Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, July 16, 2020

Chạy đua với học thêm của con: hiểu và làm như thế nào cho đúng?


Thế là cô bé con nhà tôi nó cũng đã đỗ vào lớp “chuyên Anh,” không những đỗ mà còn đỗ khá cao, nghĩa là vào lớp có điểm thi tuyển cao nhất. Đoạn này, ai chê cười tôi cũng phải chịu, nhiều khi đưa ra ý kiến, quan điểm gì chăng nữa nhưng vẫn phải thua mẹ con anh em nhà “chủ thể” là con bé ấy. Khi nó rơi vào một môi trường như vậy, và nó cũng hướng tới một môi trường như vậy – thì thôi cũng chẳng ép nó được.

Nói vậy thôi, tôi vẫn có những hướng dẫn cho con và nói thế cho oai, thực chất là… chẳng hướng dẫn gì cả, nếu hiểu theo nghĩa là “biết dạy con học.” Tôi theo chủ nghĩa không bao giờ dạy con học, kể cả biết cũng không dạy, mà con phải tự tìm hiểu mà học, có thể bố mẹ chỉ có chỉ trỏ tí thôi. Bây giờ tôi sẽ kể lại chuyện tôi đã kể nhiều lần ở nhiều diễn đàn, nhiều bài khác nhau: thời con gái tôi học lớp Hai, đột ngột các con bị tăng số bài tập về nhà nhiều vô cùng tận. Hóa ra là do các phụ huynh yêu cầu cô cho thêm bào tập để quản lý con là một, sau đó là để rèn con, chủ yếu là sự ẩu, cẩu thả của chúng. Câu chuyện thứ hai là nhà trường phân công về lớp một cô dạy lớp Ba, vừa ra trường, và phụ huynh thì thào đòi đi mít tinh biểu tình, xin nhà trường phân cô khác. Người hăng hái nhất cũng là người vừa trải qua một ác mộng con lớn vào lớp Mười trường công, nên sợ chết khiếp. Chị ta cho rằng cô giáo là yếu tố rất quan trọng cho năm học này, và cả những năm tiếp theo của con chị ta cho đến hết… tiểu học. Tôi “cầm đầu” nhóm muốn cho con học vui vẻ, chỉ mong có cô giáo yêu thương chúng nó và bày được trò vè… nên ủng hộ cô giáo chỉ đáng tuổi cháu của mình rất nhiệt tình.

Câu chuyện thứ nhất, tôi cố thuyết phục các phụ huynh rằng, các vị đừng nhìn thấy con gái tôi nó năm nào cũng được học sinh xuất sắc gì đó, là nó giỏi. Chẳng qua cháu là con gái, tính cẩn thận, không sai sót gì hết, nên điểm nào cũng toàn 10, không học sinh xuất sắc mới là lạ. Do đó với những phụ huynh xin bài tập để quản lý con, nó thuộc về lĩnh vực khác tôi không nói, nhưng với những phụ huynh đang muốn rèn con để sửa tính ẩu, cẩu thả… thì tôi cũng lại cố thuyết phục họ rằng, những bài tập khó, nâng cao… cô giao thêm, không có tác dụng gì với trường hợp con các vị. Cái chúng nó cần, là việc các vị yêu cầu con làm lại những bài tập dễ, nhưng viết sạch đẹp, chữ số hàng trên thẳng hàng dưới và không sai một chữ. Làm việc này không cần quý vị phải biết dạy con, chẳng qua là yêu cầu con làm lại bài tập đã làm, bài dễ cũng được, thật cẩn thận, vậy thôi.

Còn về cái chị có con muốn cho chạy đua thật sớm kia, thật khó để nói cho chị ta hiểu được rằng: ở tiểu học quan trọng không phải là con chị học được nhiều kiến thức hay làm được nhiều bài khó hơn các bạn khác, mà mục đích chính của dạy chữ ở giáo dục tiểu học là rèn kỹ năng không phải kiến thức, trong đó sự cẩn thận, không sai sót và quan trọng nhất, thuộc về phạm trù đạo đức, là ý thức học tập. Con chị cần có ý thức học tập từ sơ đẳng là tự giác, đến cao hơn là biết cách tự phân tích đúng sai và tìm ra chỗ sai, tự tìm cách khắc phục. Cao hơn nữa, các bạn nhò cần được rèn ý thức tự mày mò, khao khát học tập… Con lớn của chị không phải khó khăn vì hổng kiến thức, mà gốc rễ của cháu là yếu kém về ý thức, và bỏ qua năm bản lề của cấp 2 là năm lớp Bảy. Sau đó thì dù có tự ý thức được tầm quan trọng của việc thi vào Mười, có nhiều điều cũng đã muộn để làm lại.

Khổ cái, nói nhưng họ không bao giờ nghe, vì không thể hiểu được tại sao mà “học ít thôi” lại tốt hơn “học thật nhiều.” Chính vì vậy mà có nhẽ đến 90% đến hơn cha mẹ hiện nay sa vào cơn lốc học thêm, và tư tưởng đó cũng nhiễm luôn cho cả con cái. Chính lũ trẻ của chúng ta hiện nay thấy các bạn đi học thêm chỗ này chỗ khác cũng “đòi đi học thêm” để không bị thua thiệt. Về tác dụng tích cực, tôi không nói là học thêm không có hiệu quả, vì toàn thế giới này vẫn có… phụ đạo (xem phim Mỹ vẫn thấy phân công bạn này kèm bạn kia học yếu hơn về môn nào đó, nhưng cách phụ đạo kiểu kèm nhau như thế của họ vẫn dựa trên sự khuyến khích tự học.) Nhưng, về tiêu cực mà nói, thì có nhẽ cũng phải đến trên 90% các bạn đi học thêm quay cuồng kia, là bị mất ráo khả năng tự học và càng học thêm, càng phụ thuộc vào thày cô dạy phụ đạo và lại càng không thể tự học được. Tất nhiên, chúng ta cần phải khách quan mà nói rằng như cái chị tôi vừa kể, bắt con đi học thêm đến mê man thì vô tình, trong chính quá trình đó cháu được rèn một số các kỹ năng, có thể có cả tính cẩn thận, không cẩu thả… nhưng làm như thế quá mất thời gian và không tập trung vào mục tiêu chính, con của chúng ta lại bị mất đi cơ hội để được tham gia các hoạt động khác, nhất là rèn luyện thể chất.

Đến đây thì bạn đọc có thể hiểu câu chuyện nó là một quá trình: con không được rèn nề nếp tự học từ nhỏ, lớn lại chạy theo học thêm… Nếu con của chúng ta được rèn ý thức nề nếp, nhất là sự ham học, ham hiểu biết mà lại được học thêm nữa, thì việc học thêm của chúng là tích cực và có hiệu quả, nếu không thì chỉ là những cái máy học, chính xác là nạn nhân của sự nhồi nhét, và sau này sẽ là những sản phẩm tồi của giáo dục.

Quay lại với cái sự đi thi – tôi phải nói rằng ở đâu không biết, ở thủ đô yêu quý của chúng ta khi mà các thày, các lò… đã “cày nát” các kiểu ra đề, cũng đồng nghĩa là người ra đề đến tầm… cùn, có thể bẫy bằng những thứ không giống ai, phản khoa học. Nếu một ngày các vị đọc một đề thi ngoại ngữ mà Tây cũng không biết làm thế nào cho đúng, thì đó là kiểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến đấy. Mà đã nói đến chuyện “ra đề cùn” thì xin các bố mẹ, các vị hiểu cho là con các vị có chạy đua đến trên trời cũng không thể lường được hết các loại bẫy quái gở ấy, thì lời giải phải nằm ở chỗ khác.

Vậy nó nằm ở chỗ nào? – dù thi vào lớp Sáu hay Mười, bây giờ các vị hãy nhìn phổ điểm của một kỳ thi xem nó có sin sít với nhau hay không – trước các thày chấm thi còn nói là 0,25 đủ trượt đỗ, thì bạn thân của con gái tôi, trượt khi thiếu đúng 0,1 điểm, đến bây giờ tôi vẫn còn tiếc cho cháu. Dạy cháu bơi, tôi biết tính cháu không kém gì bố nó: tính hấp tấp và cẩu thả. Từ khi quen bố con cháu năm lớp Một đến bây giờ, không lúc nào tôi ngừng lải nhải: cho con đi học thêm ít thôi, rèn cho nó tự học, rèn nếp tự làm được một bài không sai sót, tự kiểm tra xem sai chỗ nào và tự sửa chữa… Điều đó mới là quan trọng! Nhưng bố nó không nghe, cứ chạy đua với các lớp học thêm cho con. Nói quả đáng tội, lải nhải cũng có tác dụng giảm từ 8 xuống 6, 6 xuống 4 buổi/tuần chẳng hạn, nhưng đó mới chỉ là định lượng, việc rèn tính cho cô bé vẫn không được thực hiện. Tôi xin nhắc lại nhé: việc này hoàn toàn không phải là “dạy chữ” hay “dạy con học” mà là rèn nếp sống, rèn nếp làm người, thuộc lĩnh vực rèn tính cách. Tuyệt đối không nên nói câu “em không biết dạy con!” ở đây. Chẳng hạn, với “trận” thi vào Mười thì “văn toán nhân đôi” – sai một ý mất 0.25 nhân đôi là nửa điểm, mà văn bây giờ theo cách học văn mẫu, đếm ý cho điểm còn dã man hơn toán, toi ý nào chết ý ấy – vậy cái gốc là rèn tính cách vẫn là quan trọng nhất. Đi học thêm dù nâng cao nâng thấp, để giải những bài khó thì trước chiếm 1 điểm đến điểm rưỡi, nay có nâng lên cũng chỉ 2 điểm mà học mất quá nhiều thời gian… trong khi đó chỉ cần vững chỗ 8 điểm, 8 điểm rưỡi hay 9 điểm còn lại cũng đã “ăn chắc” rồi thì không làm. Tất nhiên để thi chuyên thì câu chuyện nó cũng phải khác, nghĩa là cũng phải đi học thêm, nhưng lúc đó thì tập trung vào môn chuyên trước đã, sau đó mới quay ra đến những môn còn lại, quỹ thời gian còn đến đâu xoay đến đó… và vẫn cứ phải quay về với… cái gốc các vị ạ.

Vậy con gái tôi có đi học thêm không? Không đi học gì trong suốt 4 năm đầu tiểu học, còn năm lớp Năm thì: hầu như không – với môn tiếng Việt cháu chỉ cần một lần duy nhất tôi hướng dẫn mất 30 phút về kỹ năng quy về đơn vị câu để viết, không cần phải nhớ định ngữ bổ ngữ, trạng ngữ gì sất… Nhưng sau đó là yêu cầu đọc sách để tăng vốn từ vựng và học chính cách viết câu cú, viết đoạn văn của các nhà văn. Toán thì “nhà trồng được,” cháu theo anh trai đến học ở nhà bà trẻ tôi gọi bằng mợ ruột, dạy theo kiểu vá víu là chính, nghĩa là không hiểu chỗ nào thì hỏi bà, chỗ nào hiểu rồi thì thôi… nhưng bù lại bà rèn nếp làm bài cẩn thận rất kỹ. Tiếng Anh, mãi cuối năm ngoái, cháu đi học ở lớp của một cô giáo dạy ông anh cháu ở trường cấp 2, được vài tháng thì chuyển online vì… Covid. Mục tiêu của việc học này là để cháu biết cách, biết kỹ năng làm bài thi, chứ không phải là để học lấy kiến thức. Trong quá trình học cũng có đoạn bị khủng hoảng vì bài khó, cháu tự bỏ qua nhiều đoạn không học kỹ, nên không hiểu… và đoạn đó phải yêu cầu cô bé tự “cày” lại rất ghê. Tôi có nói với con: con là học đuổi, như vậy chỉ cần mỗi buổi thấy sai chỗ nào, đem ra “chà xát mài dũa” nhiều lần chỗ đó để sau không vấp vào chính chỗ đó nữa, cứ thế sau 1-2 tháng sẽ đỡ. Như thế, hoàn toàn là hướng dẫn về kỹ thuật, tức là rèn tính cách, không phải dạy chữ, và cũng không cần dạy chữ làm gì.

Tuy nhiên cái gốc của cháu vẫn là “chắc nịch như cua gạch” – học chỗ nào nắm được chỗ đó và đã làm bài là không sai sót. Đến đây tôi sẽ nói sâu một chút: cô bé này bị bệnh… chắc quá, nên hóa ra là chậm. Hè hết lớp Ba lên lớp Bốn, tôi đã phải dành nửa tháng, ngày nào cũng đọc chính tả cho chép, nhưng với “tốc độ bàn thờ” nghĩa là không cho cậu ta nghỉ tay, vừa viết xong câu đã đọc tiếp… cứ thế để tăng tốc độ của hắn lên. Rõ ràng, với hai đứa con tôi cuộc đời đi học của chúng rất nhẹ nhàng, nhưng nếu cần “chiến đấu” với tệ nạn thi cử, không đến nỗi không chiến được. Chúng vẫn được bơi lội, đi chơi hết chỗ nọ chỗ kia, bao nhiêu hoạt động ngoại khóa… trong khi các bạn thì học thêm mê man đến hết thời gian chẳng còn có cái gì để mà nói chuyện, đặc biệt là yếu đuối về thể chất vì không có thể thao.

Với cách tiếp cận này, rõ ràng con tôi sẽ khó mà đỗ được những trường nhóm khủng như trường chuyên ngoại ngữ với tỷ lệ chọi 1 trên ba mấy cháu, vì đề văn – toán đều rất khó từ câu này đến câu khác. Nhưng với những trường nhóm thấp hơn, thì câu chuyện sẽ nằm ở chỗ bạn nào làm bài thi “không sai sót, không bị vặt râu vặt ria” sẽ là bạn đỗ, và bạn nào sai nhiều, thì nắm chắc phần trượt, dù làm bài xong tất cả ra ngoài đều khen dễ hoặc “làm được bài” như nhau.

Cuối cùng, để kết luận, tôi xin nói rằng: rèn con là cho cả cuộc đời sau này nó sống như thế nào, chứ không phải chỉ chạy đua với mấy kỳ thi. Thi lần này không đỗ, trường này không đỗ thì có kỳ khác, trường khác… Chạy đua với kiến thức chết, thì các con của chúng ta sau cũng chẳng ứng dụng những cái đó được vào cuộc sống, công việc… trong khi những yêu cầu về tính cách, về thể chất… cần cho cả đời, thì lại chẳng đạt được.

Làm ơn bình tĩnh lại đi, các bố mẹ!

Bài trên Fanpage Facebook tại đây 


No comments:

Post a Comment