Câu chuyện bắt đầu từ vụ án
Nguyễn Đức Nghĩa, và tiếp theo đó đến vụ án Lê Văn Luyện.
Cả hai vụ, mình đều theo dõi
thái độ của “cộng đồng mạng” và đều chứng kiến một sự sục sôi, kêu gọi mối hận
thù phải được rửa bằng máu.
Lần này đến vụ án một cháu bé
bị sát hại ở Nhật Bản. Để trả lời vài người bạn, mình có viết đúng hai câu về
việc hiện nay đang có phong trào xin chữ ký để hoặc, gây sức ép lên hệ thống tư
pháp nước người ta mà có án tử hình, hoặc có cách giải thích khác là muốn vụ án
được xử nghiêm minh.
Trước tất cả những vụ án như vậy
– hết thảy chúng ta đều thấy rất đau lòng khi vẫn xảy ra những cái chết thương
tâm. Thông thường, mình đều giữ bình tĩnh và đề nghị một cách nhìn nhận nhất
quán: “Cách trừng phạt tốt nhất là tha thứ.”
Nhưng hôm qua mình đã block một
“hồng vệ binh” với avatar đỏ rực khẩu hiệu. Anh ta cho rằng “tha thứ cho cái ác
sẽ làm cái ác hoành hành ghê gớm hơn.” Thật vậy không?
Thứ nhất, mình không thù ghét
gì cái một cái nick ảo con người thật hoặc nick thật con người ảo ấy – nhưng một
câu nói mang theo năng lượng xấu, cần phải được đặt bên kia hàng rào.
Thứ hai, mình sẽ trình bày rằng,
lấy cái ác diệt trừ cái ác, sẽ làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. Tại sao ở các nước
muốn hướng một cách mạnh mẽ tới nền văn minh, người ta lại dần dần bỏ án tử
hình? Lý do Tôn giáo (chỉ có Chúa mới có quyền thực hiện cái chết của con người)
chúng ta hãy gạt ra một bên. Khi người ta bỏ án tử hình, người ta nhận thấy những
thống kê xã hội học chỉ ra, tỷ lệ phạm tội hình sự nói chung, phạm tội nghiêm
trọng đến mức có thể bị áp dụng án tử hình nếu còn, giảm đi chứ không hề tăng
lên.
Điều đó cho thấy, hiệu quả răn
đe của án tử hình thấp hơn việc đề cao tình yêu thương trong xã hội. Người gây
án có thể nhất thời dại dột, nhưng sau đó họ sẽ đối mặt với tòa án lương tâm và
còn cơ hội để làm lại cuộc đời. Đó là câu chuyện của khoa học pháp lý.
Còn với những nước chưa bỏ án
tử hình, thì chắc chắn người ta sẽ đối mặt với những bản án nghiêm khắc, thậm
chí có thể đem lại cái chết cho họ, không đến lượt chúng ta phải phẫn nộ thì hậu
quả xấu với họ, vẫn xảy ra.
Riêng với vụ án Lê Văn Luyện,
luật sư của bên bị hại còn hô hào sửa luật để tử hình được cậu ta – đây là một
tư tưởng mà nếu áp dụng sẽ kéo lùi khoa học pháp lý nói riêng, nhận thức xã hội
nói chung về hướng man rợ. Pháp luật của ta dù chưa bỏ án tử hình nhưng vẫn
dành những góc nhân đạo và khoan hồng cho một số trường hợp – như ở đây là người
chưa thành niên phạm tội. Người đã hô hào đòi tử hình bằng được Lê Văn Luyện,
thì cũng sẽ bảo vệ luật khi người thân chưa thành niên của anh ta có thể đối mặt
với án tử hình.
Điều thú vị, là sau vài năm
mình có đọc bài báo nào đó kể rằng Lê Văn Luyện trong tù đã đọc sách Phật, và hối
hận những gì mình đã làm, muốn xây dựng lại cuộc đời mới. Nếu tử hình cậu ta
thì đã chẳng có điều tốt đẹp đó.
Vậy trước cái ác, ai cần sự
tha thứ? Sự tha thứ ở đây là lòng khoan dung của chúng ta, tức là dành cho tâm
của chính chúng ta, chứ không phải là dành cho người phạm tội. Dù chúng ta có
phẫn nộ đến mấy, nhưng số phận của anh ta chưa bắt anh ta từ giã cõi đời, thì
anh ta vẫn sống, như cháu Luyện.
Vậy nên, hãy tha thứ cho chính
tâm hồn của chúng ta đi đã.
No comments:
Post a Comment