Thursday, August 13, 2015

Chú em băn khoăn

Từ cùng thích chụp ảnh quen nhau trên Facebook, thành ra hợp duyên mà chơi. Tự dưng giữa tháng Sáu Âm lịch chú em hỏi, sao anh không viết về lễ Vu Lan.

Hóa ra là chú em băn khoăn quá – em ruột chú ấy không quan tâm gì đến mẹ cả. Mẹ già như chuối chín cây, còn mấy thời gian được sống với mẹ nữa đâu.

Khó nói lắm em ạ, con cái như là khách, em trai của em cũng là khách của bố mẹ em thôi. Con đến với mình để hoặc đòi nợ, trả nợ, báo ân, báo oán… khéo tu thì báo oán thành báo ân và ngược lại. Điều duy nhất em làm được là thay đổi chính mình, sống tốt để làm gương, thì có thể em của em sẽ thay đổi.

Nói đủ thứ chuyện, nhưng lại cứ ngẫm mãi về một điều – đó là về các nền giáo dục và làm sao cho một xã hội nói chung, có một cái “nền hạnh phúc” cao hơn các cộng đồng khác. Như giáo dục của Việt Nam ta cố nhồi lấy thật nhiều kiến thức cho học sinh, mà chắc chắn sau này phần lớn chúng nó chẳng cần nhớ “A xít suyn phua rích có công thức là hát hai ét xì ô bốn,” còn để làm nghề hóa học lại phải học nhiều hơn thế nhiều thì lại chẳng dạy được. Trường nào cũng “Tiên học lễ, hậu học văn” nhưng cứ ra đường là gặp học sinh chửi bậy như hát hay, tóc tai dựng ngược màu mè, son phấn như phường tuồng và đầu trần lượn xe máy khiếp hồn người đi đường… lại có những trường công khai đem cần sa vào lớp hút, Ban giám hiệu biết giấu nhẹm sợ mất thành tích của trường…

Lại sang chuyện Tây nó chẳng cần học nhiều mà nó giỏi hơn ta, là họ cao hơn mình vài bậc, họ dạy phương pháp tư duy, không dạy lấy nhiều. Nhưng cả xã hội phồn vinh như ở các nước tư bản phát triển, con người vẫn không hạnh phúc; vẫn đầy các yếu tố bất ổn xã hội và do đó cư thỉnh thoảng lại có người đi xả súng vào đám đông. Xã hội càng phồn vinh về vật chất, thì con người càng khó khăn trong việc “định tâm,” thực sự chiêm nghiệm, sống với cái tâm của mình, mà họ quan tâm nhiều đến cái thân xác, những thú vui nhục cảm của thân xác cũng như những vật chất đủ đầy xung quanh nó.

Cứ thế, con người chạy theo không mệt mỏi những giá trị ảo. Một ví dụ - như trận bóng đá là một hoạt động của con người, có những yếu tố cầu thủ chạy trên sân và người xem kéo đi… hoạt động xong là xong, hết, chẳng còn gì. Thời xưa còn thông tin là Pháp thắng Brasil 3 trái trong trận chung kết World Cup 1998, nay còn có video quay lại… nhưng sự kiện đã qua, đã hết, thực sự là ảo. Nhưng sao một cái ảo đó, thì nhiều người không còn nhà cửa – không có nghĩa là cái nhà đó mất đi, mà đơn giản là cái sự công nhận của Nhà nước đối với quyền sở hữu nhà cho người này, chuyển sang cho người khác.

Con người vốn dĩ bước vào đời trần truồng, thực tế cả cuộc đời vẫn luôn trần truồng như thế, chứ không có cái gì thực ở trong tay mình đâu.

Chỉ có những gì có được ở trong TÂM mới là có.

Có những cộng đồng mà nền giáo dục của họ sẽ đào tạo nên những con người hạnh phúc hơn. Gần đây người ta hay chia sẻ những đặc điểm ưu việt của giáo dục Nhật Bản, đọc kỹ mới thấy ẩn giấu đằng sau những chuyện như dạy trẻ tự lập, tự trọng, quan tâm đến người khác… chính là việc dạy con người biết “quán được TÂM của chính mình” – tức là sửa cái TÂM, làm thế nào mà người ta hiểu được cái quy luật của tự nhiên, xã hội và con người – hạnh phúc là hạnh phúc chung, cho người khác và từ đó có an lạc cho chính mình.

Chắc chắn những cộng đồng dân cư như Nhật Bản, Bhutan… sẽ có chỉ số hạnh phúc thực sự cao, chỉ số thực, chứ không phải cái trò nực cười nào đó bảo Việt Nam ta là hạnh phúc có hạng trên thế giới. Hạnh phúc sao được khi ngày ngày cứ nhìn thấy “mịa, chúng nó bố láo ăn cắp của nhân dân” là lộn tiết lên chửi rống bái công, trước thì chửi ngoài hàng nước vỉa hè, nay lên Facebook chửi nhiều người nghe thấy hơn. Nếu nghiệp của ta mà nhẹ, ta sẽ được sinh ra là người Viking Thụy Điển rồi, chứ không phải là ở Việt Nam. Và hãy cứ yên tâm là nghiệp của ta mà đã nặng, thì kể cả là sinh ra ở Thụy Điển thì vẫn cứ có thể bị bắn chết như ông Olof Palme (Ảnh trên) chứ không có thoát. Càng bấn loạn thì càng u mê…

Hôm trước viết bài “Thư gửi Mẹ” nhân đọc về người bạn lạc Mẹ mấy chục năm, có ý kiến phản hồi về việc “chỉ có nghiệp chướng của từng người không có của dân tộc,” thực ra mình nghĩ, cũng có lý. Có “biệt nghiệp” và có “cộng nghiệp” – hành khách đi trên MH370 hoặc MH17 là do “cộng nghiệp” mà tử nạn cả. Mình cũng nghĩ tính dân tộc là cái dễ nhất, nhanh nhất kéo người ta đến với nhau thành cộng đồng, và cộng đồng đó thì có “cộng nghiệp” nặng nhẹ khác nhau… “Chiến tranh sắc tộc” là một dạng tai họa đến với cộng đồng có tính dân tộc, nhưng tùy “biệt nghiệp” mà vẫn có người tránh được tai họa, như sơ tán sang nước khác… Chuyện này dài, cứ từ từ nghĩ.

Lại nghĩ đến một anh bạn, dạy con đề phòng mọi chuyện, coi những người xung quanh như những mối đe dọa có thể gây nguy hiểm – điều này có vẻ đúng với xã hội đầy nhiễu nhương như của chúng ta. Nhưng đề phòng đến bao giờ? Tâm trí an lạc, yêu thương dành cho tất cả mới là phương pháp đề phòng hữu hiệu nhất, còn nếu đã dùng phương pháp đó rồi mà vẫn còn tai họa, thì chẳng qua là chưa quán triệt mà thực hiện được đến nơi đến chốn mà thôi.

Lại có những bà mẹ hiện đại cố nhồi con bằng được bởi những kiến thức cạn kợt của con người, mà chắc chắn phần nhiều trong số chúng sẽ là lạc hậu, cứ thấy có “cái lọ cái chai” là cố mà cho con theo bằng được. Cái đầu của nó chỉ to hơn cái nắm tay một tí thôi… cái mà làm cho nó có thể có được tất cả, là tâm trí rộng mở, hiểu vạn vật với nó, là một; nên yêu thương vạn vật… thì chẳng biết mà dạy. Học bổng đây kia, bằng cấp này nọ… hoàn toàn không đảm bảo hạnh phúc được cho con, các mẹ biết chưa ạ?

Vụn vặt, chắp vá… viết lại thật là khó.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment