Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, May 9, 2012

Ngày Lễ Chiến thắng của những người cựu binh cận vệ

Post lên nhân dịp 67 năm ngày Chiến thắng vĩ đại

Gia đình người cựu chiến binh – cả cụ ông và cụ bà đều là cựu chiến binh
Năm nào cũng thế, cứ đúng ngày Chiến thắng là các cựu binh cận vệ của Trung đoàn Cận vệ số 12 (sư đoàn 37, thuộc Tập đoàn quân 61, Phương diện quân Bêlarútxia thứ nhất) cũng hẹn gặp nhau đúng 12 giờ trưa ở cạnh đài phun nước Công viên Văn hóa – Mátxcơva.

Hôm nay là một ngày thật đẹp trời! Mang trong mình nguyên cái cảm xúc hào hứng sau khi xem duyệt binh qua truyền hình, chúng tôi vội vàng đi đến Công viên Văn hóa. Đường phố Mátxcơva người đông nườm nượp ngập tràn cờ hoa, rất nhiều hoa. Rất nhiều thiếu nữ và cả những người phụ nữ, mang theo cả một ôm những bông cẩm chướng đỏ rực rỡ, tặng bất cứ cựu chiến binh nào mình gặp mỗi người một bông. Câu nói thường trực trên môi họ, chính là “Xpaxibo!” – “Cảm ơn!”. Những người trẻ tuổi của nước Nga không quên công ơn của những người đã chiến đấu vì tự do của Tổ quốc, vì sự tồn vong của nhân loại.

Cựu chiến binh V.V. Ivanốp
Người chúng tôi cần gặp – người cựu chiến binh của Trung đoàn cận vệ số 12 là cụ Vlađimia V. Ivanốp. Cụ chính là một trong những tác giả của cuốn từ điển Nga – Việt 2 tập (ta thường gọi là Từ điển 2 “tôm”) mà nhiều thế hệ học sinh Việt Nam dùng để học tập. Cụ chưa được khỏe hẳn sau cuộc phẫu thuật mới phải trải qua, nhưng cũng rất cố gắng để đến được với ngày hội. Cụ hỏi và sau khi được biết tôi nhà ở Hà Nội, thì cụ hỏi ngay là có phải ở Phố Huế không – và rất lấy làm thú vị khi được biết tôi ở Phố Huế thật. Cụ vẫn nhớ Hà Nội, nơi cụ đã có mặt từ năm 1955, một năm sau ngày Giải phóng Thủ đô.

Năm nay Trung đoàn chỉ còn có chín cụ đến được với ngày hội, một vài cụ không còn đủ khỏe để đến nữa. “Đội ngũ” của Trung đoàn lại tiếp tục được hình thành bằng những người con, cháu của những cựu binh. Chúng tôi trò chuyện với một trong hai người con trai (và cả vợ, con của bác ta nữa, tức là con dâu và cháu nội của người cựu chiến binh cũng đến – cả một đại gia đình) của Cố trung tá Iuri Anatôliêvích Vaxiliép (1928 – 2002), và biết được lộ trình chiến đấu của Trung đoàn Cận vệ số 12. Bắt đầu tham chiến từ trận chiến đấu ở thành phố Ariôn, Trung đoàn đã trải qua các trận đánh giải phóng Chécnhigốp, tiến đến biên giới giải phóng thành phố - pháo đài Brext anh hùng, tham gia giải phóng thủ đô Vácxava của Balan và kết thúc chiến tranh tại thành phố Stéttin trên đất Đức.

Con trai Cố trung tá Iuri A. Vaxiliép
cùng tấm ảnh của người cha mình chụp một năm sau chiến tranh.
Ở dưới là sơ đồ chiến đấu của Trung đoàn Cận vệ số 12
Cùng với những lời cảm ơn là những nụ cười và cả một thứ không thể thiếu là những giọt nước mắt – Ngày lễ lệ tràn mi.

Nước Nga kỷ niệm lần thứ 63 Chiến thắng chủ nghĩa phát xít long trọng hơn năm ngoái, chắc một phần do kết quả của cuộc bầu cử tổng thống mới của đất nước. Chúng tôi chia tay những người Cựu chiến binh Cận vệ của Trung đoàn 12, tiếp tục “bơi” trong không khí háo hức của người dân Mátxcơva (và chắc là của toàn nước Nga), trôi theo dòng người cuồn cuộn đổ về Công viên (hay Đồi hay Quảng trường) Chiến thắng. An ninh được tăng cường hết mức quanh khu vực công viên, các lực lượng An ninh Nga, Bộ Nội vụ (Công An), Bộ Các trường hợp khẩn cấp… bố trí dày đặc xung quanh khu vực Công viên Chiến thắng và Bảo tàng Trung ương Chiến tranh Vệ quốc, chuẩn bị cho buổi biểu diễn ca nhạc đặc biệt được truyền hình trực tiếp, sẽ được tổ chức ở đây vào 18 giờ chiều. Ở đây đã tập trung hàng ngàn thanh thiếu niên, tụ tập thành từng đám đông, đồng thanh hô mỗi lần có các cựu chiến binh đi qua: “Cám ơn, cám ơn, cám ơn…” và “Nước Nga! Nước Nga!...” rất xúc động và tự hào.

Thanh niên của nước Nga hôm nay mừng ngày lễ Chiến thắng
Chúng tôi cũng muốn nói một điều rằng, ở cách nước Nga đến cả vạn cây số, vẫn có những người Việt Nam cùng kỷ niệm Ngày Chiến thắng cùng với nước Nga. Phải về nhà ngay thôi, để còn viết bài và từ cửa sổ xem bắn pháo hoa mừng chiến thắng …

Ảnh trong bài: Minh Hà


(Bài kỷ niệm 63 năm Chiến thắng phát xít)

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment