Năm đó, 1993 – năm đầu tiên gia đình tôi – chính xác là mẹ tôi với hai anh em tôi được sống ở ngôi nhà mới mà bà ấy cũng chỉ được sống ở đó đâu có gần hai năm. Tết đầu tiên ở nhà mới với một cái radio-cassette cũng mới, đem lại những hi vọng mới cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Sáng mùng Một Tết, mẹ bảo tôi pha cà phê, rồi mở nhạc cho bà nghe. Hết bài “Chúc mừng năm mới” là bài “I Have A Dream,” bà bảo tôi dịch cho tôi nghe xem ca từ của nó, rồi nghe lại một lần nữa và thở dài. Năm đó bà đã ốm khá nặng, nhưng có lẽ bà chưa bao giờ hết hi vọng vào cuộc sống.
Cả đời này tôi chưa bao giờ thấy có một con người kiên cường đến thế. Đúng vậy – mẹ tôi có ngưỡng chịu đau có lẽ là phi thường và sau này cả tôi và em trai, chắc hẳn cũng nhặt được phần nào cái đó của bà. Khi em trai tôi ngã xe máy, cái ống xả áp vào bắp chân trần của nó bỏng đến tận xương. Ấy vậy mà nó không bao giờ kêu một tiếng trong suốt hai tuần chữa chạy. Năm kia khi bị một căn bệnh hiểm nghèo với những cơn đau cùng cực, ban đêm tôi dậy khỏi giường bệnh, đi ra gọi bác sĩ trực và… cười toe toét. Lúc sau khi tiêm thuốc cho tôi, bác sĩ và điều dưỡng hỏi: Anh không đau à? Hay đau giả vờ? – Không anh đau ghê gớm, nhưng anh như vậy: đau vẫn cười nhăn nhở và càng nói khỏe. Các cô điều dưỡng bảo: bình thường thì bọn cháu phải động viên người bệnh, nhưng những ngày chú ở đây hóa ra chú động viên bọn cháu, nghe chuyện nhà của bọn cháu và giúp bọn cháu tìm ra những suy nghĩ đúng.
Với mẹ tôi thì hồi đó bà đã thấy mong ước của mình thành sự thật một phần: tôi đi học đại học. Mẹ tôi ốm, em tôi còn nhỏ nên tôi phải đi làm, công việc của người công nhân cơ điện và chỉ sau đó cả năm, tôi mới quyết định đi thi lại đại học. Còn với sự sống, tôi hiểu bà chỉ hi vọng, chứ không còn là ước mơ nữa. Còn tôi khi bị ốm, lúc đó tôi chỉ có một ước mơ là… được đi về nhà. Nhìn những người xung quanh, hàng ngày người ta sống lại rồi đi về, nhưng cũng hàng ngày người ta chia tay cõi tạm để… đi đâu đó. Khoan hãy nói đến họ, hãy nhìn những người thân của họ đêm nào cũng ngủ ngoài trời, từ những hôm nóng bức đến những hôm mưa lạnh, tất cả chỉ để nuôi hi vọng rằng có một ngày người thân của mình sẽ được cứu sống.
Bài hát của ABBA ca từ đơn giản, phù hợp với người mới học tiếng Anh như tôi hồi đó, chắc chắn sẽ bị nhiều người chê. Nhưng giọng hát của họ tha thiết đến mức da diết, như ru người nghe vào những câu chuyện cổ tích nào đó với những thiên thần. Cùng năm đó, lần đầu tiên khi học trên giảng đường trường đại học, tôi tiếp xúc với những khái niệm về quyền sống của con người. Và tôi đến với một ước mơ khác của Martin Luther King. Khi đó tôi hiểu, ở đâu thì cũng phải trải qua những cuộc đấu tranh cho quyền được sống, được phát triển một cách công bằng.
Không phải ước mơ nào cũng sẽ thành sự thật.
Năm nay tôi không nghe “Happy New Year” nữa chẳng phải do có những bài chê bai ABBA trên mạng: đó là bài hát chúc mừng năm mới của người Việt Nam, chứ Tây có ai nghe đâu… Đơn giản tự nhiên tôi chưa muốn nghe thêm lần nữa một bài hát có giai điệu buồn đến vậy mà lại đầy hi vọng đến vậy, khi mà “… a world where every neighbor is a friend” còn chưa thành sự thật.
Chiến tranh!
Con trai tôi cũng có một ước mơ và có lẽ cũng rất cháy bỏng: được lái máy bay bay lên bầu trời. Cậu ta say mê tìm hiểu về các loại máy bay và có một thần tượng, chiếc Antonov 225 “Mriya”. Có lần tôi nói với nó: “Mriya” nghĩa là… chưa nói hết, con tôi đã nói ngay: nghĩa là ước mơ ba ạ. Những ngày này đúng một năm trước, “Giấc mơ” của con trai tôi gãy vụn dưới bàn tay của lính Nga. Con trai tôi đi từ sững sờ đến thẫn thờ: cái máy bay có thể nói là một kiệt tác của kỹ thuật, đã bị phá hủy.
Tôi nói với con: trong tiếng Việt có từ “văn hóa” mà gốc của nó nghĩa là “những sản phẩm của con người làm ra”. Bằng hành động này, người Nga đã hủy diệt cả văn hóa, trở thành kẻ phá hoại những thành tựu của văn minh nhân loại. Nếu từ bây giờ người Nga có bị coi như hủi trên khắp thế giới thì cũng là đáng đời. Ước mơ của Martin Luther King chưa vươn tới cảm hóa được những người như thế. Tôi cũng cay đắng mà phải nói với con rằng: có khả năng thì đi chỗ khác mà học, đừng nghe cái câu “kiến thức đi Nga” nữa. Đi du học là phải học cả văn hóa, trong đó có sự giao tiếp với các bạn bản xứ. Chủ nghĩa Đại Nga được Putin thổi phồng đã biến những “người Nga mới” thành những người phân biệt chủng tộc nhất thế giới. Mình là những người thuộc thế giới thứ ba, không phải lúc nào cũng được chào đón, thậm chí cả ở đất nước của Martin Luther King.
Một trong những người bạn học cũ thời đại học của tôi, người đã trở thành một fan cuồng nhiệt ủng hộ cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine vì hai lý do. Lý do thứ nhất: anh ta có cụ thân sinh đã học tập ở Liên Xô cũ. Lý do thứ hai: dù nhận được học bổng Fulbright đi tu nghiệp ở Hoa Kỳ, anh ta bị phân biệt coi như công dân hạng hai. Đó là anh ta kể cho tôi nghe vậy.
Con trai tôi là người tình cảm, nó rất buồn vì cái máy bay bị phá – như tất cả những gì nó yêu quý rồi không còn nữa. Tôi cứ tưởng tượng ra cái Antonov ấy, như một con cá voi xanh rõ là lớn, hiền lành và tốt bụng, chắc chắn nó chẳng làm hại ai bao giờ. Ấy thế mà có ngày người ta vẫn hại nó.
Con trai tôi nói rằng, vẫn còn một bộ khung nữa và người Ukraine sẽ làm lại một chiếc máy bay khác. Còn cái bị phá hỏng, nó sẽ được dùng làm bảo tàng để người đời sau không bao giờ quên đã có lúc, “người hàng xóm” bỗng tự biến mình thành kẻ thù. Nó bảo: đã ước mơ làm phi công, thì thanh niên nào cũng ước mơ “thêm” có ngày có cơ hội được cầm lái cái con cái voi đó, cho nó bay lên trời.
Sáng sớm nay xem trên mạng xã hội, chị bạn Hồng Giang ở Kyiv đăng lên một bức ảnh người Ukraine có tấm pa-nô: “У НАС ОДНА MRIYA” – “Chúng ta có một ước mơ”. Chị Giang viết: vết thương chiến tranh đã dần khép miệng. Đúng, nhưng tiếng Việt thì còn có thể hiểu: “Chúng tôi có một ước mơ.” Nhiều khi ước mơ đó đơn giản thôi, nhưng hỡi các anh, những người hàng xóm u mê, các anh cần học cách tôn trọng nó.
Tôi muốn nói với mọi người về người bạn ấy. Đáng nhẽ ra là người trải qua những giờ phút đầu tiên của chiến tranh, cho đến nay nhẽ ra chị ấy phải viết những status căm thù người Nga, những kẻ đã gây ra chiến tranh. Nhưng không, chúng ta không thấy, mà chỉ là những trang viết hết sức tình cảm kể về những con người đang trải qua chiến tranh, không phân biệt dân tộc. Đọc những gì chị viết, chúng ta thấy có gì đó ấm cúng và thấy những gì mình đã làm thật là nhỏ bé. Cuộc chiến tranh đã cho chúng ta thấy những điều hết sức giản dị mà vĩ đại. Chẳng hạn, nếu muốn đến thăm nước nào đó ngay sau cuộc chiến tranh này, thì tôi sẽ muốn đến ngay Ba Lan – đất nước của những con người vị tha, độ lượng và vĩ đại đúng với nghĩa của từ đó.
Ngày hôm qua còn một hình ảnh vĩ đại nữa: người lính Ukraine gầy guộc và có lẽ, không còn trẻ. Anh sắp bị bắn nhưng vẫn từ chối tháo phù hiệu đất nước trên áo, hút hơi thuốc cuối cùng và hô “Vinh quang cho Ukraine.” Một con người giản dị hết mức, nhưng anh hùng hết mức.
Những người giản dị đó, dù đứng trước sự thật đau khổ đến mấy vẫn động viên chúng ta tin vào những điều tốt đẹp.
Hòa bình chắc chắn sẽ về với người Ukraine, và tất nhiên cả cho những người Nga dù lúc này phần lớn trong số họ vẫn đang u mê đến mù quáng. Cũng như ông bạn học “trạng sư nổi tiếng” của tôi, cũng một dạng u mê, tự động tin yêu vào một thứ nhờ sự tô hồng mà thực chất chẳng biết rõ về nó. Còn những người bạn như chị Giang ở Kyiv, lại tặng cho chúng ta một bài học rất lớn. Có rất nhiều cách chống chiến tranh nhưng không bao giờ nên đem chiến tranh về gia đình mình, đem vào tâm hồn mình.
Vì thế, chúng ta hãy đừng cãi cọ với bất cứ những người còn u mê. Hãy nhớ câu nói của Putin khi thuyết phục các bà mẹ Nga hãy ủng hộ chiến tranh bằng con của mình: đằng nào chẳng chết, thà chết trên chiến trường còn hơn chết ở nhà vì rượu. Một xã hội như thế với những con người như thế, khác nào địa ngục.
“Con cái voi” sẽ lại bay lên
trời, như ước mơ của người Ukraine và cả của chúng ta, về một thế giới hòa
bình, sẽ thành sự thật. Và con trai tôi chắc chắn sẽ đạt được ước mơ của nó,
trước mắt là một ngày được bay lên trong bụng của con cá voi tốt bụng ấy, dù với
vai… hành khách.
Bài trên Fanpage tại đây
Bài trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment