo mới từ nhà trường, là không học bán trú nữa và sau đó tiếp theo một thông báo là sẽ không có cả ăn trưa nữa mà tất cả sẽ về ngay để chiều tiếp tục học online ở nhà. Đó là trường của ông anh, còn cô em thì thật là thương – em rất thích những món ăn được nhà trường “đãi” giữa bữa, mà lo… cụ thân sinh chết ngoẻo, nên quyết mang về nhà mới ăn.
Trong khi vẫn còn rất nhiều vị phụ huynh lo lắng việc cho con đến trường, thì với gia đình tôi như thế đã được giải tỏa. Việc đến trường của con không phải bàn cãi gì nữa, và tất nhiên cũng sẽ có nhiều người hỏi: “Bác cho con đến trường như thế không lo à?” “Lo chứ, bình thường con bước chân ra ngoài đường là cha mẹ đã lo rồi, nữa là dịch bệnh. Nhưng lo thì lo, cũng không làm gì được cả, vậy cách tốt nhất là động viên các con thôi.”
Tôi thì nói với con như thế này: các con quay trở lại trường là cần thiết, vì cái gọi là “đứt gãy xã hội” của các con đã lâu quá rồi. Tuy nhiên các con cũng đã rõ, hoàn cảnh riêng của gia đình ta trong giai đoạn này là quá khó khăn để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, do đó các con bây giờ cũng như mẹ rồi, hàng ngày ra tuyến đầu, thì mình phải cố gắng, vậy thôi. Thực tế thì đã chứng minh: các con đã ngồi gần bạn học F0, ba cũng tiếp xúc khách là F0, hôm qua ba nghe chú Hưng bạn ba kể em Sóc con chú vừa đi học ngày thứ hai, đã ngồi giữa hai F0. Tất cả những trường hợp trên đều diễn ra trong tình trạng cả hai phía đều đeo khẩu chao[1], điều này cho thấy là cái khẩu chao rất hữu hiệu trong phòng dịch.
Hai năm qua dù rất nhiều khó khăn nhưng cũng là hai năm chúng ta có nhiều vui vẻ, có nhiều thời gian bên nhau và chơi nhiều trò, xem nhiều thứ… Nhưng đồng thời các con cũng được rèn luyện những kỹ năng thuộc về quy trình dịch tễ. Đó là những kỹ năng có thể nói là vô giá trong cuộc sống sau này, nó gần như những kỹ năng sinh tồn không phải trong thiên nhiên hoang dã, mà là trong xã hội loài người hóa ra cũng hoang dã không kém.
Các con được mẹ, là bác sĩ mẹ dạy các con câu “khẩu quyết” đầu tiên: “Tay là bẩn!” Sau đó là “Mình đi ra ngoài về, người mình là bẩn!” Từ đó gia đình mình xác lập dần các vành đai[2] từ khu vực “bẩn” đến khu vực “sạch.” Đi đâu về, đầu tiên là phải rửa tay, sau đó ở khu vực “bẩn” thay quần áo, nếu cần thì giặt luôn không tiếc. Các khu vực “đỡ bẩn hơn” nhưng “chưa sạch” nhưng lại là các “địa bàn trọng yếu” dễ bị tổn thương, như phòng bếp/phòng ăn… thì những chỗ như trên mặt bàn, bát đĩa, tay nắm cánh cửa tủ lạnh phải thường xuyên được làm sạch. Còn phòng ngủ của chúng ta là phòng phải rất sạch vì chúng ta sẽ cần có những giờ phút nghỉ ngơi không phòng bị… Ngay từ đầu dịch khi chưa có gì nguy hiểm, ba con mình đã thi công tủ khử khuẩn thức ăn bằng đèn UV, lắp đèn UV trong phòng bếp/phòng ăn và thường xuyên đưa cái đèn UV di động đi khử khuẩn các phòng.
Ba đã từng bị người ta cười khi nghe kể về các “công trình” của nhà mình, thậm chí bị dè bỉu là lo lắng quá hóa ra sợ hãi. Nhưng rõ ràng nhé, nhờ cái tủ khử khuẩn thức ăn mà chúng ta đã khử khuẩn bánh gateau và do đó vẫn đặt bánh sinh nhật về bình thường, trong khi người ta đã phản ánh có trường hợp không tiếp xúc với ai nhưng vẫn nhiễm Covid khi đặt đồ ăn sẵn về nhà. Tủ khử khuẩn này dành cho những trường hợp thức ăn không xịt cồn được, không luộc lên được… Chúng ta không sợ chết, nhưng chết vì miếng ăn thì kể cũng hơi nhục.
Lúc này là thời điểm quyết định, chẳng cần nói là “cuộc chiến” hay cái gì, cũng chẳng nói là chúng ta sẽ phải chiến thắng “nó,” thằng Covid vô hình ấy, đao to búa lớn mà làm gì. Đơn giản là chúng ta đang cố gắng “sống sót” qua thời dịch bệnh thôi mà. Bây giờ là lúc các con phải để ý đủ thứ chi tiết, vì chính các con là người đi ra ngoài và là “nguồn nguy hiểm,” à nói thế chưa phải, vì chính ba cũng đã đi ra ngoài khá nhiều lần vì yêu cầu công việc. Chúng ta sẽ phải để ý những việc như thế này: đi ra ngoài, vẫn sử dụng điện thoại di động và nó là bẩn, sau đó mang về nhà nếu lúc đang ăn cơm có cuộc gọi đến, tay đã rửa cầm vào điện thoại chưa khử trùng để liên lạc, là tay lại bẩn. Đây là những khó khăn không phải ai cũng vượt qua được, ngay hôm qua đi mua đồ điện bác bán hàng cho ba đang ăn cơm trưa sau cái vách mica trong suốt, cầm hàng đưa cho ba, nhận tiền cho vào ngăn kéo và… ăn tiếp, như không cần biết tay vừa cầm hàng cầm tiền đó là bẩn.
Khi nằm trên giường bệnh viện mà không cử động được, chỉ có thể quan sát được ba đã để ý những người điều dưỡng người ta làm việc và hiểu như thế nào là “quy trình.” Chăm sóc bệnh nhân xong, người điều dưỡng lột bỏ găng tay, đi ra cái chậu rửa ngay ở cuối giường ba, cạnh cửa ra hành lang. Cô ấy rửa tay rất kỹ, có đến vài phút, rồi đi ra một chỗ không có ai có thể tiếp cận được một cách bất ngờ (sau một vách kính) tháo khẩu chao và kính. Sau đó cô ấy dùng miếng bông tẩm cồn lau mặt, và lại ra rửa tay lần nữa. Cuối cùng là với tay sạch cô ấy đeo lại cái khẩu chao mới.
Từ đó những hướng dẫn của mẹ con được ba hiểu dưới một cái nhìn mới, sáng rõ ràng. Tay dù có rửa sạch, vẫn có thể bẩn trở lại. Vấn đề là khi ở trong nhà, chúng ta phải cố gắng không “dây cái bẩn từ hết chỗ này đến chỗ khác.” Vì thế trong nhà là chỗ chúng ta đã làm sạch một lần từ trên xuống dưới, hãy cố gắng cứ về đến nhà, “tay là bẩn” “người mình là bẩn” phải chuyển trạng thái sang “sạch” càng sớm càng tốt, càng gọn gàng càng tốt.
Trong số các bạn của các con bị nhiễm, có người từ gia đình, nhưng cũng có bạn mang về gia đình. Nếu các con để ý, sẽ thấy trừ những trường hợp đặc biệt thì những bạn bị nhiễm đầu tiên và mang về gia đình đều là những bạn thiếu nề nếp, thiếu kỷ luật, thậm chí ngày thường là các bạn khó bảo. Ba mẹ rất tự tin là hai con của ba mẹ rất nghiêm túc thực hiện, vì ai có thể liều, có thể ẩu, có thể… không sợ Covid, nhưng với chúng ta thì nên “sợ,” tức là hết sức cẩn thận để tránh những hậu quả không đáng có. Ngay trưa nay đi đón em gái, ba cũng chỉ cho em bốn bác ngồi trên bốn cái ghế nhựa, quây quần quanh cái ghế nhựa khác trên có cái mẹt một đĩa mực nướng, một đĩa nem chua, mấy lon bia… khẩu chao tụt xuống cằm, tay bốc thức ăn rất điềm nhiên trong câu chuyện “bình thường rồi, tiêm rồi, sợ gì Covid chứ!”
Rất nhiều người còn đưa ý kiến là “bây giờ tiêm rồi bị nhẹ thôi,” nhưng điều đó trong một triệu người có thể đúng với 999.999 người và một người hoàn toàn không nhẹ, thậm chí mất mạng và người đó là chúng ta, thì thật là… vớ vẩn. Đó là chưa nói đến việc thanh niên, những người trẻ tuổi các con có thể bị mất đi những cơ hội trong tương lai, ví dụ như đi làm phi công mà phổi bị xơ một phần, thì cũng bái bai ước mơ luôn đi là vừa. Chủ trương của Nhà nước là quay lại với cuộc sống bình thường nhưng có rất nhiều cái, chưa thể bình thường như ngày chưa có dịch được chứ.
Khi mới bắt đầu dịch đã có những bài viết trên mạng rất hay đại khái “đến ngày con người phải trả giá cho sự ngông cuồng kiêu ngạo của mình.” Biết bao người đọc rồi trầm trồ, ôi hay thế, hay thế! Thế nhưng đến bây giờ, đã ai thực sự biết thay đổi bản thân mình? Vừa ra Tết, người ta đã chen nhau bẹp ruột để mua cái gọi là “vàng thần tài” mong một năm mới kiếm được nhiều tiền, bất chấp khả năng tóe nước bọt vào mặt nhau, hoặc chỉ là vào quần áo nhau thôi, sau đó về nhà rờ tay vào và cầm đồ ăn đưa lên mồm. Bạn của ba đã có nhiều người khoe các cuộc tụ tập lên mạng xã hội với những nụ cười, những cú nâng ly và giật tít “như chưa hề có cuộc chia ly.” Người bạn khác vẫn một hai ngày khoe một trận nhậu trên Facebook, ba nhắc nhẹ: “Hạn chế thôi em ơi!” thì chú ấy trả lời: “Công việc ấy mà anh, mà bọn em cũng phải chọn phòng riêng để ngồi.” Ngồi phòng riêng rồi thì không có khả năng tiếp xúc khách bàn khác, nhưng lấy gì đảm bảo là nhân viên nhà hàng không… hắt hơi vào bát đũa? Vậy tại sao không hiểu là chính người mời người được mời cả hai đang rất e ngại vì dịch bệnh – chẳng nhẽ cái miếng ăn nó vẫn gây thèm thuồng đến vậy sao? Đơn giản là các tiêu chuẩn sống của đời thường (thế tục) với con người vốn dĩ nó dễ dãi, dễ thực hiện hơn nhiều so với việc sống theo những quy tắc mà người ta sẽ cảm thấy gò bó, thậm chí bị người ta chê bai là khắc khổ.
Hôm qua ba nghe chú người quen nói rất hay: bình thường chúng em bị thôi thúc bởi cái nghèo và muốn thoát nghèo, làm giàu. Dịch bệnh làm chúng em bị thua lỗ, bị mất cơ hội làm ăn, nhìn chung là thua thiệt đủ đường. Bây giờ được “quay lại bình thường” lại tự dưng nghĩ ra: có khi cố gắng đưa tất cả trở lại như cũ, chưa chắc đã được và cũng chưa chắc đã là hay. Đúng vậy – như trong những bài viết mong muốn con người sống chậm hơn, chính là mong người ta sống trưởng thành hơn về nhận thức. Sẽ có những người thay đổi tận gốc rễ về cái nhìn của mình với cuộc sống, đặc biệt với những người đã trải qua đau khổ vì mất người thân. Còn phần lớn là những người muốn quay lại với cuộc sống cũ, khi mà mọi thứ còn thuận lợi, tiền thì dễ kiếm, vật chất dễ hưởng thụ. Công việc có thể chưa quay lại nhưng hưởng thụ thì cứ phải là “ngay và luôn.” Nói thì dễ, mà làm thì rất khó là như thế, phần lớn các trường hợp việc thay đổi bản thân là không thể.
Cuối cùng là về khía cạnh nhân quả, các con cũng thử nghe xem nhé. Tất cả không nằm ngoài nhân quả. Nếu như mình có thể giữ được, mà không giữ để đến nỗi mắc bệnh (bất cứ một bệnh nào không chỉ là Covid) thì đều là “quả” nhưng cũng là một cái “nhân” cho một “quả” trong tương lai. Trong câu chuyện Covid, lại còn bừa bãi để lây nhiễm cho người khác, thêm tạo nghiệp xấu. Vì thế cái “quả” trong tương lai đó, không thể nói là “bị nhẹ thôi ấy mà!” một cách đơn giản được. Về khoa học thì cái hậu quả đó có thể là một bệnh nào đó trong tương lai, hay như người ta gọi là “bệnh nền hậu Covid,” cơ thể suy yếu... dẫn đến giảm tuổi thọ 1 – 2 niên kỷ chẳng hạn.
Vậy đó, với ai có thể liều được, còn với
chúng ta thì không. Chúng ta đã đi hơn hai năm qua dịch bệnh, chẳng nhẽ lại
buông súng? Về triết học mà nói, chẳng có cái gì tồn tại vĩnh viễn cả, dịch bệnh
này cũng vậy thôi. Cái gì thì rồi cũng sẽ qua.
Bài trên Fanpage tại đây
Bài trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment