Thursday, October 1, 2015

Bạn đã đọc “Người Việt cố giàu lên, để làm gì” của nhạc sĩ Tuấn Khanh chưa?

Ngày nào cũng như ngày nào, chúng ta lao ra đường và ngay lập tức sa vào một đám đông nghẹt người – tất nhiên là tất cả những người đó, trong đó có cả chúng ta, đi “mưu sinh.” Hầu hết, chúng ta đi một cách lầm lũi, nhẫn nại, theo dòng người cứ thế đi và chỉ thấy tiếng động cơ xe ầm ì mà nếu đứng từ xa, có thể tưởng tượng ra động cơ của một chiếc máy bay khổng lồ. Chúng ta hít thở cái bầu khí thải khủng khiếp, mùi của nó ám vào người chúng ta mà nếu bước vào một bữa tiệc thì không ai dám đứng gần.

Chỉ cần có một chiếc xe quay đầu oái oăm, hoặc một vụ va quệt nhẹ, thì cũng gần như tức thì, có ngay một vụ tắc đường. Ai cũng hiểu, tắc đường là do không ai nhường ai cả, mạnh ai nấy đi, chúng ta luồn hết khe này đến khe khác, leo cả lên vỉa hè, tranh lấn, cướp đường của nhau. Vẫn chỉ nhằm một mục tiêu đó thôi: mưu sinh.

Hôm nay đọc bài “Người Việt làm giàu làm gì” của nhạc sĩ Tuấn Khanh mà thấy thấm thía quá. Không biết bao nhiêu người than lên rằng thời chiến tranh, thời bao cấp… người ta nghèo như nhau nhưng yêu thương nhau hơn bây giờ nhiều. Bây giờ thì người ta cướp đi mạng người có khi chỉ vì cái xe máy, thậm chí tệ hơn, cái điện thoại di động. Độ tuổi của người phạm tội ngày càng trẻ hóa, tỉ lệ nghịch với mức độ nghiêm trọng, manh động và liều lĩnh của họ khi thực hiện hành vi phạm tội. Càng ngày, chúng ta càng phải lo lắng nhiều hơn về sự bất an của cuộc sống. Nếu như thời bao cấp, chúng ta nghe hai tiếng “mẹ mìn” như một “của hiếm” thì bây giờ hỏi có ai dám cho con nhỏ tiểu học tự đi đến trường. Nếu như trước đây người ta coi việc tách lìa đứa con khỏi gia đình, cha mẹ… là một tội ác trời không dung đất không tha, thì nay người ta sẵn sàng bắt cóc trẻ nhỏ để đem đi bán.

Thời mình còn nhỏ, gia đình luôn luôn coi việc phải đem đồ đạc đến tiệm cầm cố, là điều đáng xấu hổ. Chỉ có gia cảnh sa sút, hoặc trong nhà có người hư hỏng như cờ bạc, nghiện ngập… thì mới phải bước chân đến những chốn đó. Và thời xưa, người làm cái nghề đó người ta cũng giấu diếm như một sự thật đáng xấu hổ, thì chưa có thời nào lại bùng nổ số lượng hàng cầm đồ đến như bây giờ. Khủng khiếp hơn nữa, càng gần các trường đại học lại càng có nhiều, để phục vụ cho các cử nhân và kỹ sư tương lai. Tương lai của đất nước đấy.

Anh Tuấn Khanh nhắc đến những doanh nhân trẻ dám dùng thuốc tăng trọng để kinh doanh chăn nuôi – điều này đúng, nếu như định mức bây giờ chỉ có 8 lạng thức ăn có thể cho ra một cân cá hồi, trong khi trước đây phải mất hàng cân thức ăn, thì chắc chắn tuổi dậy thì của con cái chúng ta ngày càng sớm hơn, và đồng nghĩa với việc tuổi phạm tội của trẻ vị thành niên cũng ngày càng sớm hơn. Không loại trừ chính những hệ lụy về ăn uống, khí thải, môi trường nói chung này ảnh hưởng đến chính cái tâm lý dễ mất thăng bằng, hay manh động của con người.

Địa bàn thành phố thay đổi nhưng phát triển hoàn toàn theo chiều ngang như một chiếc bánh đa vừng không theo một quy hoạch nào cả. Ở vào thế kỷ 21, chúng ta không thể mơ về một thành phố có những nhà máy bên trong, và ngay gần là khu tập thể, trường học và trạm y tế như trước đây, nhưng khi chuyển nhà máy ra khỏi thành phố thì chúng ta cũng chưa làm được những điều đã từng có. Ai cũng cố kiếm cho con mình một chỗ học mà “nghe đồn trường đó tốt” và thế là cả sáng lẫn chiều, tới bốn lượt bố mẹ chở con đi học rồi lộn lại đi làm và ngược lại. Từng ấy lượt đi lại ngoài đường, làm sao mà đường không tắc. Hầu hết chúng ta kéo lên thành phố, để lại làng quê quạnh hiu và đồng ruộng ngày càng hoang hóa bên những khu công nghiệp cỏ mọc lút đầu.

Năm nay trời mới chỉ thử thách con người bằng vài trận mưa mà đã thành hồng thủy, từ dòng lũ bùn ngập những thành phố ở Quảng Ninh đến cư dân của hai thành phố lớn nhất nước, bơi trong dòng nước rác. Chắc chắn tương lai sẽ còn đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi thật lớn nữa về những vấn đề môi trường, mà chính xác là ngay từ bây giờ đã phải tìm lời giải cho chúng rồi. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục điềm nhiên vứt rác, chặt cây phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên và các nhà máy thủy điện vẫn thích thì xả lũ làm ngập ruộng đồng…

Có lẽ lúc tắc đường là lúc chúng ta hiểu rõ nhất là người Việt Nam ta nay đã trở nên thiếu đoàn kết và tình thương yêu đến thế nào. Đến cơ quan mở máy tính lên, chúng ta lướt Facebook, chia sẻ những giọt nước mắt xót thương một em bé bị bố đánh dữ đòn, một con chó bị dán băng keo kín mõm; nhanh chóng quên đi trước đó nửa giờ, chúng ta chửi thẳng vào mặt một đồng loại dám tạt đầu, cướp đường hoặc thậm chí, “dám” đỗ xe trước mặt cản trở không cho chúng ta vượt đèn đỏ…

Người ta đã từng lạc quan khi nói, người Việt Nam vốn có lòng yêu nước nồng nàn, cứ hễ có giặc ngoại xâm là “lại” đoàn kết chống lại (cứ như là “bây giờ ít đoàn kết như thế này thôi chứ có chiến tranh lại đoàn kết ngay”) nhưng liệu chúng ta có dám nghĩ, nếu thiên nhiên thử thách chúng ta bằng một trận động đất hoặc sóng thần như một vài nước trong những năm qua đã gặp, chúng ta có yêu thương đoàn kết được với nhau hay không, hay chúng ta sẽ dẫm đạp lên người khác để tranh thức ăn và nước uống… do thôi thúc của bản năng sống còn. Trước thiên tai địch họa, chỉ có giữ được lòng dân thì mới giữ được ổn định không bạo loạn, còn nếu không giữ được lòng dân, thì chẳng có thể giữ được cái gì cả.

Đọc một ý kiến của một người quen, là chuyên gia quy hoạch, rằng cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều được phát triển theo những hướng rất không an toàn, đặc biệt với nền móng địa chất yếu mà với lượng công trình đồ sộ, nặng nề hiện nay… không biết tương lai sẽ thử thách chúng ta bằng những cái gì nữa.

Còn bây giờ thì chúng ta vẫn quen nghĩ rằng: “Chắc tai họa chẳng bao giờ đến với mình đâu” và chủ nghĩa “makeno” (mặc kệ nó) vẫn điềm nhiên thắng thế. Hình ảnh người đàn ông đứng trên xe máy nhìn xung quanh đám tắc đường, thể hiện một sự thất vọng. Tắc đường, còn có thể “nhúc nhích,” tắc mãi rồi cũng phải hết, ai rồi cũng về được đến nhà. Nhưng cái bế tắc của xã hội mới thực sự là vô vọng.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment