Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, June 1, 2020

“Tiến lên Đoàn viên, em ước ao bao ngày…”



Anh ngốc Bôn Ba Nhi Bá nhà tôi từ khi lên lớp Chín, phải kiêm thêm một chức là lớp trưởng. Số là, bạn lớp trưởng cũ đã chuyển sang một trường khác, đâu như rất “hoành tráng,” như mấy cô cậu Nhi Bá và lũ bạn xì xào, rất đắt tiền. Hồi cuối năm học trước, từ hôm nghe tin bạn sẽ chuyển trường từ năm học mới, cô giáo chủ nhiệm đã nói: lớp sẽ phải bầu lớp trưởng mới mà cô thấy trong lớp cũng không có ai phù hợp hơn Nhi Bá…

Khi nghe chuyện này, mình thấy cổ họng cứ nghẹn nghẹn. Anh chàng của tôi đấy – qua cả chục năm lặn lội, từ lúc con cứ gật gù, ngật ngưỡng, hiền lành đến mức suốt ngày bị bạn đánh, rồi dần dần xây dựng được uy tín cho mình… Con trai, ba không tài cán gì, và chẳng phải lúc nào, chẳng phải cái gì cũng đúng. Nhưng ba luôn lặn lội khắp nơi, từ những thư viện bụi mù đến những người thày nổi tiếng cũng như vô danh, để tìm ra cho ba con mình một con đường đúng đắn. Ba chưa bao giờ dạy con đánh lại bạn khi bị đánh, mà chỉ cố giữ một cư xử đĩnh đạc dù con yếu hơn các bạn đang bắt nạt người khác đó: “Bạn đang sai, và là người cần giúp đỡ để sửa chữa!” Ba mong con hãy lấy yêu thương làm gốc, để cảm hóa những người bạn đang lầm lỗi ấy, và con đã làm được. Bây giờ đằng sau vẻ ngoài của một anh chàng vận động viên cao và cân đối có nụ cười hiền lành là một tâm hồn yêu thương và hồn hậu, và ba biết nếu cứ tiếp tục như vậy, con sẽ được an toàn, bây giờ và mãi về sau này.

Kết quả của buổi bỏ phiếu không nằm ngoài dự đoán, các bạn đã tín nhiệm Nhi Bá làm lớp trưởng. Cô giáo nói với các phụ huynh buổi họp đầu năm: “Nhi Bá làm lớp trưởng cô vất vả hơn nhiều, vì Gia Hân lớp trưởng cũ rất chín chắn và được việc, trong khi Nhi Bá còn “non” lắm. Con chỉ được ưu điểm là tinh thần trách nhiệm rất cao…”

Nhưng đã nhắc đến Gia Hân, ba lại nhớ năm ngoái khi con về nói chuyện với ba, con có nhắc đến lời của các bạn bình luận: “Gia Hân nhà quá giàu, nên bây giờ chuyển trường để… thể hiện đẳng cấp.” Không nên nói thế con ạ, những điều chúng ta chưa rõ, không biết, không bao giờ nên nói. Nhà bạn giàu có là việc của nhà bạn, sang trường mới rõ ràng là có những điều kiện mà ở trường này không có được, ai cũng có quyền đi tìm một cái tốt đẹp hơn cho mình.

Còn về nhà, thì ba của Nhi Bá vốn là tay luyên thuyên, cứ trêu cậu ta: “Con làm lớp trưởng liệu có phải là “không có chó bắt mèo ăn cứt” không đấy?” và cả nhà cùng cười, cô em Nhi Bôn cười híp hết cả mắt lại vì hình ảnh so sánh quá thú vị. Nhi Bá cũng cười: “Có khi thế thật ạ!” và mẹ Nhi Bá thì kết luận: “Chứng tỏ lớp con khá vớ vẩn, đến ấm ớ như con còn phải làm lớp trưởng!”

Riêng ba thì thấy như thế này là một chuyện tiến bộ kinh khủng của gia đình ta, suốt cuộc đời đi học phổ thông của ba chức vụ lớn nhất của ba là… tổ phó, nghĩa là cũng có tí chức sắc nhưng là bé nhất, giống trong làng ngày xưa có anh đầu sai việc gì lặt vặt cũng đến tay, và cỗ làng cũng có một suất của hàng chức sắc hạng vét đĩa, hì hì… Đây con trai của ba một cú thôi leo phắt lên chức lớp trưởng, tức là bằng mẹ của con, à mà bé hơn chứ, mẹ của con ngày xưa còn làm Liên đội trưởng. Khiếp quá, chức to ghê!

“Đến hẹn lại lên” cứ 26 tháng Ba hàng năm lại có đợt kết nạp Đoàn, Nhi Bá vì sinh trước tháng nào đó, nên thuộc diện “vào tầm ngắm” của đoàn thể, sẽ được kết nạp nếu muốn.

“Ba ơi, theo ba con có nên vào Đoàn không?” Nhi Bá bất thần hỏi khi đang uống cốc sữa.

“Sao thế, có cán bộ phụ trách Đoàn ở trường muốn kết nạp con vào Đoàn à?” Mình hỏi lại cậu ta.

“Vâng, cả thày phụ trách Đoàn lẫn cô chủ nhiệm đều hỏi có muốn vào Đoàn không…” Nhi Bá có vẻ hoang mang.

Hì hì, hay thật đấy: bây giờ đúng là thời thế cũng thay đổi nhiều, lại còn phải đi hỏi chúng nó có muốn vào Đoàn không, chứ thời của ba nó rất khác… để ba kể con con nghe nhé.

Từ lúc ba còn là Đội viên Nhi đồng, rồi Thiếu niên Tiền phong ba đã ước mơ được làm Đoàn viên rồi, vì xung quanh có biết bao anh chị phụ trách hay ho, đều là Đoàn viên cả. Ba đọc rất say mê cuốn Sổ tay Đội viên, và cuối cuốn sách đó có một bài hát rất hay:

“Tiến lên Đoàn viên, em ước ao bao ngày, xứng cháu Bác Hồ, dựng xây nước sau này… Hòa bình tự do, tay ta xây đắp nên… Quyết tâm luyện rèn, cho mình càng tiến lên…”[1]

Ba đã tập hát bài hát đó, theo điệu nhạc vẫn nghe trên đài, và thấy xúc động, đến bây giờ nghe lại ba thấy vẫn xúc động như hơn 30 năm trước khi ba hát những câu hát đó lần đầu tiên. Nó gắn liền với những hình ảnh đẹp và cảm xúc thô sơ, có khi còn bị gọi là dại khờ của tuổi thiếu niên ngốc nghếch: những hình ảnh của Pavel Corsaghin sẵn sàng đi đến những nơi khó khăn nhất để phục vụ nhân dân, xây dựng Tổ Quốc, những hình ảnh của các Đoàn viên Côm-xô-môn đang ngày đêm xây dựng tuyến đường sắt Baikan – Amur…

Nhưng những ngày cuối của thời trung học cơ sở, ba không được liệt vào hàng “hạt giống” như con, mà ba rất nghịch, do đó ba không được vào Đoàn sớm như thế…

“… mẹ thì là lớp trưởng nên vào đợt đầu tiên…” Mẹ của Nhi Bá chen vào câu chuyện.

Hừ, bà thì nói làm gì… tôi là học sinh cá biệt nên được vào Đoàn là cả một nỗ lực kinh khủng. Con trai ạ, ba chưa bao giờ tự nghi ngờ lý tưởng của mình cả, lúc nào ba cũng sẵn sàng nhận việc khó khăn hơn để người khác làm việc dễ dàng, vì ba tự tin. Nhưng cuộc đời nhiều khi không hẳn như vậy – ba gặp một ông thày giáo chủ nhiệm có lẽ can thiệp quá nhiều vào việc của Đoàn và cách đánh giá của ông cũng không hẳn lúc nào cũng giống cái nhìn của chúng ta hiện nay. Nhưng ngày đó cả xã hội nhìn nhận mọi việc như thế. Nếu con ở vào thời đó, con cũng khó khăn như ba vậy thôi. Hồi ba còn có một điều kiện nữa là nếu không phải là Đoàn viên, không được thi đại học, mà về sau chủ trương đó đã bị đánh giá là dở, vì nó làm cho Đoàn trở thành một cái gì đó tạp nham, kết nạp cả những người chẳng cần có lý tưởng gì cả… Bây giờ thời của con, có quá nhiều thay đổi: Đoàn không còn là cái gì đó quá hấp dẫn, lại càng không phải bắt buộc phải vào như thời của ba.

“Do đó, với con lại càng dễ. Con cần trả lời được lý tưởng của con là gì trước khi vào Đoàn hay không vào…” Ba của Nhi Bá dừng câu chuyện.

“Vậy theo ba, lý tưởng nên như thế nào khi quyết định có vào Đoàn hay không?” Nhi Bá băn khoăn – “con thì thấy con không cần vào Đoàn cũng được, những mục tiêu của con và cả các bạn của con, chẳng liên quan gì đến vào Đoàn cả…”

“Đúng vậy con ạ, bây giờ quan niệm xã hội đã khác, thậm chí có những đánh giá không tốt về Đoàn và những người cốt cán làm công tác Đoàn. Người ta cho rằng Đoàn là tổ chức “chết lâm sàng” và cán bộ Đoàn toàn những tay cơ hội, tìm cách tiến thân bằng con đường làm chính trị. Mới đây có một vị cựu bộ trưởng, cựu bí thư tỉnh ủy, cũng có gốc là cán bộ Đoàn và bị truy tố đi tù vì tham nhũng. Nhưng khi con đã hỏi về lý tưởng, thì ba phải nói là những câu chuyện của ba con mình đã nói rất nhiều lần, về cái lẽ sống ở đời này, khi sinh ra làm con người lành mạnh đủ chân tay, đủ nhận thức, thì cũng chẳng phải vì mỗi miếng cơm manh áo, hay vinh thân phì gia… cũng không phải cứ nhất nhất phải chạy theo những chương trình hay phong trào từ thiện mới là sống cho mọi người. Con cứ sống cuộc sống của con thật lành mạnh, biết giành sự yêu thương cho người khác là đủ. Khi con thấy người khác làm được một hành động đẹp cho xã hội, con hãy vui mừng. Khi con thấy người khác làm một việc hại cho xã hội, hãy thương xót và nếu không thể góp ý trực tiếp cho người ta, hãy ghi nhớ để trước hết mình không phạm phải như người ta, sau đó giúp những người thân quen của mình tránh những hành động tương tự. Thế thôi con ạ.”

Đoàn thanh niên với đúng nghĩa của nó, là lực lượng của những người trẻ, khỏe, yêu đời và sẵn sàng phục vụ Tổ Quốc và nhân dân. Chúng ta hãy ghi nhận những lý tưởng tốt đẹp đó, còn những gì hiện nay đang diễn ra, rõ ràng là Đoàn đang gặp khó khăn. Nếu con quyết định không vào Đoàn, không có nghĩa con sẽ không làm những gì tổ chức đó mong muốn. Nếu con quyết định vào Đoàn, nghĩa là con phải chấp nhận những khó khăn của tổ chức đó đang gặp và hãy sống sao cho không hổ thẹn với lương tâm của con, trước mắt cứ được như vậy đã, mỗi thành viên của tổ chức không tự đẹp lên thì làm sao cả tổ chức đẹp lên được cơ chứ.

Cuối cùng thì con trai quyết định chưa vào Đoàn vì chưa xác định được rõ ràng… lý tưởng sống. Tốt thôi, khi nào con quyết định được, trả lời có hay không thì Đoàn đều rất… mừng.

Ấy thế mà đến một buổi chiều, con trai về thông báo: ở trường đại diện Đoàn cùng cô giáo vẫn động viên con vào Đoàn, vì hiện nay chẳng bạn nào muốn vào Đoàn và cũng… không phấn đấu để đủ tiêu chuẩn vào Đoàn. Thế là con trai cũng đồng ý khi chưa thật rõ về lý tưởng của mình sẽ cần như thế nào khi là Đoàn viên, vẫn chỉ là anh chàng ngốc của ba mẹ, anh Đoàn viên ạ. Như vậy câu chuyện của chúng ta lại sang một giai đoạn mới: ba mẹ sẽ nói chuyện với anh Đoàn viên như thế nào.

Con trai này, bây giờ đã là Đoàn viên, nhưng hoàn toàn không có nghĩa cứ hễ đeo lên ngực chiếc huy hiệu Đoàn, thì mình đã xứng đáng với những điều tốt đẹp mà tổ chức ấy hằng theo đuổi đâu con. Nhưng nếu con nhìn kỹ, chiếc huy hiệu Đoàn đúng là rất đẹp, với một cánh tay khỏe mạnh cầm lá cờ Tổ Quốc. Chúng ta đã nói chuyện về những điều không tốt đẹp người ta đang nói về tổ chức Đoàn, nhưng trước khi là một tổ chức chính trị như thế, nó còn mang trên biểu tượng của mình lá cờ Tổ Quốc, vì thế không cần biết người ta nói gì, chúng ta cứ cần phải sống cho tốt đẹp cái đã, mà để sống như vậy, người bình thường đã phải tốt đẹp, con là Đoàn viên càng phải tốt đẹp hơn. Tất nhiên, bây giờ không phải là lúc “đao to búa lớn” mà là lúc chúng ta hiểu rằng sống tốt đẹp vì Tổ Quốc và đồng bào của mình, trước hết là xây dựng trong tâm tưởng của bản thân lòng yêu thương dành cho Tổ Quốc và mọi người, rộng hơn cho trái đất và tất cả những sinh vật sống trên lưng của nó.

Ba không thấy chuyện con là Đoàn viên có vấn đề gì lớn, chỉ thấy bâng khuâng một chút: thế là đã đến lúc con chia tay tuổi thiếu niên rồi đấy!




[1] Bài hát “Tiến lên Đoàn viên” của nhạc sỹ Phạm Tuyên

Bài trên Fanpage Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment