Em Thái dưới Nhi Bá một lớp,
cũng kỳ cạch đi tập bơi được lâu lâu rồi. Sắp tới có giải bơi của Quận, trường
em đã đăng ký cho em đi thi đấu nên lại nảy sinh ra mấy vấn đề.
Số là anh chàng này bơi cũng
đã sạch nước cản, nhưng hoàn toàn chưa biết xuất phát và xoay vòng. Mẹ Thái hẹn
ba của Nhi Bá ra bể bơi để tập cho anh chàng hai kỹ thuật tối cần thiết kia, chứ
ai đời lên bể bơi nhảy tùm hai chân xuống như hòn đá thì buồn cười lắm.
Hóa ra vấn đề lại trở nên khó
khăn hơn ba của Nhi Bá tưởng tượng: Thái không thể trèo được lên bục xuất phát,
dù trước đó đã “nhảy cắm đầu” rất tốt từ thành bể xuống nước. Nhưng ở đây lại
là từ cái bục cao đến 70cm. Nói quả đáng tội, cái bục nhảy này làm bằng thép
không rỉ và nhựa tổng hợp, vốn được lắp đã khá lâu vào thành bể bằng 4 con
bu-lông nên khá là lỏng lẻo. Cái bục này là khá nhất, những bục khác còn tệ nữa,
lung lay như răng bà lão, khiếp lắm.
Cứ nghĩ đơn giản là nói với
Thái: “Cháu lên bục đi!” là cậu ta sẽ trèo lên. Ai dè cậu ta nắm chặt, gần như
ôm vào cái bục, thở dốc. Hỏi cậu ta: “Sao thế, không trèo lên được à?” Mới phát
hiện ra, Thái đang khóc, nhưng những giọt nước mắt không chảy ra ngoài, chắc là
nó đã đầy sũng ra ở trong cặp kính bơi.
Cuối cùng phải cầm tay cho
Thái trèo lên, nhưng cũng không dám đứng thẳng người, mà ngồi xổm và run cầm cập,
như bị sốt rét. Động viên mãi, thì Thái cũng đã đứng được lên nhưng ở tư thế
khom khom như… người thượng cổ. Khổ thân chú bé, chắc chưa bao giờ phải làm một
việc khó khăn đến vậy.
Cuối buổi tập, sau nhiều công
sức của bác và nước mắt của cháu, Thái cũng xuất phát được vài lần từ trên bục
xuống nước. Những nỗ lực như thế, đương nhiên là phải khen. Mẹ của Thái thì giải
thích, rằng cháu sợ độ cao nên mới nên chuyện…
***
Ngày hôm sau tiếp tục tập, ba
của bạn Nhi Bá phải lên dây cót tinh thần trước cho chú bé. “Thái nghe này: hôm
qua cháu đã rất cố gắng, thật đáng khen. Cháu nghĩ xem nhé, cháu chưa dám trèo
lên để xuất phát, và cuối cùng dám trèo lên; như vậy là ranh giới giữa sợ và
không sợ, cao hơn là nhút nhát và bạo dạn, rất mong manh. Ai cũng có lúc sợ,
nhưng có những người khắc phục được nỗi sợ, và có những người không khắc phục
được. Mà đã không khắc phục được nỗi sợ hãi trong mình mãi mãi, thì người ta sẽ
gọi là hèn vĩnh viễn.”
Thái gật gật đầu. Hôm nay anh
bạn tập cũng không khá hơn cuối buổi hôm qua là bao nhiêu, nhưng cũng không đến
nỗi quá run rẩy.
“Mỗi khi cháu thấy quá sợ, quá
run, hơi thở gấp gáp, cần lấy lại bình tĩnh bằng cách thở chậm lại, hít váo thật
sâu và thở ra thật từ từ…”
Thái làm thử và bình tĩnh trở
lại. Tất nhiên nỗi sợ cái bục nhảy, vẫn chưa khắc phục được.
***
Câu chuyện được kể cho Nhi Bá,
cậu chàng nghe xong, cười cười:
“Thế em Thái bây giờ đã hết sợ
chưa ba?”
“Chưa con ạ. Kéo dài như thế
là hơi lâu, chứ như con thì nhanh thôi, vài buổi đã nhảy ầm ầm.”
“Ơ thế là lúc đầu con cũng sợ ạ?”
“Sợ chứ, sợ ác liệt ấy chứ, và
điều đó cũng chẳng phải độc quyền của riêng con, vì ngay cả ba cũng ngại, không
hẳn là sợ, nhưng trèo lên đó đứng thử, cũng không thích thú gì cho lắm. Ba vốn dĩ
từ nhỏ không thích những trò trèo leo, nên làm một việc là đứng lên cái bục nhảy
như thế, thật là chẳng khoái tí nào. Ngay cả bây giờ, lâu không làm mà bảo trèo
lên đứng, cũng thấy lạ lạ mất một tí tẹo, rồi mới quen.”
“Thế mẹ em Thái bảo, rằng em sợ
độ cao như thế thì em đi máy bay như thế nào?”
“Thứ nhất, đi máy bay thì chẳng
có gì là “độ cao” cả, nó còn thoải mái hơn cả đi ô tô. Thứ hai, sợ khi trèo lên
cái bục đó, không phải là sợ độ cao, mà là sợ sự chênh vênh. Không cần phải lên
một độ cao quá cao, mà chỉ cần vừa phải thôi, như hồi ba còn bé có trò chơi
trèo lên đứng và đi trên đỉnh một bức tường chẳng hạn, ba rất không thích. Trèo
lên đó đứng, dang tay ra, người chao đảo không có chỗ bấu víu… thực sự rất sợ.”
“Sợ ngã ấy hả ba?”
“Đương nhiên là sợ ngã rồi!
Cũng không cần trèo lên bức tường, đứng lên cái ghế đẩu cao cao một chút, mặt
ghế nhỏ nhỏ một chút chúng ta cũng sẽ có cảm giác tương tự. Các cụ nhà ta có
câu: “có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo” nghĩa là con trẻ biết
bơi là tốt, tránh được đuối nước, còn trèo leo nhiều chỉ tổ dễ tai nạn. Bây giờ
các con có nhiều quan tâm khác, không phải chơi những trò nguy hiểm như hồi nhỏ
của ba, nhưng cũng cần phải có các hình thức rèn luyện khác.”
“Rèn luyện như thế nào ạ?” Nhi
Bá hỏi.
“Các trò chơi đi trên cái ống
tròn thấp thấp ngoài công viên con nhớ không? Đó, đại loại thế. Còn có các
trung tâm người ta thiết kế nhiều trò khác để các con chơi, chóng quen và vẫn đảm
bảo an toàn. Việc này rất quan trọng, vì sau này trong cuộc sống con sẽ phải tự
bước đi, không có ai cầm tay, chẳng có chỗ nào mà bấu víu cả. Con có ba rèn luyện
nên đã quen từ vài năm rồi, nhưng em Thái sống với mẹ, cô ấy không nghĩ hết được
tất cả các ngóc ngách những việc như thế, nên bây giờ ba phải giúp luyện cho
em. Như thế là một thiệt thòi lớn cho em, nhưng ngược lại, người có xuất phát
điểm thấp, con đường khó khăn khi đã vượt qua được anh ta sẽ rất vững vàng. Còn
nếu không vượt được qua, thì sẽ còn có những thử thách khó khăn hơn nhiều đứng
chờ trước mặt trên con đường đời, lúc đó ý chí, dũng khí để vượt qua, làm sao
có được?”
***
Để cho Nhi Bá nghĩ một lúc,
mình mới nói tiếp.
“Trong cuộc thi đấu ấy, khi nhảy
xuống nước rồi, con có nghe thấy gì không?”
“Không ba ạ, chỉ nghe thấy tiếng
nước rào rào, và nhìn thì thấy các bạn thi cùng lờ mờ bên cạnh.”
“Đó con thấy không, bơi lội là
một môn rất hay. Một khi bước vào cuộc đua, anh sẽ phải một mình nỗ lực hết sức,
bất chấp mọi người có hò hét cổ vũ đến mấy, anh ta không nghe thấy, cảm thấy được.
Đây là một thử thách rất tốt. Con người bước chân vào cuộc đời vốn dĩ sợ sự cô
đơn, nên lúc nhỏ gần cha mẹ, anh chị em; lớn một chút muốn gần bạn bè, rồi lấy
vợ lấy chồng, rồi lại có con cái… Điều đáng sợ nhất là con người không biết được
anh ta sẽ đi về đâu khi kết thúc con đường đời, và sẽ phải đối mặt với sự chia
tay chắc chắn sẽ xảy ra với những người thân yêu nhất của mình. Anh ta sợ.”
Con người sợ sự cô đơn. Sự vui
vầy sum họp là hữu hạn, và sự cô đơn là vĩnh cửu, anh ta sợ điều đó.
Nhi Bá vốn đã quen với những
câu chuyện ba nói, nên rất bình tĩnh.
“Vậy thì làm thế nào ba nhỉ?”
“Con thi bơi là cách rất tốt đấy,
con sẽ quen với cái sự “một mình” đó, và phải nỗ lực khi không có ai ở bên cạnh
để vượt qua. Nếu con nhìn thấy đối thủ vượt trước, thì là con thua hẳn rồi,
nhưng nếu bạn chỉ ở bên cạnh thì có nghĩa là ngang sức, ngang tài, con phải nỗ
lực hết sức mà không biết được mình và bạn ai đã vượt lên trước ai. Vừa rồi con
về trước bạn Mathis về thứ nhì, chỉ có 8% giây đồng hồ thôi, ghê gớm chưa? Bây
giờ không còn là chênh vênh không có ai để bấu víu nữa, mà ta đã khắc phục được
cái đó rồi, ta lại phải đi tiếp, bước chân vào những cuộc đua mới, mà cuộc đua
khó khăn nhất bao giờ cũng là đua với chính mình, chiến thắng chính mình là khó
khăn nhất.”
“Sẽ có những lúc không có ai
giúp được mình, chỉ có một mình thôi hả ba?”
“Nhiều lúc như thế. Có người
khi nhảy xuống dòng nước lũ chảy xiết cứu người khác, cứu được vài người rồi và
khi cố gắng cứu đến người cuối cùng thì đuối sức. Những lúc như thế cần hết sức
tỉnh táo và bình tĩnh, cái có thể bấu víu duy nhất chính là nước, ta nương nhẹ
vào nước mà nghỉ, từ từ lấy lại sức thì vẫn có thể được an toàn. Con nhớ nhé,
chắc chắn sẽ có những lúc không ai bên cạnh có thể giúp được ta, chỉ trông vào
sức mình thôi, cần hết sức bình tĩnh, không cuống, khéo léo lựa chiều để giữ lấy
mạng sống. Ba đã từng nói chuyện với con về sự hi sinh, về việc nếu cần sẵn
sàng hi sinh mạng sống vì người khác, nhưng mạng sống rất quý giá, giữ được thì
vẫn nên giữ chứ!”
***
Ai trong số chúng ta cũng đều
cần, rất cần phải có những lúc ngồi một mình. Ngẫm nghĩ về quan hệ của mình với
vũ trụ, tự nhiên, vạn vật. Ngẫm nghĩ về quan hệ của mình với mọi người xung
quanh. Và ta mỉm cười, khi hiểu rằng ta đã yêu vạn vật và mọi người đến từng
nào, ta thấy vui vì đã dành hết cuộc đời này cho họ, bắt đầu từ những người gần
gũi nhất bên cạnh. Và ta sẵn sàng chào, “Xin tạm biệt!”
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment