Đứng trên đê, nhìn xuống ngôi làng nơi tôi đã lớn lên. |
Một chiều hè nắng như đổ lửa, ba Nhi Bá dẫn cả một
đoàn các bạn nhỏ, và cả bố mẹ làm “xe ôm” đi xem hai cái ngã ba sông, nơi những
dòng sông nhánh bắt nguồn từ con sông mẹ. Cái ngã ba sông nơi mình sinh ra và lớn lên, cả một
quãng cuộc đời thơ bé. Có lẽ cái dòng “quê quán” in trong giấy chứng minh thư,
và mỗi lần khai lý lịch cứ thế mà điền, cần phải thay thế bằng nơi ngã ba sông ấy.
“Nơi sinh: ngã ba sông…”
Nhi Bá thì đã được sang đây
vài lần rồi, còn Nhi Bôn thì lần này mới được tới chơi. Có những thứ vẫn thế từ
khi ba hai bạn nhỏ xíu – cây gạo cứ tháng Ba là nở hoa đỏ, đứng từ bên kia sông
đã nhìn thấy hoa li ti, chi chít… Mấy năm trước nó bị sét đánh suýt chết, dân
làng bảo do có doanh nghiệp nào đó “làm công đức” xây một cái sân vuông xung
quanh cây, lại đan cả cốt bằng thép trước khi đổ bê-tông, rất cẩn thận. Chắc do
cái cốt thép đó mà không chỉ một lần cây bị sét đánh. Trước đây nó ít thu hút
sét hơn như bây giờ nhiều. Cái triền đê cũng vậy, nó thoai thoải dốc xuống một
mặt đê phụ bằng phẳng nữa, nơi mà ba của hai bạn đã có không biết bao trò chơi
mê mải, và cả cưỡi nhờ những con trâu của bạn học cùng nữa.
Mỗi lần đi sang đây, là một lần
bồi hồi. Những cánh buồm nâu trên những con thuyền gỗ đã không còn nữa, thay
vào đó là những chiếc sà lan tự hành. Chúng nổ máy phành phạch, xả khói đen và
lặc lè chở nặng cát vàng cát đen, xuôi ngược dòng sông. Tiếng nổ của chúng lại
càng làm ta nhớ cái lặng lẽ của những con thuyền gỗ, chỉ thỉnh thoảng mới nghe
tiếng gió đẩy xoay cột buồm, cọt kẹt, cọt kẹt… Nhưng cái cảm giác khi nhìn vào
các gia đình sinh sống lênh đênh sông nước trên những chiếc thuyền, vẫn vậy. Mặc
dù bây giờ họ đã có điện, đã có phương tiện liên lạc nhưng chúng ta vẫn không
thể hiểu nổi cuộc sống tròng trành đó, nếu là chúng ta thì sẽ như thế nào.
“Các con nhìn này, chỗ chúng
ta đang đứng, là mặt đê. Hai bên dốc xuống, là “mái đê” và dưới cùng là chân
đê. Mái đê dốc đó còn được gọi là triền đê, chữ “triền” còn được dùng cho nhiều
chỗ dốc khác, như triền dốc, triền đồi, triền núi. Mặt đê, thường được dùng làm
đường giao thông luôn, thời xưa nó là đường đất thì bây giờ được trải nhựa, to
rộng có thể ô tô đi lại, tránh nhau được. Có nhiều đoạn đê chúng ta lại thấy có
một bờ đất đắp dài dọc theo mặt đê, trông giông giống như một con đê nhưng nhỏ
hơn rất nhiều, người ta gọi đó là “con chạch.” Được đắp thêm để tăng chiều cao
đê, nó cũng có tác dụng chống nước lũ khi nước quá cao. Mực nước ở phía trên áp
lực không lớn bằng phía dưới nên thường là con chạch chịu đựng được. Các con có
thấy có cả chỗ đê đứt đoạn ra, để cho người đi ra vào không? Người ta gọi đó là
“cửa khẩu.” Hai bên cửa khẩu được đổ bê tông, có đặt vào những khe thép. Khi có
nước lũ, trước là gỗ, nay là tấm bê tông được thả vào những khe thép đó, bên
trong người ta đổ đất kín, thế là cửa khẩu được hàn liền lại. Năm ba gần bằng
tuổi Nhi Bá bây giờ nước lũ đã lên đến chân đê, người ta đã phải thả tấm bê
tông đầu tiên dưới cùng vào cửa khẩu rồi, nhưng các tấm trên thì chưa, bà con vẫn
đi bộ và vác xe đạp qua được.”
Đứng đúng chỗ dải đất nhọn giữa
hai con sông, chợt nhận ra một bên nước chảy chậm và bên kia nước chảy xiết hơn
nhiều. Các con có biết tại sao không vậy không?
“Vì một bên sông to hơn, nước
chảy chậm hơn, bên kia sông bé hơn nên nước chảy nhanh hơn!”
Đúng rồi, nước đang chảy giống
nhau ở con sông mẹ, nó chia đôi một nửa chảy tiếp theo mẹ, một nửa ra sống tự lập,
nhiều đứa chen vào cùng một chỗ hẹp mà vẫn cố chảy như trước đây, nên phải chảy
nhanh hơn. Dần dần cuộc sống sẽ làm cho những đứa con ra tự lập đó, bình tĩnh
trở lại và lâu dần, lại còn muốn “sống chậm” để tận hưởng mọi ý nghĩa của cuộc
sống. Thế các con có để ý, trên mặt nước có những xoáy cuộn, trông như những lỗ
thủng kỳ lạ không? Tại sao lại có chúng, và bên sông mẹ hay sông con có nhiều
hơn?
“Ơ hay nhỉ! Bên sông con có
nhiều hơn! Nhưng tại sao lại có những lỗ thủng như thế?”
Do đáy sông mấp mô, rồi lại có
cả những hố sâu hoắm xuống, thậm chí có những hang động ngầm dẫn nước đi chỗ
khác… mà tạo thành những xoáy cuộn, những hút nước… như thế. Bên sông con do
dòng chảy xiết hơn, tạo nên những mấp mô ở đáy sông nhiều hơn, và cũng do nước
chảy nhanh hơn thế là ta thấy có nhiều xoáy, hút nước hơn…
Lại vẫn con sông mẹ ấy, nó
chia dòng vào một con sông con khác nữa, và lại thêm một ngã ba sông ba dẫn các
con đi xem. Con sông con này êm ả quá, vì nghe nói nó đang chết dần, do không
được khơi thông dòng chảy, do quá nhiều chất thải của con người ngày ngày đổ xuống.
Thật đáng buồn.
Một ngày, ba sẽ dẫn các con đi
xem nơi dòng sông mẹ này nhận nước từ một dòng sông lớn khác. Chúng chảy song
song với nhau suốt từ nơi Tổ quốc bắt đầu, và nhờ có một rặng núi lớn mà chúng
nhập dòng, hòa nước với nhau đổ ra biển.
Thấm thoát đã sang đông, và
hai bạn lại có một chuyến đi lên “mạn ngược.” Các con có thấy tiếng Việt thú vị
không? “Lên ngược” – “về xuôi” là thể hiện nơi đầu nguồn của các con sông đó.
Các con sông bao giờ cũng bắt nguồn từ miền núi, đầu tiên là những con suối nhỏ,
nhập vào với nhau thành những con suối lớn hơn và cuối cùng thì hòa vào dòng
sông, nhưng dòng sông trên thượng nguồn cũng không lớn hơn con suối bao nhiêu,
đặc biệt vào mùa khô như thế này. Chúng cũng giống những con suối, có nhiều doi
đất, cát vàng, sỏi… giữa dòng và cả nhiều cây cối. Nhìn ngắm chúng, ngắm những
ngọn núi soi bóng dưới dòng nước hiền hòa trong xanh, thấy quê hương mình thật
đẹp. Nhưng cũng chỉ chốc lát, những dòng suối hiền hòa có thể biến thành dòng
sông lũ dữ cuồn cuộn chảy, đỏ ngầu, cuốn phăng mọi thứ. Ba đã từng bị kẹt trên
miền núi cả tuần không về được nhà, chỉ vì một cơn lũ về bất chợt.
Các con hãy nhìn lên trên đỉnh
những ngọn núi kia, cây cối đã không còn nhiều nữa, do con người phá rừng đấy.
Vì không còn cây, nên lũ bây giờ sẽ về rất nhanh và sức tàn phá thật ghê gớm.
Con người đã có lỗi với thiên nhiên rất nhiều.
***
Kỳ thi học kỳ đã đến. Anh Nhi
Bá thi trước, phải chuẩn bị cả đề cương ôn tập cho các môn sử, địa, sinh vật…
Làm xong thì ngồi mà học thuộc. Anh chàng cũng có vẻ không quá khó khăn vất vả
với những môn học đó, vì bản thân việc làm đề cương cũng đã giúp học thuộc bài
dễ dàng hơn nhiều rồi.
“Ba kể cho con nghe một chuyện
nhé – hồi nhỏ ba có đọc một cuốn truyện mỏng, kể về mấy anh bạn tầm tuổi con.
Trong đó có một anh học rất khá, học môn nào cũng khá, kể cả những môn học thuộc
lòng vất vả. Về sau anh ấy chia sẻ cách học như thế này…”
“Khi học về hai con sông Tiền
Giang và Hậu Giang, chảy qua những địa danh nào, tớ thấy khó nhớ quá: sông Tiền
Giang chảy qua Châu Đốc, Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Bến Tre, Trà Vinh; sông Hậu
Giang chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng… Nên tớ rút gọn lại còn
“Châu, Sa, Vĩnh, Mỹ, Bến, Trà / Châu, Long, Cần, Sóc.” Như thế đã ngắn đi nhiều,
nhưng vẫn khó nhớ, thế là tớ thêm mấy chữ nữa vào cho thành hai câu thơ:
“Châu, Sa, Vĩnh, Mỹ, Bến, Trà
Châu, Long, Cần, Sóc ai mà nỡ
quên.” Thế là tớ học rất nhanh và chẳng bao giờ quên được.”
Con thấy không, đó là một cách
học rất thông minh mà ba đọc được, và áp dụng theo liền. Mãi đến tận sau này và
bây giờ, khi cần ghi nhớ một điều gì đó, ba đều cố tìm ra cách để ghi nhớ tốt
nhất. Thậm chí ba còn luyện cách ghi nhớ bằng hình ảnh, như bằng mắt ba chụp ảnh
lại trang sách, hình dáng cách đoạn văn bản, dài ngắn, đoạn thụt ra thụt vào…
đó là những công cụ làm ta nhớ lại rất tốt nội dung của trang sách đó.
Cái đầu của chúng ta không thể
nhớ được hết những gì được học, đó là điều chắc chắn. Chính vì thế, việc học
hành cũng không phải để cố mà nhồi thật nhiều đủ thứ vào đầu, mà là học kỹ thuật,
kỹ năng làm thế nào để nhớ được nhanh nhất, dễ nhất… và sau này thì huy động lại,
tức là nhớ lại được đơn giản nhất. Vậy thôi con nhé. Bây giờ con tập làm đề
cương ôn tập như thế này đã là rất hay rồi, nó giúp con hệ thống hóa những kiến
thức đã học và khi viết ra nó, đã là một lần học rồi.
***
Thế nhỉ các con nhỉ, câu chuyện
về những con sông chỉ sơ sài vậy thôi. Hai câu thơ về Sông Tiền Sông Hậu, cũng
không còn đúng nữa nếu căn cứ theo tiêu chí, rằng chúng chảy qua những tỉnh nào
của đất nước. Đất nước thay đổi, đến con sông còn có thể đổi dòng nữa là những
thiết chế do con người đặt ra…
Ba mong sẽ có ngày cùng các
con đi thăm những con sông khác của đất nước. Ba đã từng đi thăm những con sông
rất nổi tiếng của thế giới, chúng dài, vĩ đại nhưng sông quê ta vẫn là quê hương.
Với các con, còn có con sông của quê mẹ, nơi miền Trung khắc nghiệt, sông cũng
ngắn hơn nhiều so với miền Bắc ngoài này, hãy ngắm chúng mỗi khi về quê để yêu
những hình ảnh của chúng, vì có thể sau này các con sẽ đi rất xa và rất lâu mới
lại được về thăm quê.
Còn với ba, ngã ba sông nơi ba
sinh ra, có mùi mồ hôi lưng áo của bà nội con, lọc cọc chiếc xe đạp chở ba về nội
thành mỗi cuối tuần và đầu tuần lại sang với những người học trò vùng thôn quê
đó. Nơi đó có những cánh buồm nâu, như những con bướm khổng lồ, nay đã xa mãi,
chỉ còn đọng lại những hình ảnh trong ký ức.
Ký ức vẫn sẽ chờ chúng ta ở
đâu đó thật xa, phía chân trời.
No comments:
Post a Comment