Ông Nguyễn Thanh Chấn giây phút bên người thân |
Người cán bộ điều tra cũng như học sinh, khi họ
viết nên bản kết luận điều tra, cũng là viết nên một bài tập làm văn. Mà bài
văn, thì bao giờ cũng có cấu trúc của nó: mở bài, thân bài, kết luận… Yêu cầu đối
với bài tập làm văn của cán bộ điều tra tốt là làm sao nội dung của nó thể hiện
gần nhất, sát thực nhất với hiện thực khách quan.
Khi nhận một vụ án, người cán bộ điều tra (dự
thẩm viên, sỹ quan dự thẩm… nhiều nơi, nhiều tài liệu còn gọi như thế) sẽ cố gắng
đi tìm các chất liệu để làm bài văn của mình. Đầu tiên là dựng lên cái khung
xương, hay cái sườn. Sau đó là việc đi tìm “da thịt” để đắp lên cái khung xương
đó. Thường thấy nhất là việc viết lại bài tập làm văn theo trình tự thời gian,
đó là cái sườn hợp lý nhất: sự việc bắt đầu lúc nào và kết thúc lúc nào… còn “da
thịt”, là dấu tay dấu chân, là xét nghiệm máu tinh dịch nước tiểu… (chứng cứ trực
tiếp) và lời khai của các loại nhân chứng, của người bị tình nghi (chứng cứ
gián tiếp). Để lắp cái gì vào chỗ nào thì người cán bộ điều tra phải học các
môn như logic học, tâm lý học tội phạm và cần tìm hiểu thêm các yếu tố khác như
động cơ, mục đích phạm tội…
… “lôm la” thế…
Nhiều sách của Liên Xô (cũ), các nước xã hội chủ
nghĩa và cả các thày của ta ngày xưa, đều nhất nhất dạy cán bộ điều tra rằng
trong một vụ án hình sự, có hai kết luận quan trọng như nhau là (1) Khẳng định
một người nào đó là thực sự phạm tội và (2) Kết luận người tình nghi hoàn toàn
không dính dáng gì đến tội phạm đó.
Nhưng đã đi đến kết luận (2) thì có nghĩa là
bao nhiêu công lao để chứng minh (1) trở thành công cốc. Chính vì thế trong vụ
ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị kết án oan, ông ta có một chứng cứ ngoại
phạm (alibi) nhưng không được xem xét, vì đã có cả một hồ sơ cố gắng chứng minh
ông ta có tội.
Người ta quên mất một nguyên tắc cơ bản là chỉ
cần chứng minh được một chứng cứ ngoại phạm là xác thực, thì có cả trăm chứng cứ
buộc tội, cũng đều thua. Đó là nguyên tắc mà hàng ngày hàng giờ ở các nước “đế
quốc sài lang” người ta đang áp dụng. Vì đất nước người ta đẻ ít, càng ngày
càng ít dân, nên con người là đáng quý trọng. “Lương tâm” và “Trách nhiệm” được
đặt cân bằng nhau, chứ không phải “chỉ tiêu số án được phá” phải được đặt lên
hàng đầu.
Nếu không "vì con người" thì "Công Lý ở Việt Nam chỉ luôn luôn là một diễn viên hài". |
Vì số án được phá đã là chỉ tiêu, thì cán bộ điều
tra gườm gườm nhìn ai cũng là tội phạm, thích dùng cực hình, ép cung, mớm cung,
làm sai lệch bản chất của vụ án cũng là bình thường. Và khi đó bài tập làm văn
không còn “thể hiện gần nhất, sát thực nhất với hiện thực khách quan” nữa mà đã
thể hiện cái mong muốn chủ quan của cơ quan điều tra rồi.
Chỉ khi nào người ta xây dựng được một xã hội
hướng tới con người, thân phận của con người là bình đẳng và cao quý, thì mới
loại trừ dần được những tư tưởng điều tra phá án như vậy. Các ông tổ của Chủ
nghĩa cộng sản hiện đại cũng đã từng mong như thế, nhưng khi đề cao cái “con
người mới xã hội chủ nghĩa” phải nằm trong tập thể, các cụ ấy cũng vô tình thủ
tiêu cái tính cao quý của cá nhân con người, và do đó có lẽ đến cuối thế kỷ này
cũng chẳng biết có xây dựng được cái gì hay không trên đất nước của chúng ta, nếu
tình hình cứ tiếp tục như vậy.
Tái bút. Thường trong dân luật với nhau, những
người hay thích xuất phát từ lý thuyết và nguyên tắc cơ bản, lại hay bị dè bỉu là
“thiếu kiến thức thực tế”. Và trên thực tế là hầu hết những sai lầm nghiêm trọng
lại xuất phát từ… không nắm được nguyên tắc cơ bản. Ảnh diễn viên Công Lý trong bài chỉ mang tính minh họa, không có ý ám chỉ gì cả.
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment