Cách đây 2 năm, tôi viết bài
“Người Hà Nội kiêu bạc” nói về cái sự kiêu kỳ của người Hà Nội đã thay đổi như
thế nào sao mấy chục năm, đặc biệt là từ thời kinh tế thị trường, cải cách và mở
cửa. Tôi cũng nhắc đến cái sự mai một đi quá nhiều những nét văn vật của Hà Nội.
Tự dưng ngẩn ngơ lại nhớ câu
ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng
An” mà băn khoăn cái độ thanh lịch của người Tràng An đã bị bào mòn đến cỡ nào
rồi? Chỉ tuần trước đọc trên báo thấy bình luận về việc hàng “bún chửi” được
lên kênh truyền hình CNN và sém chút nữa tổng thống Obama cũng đến thăm và ăn
thử ở hàng bún đó.
Nghĩ cũng kỳ lạ, người Hà Nội
bây giờ có thể xếp hàng lũ lượt, vòng trong vòng ngoài, chen vai thích cánh để
ăn uống ở một nơi mà có thể bị chửi thẳng vào mặt, với những từ ngữ tục tĩu
không thể tưởng tượng nổi. Dường như những từ ngữ tục tĩu ấy, nếu bị chửi ở chỗ
này thì nó không còn là chửi nữa, mà nó như… ca hát, dù là kiểu ca hát của… ca
sỹ Lệ Rơi. Nếu như bị ai đó chửi những thực khách kia ở một chỗ khác, trong một
hoàn cảnh khác thì tôi không dám chắc bao nhiêu trong số họ giữ được bình tĩnh.
Lại chợt nảy ra ý nghĩ, giá mà
ai trong cuộc sống cũng bỏ qua được sự nóng nảy chửi bới của người khác như thế,
thì xã hội bớt đi được bao nhiêu hệ lụy. Cuộc sống đầy bon chen những mối lo
cơm áo, học hành của con cái, giao thông ùn ứ và môi trường xuống cấp… chỉ một
va chạm nhỏ, một cái “lườm đểu” là con người ta có thể xửng cồ và thậm chí “xin
huyết” nhau được rồi.
Cũng có thể nhận ra rằng, khi
mà người ta chửi không không có tâm hận thù, nóng nảy gì phía sau đó, thì người
bị chửi cũng không dễ gì mà sinh một tâm lý hận thù ngược trở lại để biến thành
xung đột. Thế mới thấy cái lòng thành người ta dành cho nhau nó quan trọng nhiều
lắm: khi một bên đã hết lòng với từng bát bún, một bên thành tâm đến muốn ăn
bún thì những câu chửi cũng thành lời ca tiếng nhạc.
Nhưng với Hà Nội hôm nay, câu
chuyện đã không hẳn là như thế. Có một lần, tôi nghe hai bạn gái khoảng học
trung học với đồng phục trường, vừa đi vừa nói chuyện với nhau với những câu chửi
tục không thể nghe nổi, và đáng sợ hơn là những câu đó họ đang dành cho những đấng
sinh thành ra mình.
Thời tôi đi học trung học, cái
nền nếp của thế hệ cũ, của bố mẹ mình đã không còn được nhiều, nhưng cũng không
đến nỗi như thế. Nếu như có một bạn nào chửi bậy, thì đó phải là một bạn rất
“hư.” Điều đó có nghĩa là sau khoảng 30 năm, nếu số học sinh chửi bậy chỉ chiếm
vài phần trăm thì nay là ngược lại, số học sinh ăn nói “bình thường” lại chỉ
chiếm có vài phần trăm. Là tôi ước tính thế.
Tất nhiên, tuổi trẻ thì thích
thể hiện mình, và cách nhanh nhất tuổi trẻ chọn phương án bằng ngôn ngữ, ngoài
những thứ ngôn ngữ “xì tin” thì họ tìm cách sành điệu bằng chửi bậy. Không những
thế, chửi bậy thông thường, “chưa đủ bậy” thì quê mùa quá, nên người chửi cũng
thích tăng độ biểu cảm, từ “mẹ” đến “đ. mẹ” rồi phải là “đ. con mẹ,” nghĩa là
chửi không chưa đủ, cần phải tăng cả độ thù hằn, dìm bằng được người bị chửi
nào đó xuống tận bùn đen.
Vài năm trước, có một trang
web bị thu hồi tên miền vì có hai chữ cái “vê” và “el lờ”. Lại một trận tranh
cãi nổ ra xung quanh nghĩa của hai chữ đó là gì, và nó có đáng bị thu hồi tên
miền đó không. Tất cả những bảo vệ chỉ là ngụy biện, vì đó là thời đã bước chân
ra đường, thì mọi ngõ ngách của thủ đô đều nghe thấy giới trẻ “nhả ngọc phun
châu” một cách sành điệu “vãi lờ…”
Có lần nghe một nhóm thanh
niên trẻ nói chuyện, mà không câu nào không “vãi lờ” và “đ. con mẹ,” tôi đánh bạo
hỏi: “Các cháu có phải là sinh viên không?” “Đúng rồi ạ!” “Sao sinh viên lại có
thể chửi bậy ghê thế nhỉ?” Các bạn im lặng, ngượng ngùng.
Chỉ từ cái nhìn của thế hệ
U-50, tôi đã thấy không thể hiểu nổi tại sao các bạn trẻ bây giờ lại có thể làm
bẩn miệng của mình bằng những thứ ngôn ngữ tục tĩu đến thế. Ngày trước, tôi được
dạy dỗ kỹ đến mức, rằng chửi bậy phải biết ngượng mồm và cũng giữ gìn đến mức
nghe người khác chửi tục, mình thấy ngượng tai.
Đó là lớp trẻ, còn lớp có tuổi
hơn một chút, cũng không hơn là bao. Rất nhiều bạn bè của tôi thời đi học đều
ăn nói dễ nghe, nhưng chỉ một thời gian đi làm thì đã đổi khác. Họ chửi như hát
hay, chửi khắp nơi, như một điều cần thiết của giới làm ăn. Không rõ họ có phân
định được rạch ròi giữa môi trường làm ăn và môi trường gia đình, trước mặt con
cái, cha mẹ họ có giữ được lời ăn tiếng nói trong sạch hay không?
Tôi thì không tin rằng với những
thói quen chửi bậy đến cỡ đó, người ta sẽ giữ được một tâm hồn cao đẹp và trong
sáng. Cố chửi cho thật “thậm tục tĩu” chắc chắn con người đã làm vấy bẩn tâm hồn
mình rồi. Điều đáng sợ là bây giờ người ta không những chửi bậy nhiều hơn, mà
còn chẳng thấy ngượng tai khi nghe người khác chửi bậy, nên người nhiều tuổi chẳng
ai buồn nhắc người trẻ tuổi chuyện nói tục chửi bậy nữa.
Người Hà Nội vốn thanh lịch,
chứ không có chuyện “dẫu không thanh lịch vẫn là người Tràng An” đâu vì người
nơi khác chắc vẫn băn khoăn rằng sao người Hà Nội gì mà có người tục tĩu đến thế.
Đã đến lúc, nhiệm vụ xây dựng nếp văn hóa của người Hà Nội cũng phải nghĩ đến cả
phong trào vận động giảm nói tục, chửi bậy. Khi đó chúng ta mới có thể tự hào
“rằng thơm đích thị hoa nhài, xứng danh thanh lịch là người Tràng An.”
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
No comments:
Post a Comment