Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, October 27, 2016

Đồng bọn

Bá Ba Nhi Bôn năm nay cũng buộc phải học bơi một cách nghiêm túc, chứ không phải cứ vào bể bơi là chỉ có vầy nước như mọi năm. Thật bất ngờ, cô bé tập luyện chăm chỉ và học rất nhanh và chóng biết bơi. Cũng một phần là nhờ bác Tùng.

Bác Tùng gần sáu mươi tuổi, nhiệt tình lắm, ai bơi kém, bơi xấu, chưa đúng kỹ thuật bác đều chỉnh cho cả. Ba của Nhi Bôn do bận dạy cho anh Nhi Bá và cả mấy bạn khác nữa, nên chẳng quan tâm được mấy đến cô bé, thì đã lại có bác Tùng. Bác Tùng như thế là có thêm một cô bé học trò rất ngoan, tập chịu khó lắm.

Hết mùa hè và cũng hết mùa bơi, vào năm học mới lộ trình đưa hai bạn ra bến xe bus trường có thay đổi, phải đi xa hơn một chút và qua đúng cửa… nhà bác Tùng. Một ngày nhớ ra, ba của hai bạn chỉ: “Nhà bác Tùng kia con kìa!” làm cô bé Nhi Bôn thích lắm.

– “Bác Tùng có biết mình đi qua không hả ba?”
– “Biết con ạ, ba có kể là từ năm học năm nay ngày nào, giờ này ba ba con cũng chở nhau đi qua nhà bác.”
“Chán nhỉ, bác không ra để mình chào.”

Ba của Nhi Bá, Nhi Bôn chợt nhớ ra một trò chơi hồi thơ bé. Cứ đi qua cửa nhà bạn nào, nếu muốn gọi nó thì chỉ cần đếm “Một hai ba An ơi!” là tiếng gọi vang động cả khu phố, hàng xóm láng giềng có mà dậy hết.

– “Hay là thế này, ba ba con mình từ sáng mai sẽ đếm một, hai, ba rồi gọi “Bác Tùng ơi!” nhé. Như thế bác Tùng sẽ nghe thấy.”

Nhi Bôn thích lắm, đồng ý liền. Từ sau hôm đó, hai ba con cứ đi qua là đếm rồi hô. Tất nhiên hô bé bé thôi, bác Tùng chẳng nghe thấy được nhưng hai ba con cười rõ là vui.

Tại sao lại chỉ có hai ba con? Vì anh Nhi Bá ngồi sau cùng từ khi lên lớp Sáu, đã “trở thành người lớn” nên chẳng thích chơi trò đó nữa. Chuyện “trở thành người lớn” này ta sẽ nói trong một chuyện khác.

Hôm qua sang bác Tùng chơi, mình kể “sáng nào bố con em cũng gào tên bác, hì hì…”

– “Ơ thế ạ, thế mà tôi chẳng nghe thấy bao giờ nhỉ!”
– “Em đùa đấy, em và Nhi Bôn đếm “Một hai ba Bác Tùng ơi!” rồi hô bé tí cho vui thôi, bác không nghe thấy được. Thôi em rút kinh nghiệm mai gào thật to vậy.”

Sáng nay vừa đếm xong, ba của Nhi Bôn gào thật to, còn giọng cô bé lanh lảnh nhưng bé tí, bị át đi chẳng ai nghe thấy gì. Cô bé cười khanh khách khoái chí lắm:

– “Ba hô to thế! Bác có nghe thấy không nhỉ?”
– “Ba không biết con ạ, nếu bác ngồi sau cửa sổ tầng hai viết thư họa như thường ngày thì chắc là sẽ nghe thấy đấy! Hồi bé, ba hay cùng các bạn chơi trò này, đi gọi các bạn khác là hét ầm phố xá. Còn có trò nữa, ba không chơi nhưng các bạn khác hay áp dụng là hét tên bố, mẹ thậm chí cả ông, bà nhau ra. Nếu đã hét như thế, bị coi là chửi bạn rồi.”

Nhi Bá ngồi sau cùng của xe máy, băn khoăn hỏi:

– “Tại sao lại là chửi ạ?”
– “Ừ, ngày xưa hay có trò ngó bằng được tên bố mẹ nhau trong sổ liên lạc, rồi có chuyện đem ra réo lên, như thế được coi là chửi bạn. Bạn bị chửi cũng hậm hực, tức lắm, có khi còn đánh nhau, rồi giận nhau rất lâu. Còn nếu bạn cùng phố thì đương nhiên là biết tên bố mẹ, đem gọi bố mẹ nhau bằng thằng, bằng con như một sự xúc phạm ghê gớm. Xung đột cũng từ đó mà ra. Bây giờ các con không có trò đó, cũng là một tiến bộ lớn của thời đại. Các con đã có những mối quan tâm khác, và chắc chắn là xúc phạm nhau cũng bằng những… cách khác. Nếu có những sự xích mích con cần trao đổi với ba mẹ để ba mẹ giúp có những cách xử lý tốt nhất.”

Nhớ hồi mình còn bé, còn có trò ghép tên bố vào sau tên con để gọi, thậm chí có bạn còn bị ghép cả tên… ông bà. Thật cũng chẳng hiểu giáo dục kiểu gì, mà hồi đó cứ lôi bố mẹ ông bà nhau ra chửi thế, chẳng có tí tôn trọng nào. Bây giờ trẻ con chúng nó chửi nhau khác, nhưng có vẻ chẳng thèm chửi bố mẹ tổ tiên nhau, mà chửi thẳng vào nhau thì phải. Nếu cần chúng nó đánh nhau luôn, quay phim “ắp” lên mạng, tha hồ hạ nhục nhau, tàn nhẫn hơn nhiều.

Hay hồi đó, tính truyền thống, coi trọng tổ tiên cao hơn bây giờ?     


Ra đến bến xe, điện thoại nhận được tin nhắn: “Tôi nghe thấy rồi, chúc ba bố con ngày vui vẻ!” từ bác Tùng. Kể cho Nhi Bôn:

“Bác Tùng nhắn là nghe thấy con gọi rồi, bác chào con và chúc con ngày mới vui vẻ!”

Nhi Bôn cười tít, đôi mắt một mí híp lại trên hai cái má phính. “Cậu ta” cười khanh khách với “đồng bọn” là ba của “cậu ta,” thì thào vào tai:

– “Mai chúng ta lại gọi bác Tùng nữa nhé!”
– “Ô-kê, đồng ý luôn. Mai mình lại gọi thật to nhé!”
– “Vâng ạ…”

Hôm nay, ngày mai, chắc thêm ngày kia nữa… ba ngày thu cuối cùng còn sót lại với nắng hanh vàng rực rỡ, trời xanh ngắt vào gió heo may thỉnh thoảng ào ào trên cành lá. Cuối tuần này đã là gió mùa đông bắc về rồi, Hà Nội sẽ vào đông. Hà Nội đang trải qua những ngày đẹp nhất của mình trong năm, cũng như mình đang sống những ngày đẹp nhất của cuộc đời: được làm bạn với con, và được chúng nó yêu quý lại.

Rồi những ngày đẹp nhất sẽ qua, sẽ đến những ngày mưa gió… rồi lại đến những ngày đẹp. Tuổi thơ của các con rồi sẽ đi qua, nhưng ba tin mỗi năm, dù các con đã lớn chúng ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui mới. Hạnh phúc thì lúc nào cũng có, miền là chúng ta biết nuôi dưỡng lòng yêu thương các con nhỉ.

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây  

No comments:

Post a Comment