Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, September 6, 2018

Từ vụ “đánh” GS Hồ Ngọc Đại nghĩ về cái thiếu của giáo dục Việt Nam


Không cứ cư dân mạng dậy sóng, mà cả báo chí cũng có nơi nhiệt tình vào cuộc với “công nghệ giáo dục (CNGD)” của GS Hồ Ngọc Đại. Nếu chỉ quan sát mạng xã hội không thôi, chẳng mấy khó khăn chúng ta sẽ nhận thấy có một điều lặp lại câu chuyện cách đây gần một năm: người ta xỉ vả cụ Đại không khác gì cụ Bùi Hiền “záo zụk” trước đây, thôi thì không thiếu bất cứ “lời vàng ý ngọc” tuôn ra mà người có lương tri bình thường, chắc chẳng ai có thể nghe được.

Tạm gác lại chuyện đó nói sau, trước hết chúng ta cần lướt qua một chút về những gì mà cư dân mạng mấy hôm nay tập trung vào – vấn đề đánh vần. Tất nhiên, đánh vần là nội dung đáng kể của chương trình lớp Một, với các cháu mới vào trường thì ai cũng hiểu rằng đó là một vấn đề rất quan trọng, nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến cả quá trình học tập và làm việc sau này, nghĩa là thực sự có ý nghĩa với cuộc sống con em chúng ta. Quan trọng quá đi chứ! Đáng tiếc, chỉ có một ý kiến thực sự tỉnh táo nói lên một điều: nhu cầu của dạy tiếng Việt đã trở nên bức thiết từ góc độ dạy ngữ âm, ngữ âm học hay ký âm (tôi không rõ tiếng Việt lắm, nhưng tiếng Anh là “phonetics”). Ai trong số chúng ta học tiếng Anh cũng đều thấy khó khăn do chữ viết và phát âm khác nhau khá xa, do đó với tiếng Anh thì học “phonetics” cũng là bắt buộc. Có một điều chắc chắn là nước Anh hay bất cứ nước nào khác, phát âm của các vùng miền khác nhau thì cũng sẽ khác nhau thiên hình vạn trạng, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Với hệ thống ký âm như trong từ điển chúng ta hiện nay, người Anh rõ ràng đã giải quyết được phần lớn những khó khăn đó. Với những ngôn ngữ khác dễ dàng hơn thì nhiều khi là không cần, như tiếng Nga hay Pháp… và có thể tiếng Việt của chúng ta cũng không cần, điều này xin dành cho các nhà ngôn ngữ học, ngữ âm học… trao đổi thêm.

Nhưng câu chuyện cho thấy điều thiếu sót nghiêm trọng của giáo dục chúng ta mấy chục năm qua: hầu hết các ý kiến phản đối một cách tự động (chiếm số đông), cho rằng (các) vị giáo sư đang… đề xuất sửa đổi tiếng Việt. Hoàn toàn không có chuyện đó: PGS Bùi Hiền đề xuất một cách thể hiện tiếng Việt mới dựa trên hệ thống chữ quốc ngữ hiện hành, còn GS Hồ Ngọc Đại, trong một video được chia sẻ trên mạng thì nói rằng “âm có sẵn từ ngàn đời nay, từ ông bà cha mẹ đã nói như thế, còn chữ chỉ là ký hiệu quy ước.” Như vậy cái thiếu của giáo dục Việt Nam cho đến nay, là không dạy được cho chúng ta cách lắng nghe, tư duy nghiêm túc và khoa học. Từ chỗ không biết lắng nghe, không biết tư duy khoa học, chúng ta nhanh chóng rơi vào hồ đồ và vội vàng phản đối.

Cá nhân tôi, xin bày tỏ trước một điều rằng dư luận xã hội cũng cần được thông cảm, với các thay đổi thường xuyên đến mức chóng mặt của ngành giáo dục nước nhà, mà cứ mỗi vài năm thì lại tính chuyện… cải cách một lần. Hồi đầu, tôi theo “tâm lý AQ” là con mình qua chuyện này rồi, không cần phải lo… nhưng có một thực tại hiển nhiên, rằng con mình học có khác so với thời mình đi học. Lúc đầu, tôi bực bội lắm, vì những cái mình được học đem áp dụng cho chính những vấn đề con mình đang giải quyết, khó khăn vô cùng. Sau những cuộc cãi cọ liên miên cả với cô giáo, tôi tìm hiểu và nhận ra nếu tiếp cận theo cách mới, hoàn toàn không khó khăn như mình tưởng, nếu không muốn nói có nhiều điều dễ dàng hơn. Tôi nói chuyện này là một ví dụ từ câu chuyện “học chữ” (kiến thức) nhưng nó có gốc rễ từ “rèn tâm,” tức là dạy đạo đức. Nếu tôi biết cách ứng xử mềm dẻo hơn, khiêm tốn hơn và chịu học hỏi hơn, thì câu chuyện đã khác – nhưng vì tôi cũng là một sản phẩm của nền giáo dục nước nhà, nên tôi cư xử không khác những… sản phẩm khác.

Gần đây nhất, trong buổi họp phụ huynh đầu năm lớp Bốn (trường dân lập khá giống công lập) của cô con gái nhỏ, tôi bất ngờ với những chia sẻ của cô chủ nhiệm: các cô và cha mẹ cần chia sẻ hơn nữa quan điểm con đi học phải vui vẻ, hạnh phúc, rằng học chữ không phải là điều quan trọng nhất trong giáo dục các con, mà đạo đức và thể chất mới là cốt lõi. Tôi viết là “bất ngờ” vì vốn trước nay, chúng ta là các bậc cha mẹ thì quen đổ lỗi cho cả nền giáo dục, từ đó cho rằng thày cô, những đại diện của nền giáo dục đó, cũng “một cách tự động” là sai lầm và lạc hậu. Những chia sẻ đó cho thấy một thực tế: cô giáo lại là người tiến bộ hơn rât nhiều người trong số những phụ huynh chúng ta.

Tôi xin kể một câu chuyện nữa, sau chia sẻ của một nhân viên trường quốc tế U. – có thể nói là trường quốc tế tốt nhất ở Việt Nam hiện nay. Có rất nhiều học sinh Việt Nam theo học ở đó từ lớp Một, nhưng lại khá kém, cả về học tập lẫn đạo đức. Từ góc độ học tập, chúng ta thường cho rằng trường quốc tế hoặc “có tính quốc tế” thì con cái chúng ta học nhàn hạ hơn, thực tế thì chẳng hề nhàn hơn. Đơn giản là họ không bắt học theo kiểu nhồi nhét rồi sau đó đánh giá kiến thức, mà đòi hỏi khả năng tự nghiên cứu độc lập từ nhỏ. Khả năng này, xuất phát từ việc dạy đạo đức cho con khiếm khuyết nên các học sinh Việt Nam ở đó cũng không thiếu cháu không theo được cách học quốc tế, đồng thời cư xử thì nhiều vấn đề, dẫn đến cho cha mẹ những đau khổ không nhỏ. Nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, gốc rễ vấn đề nằm ở chính cha mẹ: quá bận rộn, nghĩ rằng đắp tiền lên con, cho học trường đắt tiền là ổn… và đến khi có chuyện lại cư xử thô lỗ với con, không nhận ra là cả một quá trình xa rời con quá dài, đến nay đã đánh mất đứa con đó rồi.

Điều tương tự với các du học sinh Việt Nam đi nước ngoài không thành công, tôi đã từng viết bài phản ánh. Các cháu không quen lao động, được phục vụ tận mồm đủ các thứ, không bao giờ thiếu thốn và mặc định sẽ được bố mẹ lo mọi điều, định liệu mọi thứ của cuộc sống. Như thế là khiếm khuyết của nền giáo dục không dạy được các bậc phụ huynh cách làm cha mẹ đúng, chứ còn gì nữa!

Quay lại với GS Hồ Ngọc Đại, tôi không có ý định phản đối hay bênh vực thày, nhưng thấy tâm đắc với điều thày chia sẻ: “Khi xây dựng trường Thực nghiệm, khẩu hiệu chúng tôi đề ra là “Đi học là hạnh phúc, mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui.” Tiếc là cũng do những thiếu sót của giáo dục Việt Nam mà các vị đang phản đối GS Đại, cũng nhanh chóng sổ toẹt tất cả những giá trị về tư tưởng mà thày đang cố gắng truyền tải. Tôi thấy rất buồn cười, khi người ta trích dẫn câu nói của GS rằng “trẻ con chỉ cần học ở trường, về nhà chỉ chơi với bố mẹ” rằng đó là phủ nhận vai trò giáo dục của cha mẹ. Giáo dục đâu chỉ có là học chữ, mà giáo dục là “chơi với con” đấy, nếu GS Đại làm giúp được việc dạy chữ cho con ổn thỏa rồi, về chỉ việc chăm con khỏe, dạy con ngoan thì còn mong gì hơn nữa!

Một “nền giáo dục” không chỉ có Bộ giáo dục, nhà trường và mấy cuốn sách giáo khoa, nó còn là một môi trường xã hội trong sạch, và quan trọng nhất là nhận thức, hành xử, nói năng của cha mẹ. Xin nhắc lại một điều tôi đã viết, dù có GS Đại hay không có GS Đại, việc xây dựng cho con cái một môi trường giáo dục trong sạch, tỉnh táo ngay từ hành xử của cha mẹ, rất cần thiết. Nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục vừa hồ đồ, vừa nóng nảy, không hãm được cái bực dọc và vung ra những lời chửi rủa thô lỗ, thì chúng ta sẽ có thể cải tạo thế giới được chăng và sẽ dạy con thành những con người như thế nào đây?

Đoạn “Con tôi đi học mô hình thực nghiệm như thế nào” tôi viết trên Facebook tại đây

Bài tiếp theo: Tại sao lại có cuộc chiến “đánh” thày Hồ Ngọc Đại?

No comments:

Post a Comment