Friday, August 14, 2015

Đề cao cảnh giác

Võ sư Vĩnh Xuân
Diệp Vấn
(1893 - 1972)
Một.
Trong bể bơi, “bạn bơi” của cả hai ba con có bác Luân, một bác già vui tính – Bôn Ba Nhi Bá gọi bằng bác vì ba bạn ấy gọi bác Luân bằng anh, thực tế, bác Luân có cháu nội bằng đúng tuổi của Bôn Ba Nhi Bá luôn. Ông nội chăm cháu lắm, cứ hè là đưa cháu lên nghỉ ở nhà ông bà, để ông dạy dỗ, ngày nào cũng đưa đi bơi.

Có lần bác Luân nhờ: “Bác xem hộ tôi động tác cho thằng cháu, tôi đúng là hạn chế môn này.” Mình vui vẻ nhận lời, và không chỉ sửa động tác cho cháu, mà sửa cả cho ông nữa. Hai ông cháu tập tành khá nghiêm túc.

“Cháu cứ ngơi ông ra là mệt bác ạ. Cả bố, cả bà nội nó, đều nhồi cho cháu ăn thật lực. Đấy bác xem, nó béo như thế kia. Bây giờ phải cho nó bơi và ông làm nhiệm vụ hãm không cho ăn những thứ bột đường, nó mới giữ cân được. Trẻ con bây giờ béo quá, nguy hiểm lắm!” Bác Luân tâm sự.

Mãi một thời gian sau, qua một người bạn chung mới biết, bác Luân là người rất tài hoa: hát hay, đàn giỏi, vẽ vời văn chương thơ phú, kiêm cả tay nghề cơ khí… và quan trọng là bác ấy, một võ sư Vĩnh Xuân có hạng. Thế mà rất khiêm tốn, chẳng bao giờ để lộ ra ngoài cả. Bác không dạy võ, chính xác là không mở lớp dạy lấy tiền, chỉ dạy cho con cháu, bạn bè… và tất nhiên, bác cũng không lấy tiền.

“Bây giờ nếu con muốn đi học võ, như trước đây con đề nghị, thì đã có chỗ cho con học rồi đấy. Nếu con đến học bác Luân, ba sẽ rất yên tâm. Tất nhiên, còn có một điều nữa để yên tâm là con đã rõ từ lần trước con hỏi, rằng đi học võ để làm gì.” Mình nói với Nhi Bá khi hai ba con chở nhau về từ bể bơi. “Ơ thế ba ơi, đi học võ để khỏe người, không phải là lý do chủ yếu, nhưng về lý do đi học võ để tự vệ thì con chưa hiểu lắm ạ…” Nhi Bá vẫn còn băn khoăn.

“Để tự vệ chứ, nhưng là tự bảo vệ trước tai nạn rủi ro trước hết con ạ. Học võ, con sẽ được học phản xạ, tránh những thứ đang lao vào mình, và trong cuộc sống con sẽ dễ dàng hơn trong việc tránh những tai nạn rủi ro như thế, một vật thể rơi từ nhà cao, giàn giáo công trường… hay xe mất điều khiển lao trên đường…” Ông con hỏi tiếp ngay: “Thế tự vệ trước kẻ xấu thì sao hả ba?” “Điều này hầu hết những người đi học võ và cho con đi học võ, đều nghĩ như vậy – tự vệ trước kẻ xấu. Trên thực tế có một cách nhìn nhận khác, học võ để giúp đỡ người khác. Khi có sự việc xảy ra, có hai loại người cần giúp đỡ: người bị đe dọa tấn công và người đang đi tấn công người khác. Loại người thứ nhất, dễ hiểu rồi; từ bé con đã được ông bà, ba mẹ dạy là phải bênh vực người yếu hơn. Loại người thứ hai, là những người lầm lỡ, những người đang phạm sai lầm. Không có người xấu, chỉ có việc làm xấu. Những người đang phạm sai lầm là họ quen dần với việc làm việc làm xấu, trong đó có cả cướp bóc, ăn cắp, và tấn công người khác. Khi đã có võ giỏi rồi, thì nên giúp đỡ họ: ngăn chặn không cho họ sai lầm thêm nữa, đang tấn công người khác chẳng hạn, thì không tấn công nữa và hậu quả sẽ nhẹ đi… Việc tấn công người khác rất có thể đưa lại hậu quả nghiêm trọng như chết người chẳng hạn.”

Câu chuyện dừng ở đó. Tối qua ăn cơm, thế nào cả nhà lại nói chuyện đó và mình nhắc lại y nguyên như đã nói với con trai. Mẹ cậu ta tham gia: “Nhưng đó là trình độ võ phải thật giỏi, chứ vớ vẩn thì can thiệp vào còn nguy hiểm hơn.” “Điều đó đúng” – mình nói – “Chúng ta phải lựa được sức mình và cả tình thế nữa. Khi mà tình huống quá nghiêm trọng và tương quan giữa các bên quá chênh lệch, thì điều tốt hơn cả là tránh đi. Học võ cũng giúp chúng ta nhiều trong việc lượng sức nữa. Nhưng mà ở đây ba muốn con có cách nhìn từ phía những người đang phạm sai lầm đó, mình yêu thương họ, và việc can thiệp từ sớm, thì hầu như không cần phải sử dụng đến võ nghệ con ạ. Như ba ấy, ba cũng tập võ từ trẻ, nhưng ba ít phải sử dụng, và bây giờ thì không cần. Ba dần dần học được cách nhìn mọi người xung quanh với cái nhìn bao dung và yêu quý, nên không có lý do gì mà họ làm hại ba cả. Nhiều lần ba từ tốn can ngăn người đang nổi nóng, và đều có kết quả, ngăn không cho sự việc nghiêm trọng xảy ra.”


Hai.
Nhân nói đến những người đang phạm sai lầm – câu chuyện chuyển hướng sang những người làm nghề ăn trộm, ăn cướp, phạm pháp chuyên nghiệp. Như đi sang Singapore, chúng ta thấy rất ít hoặc hầu như chẳng thấy người ăn trộm, móc túi ở đâu… khác hẳn ở Việt Nam. Và Việt Nam thì còn thua các thành phố như Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) vài bậc về… trình móc túi. Các xã hội khác nhau, thì mức độ tệ nạn cũng khác nhau.

“Tại sao lại như thế ạ?” Mẹ trả lời luôn Nhi Bá: “Vì luật pháp chưa nghiêm, nên nhiều tệ nạn.” Mình bổ sung thêm: “Đúng thế con ạ, và còn nhiều yếu tố nữa, như xã hội nhiều người nghèo, bần cùng mà ít việc làm cho họ… sau này con sẽ hiểu nhiều khía cạnh hơn nữa của cuộc sống. Đấy con thấy không, khi chúng ta sống trong xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể gặp những người như thế và khả năng chúng ta trở thành nạn nhân của hành động trộm, cướp của họ là có. Chúng ta mặc dù đã có cái nhìn thông cảm, yêu quý họ… nhưng không phải vì thế mà đem tiền của ra cho họ, hoặc tạo điều kiện cho họ tiếp tục làm những việc như vậy. Mình mà làm như thế, thì lại gián tiếp giúp họ tiếp tục phạm sai lầm. Đồng thời, chúng ta mất của, mất tiền, trong khi điều kiện của chúng ta chưa dư dật, nó cũng đem lại những khó khăn nhất định… Do đó ba đã từng nhắc con là đeo ba-lô đi ở nơi công cộng, trong đó có đồ đạc của cả nhà… nên cẩn thận với khóa kéo chẳng hạn. Tiền nong cũng phải cất kỹ vào túi trong, các vật dụng đắt tiền như điện thoại di động, máy ảnh… và đặc biệt là giấy tờ là phải hết sức giữ gìn… Ai cũng cẩn thận như thế, thì cơ hội làm việc xấu của những người đó giảm đi, làm được khó khăn hơn, và biết đâu có ngày nào đó, có người bỏ nghề…”

Đúng, dạy con đề phòng là cần thiết – nhưng là cẩn thận, giữ gìn, không tạo điều kiện cho họ “hành nghề,” chứ không phải là gườm gườm nhìn xung quanh xem ông nào là trộm cắp móc túi, ông nào là người thường. Để “hành nghề” dễ dàng, người ta còn ăn mặc tươm tất còn hơn chúng ta ấy chứ, người bình thường như chúng ta sao dễ phân biệt được. Nhưng nếu dạy con trang bị một tâm lý nhìn ai cũng ra kẻ thù, thì cực kỳ nguy hiểm – cái tâm lý đó làm cho chúng ta mù quáng và mất đi sự tỉnh táo cần thiết trong đối nhân xử thế, rất dễ đẩy chúng ta vào tình trạng nguy hiểm. Không chỉ thế, của nả để hớ hênh quá, còn dễ “biến người ngay thành kẻ gian…”

“À ba ơi, bây giờ ba có định tập võ trở lại không ạ? Và ba tập để làm gì?” – câu hỏi hợp lý, vì đã không có kẻ thù thì tập võ để làm gì, đánh ai? – “Có thể con ạ, nếu bây giờ ba tập võ trở lại, thì để tiếp tục tìm sự hài hòa và cân bằng giữa cái suy nghĩ trong đầu của ba và cơ thể bên ngoài…” – trả lời vậy thôi, cao siêu hơn, cậu ta chưa hiểu được.


Tham gia thảo luận trên facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment