Tất cả, tất cả những người nước ngoài có mặt ở buổi đó đã thể hiện họ là những đại diện của nền văn minh. Không một lời nào nói đến sự cần thiết phải khơi dậy lòng căm thù với người Nga. Phát biểu của các vị đại sứ chỉ cần nói: sự kiện bi thảm nhất của thế giới từ đầu thế kỷ XXI đến nay. Thế là đủ. Tất cả, tất cả được nói hết trong bộ phim.
Trước thời điểm đó, hình ảnh mà tôi nhớ nhất và ám ảnh nhất về cuộc chiến không phải là những thứ như bom đạn, thậm chí thi thể của con người cả hai bên tham chiến. Hình ảnh tôi cảm thấy không quên được, là ảnh chụp từ camera tại trạm kiểm soát biên phòng, ghi lại những chiếc xe tải quân sự Nga đang vượt qua biên giới, tiến vào lãnh thổ Ukraine.
Hình ảnh này làm tôi nhớ lại tất cả những gì đã đọc được trong sách, những gì đã được xem trong phim ảnh của Xô-viết trước đây, kể lại cảm xúc của người dân quanh cái thời khắc ngày 22 tháng Sáu năm 1941. “Hôm nay Chủ nhật, nhà mình có đi cắm trại không cha?” “Cắm trại à? Không được con trai ạ, cha phải đi đến phòng quân vụ. Chiến tranh, chiến tranh rồi!” Nhiều khi tôi cũng không hiểu tại sao trong tiếng Nga, người ta có những cách diễn đạt hay thế: “Ngày mai à? Ngày mai đã là chiến tranh rồi!”
“Завтра была война” là một bộ phim năm 1987 của điện ảnh Xô-viết dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Boris Vasilyev, người mà độc giả Việt Nam biết đến rất nhiều qua truyện vừa: “Và nơi đây bình minh yên tĩnh” (“А зори здесь тихие”). Cả tiểu thuyết và phim đều khắc họa cực kỳ thành công thời điểm chỉ lúc trước, là hòa bình và vài phút sau, đã là chiến tranh rồi. Ngày hôm nay có những việc không kịp làm mà để đến mai, thì ngày mai đã là chiến tranh rồi.
Và năm 2022 với rất rất nhiều người cả Ukraine và Nga, cuộc chiến tranh của Putin cũng đã làm biến đổi cuộc đời của họ một cách kinh khủng như thế.
Xem bộ phim tài liệu “Mariupol – niềm hi vọng không tắt” có một thị dân của thành phố, bà kể về con mèo của mình, và bà khóc. Bà nói: nó quá được thuần hóa và chắc là không tự lo được cho bản thân… Bà cảm thấy có lỗi với nó. Chắc hẳn sẽ có nhiều người cảm thấy có gì đó không đúng, hơi vô lý… Trong chiến tranh ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh, ngay con người cũng không dám chắc được mình có sống được sau 5 phút nữa hay không, mà lại lo cho con mèo.
Trong bộ phim còn rất nhiều hình ảnh của vật nuôi, những con chó, những con mèo của Mariupol. Đó là những con chó, những con mèo của chiến tranh, nhưng bà lão trong phim kể về con mèo của bà, đó là con mèo của những ngày hòa bình. Ngày hôm qua nó còn kêu meo meo và giụi giụi vào chân chúng ta để vòi ăn, thì hôm nay đã là chiến tranh rồi. Là người ngoài cuộc, không ai hiểu được nỗi đau khổ của con người đang sống trong một cuộc sống thanh bình mà chỉ thời khắc ngắn ngủi, nó bỗng biến thành địa ngục. Tiếng meo meo, gừ gừ khoan khoái của con mèo nằm khoanh tròn, là đại diện của một cuộc sống thanh bình đã mất.
Đúng vậy, tôi không thể quên được hình ảnh ba chiếc ô tô ấy. Sau đó còn có nhiều hình ảnh khác nữa, vài chiếc xe bọc thép, rồi xe tăng Nga với những ký hiệu Z trên thân, được chụp lại ở nhiều ngả đường xuyên biên giới khác nhau, nhưng cảm xúc của chúng mang lại không bao giờ bằng hình ảnh ba cái xe tải quân sự ban đầu. Tôi cứ nhớ, nó như một lưỡi dao sắc ngọt cứa vào trong tim – vậy đấy, chiến tranh rồi. Dự cảm của tôi đã đúng: cuộc chiến sẽ chẳng phải là ba ngày hay một tuần, mà người Ukraine sẽ chống cự và với sức mạnh khổng lồ của quân đội Nga, sẽ là rất nhiều đau thương và mất mát. Ngồi bình yên ở Hà Nội cách nhiều ngàn cây số, nhưng nỗi đau về sự tổn thất sẽ tới cho con người nơi đó, nó cũng chẳng khác mình phải ở trong hoàn cảnh như vậy là bao.
Một câu chuyện khác – một người phụ nữ xinh đẹp có mái tóc vàng cắt ngắn. Cô kể về cuộc sống với một thái độ bình tĩnh. Họ đã nghe và hát những bài hát của Tsoi. Nhắc đến Viktor Tsoi, là nhắc đến điểm kết nối giữa rất nhiều người chúng ta: tôi, bạn, những người Ukraine và cả những người Nga. Chỉ những người không quan tâm đến nền văn hóa Xô-viết thì mới không biết đến Viktor Tsoi. Người phụ nữ kể về Tsoi, là kể về một cuộc sống thanh bình đáng nhẽ cần có giữa người Nga với người Ukraine.
Và cả giữa những người Việt Nam chúng ta với nhau nữa.
Còn con trai cô thì tiếp tục nghe Metallica. Chỉ hôm sau, không còn cả Tsoi lẫn Metallica. Tiếp tục lần theo câu chuyện, là địa ngục người xem được chứng kiến. Một quả tên lửa bắn vào tòa nhà chung cư. Anh rể của người phụ nữ bị mảnh đạn bắn vào ngực, cực kỳ đau đớn và chết rất nhanh sau đó. Cô nhìn thấy máu trào ra dưới má của con trai, cậu bị thương ở sau đầu. Một lúc sau, cô kể: tôi dùng cái khăn màu hồng che mặt cho con trai, nó nằm trên đi văng.
Những tấm ảnh còn lại của cậu thanh niên chừng 16 – 17 tuổi, nhìn chẳng khác gì con trai mình. Cậu đang sống những ngày thanh bình của mình, mái tóc nâu rẽ ngôi giữa, những cái mụn trứng cá trên hai má, cái nhìn nghiêm nghị nhưng ngây thơ… Tự nhiên tôi nhận ra bên vai phải của mình đang được dựa vào là vai trái của con trai. Nó ngồi cạnh, cũng lặng lẽ xem những hình ảnh của một người bạn cùng trang lứa, không quen đã bốc chốc trở nên xa vời.
Vì đi mô tô, nên cha con tôi cùng mặc áo giáp nhưng qua những lớp đệm vai dày, tôi vẫn cảm thấy có hơi ấm của con trai bên cạnh. Cảm nhận rất rõ về thời điểm, tôi chợt nghĩ giờ này phút này đây tôi có hạnh phúc con trai ngồi bên cạnh. Cái thằng bé cao lớn, khỏe mạnh và đẹp đẽ ấy, có lẽ vẫn cần sự bảo vệ của cha nó, dù đã đến lúc cha nó yếu đi rất nhiều. Tôi nhớ thời điểm năm ngoái dù mới ốm dậy, tôi quyết dắt cái mô tô ra chở con đến Sứ quán Ukraine để tặng hoa.
“Ba đi được không hả ba?” – “Ba đi được con ạ.”
Chỉ thiếu mỗi câu: “Chiến tranh rồi con ạ.”
Cầm theo hai cái huy chương thể thao, con trai tôi gửi tặng thị trưởng thành phố Kyiv và Quân đội Ukraine, mỗi nơi một chiếc. Lúc đó tất cả những người yêu hòa bình đều hướng về thành phố Kyiv. Nó bảo: con là nhà thể thao, ông ấy (thị trưởng Kyiv), cũng là nhà thể thao. Những nhà thể thao là dễ hiểu nhau, có nhiều điều không cần nói cũng hiểu.
Và sau một năm, tôi vẫn có con trai bên cạnh, nó vẫn đang dựa vào tôi để chứng kiến những gì kinh khủng nhất đã diễn ra ở tận châu Âu. Đó, đã có những người đã từng sống.
Hôm qua có một câu chuyện khác – dù trong gia đình tôi rất cố gắng hạn chế nói chuyện chiến tranh. Tình cờ có một người không quen nhắn trên mạng xã hội là hay đọc những nhận xét về chiến sự của tôi, và phát hiện ra anh bạn đó có họ hàng. Khi đem ra kể cho mấy mẹ con, nhân tiện tôi nhắc về bộ phim tuần trước hai cha con đi xem. Tôi nói: những người Việt Nam ủng hộ Nga – Putin hay bào chữa rằng “Nga họ thua vì họ không dám bắn vào dân”, nhưng điều này chỉ đúng trong vài ngày đầu thôi, khi mà Putin tin vào những báo cáo của lực lượng tình báo, cho rằng tiến quân vào thì người Ukraine sẽ lật đổ cái gọi là “Chính phủ phát-xít ở Kyiv.” Không ngờ người dân Ukraine lại có ý thức rõ ràng về cái gọi là “thế giới Nga” đến thế, có khát vọng tự do đến thế.
Sau một số ngày quân đội Nga bị chống trả, thua đau… nhất là khi phải chạy khỏi Kyiv và cuộc chiến bước sang một giai đoạn mới, thì không còn là “không dám bắn vào dân nữa.” Khi đó cuộc chiến của Putin đã trở thành đòn thù. Chỉ sau cỡ một hai tuần thôi, không hơn khi thấy dân chúng Bucha, Irpin… và cả dân chúng xung quanh cái con đường mà đoàn xe 64 ki-lô-mét lễu nghễu kéo đến thủ đô của Ukraine, đánh phá ngăn cả bước tiến của đoàn quân Nga – đã thấy ý chí của người Ukraine và đã thấy sự thất vọng rõ ràng của người Nga rồi.
Cũng từ thời điểm ngày 24 tháng Hai đó, cả thế giới đã rõ lý luận “Nga với Ukraine là anh em” là vớ vẩn. Có loại anh em nào dùng đòn thù đánh nhau, biến cuộc sống của nhau thành địa ngục. Tôi nhớ trước khi chiến tranh nổ ra tôi có viết một bài rằng, hi vọng vào những người Ukraine chỉ nói tiếng Nga sẽ vùng lên ủng hộ quân Nga, là một lý thuyết nhảm nhí. Cuộc sống của tôi đang bình thường, chăn ấm nệm êm mà một ngày ông phá tan, thì kể cả cùng ngôn ngữ với nhau tôi cũng sẽ chiến đấu chống ông đến cùng.
Người phụ nữ có mái tóc vàng cắt ngắn ấy… Cô kể về cái chết của con trai mình mà mắt chỉ hơi ngấn lệ. Rõ ràng là không chỉ cái chết của cậu bé, mà xung quanh cô rất nhiều người khác đã chết, thậm chí còn không được chôn cất đàng hoàng, cả nghìn người dưới hầm nhà hát Mariupol đã chết… Tất cả, tất cả đã làm cho cô chai sạn hơn và bây giờ là sự bình tĩnh đến lạnh lùng như tàn nhẫn.
Chỉ có chút ngấn lệ khi nhắc đến con trai.
Chiến tranh là như vậy, nó làm cho những con người bình thường nhất trở nên khắc nghiệt nhất. Cô ấy nói: tôi sống được đến ngày hôm nay là nhờ lòng căm thù.
Tôi sực nhớ ra đã từng có nhà văn Xô-viết viết truyện “Khoa học của lòng căm thù” (“Наука ненависти,” 1942, tập truyện ngắn của Mikhail Sholokhov) nói về lòng căm thù của người Nga với chủ nghĩa phát-xít. Còn bây giờ thì người Nga chưa có thời gian đâu, nhưng sẽ dần dần họ cần phải đọc lại những câu chuyện này. Khi đó họ mới hiểu ai đang là phát-xít trong cuộc chiến tranh này.
Sẽ là thật quá đáng nếu yêu cầu một người vừa trải qua những mất mát đến vậy dẹp bỏ lòng căm thù, nhưng cũng giá mà được như vậy. Chúng ta phận con sâu cái kiến, chẳng thể làm được gì nhiều ngoài khơi dậy trong tâm hồn của bạn bè, họ hàng… những mong muốn về một thế giới hòa bình. Và chúng ta cầu mong những nạn nhân của cuộc chiến sẽ có một ngày bỏ hẳn lại những đau thương lại phía sau, vì cuộc sống vẫn tiếp tục.
Hơi ấm từ vai của con trai như vẫn còn. Nếu có một ngày ta phải nói câu: “Chiến tranh rồi con ạ” thì nếu có thể ba sẽ đi thay con, nhưng chắc chắn đó là điều không tưởng. Với những gì cha con đã nói, đã làm với nhau, chắc chắn con sẽ lên đường để thực hiện sứ mệnh bảo vệ những điều con yêu quý.
Chợt nhớ câu chuyện của người quen từ Mátxcơva: người yêu của con gái anh 26 tuổi, kỹ sư tin học và thuộc diện không bị gọi đi quân dịch, nhưng cậu ta cũng không trốn đi đâu cả. Khi được hỏi “nhỡ bị gọi đi thì sao?” – “tôi đã tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nên nếu được gọi tôi sẽ đi.” Có những người Nga vẫn tin ở sứ mệnh giải phóng của họ. Có những người Nga không cần biết chính nghĩa hay không, bổn phận và nghĩa vụ thì cứ làm.
Ôi, người Nga, người Nga…
Lời cuối. Tuần trước sau khi viết và post lên mạng bài “Mười hai tháng chiến đấu của nhân dân Ukraine: thà đau một lần để bình an đời đời”, tôi nhận được rất nhiều lời cảm ơn, và tôi đã không nói gì. Tôi dành một tuần để suy ngẫm về những cảm xúc mình có và cả những gì mình được ưu ái giành cho đó. Tôi đã muốn đáp lễ mỗi lời cảm ơn, bằng một câu như sáo rỗng: xin đừng cảm ơn tôi, tôi không làm được gì cả ngoài những trang viết. Chúng ta cần cảm ơn nhân dân Ukraine, những người trong quá khứ đã từng rất tốt với nhân dân Việt Nam, và bây giờ thì họ đang chiến đấu tinh thần tự do của toàn thế giới.
Tôi muốn nói lại điều tôi đã viết trong bài đó: tình yêu thương sẽ cho con người sức mạnh. Mỗi người cha mẹ nếu yêu thương con cái của mình, sẽ bảo vệ được chúng bằng tình yêu thương đó. Và bây giờ thì chúng ta sẽ bảo vệ thế giới bằng lòng yêu thương của mình. Xin cảm ơn mọi người, vì tất cả.
Bài trên “Nhịp cầu Thế giới” tại đây
Bài trên Facebook tại đây
Bài trên Fanpage tại đây
No comments:
Post a Comment