Không cần nói chuyện to tát xa
xôi ở mức độ toàn xã hội, câu chuyện quanh mâm cỗ quê, một vùng quê ngoại thành
Hà Nội cũng đã đủ nóng ran lên vì tình trạng thất nghiệp của thanh niên trong
xã. Quê tôi một làng là một xã, cách đây 20 năm đã một vạn dân, thì nay dù đã
“thoát ly” đi làm ăn khắp đất nước kha khá, dân số vẫn còn hơn như thế.
Tạm gác lại chủ đề bùng nổ dân
số – đến mức mà toàn quốc trong năm nay có con số thí sinh dự thi tốt nghiệp
THPT đến 900.000 thí sinh (gần một triệu!) thì thực trạng nhà nhà có con tốt
nghiệp rồi thất nghiệp, thanh niên người người thất nghiệp cũng đáng được báo động
cả chục năm nay rồi.
Điều đáng nói là tất cả các
thanh niên thất nghiệp đó, tất cả đều tốt nghiệp đại học từ đủ các loại trường,
công lập, dân lập đều có, thậm chí có tỷ lệ không nhỏ đi du học nước ngoài về.
Tình hình này không chỉ diễn ra ở một làng nào đó, mà diễn ra ở khắp nơi, từ
thành phố đến nông thôn. Tham gia một vài diễn đàn của các học sinh, sinh viên
trên mạng xã hội, tôi cũng nhận thấy đây là tình trạng phổ biến, như người ta
nói là “cứ tốt nghiệp là thất nghiệp.” Nói thì bảo tàn nhẫn, nhưng có những
cháu mới chỉ chia sẻ việc chọn trường sau kỳ thi đại học thôi, đã thấy hai chữ
“thất nghiệp” hiển hiện rõ ràng lên rồi: lao vào những ngành nghề đang quá thừa,
tỏ ra không có khả năng chuẩn bị cho mình những kỹ năng cần cho công việc sau
này, học chỉ để có mác đại học, mà không vì nghề nghiệp tương lai.
Có thể con số thống kê lượng
sinh viên thất nghiệp khá thấp (khoảng 4%) và tương đương nhiều nước khác,
nhưng có con số khác cũng rất đáng suy nghĩ: lượng sinh viên làm trái nghề lên
tới 60%. Chúng ta cần nhìn thẳng vào một sự thật là từ một số cách nhìn nhận
thì làm trái ngành đã được đào tạo, không khác gì thất nghiệp vì tính trên bình
diện toàn xã hội, đó là một sự lãng phí. Nếu để ý, sẽ thấy lượng sinh viên ra
trường đi làm những việc “mang tính chân tay” như giao hàng, thậm chí rửa bát,
quét dọn… ngày càng đông. Có một thanh niên kể với tôi rằng sau khi tốt nghiệp
ngành kỹ thuật, xin việc ở một hãng viễn thông và đã làm việc leo cột điện chỉ
để mắc dây đến 4, 5 năm nay rồi và không hề có cơ hội thay đổi. Xin lưu ý rằng
đây là một công việc mà một công nhân kỹ thuật làm được rất tốt, có khi còn tốt
hơn kỹ sư học đại học ra và mức lương cho công việc này cũng chỉ là của công
nhân kỹ thuật.
Vậy thì tại sao cứ phải học đại
học để cho tốn kém, trong khi ra trường vẫn cứ đi làm giao hàng và trèo cột điện?
Quay trở lại với câu chuyện
bên mâm cỗ, tôi nghe thấy họ hàng bảo bây giờ mỗi nhà cũng chỉ hai con, nên điều
kiện lo cho đi học tốt hơn trước – trước thì năm sáu con hoặc hơn, chỉ một hai
con đi đại học, bây giờ thì đại học tất. Nhà nào cũng cố như thế, làm cho mặt bằng
chung về khía cạnh tâm lí “con không đại học không được” và ngay cả các cháu
cũng vậy, không học đại học thì thua em kém chị. Tôi cũng đã hỏi một cháu trên
mạng xã hội rằng tại sao cháu lại không nghĩ đến một nghề khác nhiều cơ hội
hơn, với câu chuyện rằng “bây giờ có doanh nghiệp tuyển kỹ sư nông nghiệp có khả
năng ngoại ngữ” thì cháu nói cháu thích quản trị kinh doanh cho oai, còn nông
nghiệp thì không oai, và cũng không có khả năng học ngoại ngữ cho giỏi. Câu hỏi
tiếp theo là việc học nghề thì sao hiện nay có rất nhiều nghề thiếu công nhân
tay nghề vững thì cháu trả lời cháu không thích học nghề, bố mẹ cho học đại học
là cứ phải đại học cái đã, rồi ra trường tính sau. Học nghề xong đi làm công
nhân, không thích!
Và chính cái “tính sau” ấy đã
làm cho xã hội chúng ta hiện nay đầy ngập cử nhân, kỹ sư thất nghiệp – số lượng
thì nhiều mà chất lượng thì thật khó nói: thường là không đáp ứng được công việc,
đào tạo đi (tiếp) thì khó mà đào tạo lại cũng dở. Khi một học sinh tốt nghiệp
phổ thông, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, là bước chân vào trường đại học
cả bố mẹ lẫn con đều rất lạc quan nghĩ tất cả còn đang ở phía trước, nhưng rõ
ràng không ai chịu nhìn thẳng vào con số thất nghiệp đang sờ sờ ra đấy và gần
như không tránh khỏi với con mình.
Tôi đã nhắc đến sự lãng phí
trên bình diện toàn xã hội của tình trạng này, thì không thể không nhắc đến cái
sự lãng phí đó nó còn ghê gớm hơn nhiều đối với các gia đình cố gửi con đi học
nước ngoài. Ở đây chúng ta không bàn đến khía cạnh “mác đi du học” mà chỉ mới
nói đến chuyện “con phải đi đại học thôi” – nghĩa là có rất nhiều cháu không đỗ
đại học trong nước thì đi học ở nước ngoài. Làng quê tôi đến gia đình có hai
con đi du học còn không hiếm, thì một con đi học nước ngoài có mà nhiều nhan nhản.
Bình luận về những trường hợp này, một ông chú họ bác sỹ về hưu nói: “Khổ,
chúng nó học trong nước bằng tiếng Việt còn không xong, thì nói sao đến học bằng
tiếng Tây!” Và đúng thật, ngoài tấm bằng đại học chữ Tây, còn thì một câu tiếng
Anh nói tròn vành rõ nghĩa các cô cậu cũng nói không xong và kết quả là thất
nghiệp vẫn hoàn thất nghiệp. Nghịch lý: khi người ta gửi cho đi du học những
mong con thành “công dân toàn cầu” thì giờ đây có những “công dân toàn làng”
còn không đạt, sau mấy năm tiêu tiền tỉ mỗi bạn, lại tiếp tục ăn bám bố mẹ, gia
đình.
Đối mặt với câu chuyện này
trong phạm vi gia đình, tôi đã từng nói với vợ con rằng nếu con không học lên đại
học được, cũng không sao, con có thể chọn một nghề và học cho tinh thông; đồng
thời cũng kể cho cháu nghe về tình hình thiếu công nhân lành nghề và thừa kỹ
sư, cử nhân hiện nay. Tất nhiên gia đình cũng phải lường trước một điều rằng: hệ
thống các trường dạy nghề ở Việt Nam hiện nay quá èo uột và chất lượng suy giảm
cực nghiêm trọng. Nhìn lại cách đây 30 năm, khi tốt nghiệp phổ thông tôi đã đi
học trung cấp cơ điện, khá đông học viên và chất lượng đào tạo hoàn toàn không
tệ. Theo những người đi trước thì thời gian trước đó, những năm 1970, 1980 có
thể nói dạy nghề ở Việt Nam còn được gọi là khá đến mức tốt. Rất nhiều người thợ
lành nghề được đào tạo trong thời gian đó đã trở thành những người không thể
thiếu trong nhiều ngành công nghiệp, sản xuất. Ngay như ông cậu ruột của tôi
cũng tốt nghiệp trung cấp cơ điện, tiến bộ lên thành trưởng phòng kỹ thuật của
một xí nghiệp giày lớn của Việt Nam nhưng điều quan trọng là ông là “công trình
sư” dựng lên dây chuyền sản xuất của rất nhiều nhà máy sản xuất giày từ Nam chí
Bắc trong thập kỷ 1990.
Một trong những nguyên nhân
chính của tình trạng èo uột của những trường dạy nghề, là từ thái độ của xã hội,
chỉ đổ dồn vào đại học mà quên dạy nghề. Điều này tôi đã trình bày ở trên đây rồi,
nhưng còn khía cạnh nữa là thái độ của chính ngành giáo dục. Mỗi năm đến mùa
tuyển sinh, là báo chí cứ nóng lên về thi tốt nghiệp và đại học, đôi chỗ chỉ có
ý kiến hết sức yếu ớt của một vài chuyên gia, là cần nhìn nhận lại nhu cầu phân
luồng học nghề cho các cháu từ hết lớp 9, thì chẳng mấy ai quan tâm. Xã hội thì
đi một đằng, nhưng cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ “đại học, đại học…” thì
làm sao hệ thống trường dạy nghề phát triển cho được! Đó là chưa nói, hệ thống
đó rõ ràng vẫn còn, nhưng đưa con em vào đó học, ra trường cũng chẳng thể làm
được vì chất lượng của chúng đã rơi xuống đến cái đáy nào rồi!
Và tình trạng chảy máu ngoại tệ
cho giáo dục lại diễn ra từ góc độ này: như gia đình tôi nếu hướng cho con học
nghề, cũng lại sẽ phải đi học ở nước ngoài; học đại học yêu cầu cao quá về những
IELTS với TOEFL thì học nghề chắc cũng vừa vừa thôi, nếu con học tinh thông thì
vẫn có thể có những “cơ hội toàn cầu” cho con được. “Công dân toàn cầu” vẫn có
thể là công nhân chứ không nhất thiết phải là “giới cổ cồn.”
Đã đến lúc cần có một sự “tỉnh
ra” từ tầm quản lý nhà nước đến từng học sinh và từng vị cha mẹ, nếu không thì
tình trạng khó khăn trong kiếm việc cho các tân cử nhân, kỹ sư còn kéo dài lâu
nữa, chưa biết bao giờ sẽ chấm dứt.
Bài trên Tuần Việt Nam tại đây
Tham gia thảo luận trên
Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment