Có một chiếc xe Ferrari bị hỏng phụ tùng cần thay thế, và được hãng tại thành phố Hồ Chí Minh tư vấn hai lựa chọn: (1) Đặt mua phụ tùng của hãng và chờ kỹ sư của chính hãng này bay ra Hà Nội để trực tiếp sửa chữa và (2) Đặt mua phụ tùng của hãng và sửa chữa ở một cơ sở khác (ở đây chúng ta sẽ gọi đó là bên thứ ba)
Cuối cùng thì người chủ xe đã chọn phương án (2): mua phụ tùng và giao kết hợp đồng dịch vụ với một bên thứ ba. Vậy bên thứ ba đó là ai – đó chính là điều đang tranh cãi hiện nay. Một vấn đề phụ nữa cũng đang gây tranh cãi: Ferrari Việt Nam có trách nhiệm không và nếu có, trách nhiệm của họ đến đâu?
Về vấn đề thứ nhất, thì giao dịch trực tiếp của chủ xe là với kỹ sư T “Giám đốc xưởng dịch vụ của Volvo Hà Nội.” Ở đây chúng ta có một chi tiết rất quan trọng là sự trùng khớp thông tin của hai bên đưa ra: (a) Công Ty TNHH Ô tô Bắc Âu Hà Nội (“kể từ khi thành lập tại Hà Nội năm 2017, giữa Volvo Hà Nội và Ferrari chưa bao giờ có bất kỳ thỏa thuận và hợp tác nào về việc sửa chữa, bảo dưỡng xe Ferrari....”) và (b) Ferrari Việt Nam cũng khẳng định giữa hãng xe tại Việt Nam và Công Ty TNHH Ô tô Bắc Âu Hà Nội không có một hợp đồng hợp tác nào vào việc này.
Trong việc dân sự, khi một bên muốn trói buộc bên kia về trách nhiệm thì phải đưa ra bằng chứng, các giao kết, thỏa thuận… mà thường là bằng văn bản. Trong trường hợp cả hai bên cùng khẳng định không có giao kết nào như vậy, thì cũng đồng nghĩa với việc họ không quy kết cho nhau hay nói cách khác, loại bỏ trách nhiệm cho nhau. Ferrari gián tiếp khẳng định “bên thứ ba” ở đây không phải là Công Ty TNHH Ô tô Bắc Âu Hà Nội và về phần mình, Công Ty TNHH Ô tô Bắc Âu Hà Nội cũng khẳng định là không liên quan đến việc có nhân viên của mình nhận việc từ một khách hàng với một xe của nhãn hàng khác mang đến làm dịch vụ.
Vì vậy trong bài báo đã đăng trên Vietnamnet có câu “Tuy nhiên, khác với trả lời của Volvo Hà Nội, Ferrari Việt Nam lại đưa ra những thông tin khá bất ngờ” – khác thì tất nhiên là phải khác, nhưng thực chất đây là một bổ sung thông tin quan trọng, mà trên đây tôi đã tóm tắt. Theo cách hiểu của cá nhân tôi, thì trả lời của Ferrari Việt Nam rất mạch lạc với hai ý, chính xác là hai lựa chọn cho chủ xe.
Câu chuyện ở đây chỉ còn là: vậy thì “bên thứ ba” là kỹ sư T và nhân viên dưới quyền (hai cá nhân) hay có cả trách nhiệm của Công Ty TNHH Ô tô Bắc Âu Hà Nội? Chi tiết do bài báo cung cấp là “Theo tường trình của kỹ sư T. với Volvo Hà Nội, anh T nhận sửa chữa chiếc siêu xe của anh H. là trên cơ sở giao kết cá nhân với Ferrari Việt Nam” không có ý nghĩa trong việc quy trách nhiệm cho Ferrari Việt Nam, vì nó là tuyên bố cá nhân chưa có chứng cứ vật chất để chứng minh (bằng văn bản…) Ngay cả trường hợp có cá nhân nào đó của Ferrari Việt Nam giới thiệu chủ xe làm việc với anh T “người của Volvo Hà Nội” thì cũng không phải là căn cứ để quy trách nhiệm cho Ferrari Việt Nam, vì đó chỉ là lời giới thiệu về mặt chuyên môn “người có thể xử lý được vấn đề kỹ thuật của xe,” đặc biệt không liên quan đến đâm va (không đảm bảo là anh T có thể bảo quản tài sản tốt đến mức không bị rủi ro xảy ra cho tài sản hay không.)
Có một điểm ở đây thậm chí ngay cả các luật sư cũng dễ bỏ qua, người làm nghiên cứu và giảng dạy sẽ ít bị hơn: khả năng gây nhầm lẫn của tình huống. Theo tôi nhân thấy trong bài báo có một thông tin ít có khả năng là ngụy tạo hay bịa đặt: ““Trước đó, tháng 1/2022, chúng tôi hỗ trợ Ferrari bằng cách cho mượn địa điểm (cầu nâng) để Ferrari làm chương trình dịch vụ, còn các công việc đều do nhân viên kỹ thuật của Ferrari thực hiện với các khách hàng của Ferrari. Trên thực tế, chúng tôi cũng không thực hiện việc tư vấn, báo giá, cung cấp dịch vụ, phụ tùng sửa chữa cho chiếc xe Ferrari 488 và cũng không thu nhận tiền dịch vụ từ chủ nhân của xe", Volvo Hà Nội cho hay.”
Thông tin này khẳng định một lần nữa giữa hai công ty không có thỏa thuận chia sẻ dịch vụ chăm sóc xe liên quan đến sử dụng nhân lực của nhau, mà chỉ có chia sẻ hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, đây là yếu tố dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng, nhất là những khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ bảo dưỡng, kiểm tra xe… tại cơ sở của Volvo Hà Nội. Đó là tôi chưa nói đến việc có cá nhân nào đó làm việc trong cơ sở của Volvo Hà Nội cũng có những lời nói, hành vi… gián tiếp hoặc trực tiếp củng cố cho việc nhầm lẫn của người chủ xe.
Thực chất đây là một giao kết dân sự, thực hiện một dịch vụ và nó chính là một hợp đồng dân sự, giữa một bên là chủ xe Ferrari (chắc chắn) và một bên là anh T hoặc có cả Công ty TNHH Ô tô Bắc Âu Hà Nội (Volvo Hà Nội) (chưa chắc chắn). Nhiệm vụ của các bên tham gia giao kết là kiểm tra năng lực và tính hợp pháp của bên kia, nếu có ngờ vực về việc có thể bị lừa đảo hoặc bị gây nhầm lẫn, thì cần phải tự xác minh, nếu không tự xác minh được thì phải nhờ tư vấn. Điều này giống như việc gửi xe cho dịch vụ trông xe (hợp đồng gửi giữ) phải kiểm tra xem họ có giấy phép kinh doanh dịch vụ hay không, hay là “dịch vụ dù” và vừa mất tiền gửi xe, vừa bị cơ quan chức năng phạt vì đỗ xe không đúng nơi quy định.
Nếu chủ xe có chứng cứ chứng minh được những người giao kết với mình có hành vi, lời nói… cố ý làm cho mình bị nhầm lẫn, tin tưởng rằng đang sử dụng dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng của một công ty lớn (Volvo Hà Nội) thì lúc đó câu chuyện sẽ còn nghiêm trọng hơn nhiều. Còn với những thông tin hiện nay, thì giao kết nhiều khả năng là giữa các cá nhân với nhau, đầu tiên là chủ xe với anh T, sau đó là có sự tham gia của người mang xe đi đâu đó và gây tai nạn.
Một lần nữa cần khẳng định đây là quan hệ trách nhiệm phát sinh ngoài hợp đồng. Các căn cứ để xác định có hợp đồng giữa chủ xe và công ty thường là những văn bản gián tiếp như kết quả tư vấn (thường bằng lời nói) và báo giá có chữ ký xác nhận của hai bên, sau đó mới tiến hành công việc. Nếu không có những yếu tố đó, thì giữa hai bên vẫn tồn tại hợp đồng thuê mướn thực hiện dịch vụ nhưng chỉ là giữa các cá nhân với nhau.
Vì vậy theo cá nhân tôi, việc quy trách nhiệm được cho hai công ty ở đây là rất khó, và còn phải căn cứ trên rất nhiều tình tiết mà chúng ta còn chưa nắm được.
Bài trên Vietnamnet tại đây
Bài trên Fanpage tại đây
No comments:
Post a Comment