Từ chuyện “bét ra (mới là) sư phạm”
Bây giờ mọi người đã dần dần
quen với cách gọi là “Ngày nhà giáo Việt Nam” chứ thời những năm 1980 trở về
trước, ngày 20/11 hàng năm là “Hiến chương các nhà giáo” và đã có một thời các
thày cô cười ra nước mắt: “Ngày hiến cam các nhà giáo…” Sự trùng hợp rất đặc biệt
vì “mùa này cam rẻ,” các trò cứ đến nhà thày cô, là mua cam, thứ quà có lẽ dễ
mua, lại “thiết thực” vì thày cô còn ăn được. Đó là thời nghĩ đến mà thương.
Tất cả ai cũng vậy, cứ là thày
cô giáo đồng nghĩa với sống thanh bạch, nghèo, nhưng trọng tình cảm và giàu tự
trọng nghề nghiệp. Mẹ tôi là một trong số những người như thế, là con gái Hà Nội
cũ, bà được dạy đầy đủ nữ công gia chánh và những tài năng đó thực sự nở rộ
trong cái thời mỗi nhà là một đơn vị sản xuất. Khâu len, đan móc, may quần áo,
vắt sổ, làm guốc gỗ, xe hương (nhang…) thôi thì đủ nghề.
Tất nhiên không phải ai cũng
như vậy – năm tôi học lớp Hai, sau ngày 20/11 đến lớp bị cô giáo mắng cho một
trận xa xả. “Cô từng này tuổi rồi, đến nhà cô còn tặng cô cây dừa (làm từ cuộn
phim cũ) vũ nữ bằng thạch cao… Sao không như mấy bạn L bạn N này, đến tặng cô
cái nón có phải thiết thực không!” Về kể lại cho mẹ, mắt mẹ tôi thoáng buồn.
Hôm sau nghe lỏm bà nói chuyện với dì ruột của tôi: “Chúng nó đến, mình còn lo
về trưa đói, nấu cơm cho cả lớp ăn. Chúng nó chẳng tặng cái gì cũng là quý, chứ
mình đâu dám yêu cầu tặng cái này cái khác…” Ấn tượng đó chẳng bao giờ phai mờ
trong ký ức con trẻ của tôi. Thời đó, hiện tượng này là ít vì xã hội cùng
nghèo, nhưng cùng giữ được những giá trị về văn hóa và tinh thần; không bị kinh
tế thị trường hủy hoại mạnh mẽ như bây giờ.
Nhưng cũng chính thời đó, tư
tưởng “nhất y nhì dược, tạm được bách khoa, bét ra mới là sư phạm” cũng đã len
lỏi vào xã hội, nó cho thấy cái mong ước của con người có một cuộc sống dư dật
hơn, ngoài ăn no mặc ấm dần dần cũng phải tiến lên ăn ngon, mặc đẹp. Và nghề
giáo, một nghề có lẽ sống rất chậm nếu chỉ làm công việc chính của mình, chắc
chắn sẽ rớt lại phía sau.
Đến thời “giàu là nhà giáo” và “nghèo vẫn là nhà giáo”
Đó là thời của chúng ta hiện
nay, khi mà người ta nhắc đến chị H, anh T… thì kèm với câu xuýt xoa “Ối giời
ôi, nó bây giờ là hiệu trưởng trường tiểu học thôi, nhưng mà giàu lắm! Cứ mỗi một
xuất trái tuyến là chia nhau rồi cũng phải bỏ túi được vài chục triệu đồng…” “Ối
giời ôi, nó bây giờ dạy thêm xây được nhà mấy tầng Hà Nội đón bố mẹ lên, lại vẫn
cơ ngơi to đùng ở quê…” Chuyện này đang diễn ra ngày một nhiều, đến mức… nhan
nhản ở thành phố lớn, đặc biệt phổ biến ở Hà Nội. Chẳng nói đâu xa, một trường
tiểu học công lập được gọi là “điểm” ở gần nhà tôi, quận C của Hà Nội các cô
giáo để xe ô tô chật sân, còn xe máy thì chẳng có cái nào cũ mà hầu hết là xe
tay ga đắt tiền.
Nhưng cũng chính các thày cô
tiểu học lại chẳng hiếm trường hợp nghèo đến rất nghèo, phần lớn xuất thân nông
thôn, bước chân khỏi cánh cổng trường sư phạm là phải chấp nhận cuộc sống đô thị,
thuê nhà ở, dạy dân lập cạnh tranh khốc liệt và luôn thường trực sự đe dọa “trường
công không đuổi được các cô nhưng ở đây chúng tôi đuổi được” từ những người
“kinh doanh giáo dục.” Lương có thể cao hơn giáo viên công lập nhưng “bổng lộc”
chẳng có gì vì mức học phí cao đã làm hạn chế đi ý định “úy lạo tinh thần thày
cô bằng phong bì” từ phụ huynh mỗi dịp lễ Tết.
Đó là chuyện ở thành phố, còn ở
các vùng quê đến các vùng sâu, vùng xa… thì cuộc sống các thày cô khó khăn
không biết bao nhiêu mà kể. Tôi chứng kiến có cô giáo cắm chốt ở điểm trường
vùng cao, mà đi về điểm trường chính xe máy cũng mất 3 giờ đồng hồ đường núi gập
ghềnh… Đến mức mà chỉ một hai tháng, xe của cô đã hỏng tan một sợi xích tải
nhưng mua thì đắn đo vì lương cô quá thấp. Nhưng cũng không ít cô giáo dạy lâu ở
vùng cao rồi, lương không còn là vấn đề nữa vì bậc ngạch cũng đã tương đối, lại
ở vùng sâu chẳng cần tiêu gì… lúc đó cái mà họ cần, là các cơ hội phát triển, học
tập, nâng cao hiểu biết và kiến thức xã hội.
Thế nên mới có những chuyện
thú vị nhưng cười ra nước mắt như “cô thủ khoa chăn lợn” – biết là vào nghề thì
nghèo và đầy khó khăn, nhưng bù lại đó là sự chắc chắn của suất biên chế
(“không bị đuổi!”) mà vẫn ham để lao vào, để chấp nhận chăn lợn chờ biên chế chứ
không chịu đi dạy dân lập hay làm tạm nghề khác.
Lại có biết bao chuyện đau
lòng mà cái anh “kinh tế thị trường” là rất dễ bị đổ lỗi: thày cô giáo để có
thêm thu nhập, làm những việc không đúng chuẩn mực đạo đức xã hội thậm chí vi
phạm pháp luật, như tổ chức đánh bạc, ghi số đề… so với những việc đó thì thày
cô giáo tham gia bán hàng đa cấp còn cao đẹp chán.
Đến việc cần nhìn nhận lại nghề giáo và giáo dục trên bình diện toàn xã
hội
Không thể nói là không có bất
bình đẳng giữa những người làm nghề giáo với nhau, điều này xuất phát ngay từ
quan niệm lâu nay rằng có môn chính, có môn phụ… Ngữ văn với Toán phải là quan
trọng nhất, còn nhạc họa thể dục chỉ học cưỡi ngựa xem hoa thôi. Thế mới có
chuyện nhiều nhà cố gắng cho con đi “tị nạn giáo dục” vì “ở bển” môn Toán thì học
không quá khó như ta, trong khi thể dục hóa ra là một môn cũng… quan trọng như
tất cả các môn khác.
Ấy thế mà chẳng nói đâu xa, lớp
con tôi vẫn có những phụ huynh đề nghị nâng chương trình toán lên thật cao, để
các cháu có thể vươn tới những mục tiêu xa hơn về học vấn; đương nhiên với họ
các môn khác, đặc biệt giáo dục thể chất là chuyện rất phụ. Chúng ta chẳng cần
bàn sâu thêm về tư tưởng “mô hình đào tạo Ngô Bảo Châu trên diện rộng” như thế
này làm gì… nhưng rõ ràng cái tư tưởng đó đã làm hại đến chính mối quan hệ giữa
các thày cô, làm các thày cô dạy những môn phụ bị “tụt đẳng cấp” một cách thảm
hại.
Cũng xuất phát từ quan niệm rằng
việc học của con ở trường gắn liền với kết quả học tập thể hiện trên điểm số,
và chính những “con chữ con số” được nhồi vào đầu con cái chúng ta, sẽ quyết định
sự thành công sau này trên đường đời của chúng mà ở cái thời mạnh vì gạo, bạo
vì tiền không hiếm phụ huynh tìm mọi cách mua chuộc thày cô dù chỉ với “mục
đích tốt” là thày cô quan tâm con mình hơn một chút.
Chúng ta đang quên rằng, thày
cô ngoài dạy chữ, còn dạy con chúng ta thành người. Mua chuộc thày cô hay làm
gì chăng nữa, đều là coi thường nghề giáo và nếu nhà giáo tồi tệ như vậy, thì tại
sao chúng ta mong họ có thể dạy con chúng ta thành những người tốt, có ích cho
xã hội cho được?
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment