Xếp hàng vào lăng Lênin |
Ở Quảng trường Đỏ có lăng
Lênin tọa lạc ở chính giữa. Ngày xưa (nhưng chưa lâu lắm), những đại diện ưu tú
nhân dân lao động cần lao trên toàn thế giới nếu có cơ hội dự Hội nghị quốc tế gì
đó của khối XHCN, đến Mátxcơva là phải vào thăm lăng Lênin. Có thể nói, đến
Mátxcơva mà không vào thăm Lênin, coi như chưa đến Mátxcơva.
Tối 5 tháng Mười một, nhận được
điện thoại của một anh “gạo cội” trong số những người Việt nổi tiếng ở Nga, bảo
ngày mai có tụ tập trên Quảng trường Đỏ, vào thăm lăng Lênin, kỷ niệm Cách mạng
tháng Mười.
Sáng hôm đó Chủ nhật, trên Quảng
trường có một cuộc biểu tình do Đảng cộng sản Nga tổ chức. Khoảng vài chục
khuôn mặt ủ rũ, ăn mặc xám xịt… thật đúng là đại diện của giai cấp cần lao. Nước
Nga đã chuyển mình mạnh mẽ sang chủ nghĩa tư bản, nên chính bây giờ hình ảnh của
nó mới thể hiện rõ những gì Lênin đã khái quát: mâu thuẫn tột cùng giữa giai cấp
thống trị và giai cấp nghèo khổ.
Trên quảng trường đang ngổn
ngang những giàn giáo để dựng pa-nô, hai hôm sau sẽ có duyệt binh kỷ niệm Cuộc
duyệt binh lịch sử ngày 7-11-1941, mà sau đó các đơn vị tham gia duyệt binh đi
thẳng ra mặt trận để bảo vệ thủ đô Mátxcơva. Bây giờ trên quên hương Cách mạng
tháng Mười người ta không kỷ niệm nó nữa.
Vào thăm lăng Lênin phải gửi
toàn bộ túi xách, máy ảnh, điện thoại chụp ảnh. Không được chụp ảnh trong lăng.
Trải qua thử thách rà soi xem có thiết bị gây nổ, vũ khí gì không, đoàn người xếp
hàng lục tục đi vào lăng bằng cửa ngách, từ phía Bảo tàng Lịch sử. Cửa chính của
lăng quay ra “mặt tiền” đóng kín. Đoàn người đi khá nhanh, chứ không có đoạn đi
“từ từ” vào lăng Bác Hồ như ở nhà. Ở nhà, đây đó có những cái loa, một giọng trầm
trầm cảm động đọc những bài ca ngợi Bác, còn ở Mátxcơva, chỉ có băng giá.
Gần cửa vào, một chú công anh
đứng phất phơ thờ ơ nhìn đoàn người. Mọi người đi khá nhanh, vào lăng đi một
vòng chưa hết một phút. Trong phòng linh cữu, có hai chú công an nữa, đang chụm
đầu nói chuyện riêng với nhau, mắt vẫn liếc liếc bọn du khách. Ông Lênin nằm cô
đơn nằm ở giữa, trông chẳng giống thật mấy, mà có vẻ như bằng sáp hay nhựa gì
đó. Đoàn người nhìn ông, vẫn nói chuyện thì thào, không như ở lăng Bác, một sự
im lặng thành kính với bốn chú bộ đội như tượng bốn góc. Thì thào nói cười khúc
khích ở nhà bị nhắc ngay. Ở đây, người ta đi xem ông Lênin, y như một hiện vật
trong bảo tàng vậy, chỉ trỏ, bình phẩm. Xem xong, đi thẳng ra cửa hậu của Lăng, vòng ra phía trước quay lại lấy túi. Chấm hết.
Ngày xưa đọc “Ông tướng của
tôi” thấy viết: nếu làm người lính Xô-viết, hãy làm người lính vinh dự số một,
là người lính gác ở lăng Lênin. Bây giờ những người lính không còn phải làm
nghĩa vụ ngày xưa là thiêng liêng ấy nữa rồi. Bây giờ, là những chú công an Nga
tác phong lôi thôi và xộc xệch, đứng giữ gìn trật tự chứ không có nhiệm vụ tạo
vẻ oai nghiêm cho lăng.
Trong sách học tiếng Nga do
Liên Xô in tặng ta hồi những năm 1980, ngay trang bìa 3 có một câu: “Học tiếng
Nga, học tiếng nói của Lênin”. Bà giáo già dạy tiếng Nga hỏi tôi: “Tại sao mày
học tiếng Nga?” Tôi cười cười, nhắc lại câu trên. Bà ấy không hiểu mình nói thật
hay đùa, phẩy tay: “Đồ ngốc!” (Durak!). Không phải bây giờ học tiếng Nga là ngốc,
mà “thở” ra cái câu trên đây là ngốc, ý thế.
Năm 2012, Cách mạng tháng Mười
gần được một thế kỷ. Ông tổng thống vừa đắc cử V. Putin lần trước lên tiếng bảo
vệ việc giữ Lênin lại trong lăng, nghe đâu kỳ này lại đưa ra trưng cầu dân ý
cho việc có đưa Lênin đi chôn hay không. Con người thay đổi theo thế giới đổi
thay từng ngày. Có lẽ quyết định của Putin như vậy là hợp thời.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment