Bạn thân mến,
Bức thư này vừa viết cho bạn,
vừa viết cho bản thân mình, vừa viết cho tất cả các bạn bè của mình… nên mình
đã đặt tên cho nó. Bình thường, chẳng ai đặt tên cho một bức thư cả. Chỉ có: Hà
Nội, (hoặc Mátxcơva) ngày… tháng… năm…
Đã nhiều lần xem trên phim ảnh,
thấy người này cầm cốc hắt nước vào mặt người kia. Mỗi lần xem, lại tự hỏi: “Nếu
như mình bị như vậy thì sao nhỉ?”. Trong phim, có khi người ta đánh nhau. Có
khi người ta yêu cầu xin lỗi trước, rồi đối thủ không xin lỗi thì cũng lại đánh
nhau. Nhưng cũng có khi, người ta chỉ xin phục vụ nhà hàng (nếu ở trong nhà
hàng) một cái khăn. Trường hợp này, mình lại tự hỏi tiếp: “Thế nếu như khi xin
cái khăn, người ta nghĩ gì nhỉ?”.
Nếu như theo học Phật pháp,
thì sẽ thấy nhiều bài viết về chuyện đó. Nào là nếu người ta đánh bạn, chửi bạn…
nhất là nếu cái người đánh bạn, chửi bạn ấy lại là một người bạn của bạn – thì cần
phải học cách quên, học tha thứ. Đấy là Phật pháp bảo như vậy. Mình cũng học Phật,
lúc này mình như thế nào nhỉ, khi bạn ném cái cốc vào mặt mình cùng những lời
xúc phạm ghê gớm?
Khi một người ném cái cốc vào
mặt bạn, hẳn là lúc đó bản mặt của bạn đối với người ấy, cực kỳ đáng ghét. Chắc
bạn lúc đó cũng rất căm giận mình. Thật ra, điều đó đúng, vì trong quá khứ mình
đã nhiều lần trêu chọc bạn, làm cho bạn cảm thấy bị xúc phạm. Đó là thời trẻ
con, tuổi trẻ - và bây giờ gặp lại nhau, chúng ta kể lại những chuyện đó như những
kỷ niệm vui vui, vì chúng ta không có ác ý gì với nhau. Nhưng mình vẫn thấy từ
đáy lòng là mình có lỗi với bạn. Vì thế, khi bạn cảm thấy cái bản mặt mình thật
đáng căm ghét, thì bạn phản ứng như vậy, cũng là bình thường. Mình thấy mình xứng
đáng phải nhận một điều như vậy. Và mình im lặng. Mình quan sát một cái cốc
khác.
Người ta hay nói rằng, nhiều
khi trong cái cốc trà cũng có thể có một cơn bão. Người thì lại mong mình có một
tâm hồn lớn, cao cả, như biển cả, như đại dương. Mình chỉ mong tâm hồn mình là
một cái cốc, vì biển cả, đại dương thường có bão. Mà Phật thì bảo rằng, cần có
được sự tĩnh lặng trong tâm hồn.
Cái cốc nước trong tâm hồn
mình cũng thường có bão. Nó là những cơn nóng giận, và có cả những cảm xúc nguy
hiểm cho sự cân bằng. Nhưng khi cái cốc từ tay bạn bay vào mặt mình, mình thấy
cái cốc nước trong tâm hồn mình không còn là cốc đựng nước trà nữa, mà là đựng
thủy ngân. Nó hoàn toàn tĩnh lặng, không xao động, không nóng giận, không hận
thù. Vì thế mình không hề mất một chút năng lượng nào để kìm nén bản thân. Khi ta không giận, thì tại sao ta lại phải kìm nén? Nhờ có cốc nước của bạn, mình
phát hiện ra, cốc nước trong lòng mình hoàn toàn tĩnh lặng, không hề có chút
sóng động.
Người ta cũng thường nói rằng,
có thể tha thứ được “sự làm hại vật chất, thể xác” nhưng không thể tha thứ, bỏ
qua được “sự làm hại, xúc phạm về tinh thần”. Với nhiều người, chắc không thể bỏ
qua được những gì tương tự hành động của bạn hôm đó. Nhưng với mình, mình hiểu
Phật bảo mình điều gì. Thân xác của chúng ta là giả tạm, cả những gì chúng ta
có trong tâm hồn này, rồi một ngày, chúng ta cũng không còn nhớ nữa. Vì thế, dù
sự xúc phạm có ghê gớm đến mấy, cũng không có ý nghĩa gì với những gì chúng ta
đang giành cho cuộc đời này: tình yêu.
Mình quý mến bạn, nên mình
không thấy gợn lên chút suy nghĩ về việc có nên quên hay không nên quên sự xúc
phạm.
Vì thế mình muốn cám ơn bạn,
chính cái cốc của bạn làm cho mình nhìn thấy, ngày hôm đó, cái cốc trong tâm hồn
mình không có bão.
Khi ngồi post lại bài này lên Facebook, câu chuyện đã là khoảng nửa năm. Nửa năm chưa phải là dài, nhưng cũng đủ để chiêm nghiệm thêm những cảm xúc của bản thân, nhất là những cơn giận mà cái cuộc sống hàng ngày nó thường "gí" cho ta.
ReplyDeleteThật may, hầu hết là thành công trong việc điều chỉnh những cảm xúc nóng giận đó. Nhiều khi thật dễ để nhìn thấy người khác giận dữ và cố gắng can ngăn, kiềm chế họ. Nhưng nếu nhìn cơn giận của mình, đáng nhẽ nó sẽ đến, nhưng nay nó không đến nữa như "cơn giận của một người khác" thì còn tuyệt vời hơn nữa!