Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tuesday, July 14, 2020

Cái cúc quần


Túi sau quần mất cúc đã lâu, chẳng dám bỏ cái gì vào đó vì nó nông quá, không cài được nắp là rơi. Ngày xưa bà nội lũ trẻ con may vá suốt ngày, chỉ cần lục hộp kim chỉ tìm cái khác đơm lại thì không phải nghĩ, bây giờ thì trong nhà bói không ra cái khác.

Đưa cô con gái đi học một ngày nhìn thấy cái cúc to cùng cỡ của ai đặt cẩn thận cạnh cái vòi nước trên vỉa hè. Nhặt nó lên còn tần ngần cầm nhìn mãi, làm cô bé Nhi Bôn phải sinh tò mò mà hỏi.

– “Ba ơi, mọi khi ba chỉ nhặt ốc vít, thế sao bây giờ ba nhặt cả cái cúc làm gì?”

Số là chỗ đón xe chính là trên vỉa hè trước cửa một cửa hàng xe máy rất to, sáng nào ba của Nhi Bôn cũng loanh quanh nhặt được cả nắm ốc vít. Việc diễn ra hàng ngày nên hóa ra quen, cô bé Nhi Bôn cũng tham gia, và nhặt giỏi hơn cả ba của hắn. Cặp mắt một mí nhìn rõ nhanh, nhặt hết cái này đến cái khác. Chỉ vài tuần, cái ống bơ sữa bò cũ ở nhà đã lại đầy, chọn ra những con ốc cần dùng, còn lại ba của Nhi Bôn đem cho chú thợ sửa xe gần nhà, để chú lắp bổ sung vào cho khách. Xe máy trong lúc chạy chuyện rơi mất ốc vít là bình thường, nhưng không phải ai cũng chịu khó mỗi khi sửa xong xe, đi tìm bới cho đủ ốc vít mà vặn vào sao cho chiếc xe chạy êm ru, không kêu rên thảm thiết mỗi khi chạy qua ổ gà.

Có lần ba Nhi Bôn đi vắng, mẹ đưa em ra đón xe, em lại đi nhặt ốc vít và bắt mẹ mang về cho ba cũng một vốc to… Mẹ về cười cứ rũ ra, là “ông làm cho con gái cũng lẩm cẩm y hệt, ai đời ra vỉa hè chỉ nhăm nhăm nhặt ốc vít…”

Lại có lần ra đó mua phụ tùng về thay vào xe, nhân tiện hỏi: làm sao mà sáng nào ở đây cũng nhặt được vô khối ốc vứt đi như thế? – nhân viên cửa hàng trả lời: “Bán xe mới cho khách, người ta mua cả những đồ bảo hiểm chống đổ vỡ xước xe, ốc vít theo xe này nó ngắn không dùng được, nên phải thay loại khác.” Lại lẩm cẩm ngẫm nghĩ, sao họ cứ vứt bừa bãi trên hè thế nhỉ, chỉ cần bố trí một cái lon sữa bột, hộp sơn cũ… cho vào vừa ít bị trôi xuống cống rãnh, vừa có cái mà bán cho… đồng nát. Tại sao bây giờ con người sống lại cứ tùy tiện và lãng phí như vậy?

Ấy vậy mà mãi cả tháng sau mới lấy cái cúc ra mà đơm được. Chỉ sợi to, lỗ trôn kim bé, mắt nhìn rõ đấy mà xâu không vào... Thấy mình bắt đầu lẩn thẩn như cụ già, muốn giữ lại những cái gì xưa cũ, chẳng muốn bỏ. Quần áo càng cũ, càng thích mặc, đồ mới mua về, mặc mãi mới thích nó được, mới quá mặc thấy nó sao sao. Có những thứ đồ hơn hai mươi năm vẫn giữ, bây giờ người gầy đi lôi ra mặc, lại vẫn thoải mái còn hơn đồ mới. Vừa loay hoay với cái kim mảnh và cái quần quá dày, vừa ngẫm nghĩ: cái cúc đơm trên áo quần, lâu ngày nó long, rời dần ra rồi đứt hẳn, là mất. Kiếm được cái khác y hệt đơm vào khó lắm. Cái cúc này cũng thế, đơm lại dùng tốt nhưng nhìn vẫn khác. Nó như vết thương lòng không lành hẳn vẫn đau lúc trở trời trái gió.

Vợ chồng anh em sống với nhau cũng vậy, thấy xa ra phải “đơm” lại ngay, không thì đến ngày rơi mất có nhặt lại được đâu?

Lại nhớ bà nội bọn trẻ ngồi giặt bên máy nước, có cái cúc rời ra bà cẩn thận để cạnh chân nó, chỗ cao để dội không bị trôi... Về nhà bà cất cẩn thận rồi quần áo khô bà đơm lại. Thế mà có những cái rất cần phải giữ chúng ta không giữ được như thế...

Gọi cô bé Nhi Bôn dậy, hôm nay là ngày nghỉ hè đầu tiên rồi và chỉ cho con gái xem: đây cái cúc nhặt được, ba đã đơm vào nắp túi sau của quần đây này. Lúc nhìn thấy nó, ba đã biết là có thể đơm nó vào chỗ đó được, nên ba nhặt về, và bây giờ thì con đã biết nó dùng vào việc gì rồi.

Tuần trước vừa nghe tin một cặp vợ chồng mình rất quý chia tay nhau, mà hai người đó tưởng chừng họ không bao giờ có chuyện đó, ai cũng khen đẹp đôi và viên mãn, chẳng thiếu thứ gì. Nhìn những hình ảnh họ chia sẻ trên mạng xã hội, rồi nghe những lời họ nói về nhau, về con cái… ai cũng thèm muốn. Có khi quan hệ giữa họ y như cái cúc trên quần áo, bắt đầu rời ra nhưng vẫn còn cài được, chẳng ai cảm thấy cần phải cứu chữa gì cả, để đến một ngày nó đứt, rơi lúc nào không biết và chẳng có ai còn cảm thấy cần phải giữ cái gì lại nữa. Không có cô, không có anh, tôi vẫn sống khỏe, chẳng ai phụ thuộc ai cả.

Nhưng chiếc quần, chiếc áo thiếu cúc thì vẫn còn đó. Cuộc đời bây giờ mấy ai canh cánh về cái quần cái áo thiếu cúc, tiện nhất là đem quăng cho ai đó mang về tìm cúc khác đơm mà mặc, và chúng ta chẳng bao giờ còn gặp lại cái món đồ ấy nữa, nó đã là món “cũ người mới ta của người khác.” Con người trở nên “khôn ngoan” hơn, họ đi tìm những cơ hội để sắm những món đồ mới và chê cười cái người vẫn đang cố nhớ là ở nhà có cái quần thiếu cúc, nhìn thấy cái cúc cạnh vòi nước nhặt về đơm là lẩn thẩn…

Bài trên Fanpage Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment