Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, December 9, 2013

Ai lấy đi và ai để lại?

Hai người nổi tiếng ra đi cách nhau chừng 60 ngày. Cả hai ông cùng sống thọ. Một người là vị đại tướng đỏ của Việt Nam, còn một người, như mình biết và có lẽ như thế thật – đúng nghĩa là anh hùng giải phóng dân tộc, giải phóng con người.

Chỉ cách đây hai tháng, dân Việt Nam xếp hàng dài lũ lượt viếng cụ Đại tướng. Nước mắt tuôn như mưa chẳng kém thời cụ Hồ mất năm 1969. Trong số tất cả những chia sẻ trên mạng internet, mình thấy câu này hay nhất: “Người ta khóc thương cho một niềm tin cuối cùng đã mất”.

Cụ Đại tướng ra đi đã khuấy lên bao tranh cãi. Cuộc chiến tranh từ 1954 đến 1975 là nội chiến hay kháng chiến chống Mỹ, Hoa Kỳ có xâm lược Việt Nam hay không… người ta cãi nhau thì đã đành. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giá cứ như không có những chuyện “chỉnh huấn chỉnh quân” rồi “thổ địa cải cách” và vai trò của những cố vấn Bắc triều… thì khỏi phải tranh cãi đó là cuộc kháng chiến kết thúc 100 năm Pháp thuộc, nhưng cũng chính cuộc kháng chiến này vì những đặc điểm đó của nó, đã làm cho tên tuổi của cụ Đại tướng, có nhiều điểm dễ bị chỉ trích.

Thôi kệ, mồm ai người ấy nói.

Sau ngày đưa cụ về Vũng Chùa, báo “Phụ nữ Thủ Đô” có bài giật tít “Vị Đại tướng ra đi, để lại niềm tin cho người ở lại”. Bao năm qua, chúng ta quen với truyền thông chính thống, đã những cái gì của chế độ xã hội chủ nghĩa, là tốt đẹp. Nếu nó thực sự tốt đẹp được như thế thì tốt quá.

Nhưng Cụ đã đi… cụ như một hình ảnh tốt đẹp cuối cùng còn sót lại của những cái gì người ta đã từng muốn tin tưởng. Và người ta khóc. Khóc cho cái niềm tin, cái điều tốt đẹp ấy không còn nữa. Chính vì thế mà người ta nhanh chóng lau khô nước mắt để mai còn đi du đổ cổng trường xin học cho con. Người ta nhanh chóng lau khô nước mắt để bê xác người bệnh của mình đi phi tang. Người ta nhanh chóng lau khô nước mắt để còn đi cướp những lon bia văng ra trên mặt đường.

Cả dân tộc vừa nắm tay nhau hôm qua, lại nhanh chóng buông tay nhau ra để tiếp tục dẫm đạp lên nhau từ tranh ăn miếng sushi đến cướp cái áo mưa, sẵn sàng phang chết người khác mặc dù cái “người khác” ấy mới chỉ 18 tháng tuổi.

Nhưng còn được trèo cổng trường, còn được giúi phong bì cho bác sỹ còn là may. Có người còn đang ngơ ngác và còn chẳng được khóc Đại tướng khi mà cụ mất, người ta còn đang đếm những ngày tháng của năm thứ mười ngồi tù oan.

Người ta khóc vì thế và cũng sẵn sàng quên đi nước mắt chắc cũng vì thế. Mình sẵn sàng nhận hàng tấn đá khi viết những dòng này lên internet, vì hình như, cái mà Cụ mang lại cho đời, người ta còn phải tranh cãi, còn những cái mà cụ lấy đi, lại khá rõ ràng. Bù trừ cho nhau, cụ không để lại cái gì cả.


Nhưng con người thứ hai chết khi 95 tuổi, và chính cũng truyền thông chính thống của Việt Nam đã đưa tin làm nhiều người ngỡ ngàng: dân Nam Phi cười. Họ ăn mừng, dù rất tiếc thương con người vĩ đại đã bằng sự nhẫn nại và hy sinh phi thường tự do của bản thân để tiêu diệt chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhưng họ vẫn ăn mừng, vì ông đã đem lại cho họ tự do và bình đẳng.

Phải chăng cái nhìn của hai dân tộc về sự ra đi là khác biệt?

Mình tin là với con người vĩ đại này, đề tài để cãi cọ ít hơn nhiều nếu như không muốn nói là không có. Không chỉ cho dân Nam Phi, mà ông còn để lại cho nhân loại toàn thế giới một điều thực sự vĩ đại.

Người ta có thể đạt tới mục đích bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cách của con người vĩ đại ở tận Nam Phi, mới thực sự thuyết phục.

Còn đạt được mục đích bằng cách hy sinh tột cùng mọi nguồn lực của dân tộc, thì chắc là sẽ còn để lại nhiều cơn bão trong lòng không chỉ dân tộc ấy, mà còn nhiều dân tộc liên quan nữa…

Ai là người lấy đi và ai là người để lại niềm tin cho dân tộc?

P.S. Đọc Vietnamnet có bài “Dân Nam Phi nhảy múa thay vì khóc thương Mandela”, cứ search google là ra. Còn bài báo trên "Phụ nữ Thủ Đô" là số ra ngày 9 tháng Mười năm 2013.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment