Tôi cứ nhớ cái tháng đầu tiên của cuộc chiến tranh, hàng ngày hóng tin chiến sự và cứ mong Nga thua càng nhanh càng tốt, vì mong cuộc chiến qua nhanh đỡ đổ máu cho cả hai bên. Lại nhớ bài báo viết cho “Nhịp cầu thế giới” tôi đã đánh cược rằng “chỉ 5 ngày cuộc chiến sẽ ngã ngũ.” Bây giờ nhìn lại, chắc hẳn độc giả của “Nhịp cầu thế giới” sẽ nhận ra đó là một sai lầm nghiêm trọng của tôi. Tôi sẽ không chữa ngượng trong vấn đề này, nhưng thực ra ngay từ khi sửng sốt và ngỡ ngàng khi biết tin Nga đưa quân xâm lược Ukraine, nhưng tôi vẫn có một niềm tin chắc chắn rằng họ sẽ thua.
Lúc đó tôi cho rằng Nga sẽ cho những đội quân xe tăng của mình bằng tốc độ, cường tập vào sâu trong lãnh thổ Ukraine và với đặc thù đất đai địa hình và hạ tầng giao thông của mình, các lực lượng vũ trang Ukraine sẽ tránh đối đầu trực tiếp mà đánh vào phía sau của các đội quân đó. Với lực lượng tấn công hùng hậu của mình ở mức độ cơ giới hóa cao, quân đội Nga sẽ tiến rất nhanh nhưng đồng thời họ sẽ chịu gánh nặng rất lớn về hậu cần, trong khi đó với hạ tầng giao thông của Ukraine không cho phép họ di chuyển xa khỏi các tuyến đường chính. Điều này đã tạo ra cho các tốp kỳ binh của Ukraine với các nhóm nhỏ cơ động hơn nhiều, với các vũ khí cả mới lẫn cũ tập kích vào phía sau đội quân to lớn đầy sức mạnh nhưng cũng hết sức chủ quan của Nga.
Giới quan sát hết sức ngạc nhiên khi trước mắt họ diễn ra một kịch bản tấn công của Nga có thể nói là hết sức kỳ dị: kéo nhau đi những đoàn quân dài với đội hình hỗn hợp giữa bộ đội lục quân và Vệ binh quốc gia Nga. Một quân đội thời bình kéo đi với nhu yếu phẩm và đạn dược chỉ đủ cho 3 ngày, mà định hạ gục và sau đó chiếm đóng một quốc gia với bốn mấy triệu dân có quân số khoảng hơn 20 vạn. Kế hoạch đó của họ dựa trên một ý tưởng mơ hồ là họ sẽ trộng cậy vào “đội quân thứ năm” ở đâu đó trong nội bộ đất nước Ukraine sẽ nổi dậy, bắt giữ chính quyền của tổng thống Zelensky…
Quay lại với hai đến ba ngày đầu của cuộc chiến tranh – tôi mất mấy ngày đó để quan sát và chiêm nghiệm xem lý thuyết mình nắm được có đúng hay không, vì thế tôi đã đánh liều “cược” rằng “xin 5 ngày để khẳng định cuộc chiến sẽ ngã ngũ.” Và đúng là người Ukraine họ đã không hề hoảng loạn mất tinh thần, ngược lại hết sức bình tĩnh và sáng tạo, chiến đấu với quyết tâm cao nhất. Chỉ cần thế là đủ khẳng định: đúng là cuộc chiến đã ngã ngũ, Nga chắc chắn sẽ thua, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Đến lúc đó tôi mới được tiếp cận với một số khái niệm mới, ví dụ “Cụm tác chiến cấp tiểu đoàn” (BTG) của Nga, và khá bất ngờ với những nhận định của giới quân sự chuyên nghiệp rằng mô hình này là một võ sĩ có cú đấm móc khủng khiếp nhưng lại có quai hàm bằng thủy tinh. Vì mô hình đó không đủ quân số để bảo vệ hai bên sườn của lực lượng tấn công chính, quân Nga phải sử dụng Vệ binh quốc gia để đi hai bên cánh của nhóm chủ công BTG. Kết quả là lực lượng Vệ binh quốc gia Nga vốn được chuẩn bị để vào bình định đất nước người ta, nay bị thiệt hại nặng lên đến cả vạn người cả chết cả bị thương.
Kết quả trận đánh bảo vệ thành phố Kyiv, quân và dân Ukraine đã loại khỏi vòng chiến đến 40.000 quân Nga (thông báo chính thức của phía Ukraine đưa ra ngày 18/4 là 20.600 quân nhân Nga thiệt mạng).
Nhưng có một số chi tiết tôi đã được biết từ trước, chẳng hạn cơ cấu tổ chức quân đội của họ, nhất là cung cách chỉ huy hết sức quan liêu và cứng nhắc; ngoài ra là hệ thống hậu cần yếu kém không thể đáp ứng cho một chiến dịch quân sự cỡ lớn. Đó là những tử huyệt của họ quyết định cho một thất bại chắc chắn.
Khi quân Nga buộc phải rút khỏi Ukraine những mũi tấn công chính vào thủ đô Kyiv (3 mũi, một đi qua đầm lầy theo hướng Zhitomir, một theo hướng Chernihiv và một từ phía Sumy), tôi cùng nhiều bạn bè cho rằng có thể có một phương án là dừng luôn cuộc chiến.
Thậm chí lúc đó tôi có lúc ngây thơ với hi vọng rằng Putin đủ khôn ngoan như Đặng Tiểu Bình năm 1979, tuyên bố thắng lợi rồi rút quân, sau đó thi hành một cuộc “chiến tranh đặc biệt” kéo dài bằng cách bắn phá toàn lãnh thổ Ukraine, đẩy mạnh xung đột hạn chế kiểu đánh lấn ở vùng Donbas… Nếu làm như thế thì Ukraine rất khó khăn và mệt mỏi với họ. Tuy nhiên, với bản tính không biết chấp nhận thất bại của mình, Putin tiếp tục đẩy quân đội và sau đó cả đất nước vào một cuộc chiến mới.
Đặc thù của cuộc chiến trong giai đoạn tiếp theo này, là một cuộc chiến tranh “nhẽ ra là tổng lực” nhưng không tổng lực nổi, vì Putin không thể tuyên bố tổng động viên tức là đặt toàn bộ đất nước vào tình trạng chiến tranh. Vì vậy họ ngấm ngầm rút dần những lực lượng dự trữ từ những hướng phòng thủ chiến lược của đất nước và quẳng vào cuộc chiến.
Đến đây, không còn là “tôi” nữa mà đã là “chúng ta” hình thành nên một mặt trận ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Ukraine chống phát-xít Nga vì độc lập và tự do. Chúng ta vẫn tiếp tục khẳng định với nhau: mặc dù giai đoạn hai của cuộc chiến sẽ rất khó khăn, nhưng chắc chắn người Ukraine sẽ thắng lợi.
Để đạt được kết quả, người Nga quyết định thu hẹp mục tiêu của chiến dịch nay chỉ còn chiếm nốt những phần đất còn lại của hai tỉnh Donetsk và Luhansk mà họ còn chưa chiếm được trong suốt 8 năm từ 2014 cho đến trước chiến tranh. Cũng để đạt được kết quả, họ quay lại với chiến thuật của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, là “gặm nhấm” đất của Ukraine. Để hỗ trợ cho chiến thuật này, họ tập trung một lực lượng pháo binh khổng lồ trên những đoạn chính diện mặt trận rất nhỏ.
Kết quả là kết thúc “phase 2” của cuộc chiến tranh – The Battle of Donbas, quân Nga có thể chiếm được một số điểm dân cư và đáng kể nhất là hai thành phố Serevodonetsk và Lysychansk. Giai đoạn này kéo dài khoảng 70 ngày, và nếu tính đến ngày 2/7 thì thiệt hại của Nga đã là 35.870 quân nhân thiệt mạng. Tới 15.000 mạng người cho việc chiếm được một diện tích chỉ tính bằng huyện, một thiệt hại tương đương cuộc chiến tranh Liên Xô thi hành ở Afghanistan trong 10 năm.
Không đạt được mục đích là chiếm toàn bộ phần đất còn lại của Donbas, nghĩa là cả hai thành phố Kramatorsk và Slovyansk với thiệt hại rất lớn (chưa tính cả ngàn xe tăng cũng như tiêu tốn hàng triệu quả đạn pháo các loại) với Nga, coi như là thua. Ngăn chặn được Nga với tất cả những gì mình có trong tay với diện tích đất bị mất tối thiểu, với Ukraine là thắng lợi.
Trong giai đoạn này, tôi lại có những cái sai – ví dụ tôi tính toán để chiếm toàn bộ Donbas, Nga cần phải thanh toán một đội quân lớn của Ukraine mà trước chiến tranh họ tập trung ở đây khoảng 120.000 quân. Thực tế họ đã rút đi rất nhiều để đối phó với hỏa lực pháo binh kinh khủng của Nga tập trung vào khu vực. Nếu quân Ukraine có đội ngũ đông như thế bố trí trên một tuyến phòng ngự tới 400km chiều rộng và sâu từ 90 tới 250km tùy chỗ, Nga cần phải có một đến hai Phương diện quân thời Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nghĩa là ít nhất cần 1 triệu quân và nếu để thắng nhanh nhất, cần khoảng 2 đến 2 triệu rưỡi quân. Thực tế quân đội Nga ở thế kỷ XXI không làm được như thế, nhưng tấn công kiểu tinh nhuệ ít quân, công nghệ cao thì càng không làm nổi.
Nhìn lại cả hai giai đoạn này của cuộc chiến, chúng ta có thể nhận xét rằng quân đội Nga Putin đã đem những tư duy của một chiến dịch nhỏ để thi hành một cuộc chiến tranh. Tuy nhiên có rất nhiều điều làm cho giới quan sát ngỡ ngàng hơn nữa: quân đội Nga hiện nay không có một bóng dáng gì còn lại của quân đội Xô-viết. Dường như không thấy ở đâu có những quyết định của một cấp chỉ huy có trình độ cấp chiến dịch. Đến trận tổ chức và chỉ huy rút quân khỏi Kyiv hồi đầu chiến tranh được cho là của viên tướng Chayko, tư lệnh Quân khu miền Đông cũng chỉ ở trình độ cấp chiến thuật. (Nga cho quân dù nhảy vào chặn một số mũi phản kích của quân Ukraine để cho lực lượng chính rút về Belarus, nhưng bị đánh tan hoang ở Chernihiv).
Ngay trong quân đội Nga cũng lan truyền những dư luận: đáng nhẽ ra nước Nga cần có hai Bộ quốc phòng, một Bộ quốc phòng hiện nay để duyệt binh và tổ chức “Tank games” còn một Bộ quốc phòng nữa để thi hành chiến tranh.
Trong suốt hai giai đoạn của cuộc chiến, chúng ta chứng kiến sự yếu kém của hệ thống hậu cần quân đội Nga và bên cạnh đó là hệ thống sản xuất của công nghiệp quốc phòng. Người ta ghi nhận họ không thể khởi động được một nền sản xuất công nghiệp quốc phòng để đáp ứng cho thời chiến, mà chỉ làm được tốt một nhiệm vụ là phục hồi những quả đạn pháo tồn kho từ thời Liên Xô.
Đó là những căn cứ để chúng ta tin chắc rằng: nếu Putin ngu ngốc đến mức không chịu dừng chiến mà xua quân đánh tiếp, họ sẽ lại thua tiếp.
Chấm dứt giai đoạn hai của cuộc chiến tranh, bước sang giai đoạn đệm mà với người Ukraine lại là một đoạn rất chính yếu: bắt đầu cuộc chiến đấu đánh vào những tử huyệt của quân đội Nga. Chúng ta, những người ủng hộ đất nước và nhân dân Ukraine phấn khởi khi nghe những tin giàn tên lửa phóng loạt (MLRS) HIMARS đánh trúng những căn cứ hậu cần lớn của Nga sâu trong hậu phương. Thực tế, đây là những cái thuộc bề nổi, chúng ta cần nhìn rõ nhiều điều thuộc về chiều sâu.
Lực lượng vũ trang Ukraine không chỉ tấn công các kho tàng của Nga, mà phải nói chính xác mục đích của họ là làm tê liệt hệ thống hậu cần của quân đội nước này. Khi viết những bài review về chiến sự, đôi lần tôi viết là không chỉ các kho, chúng ta cần chờ đợi tin họ phá vào các đầu mối đường sắt và các điểm bẻ ghi xe hỏa. Đó cũng chỉ là một yếu tố nữa của hệ thống hậu cần.
Thực tế, quân đội Nga đang phải đối mặt với một chiến dịch hết sức sâu rộng và có quy mô to lớn của người Ukraine, nó bao gồm cả các hoạt động tình báo lấy tin từ chỉ huy cấp cao Nga, sau đó là việc phá hoại hệ thống chỉ huy và thông tin của hậu cần nước này, từ các máy chủ bị phá tan cơ sở dữ liệu đến các tủ hồ sơ tham mưu hậu cần bay lên trời cùng bộ chỉ huy các đơn vị hậu cần lớn… Về cự ly, đó là cự ly của HIMARS và M777 và gần đây là những loại vũ khí mờ ảo nào đó của chính Ukraine đã được họ cải tiến bắn còn xa hơn và cả cuộc chiến tranh du kích đằng sau hậu phương quân Nga trên vùng bị tạm chiếm.
Rõ ràng là chiến dịch này đã bắt đầu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những hoạt động chiến sự trên bề nổi cũng góp phần làm rõ thêm xu thế đó: quân Nga ở Kherson bị giam lỏng đến 2 vạn người ở vùng hữu ngạn Dnipro, chưa chết đói hẳn nhưng rõ ràng là không đủ ăn. Lúc này thì mới rõ là đông người chỉ là gánh nặng nuôi ăn, chứ không hẳn lúc nào cũng là sức mạnh.
Cũng chính đến lúc này, rất nhiều điều được bộc lộ rõ: vũ khí khí đốt của Putin không còn nhát ma được ai nữa, nghĩa là cuộc chiến tranh hoàn toàn có thể bị kéo dài đến cả năm nữa mà không có e ngại sợ sệt gì về phía Ukraine. Cơ hội để rút khỏi cuộc chiến một cách thắng lợi, Putin đã để tuột mất từ hồi tháng Tư.
Bất chấp những hăm dọa của Nga qua mồm D. Medvedev, Ukraine vẫn tấn công các mục tiêu ở Crimea, một lần nữa khẳng định nước này có chủ quyền với bán đảo bị Nga chiếm trái phép. Cũng lại một lần nữa khẳng đinh: Nga có thể sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật nhưng chắc chắn không bao giờ dám dùng.
Cái sự “thất bại do quá tự tin” của Putin còn ở chỗ lão ta quá coi thường dân tộc Ukraine với tư cách là một dân tộc bình đẳng với dân tộc Nga. Thực tế là dưới sự thống trị kiểu ngu dân của lão, người Nga mới dần dần trở thành một dân tộc hạ đẳng so với người Ukraine.
Có thể chúng ta chưa thể hình dung được cuộc chiến tranh sẽ tiếp diễn như thế nào, nhưng tất cả những gì đã diễn ra sau 180 ngày qua đã cho thấy một sự kiên cường quyết tâm của nhân dân Ukraine, một sự đoàn kết bất ngờ của tư tưởng dân chủ thế giới… và chúng ta càng tin chắc rằng, Putin sẽ thất bại. Hơn thế nữa, thất bại này sẽ dẫn đến diệt vong của chế độ độc tài của lão ta.
Đôi lời với những đồng bào của tôi, những người vẫn đang tin vào tuyên truyền của Putin:
Trong cuộc chiến này, có lúc nào đó vài người Việt tỏ vẻ “có trình độ” chê trách người Ukraine khi dám hạ bệ cả những bức tượng Pushkin… Tôi có thể khẳng định rằng, thơ Pushkin vẫn là thơ Pushkin. Những bức tượng rốt cuộc chỉ là những cục đồng nhưng chúng lại là một bộ phận của quá trình đô hộ và “Nga hóa” đất nước người ta hơn 100 năm. Họ hạ bệ là diệt trừ cái quá trình đó, chứ không phải họ bắn viên đạn nào vào thơ Pushkin.
Điều này cũng tương tự như câu chuyện bị Nga tuyên truyền là “Ukraine cấm dạy tiếng Nga trong trường học…” Ngược lại, việc dạy tiếng Nga là cưỡng bức trong suốt cả trăm năm, người Ukraine còn có khi không dám dùng tiếng mẹ đẻ của mình. Nói chính xác về bản chất, đây là quá trình đấu tranh để tiếng Ukraine được dùng để giảng dạy trở lại trong các trường học của một nước độc lập.
Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây
Bài trên Fanpage tại đây
Bài trên Facebook tại đây
Bản tin chiến sự của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tại đây
No comments:
Post a Comment