Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Monday, December 30, 2013

Dân Chợ Giời và trai thành Nam

Ảnh chụp trong Chợ Giời năm 2012
Một. Dân Chợ Giời.
Cái gì cũng thế, buổi đầu bao giờ cũng lỉnh kỉnh, và phải mất một thời gian thì mới đi vào ổn định được, Chợ Giời cũng không phải là ngoại lệ.

Chợ Giời Hà Nội được hình thành từ cuối thời Pháp thuộc, chỗ “Trại Hòa Bình” (đọc “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài ông có nhắc đến cái “Trại” này một lần). Nghe người lớn kể, đến những năm 1960, chợ Giời vẫn hoạt động, vẫn đúng nghĩa như cái chợ bán đồ cũ, như bây giờ có rất nhiều chợ cóc bán đồ cũ xuất hiện ở Hà Nội vậy. Phía bên số lẻ của phố Trần Cao Vân bây giờ, là các nhà cũ được xây trong thời kỳ Pháp tạm chiếm. Bên số chẵn của phố, là vỉa hè trống và tường của khu nghĩa địa Tây, nay là khu tập thể Nguyễn Công Trứ - được xây từ chính những năm 1960 đó. Dần dần, bên vỉa hè đó người ta dựng lên những dãy quán lụp xụp, vừa để ở, vừa để bán hàng, và đến những năm 1970 thì xây luôn thành nhà ở kiên cố, vẫn không có giấy tờ gì hết, bây giờ gọi là “nhà nhảy dù”. Thời nào cũng có “xóm liều” cả, xóm thì bị giải tỏa, xóm thì mặc nhiên tồn tại với thời gian rồi được hợp thức hóa…

Những năm 1970 cũng là những năm Chợ Giời bị dẹp, không hoạt động, chắc cũng phải đến mười mấy năm. Dân cư khu phố chia hai bên rõ rệt, một bên là các gia đình cũ, bên kia là các gia đình “bình dân” hơn, dân mới nhập cư từ những năm 1970 trở về sau. Dần dần, sự biến động của dân cư nó làm cho tình hình thay đổi: các gia đình nhập cư theo bước chân “Giải phóng Thủ đô” đến khu phố, và các gia đình cũ thì dần dần chuyển đi đâu đó… Phố xá đã thay đổi.

Những năm 1980 Chợ Giời lại bung ra hoạt động, và ngày càng lớn mạnh. Sự thay đổi đã đến nhanh chóng, những “gia đình cũ” không trụ lại được đã chuyển hết, và nếu có ở lại mà không buôn bán được, thì sa sút nhiều về điều kiện kinh tế. Còn những gia đình buôn bán đã quen, thì chuyển từ bán lạc rang hay đánh giày sang bán các hàng hóa khác, đã là chuyện bình thường.

Thời đầu tiên mới bung ra, Chợ Giời toàn bán đồ cũ. Nhức nhối nhất là nạn buôn bán xe đạp “giả”. Xe Thống Nhất “giả” là nhiều nhất – bản thân cái xe thật nó cũng chẳng hề đẹp đẽ gì, sơn thì sần sùi, chữ “Thống Nhất” bằng sơn trắng phun nhòe nhoẹt qua cái lỗ đục thủng trên tấm bìa… nên các nơi người ta làm giả nhiều lắm. Phụ tùng gia công cũng nhiều, hồi đó các cơ sở sản xuất của Hà Nội khá nhiều và năng lực là ổn so với mặt bằng xã hội, nên phụ tùng “gia công” cũng nhiều.

Mấy bác nông dân ở dưới quê lên, chắt bóp được cục tiền gói trong cái khăn mùi xoa, mua được cái xe đạp óng ánh nước sơn, về nhà mà dám chở bao thóc đi qua đường tàu, khả năng gãy khung là rất cao…

Bây giờ công nghiệp cơ khí tư nhân của Hà Nội vẫn sản xuất ra được những cái xe đạp như thế, thậm chí còn không được như thế, mà hầu hết các cơ sở sản xuất đã chết gần hết.

Hồi đó cứ mỗi ngày Chủ Nhật là một ngày đông đúc kinh khủng. Rỗi rãi mà ra ngồi ở cửa nhà thôi, thấy đủ các thành phần kéo đến. Đông nhất là đội thương binh buôn xe đạp rởm. Thỉnh hoảng họ đánh nhau, náo loạn của khu phố, bà con chạy toán loạn… đó là những người thương binh của cuộc chiến tranh vừa chấm dứt được một chục năm – khi mà cả xã hội khó khăn đến cùng cực, việc gì cũng phải làm miễn là có đồng tiền để nuôi thân và nuôi gia đình. Ngoài thương binh thật, cũng có thương binh giả, cựu chiến binh giả, ăn mặc như thật. Chỉ mãi một thời gian vài tháng đổ ra, quen mặt quen tên, mới biết ông nào là hàng giả, ông nào là hàng thật.

Có một ông chuyên mặc bộ đại cán “dạ tá”, đeo kính râm màu nâu, xách xà cột bộ đội, chân gỗ chân thật đi tập tễnh… nhưng lại là tay trốn lính, chưa bao giờ đi chiến đấu ngày nào cả mà mới bị tai nạn ở quê sau ngày Thống Nhất, nhưng trông thì giống hệt hàng thật, người ta vẫn gọi là “thiếu tá” một cách rất mỉa mai. Có ông khác thì tóc bạc da mồi, đeo kính trắng, người ngợm tay chân cực sạch sẽ, đi dép nhựa trắng Tiền Phong, bút máy nắp vàng trên túi áo, xách túi vải bạt chỉnh chu… nhưng khi viết giấy bán xe đạp thì chữ xấu như ma đầy lỗi chính tả… người ta gọi ông này là “vụ trưởng”. Hai ông “thiếu tá” và “vụ trưởng” này làm mưa làm gió, bán được vô khối xe đạp rởm nhờ cái vỏ bọc hoàn hảo.

Đầu chợ chỗ Phố Huế, là khu vực của đội bán quần áo cũ, quần áo xách tay, đồ Jeans Thái Lan… cũng có những phức tạp riêng. Nay khu vực này đã được chuyển ra… ga Hàng Cỏ.

Cùng kéo về làm ăn ở chợ Giời là đội ăn cắp, móc túi. Mãi về sau này còn có bọn cờ bạc bịp nhưng thường chỉ làm ăn được một thời gian, rồi chúng cũng đi đâu không rõ. Dần dần, bọn ăn cắp ở chỗ khác đến, biến mất như kết quả của một sự sàng lọc tự nhiên. Bọn bên đê Vạn Hoàng sang, ngoài Trần Khát Chân đã đuổi chúng đi chỗ khác, chỉ còn lại bọn “bản xứ”. Bọn này mình nhẵn mặt, toàn dân cùng khu cả, nhiều đứa học cùng, nhiều đứa học dưới lớp… hàng ngày nhìn thấy nhau, rồi ai sống cuộc sống của người ấy, thế thôi.

Bà con buôn bán cố định thì dễ quen mặt, họ bán ở các sạp và hầu hết là hiền lành. Toàn đồ cũ, thuận mua vừa bán… nhưng tất nhiên, buôn bán là phức tạp, bao giờ chẳng có người nọ người kia.

Những năm 1990 là những năm hoàng kim của Chợ Giời, đất nước mới đổi mới. Khu chợ trở thành trung tâm buôn bán hàng hóa của cả Miền Bắc, với các loại nguồn hàng: thanh lý từ các kho của Nhà nước, hàng của dân lao động xuất khẩu từ Đông Âu gửi về… đây là thời của lũ thanh niên như mình, đã mua được hàng, là thắng, thời “đánh hàng địa chỉ”. Rồi sau đó đến thời của đồ “nội địa”, hàng “bãi”, hàng “cáy” do các tàu viễn dương khuân về Hải Phòng rồi Cửa Lò… cứ là hàng đống “đồ bãi rác”. Hình thành mối quan hệ khăng khít giữa Chợ Giời Hà Nội và Chợ Sắt Hải Phòng. Đồ thì được gửi lên Hà Nội, đồ thì lại được gửi xuống… Bây giờ thì Chợ Giời đã đi xuống một cách khá rõ ràng, nhưng các nhà một thời buôn bán, có của có nả… đều cho con đi học, nhiều đứa đi học nước ngoài “bằng tiền”, bây giờ phần nhiều cũng tàm tạm cả. Những đứa học hành không được, nghiện nghập cũng có… thì đã biến mất đi đâu đó, không thấy mặt nữa.

Quay lại với ông “thiếu tá” để kết thúc chuyện Chợ Giời. Có một bác khách cao to, tóc bạc, ăn mặc xơvin (mình viết “xơvin” với nghĩa là “dân sự” chứ không với nghĩa “bỏ áo trong quần” như sau này nhiều người hiểu nhầm), mua được cái xe đạp Thống Nhất. Đi ra đến đầu chợ, phát hiện ra thế nào đó, quay lại nói chuyện phải quấy với “thiếu tá”. Chắc trước đó có trao qua đổi lại kiểu “Bác cũng là cựu chiến binh à, tôi trước đơn vị nọ đơn vị kia đây… Vầng, anh em đồng ngũ với nhau làm ăn uy tín bác yên tâm mua xe…”. “Thiếu tá” chối bay, cho rằng bác cựu chiến binh ra đầu chợ tráo xe khác, mặc dù số khung vẫn trúng phoóc… Bác cựu chiến binh nổi cáu, đứng dậy quát “Ông dám lừa tôi hả? Bây giờ ông muốn gì? Trai thành Nam đây!” và bẻ ngoéo cái chân gỗ của “thiếu tá”. Bà con ngồi lặng thinh, không ai can thiệp, vì ai dại gì can thiệp vào chuyện lừa lọc bao năm ngay của “chàng”. Cuối cùng thì “thiếu tá” trả lại tiền cho “trai thành Nam”, lấy lại cái xe khung đã rời ra và lắp lại chân gỗ, trèo lên, đạp biến thẳng…

Chợ Rồng Nam Định
Hai. Trai thành Nam. 
Đi học đại học, gặp nhiều bạn các tỉnh về. Mình thì cứ hợp là chơi, không quan tâm đến bạn có nguồn gốc xuất xứ ở đâu…

Có một cậu, à mà chính cái cậu trong bài “Cái cốc”, dân ngoại thành Thành Nam, lại rất thích soi “giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa”. Cậu hỏi thế anh quê ở đâu, mình khai lằng nhà lằng nhằng, nào gốc thì ở Hà Nội, cụ cố nội bị Pháp truy nã sao đó, dạt về quê gần nhà chú ấy, nên bây giờ vẫn khai ở đó… cậu nghe một lúc, rồi hả hê kết luận “tưởng anh Hà Nội gốc, hóa ra cũng không gốc”. “Ừ thì tao có gốc gác gì đâu, nguồn gốc bình dân, con nhà nghèo ở thành phố… mà suy cho cùng thì dân Việt Nam ta ai chẳng có nguồn gốc từ… nền văn minh lúa nước!”.

Với mình thì “thành Nam”, “thành Vinh”, “Phòng”, “tỉnh Đông”, “xứ Đoài”… chơi được hết.

Nhưng phải công nhận, anh em các tỉnh, thì “Trai thành Nam” và “Trai Hải Phòng” là nghênh ngang nhất – các bác Thành Nam và người dưới Phòng đừng vội nóng mặt nhé, thật cả đấy ạ! Hội Thanh Hóa hay “trai thành Vinh” như thế nào mình không nhớ, chứ hội Nam Định và Hải Phòng cũng khá “gấu”, cũng hay đánh nhau. Mình không hiền, nhưng ngoài giờ học thì bận đi làm, đến học thì ít giao du, khép kín và hơi thu mình, nên ít được chú ý, nhưng thấy kể “chuyện nội trú” thì các “hội tỉnh” này đều khá nhiều chuyện. Tất nhiên, nhiều chuyện nhất vẫn là “trai dưới Phòng” và “trai thành Nam”.

Cái cậu G. bây giờ làm Sở tư pháp Hải Phòng, lên Hà Nội học mang theo cả một niềm tự hào thành phố hoa phượng đỏ. Cái gì là đồ nội địa cũng tốt, chứ không như cái đồ mới trên Hà Nội. Một niềm tin vững chắc, mãnh liệt… và không chỉ một mình G. mà nhiều người Hải Phòng mình tiếp xúc đều như vậy cả. Nhưng G. lại là một bạn rất tốt, nhiệt tình và hồn hậu… lúc mới chơi thì chưa nhận ra, càng về sau, càng rõ. Dần dần, những suy nghĩ “nội địa” của cậu ta giảm dần rồi chẳng ai để ý đến nữa. Cả cái anh bạn “thành Nam” kia cũng vậy, dần dần chơi thân và chẳng để ý đến gốc gác gì nữa.

Bây giờ mọi thứ đều phát triển, nhất là về truyền thông… dần dẫn có vẻ những suy nghĩ “nội địa” đã không còn nhiều như trước đây nữa. Nhưng hồi đó, mình chơi với mấy anh bạn Hải Phòng thân đến mức được gọi một cái tên rất “trìu mến” là “Serguei Chợ Sắt” (chứ không phải Chợ Giời) – một thứ tình cảm rất “hoa phượng đỏ”…

Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa. Tấm đầu do mình chụp bằng máy phim, năm ngoái. Tấm sau lấy ở trên mạng.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây và tại đây

No comments:

Post a Comment